Xem Mặt Đặt Tên
đàoanhdũng
Nguyệt San Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp
Số 360, tháng 8/2016
Cuối thu
2015, sau khi về hưu gần hai năm, nhờ ơn Chúa, vợ chồng chúng tôi thực hiện được
một trong những ước mơ của mình. Đó là du lịch đến Áo Quốc, xứ của âm nhạc, sinh
quán của bài thánh ca bất hủ Silent Night (Đêm Thánh Vô Cùng) và tập hồi ký The
Story of the Trapp Family Singers (Các Ca Sĩ Gia Đình Họ Trapp) được quay thành
phim đoạt giải Oscar, The Sound of Music (La Mélodie du Bonheur /
Giai Điệu Hạnh Phúc), không kể đến những nhạc phẩm cổ điển nổi tiếng của
Mozart, Strauss, Schubert...
Hôm ấy, đoàn
du lịch chúng tôi rời Budapest từ sáng bằng đường bộ nhưng mãi đến gần sáu giờ chiều
mới đến khách sạn NH Wien City nằm ở phía Tây thành phố Vienna. Lý do là dọc đường
chúng tôi ghé viếng hai nơi: Szentendre (Saint Andrew), một ngôi làng cổ của xứ
Hung, và kế đó là một thành phố nhỏ gần biên giới xứ Áo để dùng cơm trưa.
Bảy giờ rưỡi
chiều, sau khi nhận phòng và nghỉ ngơi chốc lát, chúng tôi tham dự buổi tiệc
"chào đón tân khách" dành riêng cho đoàn du lịch chúng tôi tại nhà hàng
của khách sạn. Đó là một buổi cơm chiều thịnh soạn với những món ăn đặc biệt,
ngon miệng của xứ Áo trong tiếng nhạc cổ điển êm dịu thật thoải mái. Nó gây
trong lòng tôi một ấn tượng thật đẹp với hệ thống khách sạn NH nói riêng và cho
xứ Áo nói chung. Tôi cảm thấy nôn
nao vì sẽ có dịp thưởng lãm những phong cảnh, di tích hữu tình và thưởng thức tại
chỗ âm nhạc tuyệt vời của Vienna vài ngày sắp tới. Vì thế, trước khi về phòng tôi
xin một tấm bản đồ thành phố miễn phí trên kệ và đi đến quầy tiếp tân để nhờ họ
đánh dấu địa điểm khách sạn trên bản đồ. Tôi quên rằng chỉ tốn một vài giây tôi
có thể hỏi cô Siri* chi tiết này trên chiếc iPad mang theo.
Khi ấy, quầy
tiếp tân đang vắng khách, chỉ có một cô nhân viên đang chăm chú đọc giấy tờ chi đó. Tôi tiến đến
quầy, mỉm cười, chào cô ta. Lạ thay, cô cau mặt với tôi và nói mình đang bận. Tôi
trả lời rằng tôi có một chuyện nhỏ cần cô giúp nhưng xin cô đừng bận tâm, tôi có
thể đợi. Chỉ một lát sau, cô ta ngẩng mặt lên, hỏi tôi cần điều gì. Sau khi
nghe tôi nhờ cô đánh dấu trên bản đồ thành phố vị trí của khách sạn, cô ta đưa
tay quẹt cây viết qua lại vài lằn dài, thật mạnh trên bản đồ. Cử chỉ của cô nhân
viên làm tôi rất đổi ngạc nhiên nhưng tôi cũng cố mỉm cười, nói rằng tôi chỉ cần
cô đánh một dấu chữ thập nhỏ là đủ rồi. Nhưng cô ta lại cau có, tiếp tục gạch
thêm vài lằn nữa. Thú thật, khi ấy tôi cảm thấy nóng mặt nhưng nhờ nhà tôi bấu
tay nhắc nhở, tôi quay đi sau khi nói với cô nhân viên ấy rằng, không sao, tôi
sẽ hỏi cô Siri trên iPad, cô ấy rất nhã nhặn!
Sáng sớm hôm
sau, nhóm bạn du lịch người Việt chúng tôi trở lại nhà hàng của khách sạn để dùng
điểm tâm. Ngạc nhiên thay, không khí thanh lịch của buổi cơm chiều hôm qua không
còn nữa. Vài chục khách người Á đông đang chiếm trọn phòng ăn. Họ ồn ào giành
chỗ ngồi, bốc hốt thức ăn trên các bàn buffet, gọi nhau ơi ới bằng tiếng
Quan thoại, nhờ vậy chúng tôi mới biết họ là người Trung Hoa lục địa. Cảm thấy
hổ thẹn vì có cùng một màu da với họ, chúng tôi quyết định ngồi đợi ở phòng khách.
Hơn nửa giờ sau, khi họ đã rời khách sạn, không khí mới trở lại bình thường. Lúc
ấy, tôi mới "ngộ" ra lý do cô nhân viên tiếp tân có thái độ lạ kỳ đối
với tôi vào buổi tối hôm trước. Cô ta đã "xem mặt mà bắt hình dong",
tưởng lầm tôi là người Trung Hoa.
o
O o
Ai đó nói
rằng, âm nhạc không những ở trong không khí mà nó còn thấm sâu vào mỗi viên đá ở
Vienna. Vì thế, sau một ngày thăm viếng danh lam thắng cảnh, tối hôm ấy nhóm bạn
chúng tôi cùng nhau đón xe điện, trở lại khu phố Wien, mua vé tham dự một buổi
hoà tấu, trình diễn âm nhạc cổ điển Mozart và Strauss ở lâu đài Palais Palffy,
nơi ông Mozart từng biểu diễn với bà chị Marianne của ông vào năm 1762. Bước vào
Figaro Hall, một thính phòng nhỏ gọn, tôi giật mình, muốn thối lui vì đã có một
nhóm người Trung Hoa ngồi đầy ở hai hàng ghế đầu. Không lẽ hôm nay là một ngày
xui xẻo à? Suốt ngày chúng tôi đã phải tránh xa các du khách Trung Hoa ở các nơi
thăm viếng. Họ rất ồn ào, vô trật tự,
tranh giành các chỗ đứng chụp ảnh, kể cả ở phòng vệ sinh. Nhưng lạ thay, nhóm
khán giả người Trung Hoa này rất lịch sự. Trước buổi hoà nhạc, họ nhỏ nhẹ cùng
nhau trò chuyện. Khi tán thưởng một màn trình diễn, họ không la ó mà
nhã nhặn vỗ tay. Vào lúc nghỉ giải lao, họ nhâm nhi ly rượu vang, ăn nói rất lễ
độ. Tối hôm ấy, chúng tôi đã có dịp thưởng thức một buổi trình diễn âm nhạc thật
tuyệt vời, trong một không khí ấm cúng, thanh tao.
Xem xong buổi
hoà nhạc, nhóm bạn chúng tôi tản bộ đến trạm xe điện, thong dong trong tiếng nhạc,
dưới ánh đèn Giáng Sinh dọc hai bên phố thật an bình. Không khí Giáng Sinh của
phố Wien, tuy nhộn nhịp nhưng trang nhã, khiến tôi nhớ đến buổi điểm tâm ồn ào
khi sáng ở khách sạn NH và tôi tự hỏi, phải chăng nhóm người Trung Hoa tôi gặp trong
hý viện là những người sống ngoài lục địa, không bị chủ thuyết "búa liềm"
tẩy não nên họ còn giữ được phong cách
"ngàn năm văn hiến" của cha ông họ để lại? Rồi tôi nghĩ đến cử chỉ của
cô nhân viên khách sạn buổi tối hôm trước và cảm thấy hổ thẹn khi nhận ra mình
cũng là một người "xem mặt mà bắt hình dong". Bỗng nghe đâu đó dòng
nhạc "Đêm Thánh Vô Cùng" thánh thót vang lên. Nhà tôi nắm lấy tay tôi
và hỏi:
"Lạ kìa,
mới đầu mùa Giáng Sinh mà sao tối nay họ phá lệ cho mình nghe bản Silent Night
rồi? Phải đợi đến đêm Noël mới đúng chứ!"
"Thì mình
cứ xem đây là một ơn Chúa ban vậy mà!" Tôi siết tay nhà tôi, trả lời và cùng
nàng bước đi trong tiếng thánh ca, lòng thanh thản khôn cùng.
đàoanhdũng
Hạ 2016
(*) Siri là một nhân vật ảo, người sử dụng
có thể hỏi trực tiếp các tin tức cần thiết trên iPhone và iPad.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét