55 NĂM NHỚ LẠI… (
bút
ký của LK Nhàn)
CHƯƠNG I
HUẾ NGÀY NAY –
Hồi Kinh, đồng môn tương ngộ (28 tháng 12 Năm 2014, ngày
HỌP-BẠN-ĐỒNG-MÔN cựu sinh viện Viện Hán Học tại Huế, nhân kỷ niệm 55 năm ngày
thành lập Viện Hán Học Huế ).
Cựu sinh viên Viện Hán Học Huế
ngày nay, số vị quá cố cũng khá nhiều, một số vị định cư ở nước ngoài. Cư ngụ
trong nước trãi đều khắp các tỉnh thành miền Nam , đa phần là ở Huế và các và các
tỉnh miền Trung. Tuổi đời “bé” nhất cũng đã là thất thập, có vài quý vị khóa 1
đã trên 80… Do vậy mà những lần tổ chức họp-bạn-đồng-môn rất khó khăn qui tụ cho
đông đủ được. Năm khóa học từ 1959 đến 1963 có trên 200 sinh viên mà mỗi kỳ họp-bạn thường chỉ được chưa đầy 50.
Tuổi già vấn vương, níu kéo… ký ức
một thuở nào trẻ trung tươi đẹp vụt thoáng qua, vuột mất. Thôi thì đành vậy,
như ly rượu cạn, như điếu thuốc tàn, cái còn lại ít oi chính là cái tinh chất đậm đà quý báu
nhất, tuyệt vời nhất. Thong thả ngồi lại gần bên nhau, những người bạn xưa cũ
kỷ mà bỗng ngời ngời rạng rỡ như thanh xuân thuở nào, nhắc-kể cho nhau nghe
những tâm tình ngày xưa chưa kịp hoặc chưa dám thố lộ cho nhau. Giờ dù chỉ là
chuyện của ngày qua nhưng bỗng nghe ấm lòng xôn xao cảm xúc!
Cố mỗi năm một lần họp-bạn, khi
tỉnh nầy lúc thành phố nọ, nơi có một bạn đồng môn nào đó đang cư trú. Ước muốn
thật đơn giản như vậy, nhưng thực hiện cho được thì chẳng giản đơn chút nào.
Trở ngại chính là vấn đề sức khỏe. Tuy nhiên, cái tinh-chất-đậm-đà-quý-hiếm còn
chút lại trong nghĩa tình đồng môn bằng hữu như có ma lực cuốn-kéo bước chân
vụng-dại-rẫy-run vì đa đoan bệnh tật… cố
“lết” (có những minh chứng y-như-vậy trong kỳ họp-bạn tháng 12-2014 vừa qua tại
Huế) nên liên tục từ năm 2010 đến nay, khi Saigon, lúc Bình Dương, Mỹ Tho, Vũng
Tàu… rồi Huế…, anh chị em cựu sinh viên Viện Hán Học đều nhiệt tình, cố gắng
tham gia vui vẻ. Lạ một điều là rất nhiều anh chị tuổi cao, sức rất yếu, ngày thường ở nhà con cháu chăm chăm săn sóc từng ly từng
tí, đến với ngày họp-bạn bỗng tự cảm thất khỏe hẵn ra, đi đứng, ăn uống, sinh
hoạt tập thể vui nhộn tưng bừng như chưa hề…
Chị Tôn Nữ Hiếu (K3) ở tuổi 73 mà vẫn duyên dáng với chiếc áo dài tím mộng
mơ, trẻ trung vui tươi phát biểu cùng anh em rằng “…Hiếu cảm nhận cái dẹp tinh
khiết của giọt nước long lanh bám trên chiếc lộc non tại sân vườn phủ Công chúa
Ngọc Sơn…” (nhà anh Phan Thuận An , nơi họp mặt tổng kết và tạm biệt
30-12-2014). Chị cũng thẳng thắng cho biết rằng “…chừ, nhớ và biết được hồi đó mình
có nhiều cái-đuôi-theo-Ngọ…Hiếu vui lắm lắm…” Điều nầy nói lên cái giá trị tinh
thần rất cao của những lần họp mặt bầu bạn hàn huyện tâm sự. Và có phải chăng,
cũng là phương thuốc quý giá vô cùng cho người cao tuổi chúng ta. Vậy nên,
thường xuyên họp-bạn anh chị em nhe!
Quý nhất là lần họp bạn đồng môn
tại Huế kỳ nầy có sự tham dự và chứng giám của nhị vị cựu Giáo sư Viện Hán Học: GS Nguyễn Văn Trọng và GS Nguyễn Hữu Châu Phan. Hai Thầy trẻ trung nhất của
thập niên 60 ở Viện Hán Học, nay tuổi đều đã vào hàng tám mươi. Còn quý Cụ-Thầy
ngày xưa nay hầu hết đều cỡi hạc qui tiên!
Hai Thầy dù có bệnh tật (đương
nhiên của người già) nhưng trông thần sắc còn tráng kiện lắm. Vẫn phong độ
complet-veston-cravat-giày da bóng lộn như ngày nào. Thầy trò già-như-nhau, cùng
bên nhau hát ca, hàn huyên tâm sự… nhưng tôn-ti vẫn đâu-vào-đó. Cái lề-nếp căn
cơ ở Viện Hán Học vốn được ví như chốn cửa-Khổng-sân-Trình thì làm sao “du di”
cho được. Chúng em Kính cám ơn hai Thầy. Cầu mong rằng Hai Thầy trường thọ để
chúng em còn có cây-đa-cây-đề mà nương tựa cho vững tâm.
Họp mặt
bạn đồng môn, ngày thứ nhất (28-12-2014): *vào buổi sáng tại Đảo
Bồng-Lai, ngay trên hồ Tịnh-Tâm, Thành Nội, Huế.
H.01*anh Phan Thuận An K1(nhà Huế học…)
trưởng BTC đọc bài phát biểu chào mừng
H.02*anh
Hoàng Đằng K2 đọc bài văn tế
“tưởng niệm quý Thầy cô và quý đồng môn quá
cố”
*Bài
phát biểu của LK Nhàn( đại diện KV Vũng Tàu) tại lễ Họp-bạn-đồng-môn…
Kính thưa quý Thầy Nguyễn Văn
Trọng, quý Thầy Nguyễn Hữu Châu Phan.
Kính thưa quý anh chị đồng môn
cựu sinh viên Viện Hán Học Huế,
Tôi là Lâm Khương Nhàn, cựu sinh
viên khóa 4 Viện Hán Học Huế.
Học hết năm thứ 3, năm 1965 Viện
ta bị giải thể, tôi rời Huế . Năm 1972 tôi có dịp trở lại Huế… theo diện công
tác (làm nhiệm vụ Thư ký Hội Đồng thi Tú Tài…), cho đến ngày hôm nay đây, ngày 28 tháng 12 năm 2014 mới thực sự là
lần về-nguồn đầu tiên của tôi sau gần tròn 50 năm xa cách (1965-2014)!
Ngần ấy năm của một đời người thì
quả thật… chẳng biết diễn đạt bằng ngôn từ nào để nói lên cho hết cái trăm-muôn-nghìn-thứ-chuyện-bể-dâu-cuộc-đời.
Nơi xứ Huế nầy, quý vị Thầy ngày
xưa, quý bạn đồng môn cũ…đang hiện hữu trước mắt tôi… lạ lẫm quá-quá đi thôi,
thực hư như lẫn lộn. Thầy Văn Trọng, thầy Châu Phan những vị trí thức trẻ trung
thanh tú đương thì tam thập, tứ tuần thuở nào…; quý anh chị đồng môn dáng anh học trò, vóc cô nữ sinh… hồn
nhiên xuân sắc… giờ đích thực đã đều là quý cụ ông, quý cụ bà uy nghi đường bệ. Và ngược lại, xứ Huế cỗ kính trong tôi, giờ lô-nhô đan xen những ngôi nhà cao
tầng, những nhà hàng, khách sạn, những đường xá thênh thang, những ô-tô, xe máy làm ồn ào, sinh động và trẻ
trung xứ Huế! Bể-dâu là thế đó chăng? Qui luật tự nhiên là phải như vậy đó
chăng?!
Mừng cuộc hội ngộ nghĩa tình nầy,
mà Thầy trò đều tuổi ngoại cổ-lai-hi. Quý hóa biết là bao, những gì còn lại sau
mọi sàng lọc nghiệt ngã của thời gian và sự thế. Thầy còn đây, bạn còn đây,
ngay xứ Huế thân yêu nầy! Kính trân trọng chào mừng quý Thầy, quý anh chị đồng
môn thương kính của tôi.
Tâm tình hạnh ngộ ôi vô cùng tận…
Kính thưa quý Thầy,
Kính thưa quý anh chị đồng môn,
Hôm nay, ngày 28 tháng 12, ngày
họp bạn đồng môn cũng là lễ kỷ niệm 55 năm ngày thành lập Viện Hán Học Huế,
đúng vào những ngày cuối của năm 2014… người người đang tất bật hoàn tất công việc của năm cũ để sẵn sàng chào đón
ngày Tết Tây, rồi Tết Ta cận kề,… tôi kính chúc quý Thầy, quý anh chị đồng môn
cùng gia quyến sức khỏe an khang và cuộc sống thật an lạc thịnh vượng .
Trân trọng kính chào.
*Buổi
chiều
*tiệc trên thuyền rồng xuôi dòng Hương Giang nghe hát chầu văn…
H.06 *thưởng thức chầu
văn trên thuyền rồng, xuôi dòng sông Hương…
H.07 *đoàn ca nhạc phục vụ trên thuyền rồng
Họp mặt
bạn đồng môn ngày thứ hai (29-12-2014)
Chương trình DU LỊCH ĐỘNG THIÊN ĐƯỜNG Ở QUẢNG
BÌNH suốt từ 05 giờ sáng kéo dài liên tục đến 21 giờ đêm.
Một
chương trình thật ấn tượng và cũng rất táo bạo mà chỉ có BTC xứ Huế mới “can
đảm” thực hiện.
Các bạn
thử hình dung, hơn 20 cụ ông, cụ bà đều ngoài bảy mươi, đủ thứ bệnh tật (cao
huyết áp, tiểu đường, gout,…) trải nghiệm một chuyến đi chơi đường dài (đi và
về hơn 500 cây số), ròng rã liên tục từ sáng đến tối bằng xe bus. Không những
thế, còn phải leo núi vài cây số, xuống động hàng 500 mét… Leo một đoạn,
túm tụm ngồi nghỉ, hổn-hển thở… chờ nhau, dìu nhau… Trông thân thương quá đi
thôi! May thay, như có “thuốc tiên” sao ấy mà quý cụ đều đi đến nơi về đến chốn…còn cảm thấy
vui-vẻ-trẻ-khỏe hẳn ra nữa kìa!.
H.08 *Đường lên Động
Thiên Đường
Sau
chuyến đi, mọi người mới nghiệm ra rằng “ý đồ” của quý “cụ đồ” xứ Huế cao thâm
thật. Những giây phút mệt-lữ-lừ đó, anh chị em đồng môn có nhiều-nhiều dịp (thời
gian) cận kề nhau, thăm hỏi nhau, săn sóc cho nhau, biết nhiều về nhau, thương
quý nhau thật chân tình hơn. Một thành công nhỏ mà ý nghĩa lớn lao vô cùng.
Một thành tích kỷ lục mà có lẽ rằng không một lần về-nguồn (họp bạn đồng môn
tại Huế, nơi có Viện Hán Học ngày xưa) nào nữa có thể tái thực hiện được ở cái
tuổi ngày càng cao như quý anh em đồng môn chúng ta đây.
Tôi xin
tỏ lòng khâm phục và thật lòng chúc mừng quý anh chị BTC xứ Huế.
H.09 *Bên trong Động Thiên Đường
Ngày thứ
ba (30-12-2014) họp bạn đồng môn
*Buổi
sáng: Viếng mộ
Thầy Phan Văn Dật và mộ Cha Thích.
Hôm qua du lịch Động Thiên-Đường, trở lại Thành phố Huế và dùng
cơm tối với nhau ở cửa Thương Tứ, kết thúc ngày thứ hai họp bạn, đồng hồ chỉ
đúng 20 giờ 30. Tạm chia tay, về chuẩn bị tham gia chương trình ngày thứ ba, cũng
sẽ là ngày sau cùng lần họp bạn đồng môn
kỳ nầy.
H.10 *LK Nhàn+TH Đào Huế du tháng
12-2014
May quá, sau 2 ngày mưa rả rích
kèm cái lạnh buốt đặc trưng của xứ Huế, hôm nay (30-12) trời quang, khô ráo hẳn
ra. Huế thơ mộng của tôi lộ diện. Tôi có dịp phấn khởi khoe với bà xã (tháp
tùng tôi trong chuyến Huế du nầy) rằng “…Huế của anh đẹp không nào. Công viên
xanh tươi, cầu Trường Tiền vại-nhịp thanh tú vắt ngang dòng sông Hương lững lờ,
lấp lánh gợn lăn tăn dưới nắng mai dịu nhẹ…” Từ khách sạn tản bộ hơn trăm mét
ra đến vị-trí-khoe-khoan nầy, phải chăng nhờ những bước chân vận động mà cái
lạnh rét của hôm qua bỗng vụt biến mất làm “em-tôi” quên luôn cái
lạnh-lùng-đáng-ghét mà 2 ngày qua em cứ cằn-nhằn-chỉ-trích(!), mà tôi thì cố
biện minh rằng, chúng mình may đấy, em ra Huế mà chỉ là những ngày trời nắng nóng, những cơn mưa thật to
rồi dứt ngay… như Miền Nam chúng ta thì đâu phải là Huế! Xứ Huế “giận-mà-thương”
là ở cái rét buốt, cái rả-rít mưa phùn… như hương vị “mắm” của người Trà Vinh,
Sóc Trăng vậy mà.
Một chiếc xe 16 chỗ đưa anh chị
em chúng tôi đi bái viếng phần mộ Thầy Phan Văn Dật và Cha Thích. Thay mặt BTC,
Trưởng đoàn là anh Nguyễn Mạnh Quy (K4). Anh Trưởng B TC Phan Thuận An (K1)
thường thì ở nhà điều khiển từ xa trong các tiết mục dã ngoại, có thể vì lý do sức khỏe, cộng
với những lo toan tổng thể cho kỳ họp bạn nầy từ mấy tháng nay làm tổn phí tâm
lực của nhà nghiên cứu cao tuổi lắm đa đoan. Anh Lý Văn Nghiên (K2), có lẽ là
thành viên năng động và tích cực nhất trong BTC, mà chức danh không ghi rõ, nên
tôi nói đùa, mạo muội “phong” cho anh cái-mác “quốc-vụ-khanh” trong BTC vậy.
Hôm qua suốt vài tiếng đồng hồ trên chuyến về từ Động Thiên Đường, nhờ anh Nghiên ca hát, xách động trò… mà các
cụ-ông-cụ-bà vui vẻ thoải mái… Ngoài tài đàn-ca-xướng-hát, Lý Văn Nghiên có cái
cung cách “galant” thật đằm thắm, thật lãng mạn, tự nhiên một cách rất dễ
thương, nhất là với “quý-bà-cụ.” Bà xã tôi thực tình khen rằng,“ …cử chỉ galant
của anh Nghiên làm cho cánh phụ nữ thấy mình còn được tôn quí nâng niu. Làm cho
cánh phụ nữ vui và cảm thấy mình trẻ trung lại như ngày xửa ngày xưa vẫn thường
được quan tâm chăm chìu…” Tôi thì thường bảo “ …có Lý Văn Nghiên mới thấy Huế…” Có
thể vì hết mình cho ngày hôm qua, hôm nay anh Nghiên “bể” rồi nên sáng nay vắng
anh.
Hôm nay chỉ 15 người tham dự, hầu
hết là các anh chị em cựu sinh viên trong Nam ra. Một số anh chị tối qua về
muộn còn uể oải, số khác là các thành viên tại Huế có rất nhiều dịp thường
xuyên lên thăm viếng mộ các Thầy nên vắng mặt.
Thầy Phan văn Dật thương kính của
tôi đây rồi không bằng hình hài văn
nhân tao nhã ngày nào, không còn lãng mạn
dệt vầng thơ đẹp như mơ:
Gió tung tà áo ghì không kịp,
Bẽn lẽn nhìn quanh, mặt đỏ gay.
…mà còn đây, thầy tôi, một nấm mồ
đá bám rêu xanh, bia đề rõ họ và tên Phan Văn Dật! ChắcThầy vui lắm, hôm nay
đây, các con, môn đồ dấu yêu… có cả những trò thật lâu lắm rồi, ở thật xa hàng
ngàn cây số và hàng nửa thế kỷ rồi mới lần đầu trở về đây kính thăm viếng Thầy.
H.12 *Kính viếng mộ
Thầy Phan Văn Dật ngày 30-12-2014
(từ
trái sang: LK Nhàn, TN Du. HT Thể, TN Hiếu, trưởng đoàn NM Qui, Ph An, D Lộc ).
Chỉ cách vài trăm mét, cùng trong
khu nghĩa trang của thành phố Huế, là nơi Cha Thích kính yêu của chúng tôi an
nghỉ. Trùng điệp là mộ. Những ngôi mộ xây đá tươm tất, đồng đều gần giống như
nhau. Thi thoảng, xa xa có xen lẫn vài ngôi nhà mồ bề thế, phân biệt khá rõ ràng… Thầy tôi, Cha
Thích chắc chắn rằng không nằm trong thành phần phô trương bề thế đó. Mộ Cha
Thích giản đơn và trùng giống hàng trăm, hàng ngàn ngôi mộ bình thường nơi
nghĩa trang nầy, Ấy mới là Cha Thích. Phần mộ cha nằm ở vị trí khá cao trên đồi
mà tôi nhìn thấy là một đồi cây thông. Một sự lựa chọn, hay là một sự xếp đặt
ngẫu nhiên mà trùng hợp về Cha Thích với một Nguyễn Công Trứ về cây thông
…kiếp sau xin chớ làm người
làm cây thông đứng giửa trời mà
reo….
Thẳng thắng như tính khí cha
Thích và những cây thông sừng sững trên đồi làm tôi ngất ngây đắm chìm trong
biết bao suy tưởng nhớ nhung về Cha, về những bài hát, câu vè, về những tiếng
vỗ tay vui tươi hồn nhiên như trẻ thơ mà Cha truyền nguồn cảm hứng và triết lý
sống thật lành mạnh, lạc quan cho chúng tôi cũng như hàng ngàn môn đồ của Cha…
H.13 * các môn đồ Viện Hán
Học viếng mộ Cha Thích tháng 12-2014
(đứng, trái sang: NĐ Vận , TN Du, LK Nhàn, TT Thể , TN Hiếu , NM Qui, P An, D Lộc, V Diên
Hàng ngồi: …Xê, …Hương).
Kính bái, tạm biệt hai Thầy, xe
đưa đoàn chúng tôi tham quan đền thờ công chúa Huyền Trân, môt khu di tích du
lịch vừa mới hoàn thành trong thời gian gần đây.
Mới 10 giờ hơn. Anh em về nghỉ
ngơi để chuẩn bị cho buổi họp mặt rất quan trọng, sẽ diễn ra vào lúc 16 giờ
chiều hôm nay: lễ tổng kết 3 ngày họp bạn
đồng môn và tạm chia tay…
Sáu tiếng đồng hồ khoảng trống
nầy tôi đã lên lịch trong chương trình Huế- du là về làng Nguyệt Biều thăm bạn Hoàng Trọng Dũng. Tôi trở lại Khách
sạn, thuê một xe gắn máy. Cô tiếp tân ân cần trao cho tôi tờ bản đồ du lịch Huế
nhỏ gọn bằng tờ giấy A4 được photo đen trắng mà tỉ mỉ rõ ràng lắm.
Tôi và bà xã đèo nhau, cẩn thận
chạy thật chậm theo con đường Lê Lợi hướng về phía Ga. Thời tiết rất thuận lợi:
khô ráo, se lạnh dễ chịu. Đường xá Huế bây giờ thoáng rộng, sạch đẹp. Mật độ xe
cộ thì cũng vừa phải như ở Vũng Tàu của tôi, chứ không đông nghẹt, đầy khói
bụi…và kẹt-xe như ở Sài Gòn. Hàng cây xanh cổ thụ dọc theo con đường Lê Lợi của 50 năm trước vẫn còn
nhiều, giờ càng rộng tỏa bóng mát rượi đan xen một số công trình kiến
trúc mới đồ sộ, sừng sửng cao nhưng đây đó vẫn tồn tại các tòa nhà, những ngôi
biệt thự cỗ. Khu giảng đường, tòa nhà Đại học thì được thay thế bằng tòa nhà khách
sạn Saigon Morin sang trọng choáng ngợp. Trường
Quốc Học vẫn còn y nguyên hình dạng và tên gọi. Trường nữ Đồng Khánh ngày trước
cơ ngơi không thay đổi nhiều, chỉ cái tên trường được đổi lại là trường PTTH
Hai Bà Trưng nên nghe hơi xa lạ. Công viên Nguyễn Hoàng dọc theo bờ sông
Hương xanh tươi mát mẻ và được nâng cấp
thoáng đạt và mỹ thuật hơn ngày trước. Nhiều câu-lạc-bộ. nhà hàng, các shop mỹ
nghệ tranh thủ đan xen hoạt động kinh doanh, nhưng không làm ảnh hưởng cảnh
quang Huế mơ.
Hồi xưa, con đường từ Ga dẫn về
làng Nguyệt Biều tên gọi là gì, tôi không còn nhớ rõ, bây giờ con đường ấy có
tên là Bùi Thị Xuân, rộng-đẹp và rất
hiện đại. Những dảy phố, những ngôi nhà tầng, tiệm quán, công ty, nhà hàng,
khách sạn chen nhau xóa sạch hoặc dìm dấu
ra phía sau những ngôi nhà rường cỗ kính cùng những mảng vườn cây trái
xum xuê của ngày nào.
Lạ quá, nhà máy vôi Long Thọ đồ
sộ ngày xưa trong ký ức tôi đó chăng, sao nhỏ bé hẳn lại! Bến xe Long Thọ ngày
nào giờ đâu chẳng thấy mà nhà cửa lô nhô chen chúc trên khoảng đất ấy. Không
sao tìm ra ngôi-nhà-ngoài của bác Hoàng Trọng Bộc (Ba của Hòang Trọng Dũng) hồi
đó nữa. Cổng rào bề thế, đường dẫn lát gạch Tàu đỏ au, và những bậc thềm đá tam
cấp phía sau nhà, ven bờ sông Hương ngày mười chín, hai mươi tuổi tôi và Dũng
tung tóe bơi lội, rồi đong đưa vẫy nước nhìn sang chùa Thiên Mụ bên kia
sông… nay còn đâu!
Không sao nhận biết để tìm vào
ngôi-nhà-trong của Dũng (bây giờ Dũng về an nghỉ tuổi già nơi đó). Tôi điện
thoại, Dũng cỡi xe máy ra đón vợ chồng tôi. Ngoằn ngoèo vài ba con hẻm xa lạ
quá. Gần đến ngôi nhà cũ, những khoảng vườn cây trái, những dậu-rào bằng cây xanh vẫn còn được chăm chút cắt xen như hồi xưa… gợi nhớ và bỗng thấy quen hẳn
ra, khi 2 cột cổng gạch cũ kỹ rêu phong ngày nào, nay vẫn y nguyên như vậy hiện
ra. Sân gạch Tàu rộng thênh thang. Sừng sửng ngôi nhà rường (nhà-trong) của
Dũng, cổ kính, uy nghi bề thế… khiến tôi nghe nao nao nhiều cảm xúc…
Cám ơn gia đình Dũng, qua bao
thăng trầm sự thế mà vẫn lưu giữ được ngôi nhà cha ông ngày xưa, để hôm nay trở lại Huế, tôi còn có được những mảng-hình-hài-cụ-thể của ngày xưa để nhà thương
mà nhớ.
H.14 *Nhàn+Dũng trước ngôi
nhà-trong của Dũng ngày 30-12-2014
- Buổi chiều : lễ tổng kết và chia tay tại nhà anh
Phan Thuận An
16 giờ 00, vợ
chồng tôi có mặt tại nhà anh Phan Thuận An, nơi đây cũng là Phủ thờ công chúa
Ngọc Sơn, vừa là một địa điểm du lịch văn hóa khá nổi tiếng của thành phố Huế.
Đã có mặt vài
anh chị đồng môn. Bàn tiệc được bày biện ngay khoảng sân trống trước gian nhà
thờ chính, cổ kính trang nghiêm. Những địa điểm chọn lọc cho quý cụ-đồ hội ngộ
tương phùng thật phù hợp tương xứng. Cảnh trí tuyệt vời. Cây xanh, hoa
kiểng được chọn lọc, xén tỉa công phu.
Đường ngang lối dọc, hòn non bộ, bờ cỏ, ao cảnh... tuyệt đẹp.
H.15 *phía trước đường
vào phủ thờ Công Chúa Ngọc Sơn.
Viết đến đây tôi có “thắc mắc” nhỏ gửi đến BTC bạn đồng môn xứ Huế… là tại sao quý vị không thêm vào chương trình lễ hội hôm nay tiết mục tham quan và vinh dự được ông anh cả, chủ nhân ngôi nhà (cũng là phủ thờ), nhà Huế học nổi tiếng Phan Thuận An thuyết minh dẫn giải… chỉ cần 01 tiếng đồng hồ trước khi lễ tiệc bắt đầu. Vì để viết cho chính xác phần nầy, tôi có lên mạng, gõ “ phủ thờ công chúa Ngọc Sơn…” không ngờ rằng, tài liệu và kèm cả hình ảnh thật phong phú, thật hấp dẫn về danh tích nầy.
Tôi còn được
biết thêm qua mạng, phu nhân của anh Phan Thuận An, là chị Nguyễn thị Sương đích
thị là cháu nội của phò mã Nguyễn Hữu Tiến (phu quân của công chúa Ngọc Sơn)…
“Bụt-nhà-chẳng-thiêng”
chăng, hay vì chủ quan tưởng rằng anh em đồng môn Hán Học ai cũng đều biết qua “cảnh-trí-nhà-anh-An?” Tôi
lần đầu biết qua nhờ buổi hội ngộ nầy, mà
mãi anh em tay bắt mặt mừng, kế tiếp là chăm chăm theo dõi lễ tiệc, trời
tối sụp mất, có thấy được gì đâu. Giờ qua trang mạng, vợ chồng tôi tiếc ngẫn
ngơ, tự nhủ rằng có đến Huế lần nữa, điểm du lịch tham quan đầu tiên của chúng
tôi sẽ là phủ-thờ-công-chúa-Ngọc-Sơn.
Bốn bàn tròn
lần lượt đầy kín. Đèn tỏa chiếu, ánh sáng vừa phải làm ấm cúng sân vườn phủ thờ Công Chúa vốn được cố tình bày trí mang “gam” trầm mặc sâu lắng. Hôm nay có thể
rộn vui hơn bởi những tấm khăn trải bàn trắng tinh tươm và những mặt đôn ghế
màu đỏ thắm… mà hơn thế nữa, những bốn mươi con tim thân tình cố cựu xích gần lại với nhau cùng hòa nhịp tương phùng.
Thầy Nguyễn Văn
Trọng, Thầy Nguyễn Hữu Châu Phan vẫn
nhận lời mời về đây cùng các môn-đồ-già-nua
của mình để cùng cố khơi gợi, níu kéo những ký ức đẹp ngày nào, nay còn
ít ỏi mong manh quá, và sẽ vụt tan-biến-mất bất cứ lúc nào…thật đáng kính quý.
Viết đến đây
tôi chợt nhớ, thật là thiếu sót nếu không giới thiệu qua về anh Trần Khánh Tiếu
(K3). Anh Tiếu là thành viên rất năng động và tích cực trong nhóm cựu sinh viên
Hán Học ở Huế ngày nay. Anh đã từng là trưởng BTC kỳ lễ hội họp bạn đồng môn,
kỷ niệm 50 năm thành lập viện Hán Học (1959-2009) mà thành công kỳ lễ hội ấy
anh em ai cũng còn ghi nhớ. Chính anh cũng là người hăng say dốc sức và giữ chân
phó BTC kỳ nầy. Việc không may, anh bị tai nạn giao thông vào tháng 9-2014,
đúng vào lúc kỳ lễ hội sắp đến ngày khai diễn. Từ đó anh phải gắn liền trên
chiếc xe lăn. Sức khỏe yếu, anh vẫn luôn lo lắng, theo dõi mong chờ ngày lễ hội
thành công. Đi lại rất khó khăn, thế mà ngày khai mạc và ngày tổng kết chia tay
anh Tiếu đều đến tham dự trên chiếc xe lăn. Rất cảm động và thán phục. Hình ảnh
anh Trần Khánh Tiếu họp bạn đồng môn trên chiếc xe lăn thật đáng trân trọng
biết dường nào! Hoan hô anh Tiếu.
H.17 *Anh TK Tiếu trên chiếc xe lăn, đến thật
sớm để chào đón đồng môn, ngày khai mạc 28-12-2014
Sau lời phát
biểu, cảm ơn của anh Phan Thuận An, đại diện BTC, anh An có quà tặng riêng tỏ
lòng tri ân hai thầy. Kế đến là quà tặng dành cho các anh chị đồng môn miền Nam vượt ngàn cây số về đây hội ngộ cùng nhau,
làm buổi lễ hàn huyên thêm đầy đủ và ấm cúng. Quà tặng là những tác phẩm văn
học nghệ thuật, những công trình nghiên cứu văn hóa mà tác giả cũng chính là
những cựu sinh viên viện Hán Học, nay thật nổi tiếng cả trong và ngoài nước… mới thật là ý nghĩa và đáng trân quý biết bao.
Tiệc ăn uống là
thứ, câu chuyện tâm tình với nhau mới là quan trọng. Tuy nhiên, không làm sao
bỏ qua được sự thán phục của mọi người
về cái chăm chút cố tình từ đôi đủa, cái chén và các món ăn thật đặc trưng và
gia truyền từ gia đình chính thống hoàng tộc chủa chị Nguyễn Thị Sương (phu nhân của anh Phan Thuận An), vốn là hậu duệ đích
truyền từ phò mã Nguyễn Hữu Tiến.
Và đừng tưởng
rằng quý “cụ-đồ” là cỗ hủ nhe. Một chương trình văn nghệ phong phú, xen lẫn
cùng các bài ca, câu chuyện kể, lời phát biểu… đủ thứ. Các cụ ông cụ bà bỗng
trẻ trung hẳn ra, ai ai cũng hào hứng tham gia. Một Lý Văn Nghiên, tay văn
nghệ cừ khôi có thể “ôm sân khấu” 2 giờ liền chẳng nhằm nhò gì, cũng đành
“thòm thèm” nhịn cho quý ông bà cụ được phần góp mặt.
Phu nhân của Lý
Văn Nghiên trình bày hay như một ca sĩ chuyên nghiệp. Nhìn bề ngoài cung cách “sống khép kín” như anh chị Phan
Thuận An mà hôm nay, trong hào hứng chị Phan Thuận An cùng chị Hồng (K5) bật dậy dìu
nhau ra sân gạch giữa bàn tiệc lả lướt khiêu vũ như thuở 20! Không ngờ, những
lúc họp bạn, hành xử công việc trong vai trò Phó BTC, bạn Nguyễn Mạnh Quy hiền
khô, nhỏ nhẹ, chậm rãi… mà tối hôm nay, cụ ông Nguyễn Mạnh Quy xuất hiện lên
diễn đàn, cầm micro ca nhạc thật trầm ấm, thật tình cảm lãng mạn, phong thái
lại sang trọng như quý ông tôi vẫn thường thấy trong các buổi dạ vũ… trên TV. Quy vừa cất tiếng ca một lúc, giọng nhịp quyến rũ, cuốn hút ngay những bước chân
văn nghệ lả lướt tưng bừng. Hôm sau tôi mới biết, Mạnh Quy tuổi 74 rồi nhưng
rất còn phong độ, hiện đang là chủ nhiệm một câu lạc bộ khiêu vũ dưỡng sinh ở thành phố Huế!
Thầy Nguyễn Văn
Trọng đến với lễ tiệc hôm nay mang theo môt bọc giấy to. Thầy cho phát mỗi cựu
sinh viên chúng tôi 1 tờ A4 pho to 2 bài hát ngắn quen thuộc “tạm biệt”, một
nguyên văn bằng tiếng Pháp, một là bài dịch ra tiếng Việt. Bài thứ 3 là bài
Cùng-nhau-nắm-tay.
Thoắt cái đã
gần 20 giờ đêm. Thầy Trọng lên diễn đàn nói vài câu ngắn gọn chào mừng, chúc,
hẹn… với các môn đồ của mình và ngay sau đó, chính Thầy cất giọng, bắt
nhịp… Thầy trò cùng đứng lên, vừa vỗ tay, vừa ca hát theo Thầy. Anh Lý Văn
Nghiên giọng trầm mà to, khỏe phụ với Thầy xách động anh em cùng hát to lên
thật vui vẻ. Bịn rịn giây phút chia tay, nhưng nhờ lời ca tiếng hát tập thể mà
mọi người quên đi lần tái ngộ có còn thực hiện được nữa hay không ở cái tuổi
thầy trò đều đã vào hàng thất thập, bát thập hết rồi!
Đã trọn vẹn cùng đồng môn 3 ngày vui vầy hội
ngộ, xong phần quan trọng nhất trong chuyến Huế-du kỳ nầy của vợ chồng tôi.
Chương trình du-lịch-Huế sẽ tiếp diễn cho
đúng lịch trình tôi đã soạn sẳn:
1/-Ngày 31-12-2014, tôi đã đăng ký Tours du lịch trong ngày :
Huế-Đà Nẵng-Sơn Trà-Hội An ( từ 05 g00 đến 20 g 00)
2/-Ngày
01-01-2015, tôi đã đăng ký Tours du-lịch-Huế-trong-ngày(từ 05g00 đến 16g00)
thăm thú các lăng tẩm vua nhà Nguyễn và đại nội, hoàng thành…
*Buổi chiều, tranh thủ kết thúc Tours sớm,
trước đó tôi có hẹn mời chiêu đãi các bạn cựu sinh viên cùng K4 với tôi (thêm 2
đàn anh trong BTC là anh Lý Văn Nghiên và anh Trần Khánh Tiếu) nhân dịp hội ngộ
và đón mừng Tết Dương Lich 2015 tại nhà hàng Ngự Uyển, số 01 Nguyện Huệ, TP
Huế.
3/- Ngày 02-01-2015 chúng
tôi mua vé Tàu Hỏa về lại SaiGon (mục đích là được ngắm cảnh trên chuyến tàu gần 20 tiếng đồng
hồ, suốt các tỉnh thành và đồng quê miền Trung hơn ngàn cây số.).
Và chúng tôi đã thực
hiện chương trình đúng y như vậy . Một chuyến Huế-du thật mỹ mãn ý nguyện.
CHƯƠNG II
HUẾ THUỞ XƯA
…Huế là duyên / Lai Kinh du học ký ( Ngày thành lập Viện Hán Học Huế :1959 /
Ngày LK Nhàn nhập học Khóa 4 năm 1962 / Ngày Viện Hán Học bị giải thể và LK
Nhàn tạm biệt cố đô Huế : 1965 ).
Ảnh (1) – bìa quyển đặc san
55-NĂM-NHỚ-LẠI
H.18 * ảnh bìa đặc san
55-NĂM-NHỚ-LẠI….
Vũng
Tàu, ngày 23 tháng 9 năm 2014.
Lâm Khương Nhàn, cựu SV K4 Viện Hán Học
Huế Vũng
Tàu, ngày 05 tháng 02 năm 2015.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét