Lưng Chừng Dốc Đời
Chuyện viết bằng tưởng tượng, để tặng người tôi quen, còn
hay mất, trong những ngày lang thang trốn buồn ở Đà Lạt 1970
Cũng để tặng đám bạn cùng khóa QGHC, cùng vào tù và cùng
làm đời lại từ đầu sau 1975
Trời Tùng
Nghĩa buổi sáng, sắp giữa trưa mà sương vẫn còn giăng giăng một màu đục nhạt, không mù mờ
lắm, có chút nắng sáng ở phía nào đó lưng chừng, từ mấy ngọn đồi cao xa xa lùa
về, qua khung cửa sổ phi cơ, cũng còn thấy được người qua người lại đâu đó, lưa
thưa ngoài hành lang dãy nhà chờ đợi của phi trường Liên Khương. Xuống chuyến
bay sớm từ Sài Gòn ra, vắng khách, khỏi cổng, nhìn qua bên kia, cạnh một gốc
cây thông cao rậm lá, Cần, anh tài xế, đang đứng nói chuyện với ai đó, thấy
Khiêm, lật đật băng qua đường, mặc cho mấy chiếc xe lô ta- xi đen bóp còi in
ỏi, Cần nắm lấy túi xách, cười trừ vả lả “ông
phó ông phó”, thời cuộc dạo này, không mấy yên ổn lắm, nhất là sau ngày mất
Tân Cảnh Dakto, Ben Het Lệ Khánh bắc Kontum rồi di tản bỏ Đức Cơ Lệ Minh tây Pleiku
giữa hè 1972, ra Tuyên Đức, về nhận chức vụ Phó quận trưởng quận Đơn Dương chưa
“nóng đít” thì tin từ người dì, ở Cần
Đước nhắn lên, mẹ đau nặng, phải vào nhà thương tỉnh cứu cấp, bệnh tình xem ra
có phần nguy kịch, được phép đặc biệt gấp, trung tá Hậu, hối thúc Khiêm sắp xếp
đi cho sớm, chuyện ở quận ông sẽ giao lại cho bác trưởng ban công vụ lo liệu
vài ngày, may mà mấy chuyến bay, đi về Đà Lạt Sài Gòn của hảng hàng không Việt
Nam vẫn còn như thường ngày, nếu không đi xe đò không biết chừng nào mới tới, xe
chạy đường Đức Trọng Đơn Dương, lúc có lúc không, cho nên Cần, là lính nghĩa
quân, nhà ở xã Đạ Ròn, cách quận lỵ không mấy xa, chi khu cho qua gác văn phòng
quận hai ba năm nay, còn trẻ, chừng hai mươi ngoài, ăn nói dễ thương, vui tính,
học hành trễ, lỡ dỡ, rớt tú tài một gì đó rồi thôi, được sự đồng ý của trung tá
Hậu, Khiêm đem Cần qua làm tài xế kiêm cận vệ, vài hôm sau ngày nhận chức, Cần
“nhứt định một hai khi ông phó trở ra”,
sẽ lái xe jeep đến đón ở phi trường rồi hai người tắt về Thạnh Mỹ, quận lỵ, qua
con đường đất đỏ ở ngã ba Liên Hiệp, nơi có con suối nhỏ chảy dọc về ngang qua bên
hông chợ Tùng Nghĩa.
Vừa kịp đến chỗ xe đậu, mưa tới bất chợt, từng mảng lẻ loi, lất phất,
Cần nhanh nhẩu giới thiệu Nhu, em bà con, làm y tá ở trạm y tế xã nhà Đạ Ròn, trên
người khoát cái áo len màu hồng phấn, khá đẹp, tóc đen tuyền chấm tới vai, đứng
chờ từ khi nãy, giờ này xe đò về Đà Lạt không còn nhiều, phải chờ hơi lâu, cô
cũng về tới ngã ba Liên Hiệp, nghe Cần lăng xăng xoa tay, tả oán “mình cũng về ngang đó, nên em bảo cô ta
chờ, thôi ông phó cho cô quá giang làm ơn, để cô chờ cũng tội, vả lại mưa tới
nơi rồi”, Khiêm tức cười gật đầu, Cần kéo cái mui vải bạc màu xanh ô liêu,
dài ra, che kín băng sau thêm đôi chút, Nhu khép nép lên, nhìn ra phía trước, nói
nhỏ “dạ cám ơn ông phó”, xe chạy khỏi
Tùng Nghĩa một khoảng xa, Khiêm nhìn qua, Cần vừa lái xe vừa gục gặc đầu khoan
khoái. Xe ngừng bên lề đường, trước sân căn nhà sàn gỗ cũ mái tôn, nằm cheo
leo, thoai thoải trên cái dốc nhỏ chạy dài xuống con suối phía dưới không xa,
Nhu xuống xe, một lần nữa nói tiếng “cám
ơn ông phó” rồi đi vô, đám con nít của mấy căn nhà bên cạnh, túa ra, chỉ
chỏ chiếc xe jeep, nói nói cười gì đó, xe chạy khỏi ngã ba về Đơn Dương rồi, Khiêm
tò mò quay lại, Nhu vẫn còn đứng ở ngoài cửa nhìn theo.
Xế trưa, trên đường từ K’Đơn về, sau khi họp với hội đồng xã về chuyện
tìm người thay thế bác hội viên, từ nhiệm vì lo dời về Lâm Đồng, Khiêm ghé thăm
nhà Cần cho biết và cũng nhân đó, tạt qua chào hỏi nhân viên bên trụ sở xã Đạ
Ròn, cách Thạnh Mỹ không xa bao nhiêu, cái xã mà từ ngày về đây tới giờ, anh
chưa có dịp tới mặc dù đã có gặp hai ông xã trưởng và chủ tịch hội đồng xã hôm
bàn giao nhận chức. Xe ra khỏi trụ sở xã, Cần lái chậm, chỉ tay về phía bên kia
đường, nằm lọt giữa hàng thông cao rậm lá, là trạm y tế, Cần cười cười “ông phó nhớ cô Nhu không, cái cô quá giang
về ngã ba Liên Hiệp đó, thôi sẳn đây mình quẹo vào chơi rồi về”, cũng bẳng
khá lâu, hơn hai ba tháng gì rồi, thấy trời còn sớm, không có mấy ngày nắng tốt
như hôm nay, thêm nữa, xem ra Cần có vẻ muốn vậy, Khiêm gật đầu, Cần nhấn ga
mạnh hơn, trên xứ lạ “Ai hát giữa rừng
khuya ” này, “thêm bạn bớt thù” bề
gì thì cũng tốt hơn là cứ nơm nớp sợ “ma
trành ma xó”, nhân viên trạm có chừng ba bốn cô, Nhu là người đang tạm “xử lý thường vụ” trưởng trạm, chờ trên
quận tìm người, thấy Khiêm, ai nấy xem ra đứng ngồi ngay ngắn giữ lễ, Khiêm rão
một vòng quanh sân, Nhu khép nép đi bên cạnh, hỏi qua hỏi lại dăm câu, Cần đứng
huyên thuyên gì đó với mấy cô khác ở một góc sân, thỉnh thoảng nhìn theo, gục
gặc đầu che miệng cười, ra về, Nhu theo tận xe tiễn, giọng e ấp dịu dàng “cám ơn ông phó ghé thăm”.
Hôm xuống trạm y tế Đạ Ròn, thăm một trong mấy người trưởng ấp người
Thượng của xã, bị quân du kích Việc cộng phục kích, khi dẫn toán nhân dân tự vệ
đi tuần đêm khá xa ngoài rừng thông, giáp ranh xã Ka Đô, vết thương ở đùi,
không nặng lắm nhưng cần băng bó vài ngày, gặp lại Nhu, lần này cô có vẻ tự
nhiên và nói nhiều hơn, ba bốn người đàn bà Thượng, ngồi chờ ờ hàng ghế bên
cạnh cửa ra vào, thấy Khiêm gật đầu chào, ai nấy lật đật đứng dậy, cười đáp lễ
hai tiếng “ông phó”, Cần không thấy
đi theo sau, mà loanh quanh nói qua nói lại, nhỏ to gì đó với Nhu, thỉnh thoảng
cả hai lén nhìn về phía Khiêm khi anh đang hỏi han ông trưởng ấp trên giường
bệnh ở góc phòng trong, trời cũng đã trưa, không còn ai chờ, Khiêm chào mấy cô
từ giã, Nhu đi theo bên cạnh ra xe, bên trong có tiếng ông trưởng ấp vọng ra “cám ơn ông phó tới thăm tôi” thì cũng
là lúc Khiêm quay qua cô nàng cười “cám
ơn Nhu và mấy cô đã lo cho ông trưởng ấp mấy bữa nay”, Nhu khẻ gật đầu,
không nói gì, rời trạm y tế Khiêm theo Cần về nhà ăn cơm trưa, cũng để làm quen
với gia đình anh ta sớm hơn như đã hứa.
Ba mẹ Cần, gốc Huế, vào Đà
Lạt lập nghiệp từ lúc lấy mới lấy nhau, ông bị tật ở tay phải và chân đi hơi khập
khễnh, không học hành nhiều nên lam lũ tay chân đủ việc ba bốn năm, rồi về Đạ
Ròn, mở một tiệm buôn bán tạp hóa nhỏ, lấy hàng từ Tùng Nghĩa, Lâm Đồng, không
giàu có nhưng cũng “đồng ra đồng vô”,
nuôi gia đình, Cần còn hai đứa em một trai một gái, đứa học Bùi Thị Xuân, thằng
kia Trần Hưng Đạo, hỏi ra thì, bác gái, mẹ Cần là chị của ruột mẹ của Nhu, Cần
cũng học Trần Hưng Đạo, Nhu cũng Bùi Thị Xuân, anh thi rớt tú tài một, xin vào
lính nghĩa quân cho gần nhà thay vì đi hạ sĩ quan Đồng Đế, ôm mộng học thêm,
kiểu thí sinh tự do nhưng chưa “khăn gói
trường thi” lần nào, dì của Cần, tức là mẹ của Nhu, có chồng là người
thượng gốc Ra Đê, được đồng hóa sĩ quan cấp úy, khi bỏ hàng ngủ FULRO về với
quân đội VNCH, phuc vụ tiểu đoàn Địa phương quân Tuyên Đức, không may bị tử
thương trong những năm 1963, Nhu đậu tú tài một, nhưng gia cảnh không khá, mẹ
một mình vất vã nuôi ba bốn miệng ăn, em còn nhỏ, nên xin vào học khóa y tá do
ty y tế Tuyên Đức tuyển, rồi được bổ xuống Đạ Ròn hơn hai năm nay, theo Cần nói
lại, hình như cũng đang học hành gì đó để thi tú tài hai, nghe lời chị, mẹ của
Cần, và với số tiền bà giúp, vốn trước biết may vá chút đỉnh, mẹ Nhu dọn ra ngã
ba Liên Hiệp, cất tạm bợ căn nhà sàn nhỏ ngay cạnh sát đường đi Đà Lạt, ngó qua
khu trồng bông cải trắng súp – lơ của ai đó, nhận may quần, sửa áo lặt vặt cho
người trên xóm dưới, đứa em gái vừa đi học vừa học may, do khéo tay nên không
bao lâu cũng đã phụ được, quần áo đặt may, bà con vừa ý, ai nấy cũng tới, thay
vì phải xuống dưới Tùng Nghĩa chi cho xa xôi, gia đình giờ xem ra tàm tạm đủ
cơm ăn áo mặc, đi làm trên Đạ Ròn, chỗ ăn chỗ ở ngay trong trạm y tế, lại gần
nhà Cần nên đở lo, hai ba tuần đón xe đò nhỏ, chạy đường Đơn Dương Tùng Nghĩa,
ngã Liên Hiệp về thăm mẹ thăm em cũng đủ vui lắm rồi.
Gần Tết, lấp xấp tàn đông, nhưng trời cao nguyên này vẫn cứ sương mù giá
rét, nắng cũng có đó nhưng lại “về mau đi
sớm”, suốt mấy ngày liền, ngày nào cũng vậy, cứ tới khoảng ba bốn giờ chiều
là người hâm hấp nóng, khó chịu chừng hai ba tiếng đồng hồ rồi thôi, đôi khi ho
hen nhưng có lần lại khạc ra chút máu, ban đầu cứ nghĩ là bị “cảm gió trái trời” gì đó nhưng cuối
cùng chịu hết nổi, đành phải qua gặp anh Lân, bác sĩ trưởng chi y tế quận, khám
tới khám lui, ông cho biết Khiêm nám phổi nhẹ, phải chích thuốc “streptomicine” năm sáu ngày mới khỏi
bệnh, để lâu không tốt, hôm sau Lân sẽ đi phép cả tuần nên chích ngay cho Khiêm
một mũi ngày hôm đó, đưa thêm năm sáu hủ nữa, Khiêm đem về, tùy ý, muốn chích ở
bệnh viện quận hay nhờ ai cũng được, Lân
nhắc tới nhắc lui, cười cười, nhớ phải “lo
chích thuốc cho đủ nghe ông”, trở lại văn phòng, chưa kịp ngó qua mớ giấy
tờ trên bàn, nghe bên ngoài có tiếng Cần dạ dạ gì đó, thì trung tá Hậu đẩy cửa
bước vào, hai người nói qua nói lại chuyện bệnh tình ra sao cũng như việc chích
thuốc năm sáu ngày, trước khi bỏ ra cửa, vừa đi vừa quay lại, Khiêm theo sau, trung
tá Hậu gục gặc đầu “yên tâm đi, tôi sẽ
giới thiệu người chích thuốc cho ông, người này gặp, chắc chắn ông chịu liền,
hoa khôi của quận nghe, trong quận mình, hổng dễ gì được cô ta để mắt tới đâu”,
cả hai cùng cười, Cần đứng ngoài sân nhìn vào, không nghe gì nhưng cũng cười
theo.
Ngồi trong văn phòng nhìn ra,
ngoài sân còn đôi chút nắng hiếm hoi của những ngày cuối đông, trời vừa quá xế
trưa, rừng thông xanh lá loáng thoáng sương mù, chợ quận vắng tanh, lác đác năm
ba cô gái Thượng, cúi đầu bên nhau đi, về hướng Đạ Ròn, gùi trên lưng không
thấy nặng, mấy con chó hoang nhà ai đó, mệt nhọc, chán nản nhìn theo, chiếc xe
đò cũ kỹ chạy về Ban Mê Thuộc nặng nhọc ở lưng chừng dốc đường, phun khói màu
sương, không thấy người lơ xe, đánh đu phía sau như ngày thường, thấy Khiêm
đứng bên cửa sổ, mấy anh lính nghĩa quân thay giờ gác đi ngang, cúi đầu chào “ông phó” rồi hấp tấp bỏ đi, khuất sau
dãy chòi canh, cuối cổng rào chi khu quận đâu đó, Nhu không còn đến chích giùm thuốc,
nhưng hình như Khiêm thấy ngày qua ngày, mình cứ “ngóng ngóng chờ chờ” cái gì đó, Khiêm bỗng dưng thèm còn nghe được
mấy tiếng “ông phó ráng giữ gìn sức
khỏe”, thèm tiếng máy xe Honda nổ chầm
chậm ngoài sân rào, thèm tiếng ai đó trả lời người lính gác “dạ em đến chích thuốc cho ông phó”, từ một chút nhớ để mà quên nào đó của những năm
tháng cũ, cảm giác bây giờ không khác gì của buổi đầu , cái thèm để nhớ, ngày
Khiêm và Hằng quen nhau trong sân trường tỉnh năm đệ nhất, hai người có nhiều
và thật nhiều “con đường tình ta đi hay
vắng con tàu sân ga buồn héo hắt”, nhưng cái bằng tú tài hai mà Khiêm có
được, sau mùa thi thức trắng chong đèn, không đủ, để giữ lại cuộc tình đầu, vui
buồn như nhau, chỉ vì ba tiếng “con nhà
nghèo”.
Nhớ tới Cần, Khiêm cười một mình, sau khi trung tá Hậu ra về hôm đó, Cần
không cần “vòng vo tam quốc” cho
Khiêm biết, người mà trung tá nói chính là Nhu, chứ không ai khác, anh sẽ nhờ
Nhu xuống chích thuốc cho, cô ta không dám từ chối đâu, chuyện này chuyện nhỏ
mà, từ Đạ Ròn xuống quận lỵ không hơn ba cây số, đường đi tương đối khá yên, ít
khi có du kích địa phương quấy rối như mấy xã xa khác như Tu Tra, Ka Đô, Quảng
Lập, nên chạy xe Honda cũng chẳng bao lâu, nhân viên xã lên xuống đi về hà rầm,
đúng như lời trung tá Hậu, Nhu đẹp thật, cái đẹp của hai giòng máu “kinh thượng”, đêm nằm một mình, chập
chờn không ngủ trọn, không phải vì tiếng súng, tiếng bom đâu đó mà vì sự náo
nức chờ lần chích thuốc hôm sau, Nhu cũng không khác gì hơn, sau mấy ngày gặp
mặt, giờ cứ thấy buồn vu vơ, có cái gì đó “nhung
nhung nhớ nhớ” là lạ trong nuối tiếc “phải
chi hay ước gì”, đêm cũng dài hơn những ngày tháng trước, chờ sáng nhưng
chờ để mà đứng bên khung cửa trạm, nhìn
hướng quận lỵ xa xa trong màn sương, ở đó, có gì không, chỉ có mỗi một mình Nhu
biết, mấy cô làm chung thì thầm, thấy mà thương, tụm nhau cười “à thì ra vậy”.
Chiều ba mươi tết, “phố núi” vắng tanh, mai rừng không
thấy nhiều, lưa thưa vàng đâu đó ở vài ba ngã đường, người qua người lại hối
hả, vội vã đi về làng trên buôn dưới, văn phòng đóng cửa, nghỉ tết vài ngày, Cần
lái xe Honda tới đón Khiêm về nhà, ăn bữa cơm cúng rước ông bà với gia đình như
anh ta đã mời từ mấy ngày trước, cả nhà xúm xích lăng xăng tiếp đải, hỏi han
hết chuyện này tới chuyện nọ, câu nào mở đầu cũng “một ông phó hai ông phó”, Cần cho biết, Nhu đã về Liên Hiệp chiều
hôm qua, ăn tết, nhờ anh gởi tặng Khiêm, cụm hoa Lan rừng vàng tím mọc trên
miếng vỏ cây, do chị bệnh nhân người Thượng có chồng đi rẫy trên rừng tìm giùm
như là món quà tết, ra về, cả nhà theo ra đứng trước cửa, mẹ Cần nhìn trời nói
trống không “tiếc quá phải chi có con Nhu
ở đây thì vui biết mấy”, Khiêm nhìn bà cười mà không nói gì, chở Khiêm về
lại quận, Cần nhìn cụm hoa Lan Khiêm cầm trên tay, tủm tỉm “có thêm nó, ông phó đở buồn ”, rồi chạy
xe đi, không buồn quay lại, chợt Khiêm buột miệng “hoa đẹp mà người cũng đẹp”, Khiêm đem treo cụm hoa Lan trên tường
bằng ván, nơi căn nhà anh ở, nằm xế ngoài phía góc rào chi khu, đằng sau dãy
giao thông hào, ngay cái bàn viết, bên cạnh cửa sổ ngó ra chợ quận, nhiều khi
ngồi một mình nhìn, anh tự cười thầm vì đã có lần chợt mơ một chút đời “Bích Câu Kỳ Ngộ”.
Rồi, không lâu sau, dưới cái nắng chiều nấn ná chưa đi, thỉnh thoảng người
ta thấy Khiêm ngồi nói chuyện bên Nhu trước hiên nhà, ngoài góc sân, chiếc xe
Honda đầy bụi đỏ như phấn một mình nằm yên, chờ chủ và cũng từ hôm đó, Khiêm không
thường ăn cơm chợ, sáng nào như sáng nấy, trên Đạ Ròn xuống văn phòng quận làm,
lúc nào Cần cũng khệ nệ tay xách tay mang, nào cơm nào canh hai bữa, cái thì mẹ
nấu cái thì em Nhu. Họ có nhau với ngần thương yêu giản dị đó, cô nữ sinh Bùi
Thị Xuân ngày nào, giờ đã có đôi, không còn lẻ loi một mình, bước vội bước vàng
trong những chiều mưa mù sương trên phố cao, quên rồi, không còn lầm lũi đếm
từng cành thông gãy vụn nằm, trơ trọi cô đơn bên lề con dường dốc đầu chợ Hòa
Bình, Đà Lạt có Nhu có Khiêm, cũng “thác
Cam Ly hồ Than Thở”, cũng “Đồi thông
hai mộ, thung lũng tình yêu”, cũng tách cà phê nóng ở “cà phê Tùng”, bên nhau ngồi nhìn hạt bụi sương rơi, lăng tăng trên
đám hoa “păng-xê” rực tím một màu dọc con đường Phan Đình Phùng ngoằn ngoèo,
quanh co đồi dốc, mơ chuyện ngày mai, nhiều may hơn rũi như những người yêu
nhau khác, ở đây, người quen bạn bè mỗi khi nói về ông phó Khiêm, không ai quên
tên cô ý tá Nhu của trạm y tế Đạ Ròn.
Cuối tháng hai, một lần nữa,
nhận điện tín từ Long An đánh ra, mẹ Khiêm bệnh cũ tái phát, nặng hơn, đã đưa
vào bệnh viện tỉnh, xem ra có thể không xong rồi, buổi sáng Cần xuống văn phòng
quận, lái xe đưa anh xuống Đạ Ròn, báo tin cho Nhu biết, phải về Long An vài
ngày, hẹn gặp lại, dặn dò Cần vài chuyện, rồi đi Tùng Nghĩa, lần này có thêm
nửa tiểu đội nghĩa quân quận do lệnh của trung tá Hậu theo hộ tống, trước khi
đi, trung tá Hậu có vẻ buồn buồn, bảo với Khiêm, “ông phó ráng lo chuyện nhà, xong xuôi rồi trở ra, không gấp gáp gì
đâu, nhưng tình hình chiến trận xem ra không ổn, có thể có nhiều chuyện xảy ra,
nếu có gì ông phó liệu mà lo thân, đi đường cẩn thận, hôm nào gặp lại mình nói
chuyện sau”, hai người tiễn nhau bằng cái bắt tay lành lạnh, đám lính ngồi
chờ trên xe lặng thinh nhìn, xe chạy ngang ngã ba Liên Hiệp, nghĩ ngợi mông
lung, quá khỏi nhà mẹ Nhu rồi mà Khiêm còn hỏi Cần “đã qua chỗ đó chưa”, khác với lần trước đi về hồn trống không, lần
này, Khiêm cảm thấy đời bỗng vui, có hình bóng Nhu bên cạnh, từ trên phi cơ
nhìn xuống, phi trường Liên Khương nhỏ dần rồi mất hút giữa màn rừng sương dầy
đặc, cô tiếp viên tươi cười chào, Khiêm đáp lại cũng cùng nụ cười nhưng lòng
dường như có chút gì đó buồn man mác.
Đầu tháng ba, bộ tư lệnh B3 Bắc Việt, tung quân cắt đứt đường 19 ở phía
đông và tây Pleiku, Kontum, rồi đường 14 ở Ea H’Leo, đường 21 ở đông Chư Cúc,
sau đó chiếm đèo Thượng An, Chư Sê, Thuần Mẫn, Đức Lập, Ban Mê Thuộc bị cô lập
hoàn toàn từ ngày 9 tháng 3. Ngày 11 tháng 3, thị xã Ban Mê Thuộc mất trước sự
tấn công dữ dội của sư đoàn 10 và 316 Bắc Việt, việc cố gắng tái chiếm Ban Mê
Thuộc của quân đội VNCH không thành công, giữa tháng ba cao nguyên di tản, quân
lính dân chúng hàng hàng lớp lớp, ùn ùn, gồng gánh, bồng bế bỏ Kontum, Pleiku,
Phú Bổn theo đường số 7 xuôi nam, VNCH gần như mất toàn bộ các tỉnh cao nguyên,
rồi tiếp theo đó, miền Trung, các tỉnh dọc biển cũng bỏ ngõ, miền nam nhốn
nháo, hổn loạn, tin mất hết tỉnh này tới tỉnh kia nghe từng ngày một. Đà Lạt,
Tuyên Đức, Đơn Dương Đức Trọng cũng chịu cùng chung số phận, trường Võ Bị Quốc
Gia VNCH di tản, dân chúng ùn ùn, dắt díu theo quốc lộ 20 dẫn về ngã ba Dầu
Giây ra quốc lộ 1, xuôi quốc lộ 27, băng đèo Ngoạn Mục về Lâm Đồng Phan Rang.
Khiêm về kịp lúc đưa mẹ mình lên bênh viện Chợ Rẫy trên Sài Gòn nhưng,
bà không qua khỏi lần này, hai ngày sau bà qua đời, cảnh nhà đơn chiếc, may mà
có anh bạn khóa trên, vốn chơi với thân “chè
chén bạc bài” từ những ngày ở nội trú trong trường, đang là phó quận Cần
Đước chạy đôn chạy đáo, kêu người trên quận, người dưới xã phụ một tay, đem bà
chôn gần bên mộ của ba mình, ở khoảnh đất cao, ít cỏ hoang trong cái nghĩa địa
gần chợ quận, còn bà dì ở Cần Đước, nên Khiêm cũng đở lo phần nào chuyện mồ mả
vì đời rồi sẽ “rày đây mai đó”. Khiêm
trở ngược lên Sài Gòn mấy ngày sau, khi nghe tin Ban Mê Thuộc mất, mấy tỉnh cao
nguyên không còn nữa, quân đội VNCH gần như tan hàng ngoài đó rồi, dân chúng
trùng trùng điệp điệp chạy nạn vào nam, đường phố Sào Gòn, chen chúc người và
người, cái nắng tháng ba ở đây vốn đã nóng giờ thêm hơi người, lại càng nóng
gay nóng gắt, lính tráng súng đạn, khắp đường xa ngõ gần, đằng đằng sát khí,
thiên hạ hớt hãi, rục rịch tính chuyện bỏ đi, chợ búa dân chúng tụ nhau “bàn ra tán vào” hơn là mua bán, Khiêm
chạy hết bến xe này tới bến xe kia, mấy lần lên tới được Xuân Lộc rồi không đi
thêm hơn nữa, quân sự đoàn 18 phối họp cùng số quân từ hai quân khu ngoài về,
dàn trận chờ địch, làm vòng đai phòng thủ cho Sài Gòn, lội bộ, băng đồng, người
vào Nam trên đường, chật kín không có chỗ cho người ra Trung, không đêm nào ngủ
trọn, thức vội thức vàng, khóc thì không khóc nhưng lòng cứ đau nhói, quặn thắt
mỗi khi nhớ đến Nhu, sau mấy lần không thành, Khiêm mượn chiếc xe Honda của bà
chị thằng bạn cùng khóa ở cư xá Lữ Gia vài ngày, nắng bụi mặc trời, ngày qua
ngày, sáng nào cũng chạy lên tới cả ngã ba Dầu Giây, điểm cuối cùng của quốc lộ
20 từ Đà Lạt về, gậm bánh mì nguội, uống nước nhà người, lầm lũi hỏi thăm hết
nơi này tới nơi nọ, chạy “bán sống bán
chết” tới bất cứ chỗ nào có đoàn người di tản vào tạm ở, tìm tìm kiếm kiếm,
mệt mỏi, rã rời, không được gì cả, Khiêm cứ đi lên đi xuống như vậy cho tới
ngày Xuân Lộc mất, hôm đem trả lại chiếc xe Honda thì gia đình bà chị quen đã
theo chiếc tàu nào đó bỏ đi rồi.
Chi khu Đơn Dương bỏ trống, quân lính VNCH không còn ai, quân cộng
sản, xe tăng đại pháo, rầm rập tràn xuống, từ hướng tây nguyên, trong đó có Ban
Mê Thuộc, hướng về miền biển, súng vẫn còn nổ , họ nã đạn đại bác tầm xa tới nhiều
chỗ, trong rừng cũng như trên các quốc lộ, với mục đích tiêu diệt những nhóm
nhỏ quân VNCH còn kháng cự và chận đường dân chúng bỏ chạy, lần cuối gặp trước
cửa văn phòng quận, khi tới gỡ lấy cụm hoa Lan treo trong phòng của Khiêm mà
Nhu đã tặng cho anh ta, theo lời Nhu nhờ, luôn tiện lấy luôn tấm hình Khiêm
chụp bán thân đen trắng lúc ra trường trên bàn, về đưa lại cô ta giữ, quân lính
không còn ai, phần lớn đã rút đi theo trung tá Hậu từ tối hôm qua, ông chán nản
bảo Cần “liệu mà tính đi sớm tốt hơn,
mình thua thiệt rồi”, súng đạn quân trang quăng vứt bừa bải khắp đầu chợ cuối
đường, không ai hỏi ai, cũng như dân chúng ở đây, cả nhà Cần nhập theo đoàn
người hối hả bỏ Đạ Ròn, Cần để gia đình đi trước, anh chạy tìm Nhu, trong trạm
y tế, mấy cô làm chung không thấy ai, bên trong phòng băng bó, hai ba chị người
thượng tay ôm gùi, đứng chờ, Nhu đang thay băng và rửa vết thương khá lớn ở bàn
chân của một bà cũng người thượng, bị trúng mìn trên rẫy, không đi được, nằm ở
đây mấy ngày qua, họ thản nhiên nhìn ra đường, không có vẻ gì lo lắng, riêng
người bị thương chân, chắc chắn là ở lại vì không có cách gì lội bộ, Nhu chăm
chú làm việc mình, thỉnh thoảng ngó ra ngoài, cụm hoa Lan và tấm hình “ông phó Khiêm” cũng còn nằm trên bàn,
bên cạnh cái túi xách lưng lưng đồ đạc gì đó, Cần nôn nóng hối thúc.
Nhu cứ chậm rãi coi như không có gì, dù vậy cũng ngừng tay một chút,
bước qua bàn sửa tới sửa lui túi xách, nhỏ nhẹ bảo Cần đi trước, cô sẽ theo sau
ngay, anh đành bỏ đi ra, không quên nhắc nhớ mau lên, tiếng đạn đại pháo, tiếng
xích xe tăng của quân cộng sản giờ nghe nhiều, dồn dập hơn và gần hơn, đoàn
người phía sau lên, cho biết, đã có người chết trên đường, bộ đội cộng sản, còn
mang cây lá rừng Trường Sơn ngụy trang đã xuất hiện lác đác xa xa phía sau, Cần
đi chậm, cố ý chờ Nhu, vừa qua khỏi đầu chợ xã, đạn đại pháo rớt nổ long trời
hai ba chỗ phía dưới, khói bụi mờ mịt
pha nặc mùi thuốc súng, dân chúng trên đường hớt hãi, kéo nhau chạy tán lạng vào
hai bên mé rừng thông, người ta bảo có một trái trúng ngay vào trạm y tế, Cần
quýnh quáng chạy ngược trở lại, trạm y tế bị sập gần hết, lửa còn cháy âm ỉ,
trước sân, không xa ngay trụ cờ, tấm bảng sơn đỏ hàng chữ “trạm y tế Đạ Ròn” rớt ngã nằm nửa trên nửa dưới, nơi cái hố lớn
như hố bom sâu màu đất đỏ. Cần khóc thét “trời
ơi, Nhu ơi, em ơi”, nhảy xuống, xác Nhu nằm co quắp người bên dưới, máu rĩ
ra, từ lòng ngực, nhuộm đỏ cái áo trắng y tá mà cô thường mặc, mắt nhắm nghiền,
mặt vẫn còn tươi, cái túi vải xách theo, mở tung ra, cụm hoa Lan đè lên cánh
tay lấp xấp đất phủ, tấm hình đen trắng của Khiêm, rách một phần ở góc, nằm
chênh vênh bên cạnh đầu, nước mắt ràng rụa, sướt mướt, một lần nữa, Cần khóc
thét to hơn, hai tay ôm lấy đầu, ngã quỵ xuống “trời ơi Nhu ơi, em ơi, ông phó ơi”. Đi ngược lại giòng người chạy
nạn, ông già Thượng, gầy còm, đẩy chiếc xe đạp cũ mèm, rĩ sét, chất hai ba cái
bao cát xanh áo lính đầy khoai mì tới, ông lắc đầu, nhìn xuống, tiếng đạn đại
bác vẫn tiếp tục nổ đây đó trên đường, Cần đau đớn nhìn lên, hai người không ai
nói ai, lặng lẽ khiêng xác Nhu lên khỏi mặt hố, rồi cũng lặng lẽ chôn nó cùng
cụm hoa Lan và tấm hình Khiêm, dưới gốc cây đầu của hàng thông sau trạm y tế,
ông già lâm râm thì thầm trong miệng, ngước lên trời, rồi lên xe, đạp bước ngã
bước nghiêng về hướng rừng, Cần vừa khóc vừa lấy cây trụ rào sắt, đào huyệt khi
nãy, khắc sâu chữ Nhu cong queo trên một cành lớn một tầm tay với, đưa tay rờ
mặt đất đỏ một màu bụi xế trưa, Cần sụt sùi “anh đi đây, em ở lại bình yên nghe Nhu”.
Ở tù ra, Khiêm về Long An, khóc mẹ đôi lần, bà dì nghèo hơn trước, may
mà căn nhà nhờ bà dì giữ nên còn đó, anh cũng “khố rách áo ôm”chẳng giúp được gì hơn, “ăn hại là đằng khác”, nên
mấy bữa cúng trước mồ chỉ là hai ba vắt cơm khô chan muối mặn và mấy cây nhang
cháy đen mùi khói khét, rồi lần mò đón xe đò, quá giang xe hàng trở lên Đà Lạt,
theo ngã Tùng Nghĩa, căn nhà Nhu ở Liên Hiệp không còn đó nữa, giờ nằm cháng
dọc đường là một dãy phố dài, có rào có cổng, ở đó chỉ toàn là người lạ giọng
miền Bắc. Ngủ đêm ngoài bến xe ở Tùng Nghĩa, hôm sau lên Đơn Dương, bằng chiếc
xe đạp, nài nỉ mướn vài ngày của một anh bộ đội què chân, bán vé số, nẳm ngủ kế
bên, Khiêm lên tới Đơn Dương giữa trưa, cờ xí biểu ngữ đỏ màu máu suốt hai bên
đường, cái văn phòng quận ngày trước, cũng như cũ nhưng nước sơn lại còn mới
tinh, vịn xe đứng nhìn, Khiêm bỗng dưng muốn khóc, cái khóc “lối xưa xe ngựa hồn thu thảo, cảnh đấy
người đây lắm đoạn trường” của bà Huyện Thanh Quan, Khiêm kéo cái nón “tai bèo bộ đội” sờn vải bạc màu lau
mặt, nước mắt trộn mồ hôi mặn cay xé, vài ba anh bộ đội chở chất gì đó nặng
chình chịch, trên mấy cái xe đạp “Trung
quốc” đi qua ngang, hờ hững nhìn, Khiêm sửa lại nón, đẩy xe ra đường, gò
lưng đạp lên Đạ Ròn.
Nhà cũng còn đó nhưng cửa đóng then gài, người trong nhà đã đi lên rẫy
trên rừng từ sáng sớm, nghe tiếng người, chống nạng gỗ một bên chân cụt, Cần
bước ra, cánh cửa bật tung, quỵ xuống, Khiêm xô chiếc xe đạp ngã đùng trước
sân, chạy ào tới, hai người ôm nhau, chết trân, Cần sướt mướt “ông phó, ông phó, em Nhu chết rồi, ông phó
ơi”, Khiêm quặn đau khóc lớn “trời
ơi, Cần ơi”, nửa cái chân cụt còn lại run lên theo tiếng nấc từng đoạn, cái
nạng nằm chơ vơ một bên, nhìn kỹ gỗ đã mòn gần phân nửa, ngưng khóc, Khiêm đở
Cần đứng lên, trời giờ này vừa có chút nắng giữa trưa, lùa gió rừng và xuyên bụi
đỏ. Ngày bỏ Đơn Dương, sau khi chôn Nhu, Cần len đoàn người, bắt kịp ba mẹ, hai
đứa em, họ cũng nấn ná chờ, ai nấy khóc sụt sùi khi nghe tin Nhu chết, qua khúc
đường rừng quanh co, giữa Thạnh Mỹ và ngã ba Liên Hiệp, Cần đạp trúng phải mìn,
máu ra nhiều, chân bị gãy phần dưới đầu gối, áo quần lôi ra cột trên băng dưới
nhưng không khá hơn, cả nhà quyết định đi ngược lại, quay trở về nhà, dùng mớ
lá cây rừng theo bài thuốc của người Thượng chửa trị vết thương, từ đó họ cũng
không có tin tức gì về gia đình bà dì ở Liên Hiệp.
Khập khễnh chống nạng, Khiêm dìu một bên, Cần dẫn Khiêm, chậm chạp ra
chỗ hàng cây thông già, vẫn còn nguyên đó, chạy dọc con đường đất mới làm, cái
hố ở trạm y tế đã được lấp bằng, giờ là cái công viên nhỏ, cũng có mớ cỏ xanh,
lác đác vài bụi cây và lá hoa vàng tím, lắp gắn năm ba thứ đồ chơi trẻ con, mấy
chữ “cung thiếu nhi” đỏ lói trên vòm
cổng, đứng dưới tàn cây đầu, Cần chỉ cho Khiêm, chữ “Nhu” mà anh đã khắc trên cành thông ngày hôm đó, không rõ nét vì vỏ
cây khô đi, nhưng vẫn còn nhìn ra được, đất quanh gốc khô cằn, thiếu nước, hai
người ngồi bệt xuống, đưa tay rờ qua rờ lại trên mặt đất, Khiêm nghe hồn mình
chết lịm, nước mắt cứ tuôn dài, khóc không thành tiếng, Cần lập đi lập lại “ngay chỗ này, Nhu nằm ngay chỗ này, ông phó
ơi”, ngoài đường, hai ba người bộ đội, mang súng đi ngang, lơ đễnh nhìn
vào, nói với nhau gì đó, bỏ đi không buồn quay ngó lại.
Cần đứng sát, tựa vào gốc thông không
lâu, rồi lửng thửng trở lại nhà, Khiêm nhìn quanh nhìn quất, chợ xã vắng
người, ngắt vội năm ba cánh hoa dại trong đám cỏ bên rào “cung thiếu nhi”, gom lại làm bó hoa, cắm xuống, đưa tay mân mê,
vuốt từng hạt cát đỏ trên đất ngay chỗ đang ngồi, vừa nhìn theo Cần vừa thì
thầm “ngủ đi em, hảy yên nghỉ, Nhu ơi,
vĩnh biệt”. Từ giã Cần, hẹn sẽ có ngày nào đó gặp lại nhưng không chắc là
ngày nào và ở đâu, Khiêm đạp xe đi, tới lưng chừng con đường dốc, dừng lại bên
lề đường, nhìn hàng thông, căn nhà, Cần vẫn còn đứng chống nạng, tựa bên cửa, Khiêm
bật khóc, bóng Khiêm gầy guộc, ngã xuôi dài xuống hướng có Nhu đang nằm dưới
lòng đất, giữa cái nắng sắp tàn cận chiều, rồi cũng đành bỏ Đạ Ròn mà đi, mang theo
một nửa hồn đã chết đâu đó trên lung chưng dốc đời, kéo cái nón phủ kín, cúi
gầm đầu đạp xe lên dốc, một lần nữa, cũng có thể là lần cuối, nuốt vội giọt
nước mắt pha chút mồ hôi mặn, còn đọng lại trên môi, Khiêm nghẹn ngào nói thầm hai
tiếng “vĩnh biệt”.
Thuyên Huy
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét