Thứ Bảy, 23 tháng 2, 2019

Thơ xướng-họa: chủ đề: Rằm Tháng Giêng/ Các tác giả: Trầm Vân, Mai XThanh, Như Thị, Duy Anh

Họa thơ của Duy Anh:
      Nguyên Tiêu Buồn

Tháng Giêng xao xuyến mộng thi nhân
Ánh nguyệt vàng rơi nhẹ trước sân
Thương lúc đời xiêu hồn lữ thứ
Nhớ ai tình lỡ cánh phù vân
Mưa chờ gió lả cây mòn nhánh 
Nắng đợi mai buồn cúc héo thân
Mấy độ Nguyên Tiêu lòng mãi gọi
Người xa biền biệt ngậm ngùi xuân
        Trầm Vân


RẰM THÁNG GIÊNG 
"ĐẠI LỄ RẰM THƯỢNG NGUƠN"
( Qua Thơ "Rằm Tháng Giêng" - DUY ANH )

Nguyên Tiêu ước hẹn gặp tình nhân
Trăng rụng nơi thềm tỏa sáng sân
Tha thiết uyên ương về dưới nguyệt
Vấn vương đôi bạn bước thanh vân
Dâng hương tử sĩ tàn hơi... biển
Rót rượu vong linh mất xác... thân
Khấn nguyện siêu thăng hồn tuẩn tiết
Cầu xin thượng hưởng chút quà xuân...(!)

Mai Xuân Thanh
Ngày 14 Tháng Giêng
(Nhằm ngày 18/02/2019)


     CẢM NGUYÊN TIÊU
Vén mây trăng lội xuống trần
Soi thềm dân dã lạy rằm tháng giêng
Ký ức xưa cứa niềm riêng
Cắn tay không máu* nguồn thiêng đâu rồi

Chừ đây nhiễm thói học đòi
Rượu thơ rủng rẻng ngâm mời Hằng nga
Nguyên tiêu rống tiếng gọi là
Vo câu thơ hội bút ca tụng vần

Thơ đường ,lục bát lần khân
Bước đi chập chững cúi nâng thi đàn
Lom khom vịn cửa thơ rằm
Phong tục Bắc thuộc ngàn năm hiện tiền**

Biệt phủ đài các quan viên
Nhiễm lây giải hạn cửa Thiền dâng sao
Cứ ngỡ rằng hội thanh cao
Đâu ngờ thơ nấu chiên xào nguyên tiêu

           Như Thị

Chú thích:
*Tục ngữ Trị Thiên: giêng hai cắn ngón tay không chảy máu
(Đói rét máu đông)
**Ở Trung Hoa, Tết Nguyên Tiêu là Tết Thượng Nguyên, hay Tết Trạng nguyên, ngày xưa là dịp nhà vua hội họp các Ông Trạng để thết tiệc và mời vào vườn Thượng uyển thăm hoa, ngắm cảnh, làm thơ. Theo sách Trung Hoa, lễ Thượng Nguyên không phải là một ngày lễ Phật. Tết Nguyên Tiêu (rằm tháng giêng, đêm rằm đầu tiên của năm mới) được coi là ngày lễ thiêng liêng nhất đầu năm mới và còn được gọi là “Lễ hội đèn hoa” hoặc “Hội hoa đăng”, có thể bắt nguồn từ tục cúng tế thời Hán Vũ Đế, với tập tục trưng đèn trên cây nêu trước cửa nhà, đốt đèn, chơi lồng đèn ngũ sắc, có thể kéo dài từ 13 đến 17 tháng giêng. Những lồng đèn có hình thù rồng phượng 12 con giáp hoặc những nhân vật cổ trong truyền thuyết được yêu chuộng


Xướng:
    RẰM THÁNG GIÊNG

Rằm tháng Giêng về luyến cố nhân
Ánh vàng bát ngát tỏa ngoài sân
Quê nhà phảng phất hồn thanh nguyệt
Đất khách mơ màng mộng bạch vân
Mấy độ Mai chờ mòn mỏi cánh
Bao mùa Cúc đợi héo tàn thân
Nguyên Tiêu nhớ tiếng dương cầm ấy
Người hỡi nơi nầy lặng lẽ Xuân...

Duy Anh
Florida 02/19/2019




Không có nhận xét nào: