Thứ Hai, 16 tháng 2, 2015

Chào Jennifer, Buổi Sáng - hồ - ngo,c


            Chào Jennifer, Buổi Sáng   

  Là thành viên của nhiều hội đoàn, vậy mà không hiểu sao riêng nhóm Tr.học Kiến Phong chuẩn bị họp mặt  là bụng dạ mình  cứ nao nao. Mà có phải chi hội của cá nhân mình cho cam, hội của bà xả mà, mình chỉ là người đóng vai phụ, ăn có, ăn theo, kiểu con ghẻ, kèm trẻ. Cũng lại hổng hiểu sao trong bụng cứ thấp thỏm và bắt đầu chuẩn bị nhảy lô tô rồi nhảy lò cò trông cho mau chóng đến... Lạ nhỉ?! Phải chăng khi gặp lại bạn của vợ mình, thầy cô của vợ mình, trường lớp của vợ mình, mình lại nhớ những ngày xưa thân ái có thằng con trai dựng chiếc xe đạp trước cổng trường chờ giờ tan học chiêm ngưỡng  những tà  áo trắng có mái tóc dài đen nhánh tỏa nhẹ bay bay sau lưng, tay cầm cặp sách lách nhanh qua chiếc cổng hẹp. Ồ là lá, sao quá đẹp, quá dễ thương cái tuổi trăng tròn mộng mơ  của người nữ 16, mưòi bảy bẻ gãy sừng trâu, mới chớm biết huơng vị của yêu đương, của dậy thì. Thời gian ấy của năm xưa, có thể gần nửa thế kỹ, mà cứ ngỡ như hôm qua, hôm nay.


Đã có ý định làm reo không chịu cho vợ hớt tóc, vậy mà khi nghe vợ hăm he – anh mà cứ để tóc dài, không cho em hớt, là kỳ này họp mặt tại nhà Cô Thầy Ân là anh khỏi đi. Lệnh ngắn gọn, dứt khoát, đưa ra trong thế bí của chồng, cho nên đành phải biết nhắm mắt vâng lời, để cho nàng tự do biểu diễn những đường tông đơ điện lã lướt trên cái đầu bạc trắng! Hớt xong, nhìn trong kiếng không thấy cái đầu bạc bác học(!) của mình nữa, mà là những thửa ruộng thấp thấp cao cao của đồng bào trên đồi núi sapa đầy đủ những sọc rằng, lổm chổm! Để cái đầu như thế này mà đi phó hội được sao, ai nhìn, ai ngó, ai xem, ai chiêm ngưỡng kỳ công thứ tám của thế giới? 
Nhu cầu đẻ ra sáng kiến, lục ra trong đống đồ áo cũ moi ra cái béret nĩ đen lâu ngày  mốc meo mọt nhai gián cắn, đội lên, ngụy trang cái đầu hớt không được khéo! Khi đội nó vào, suy nghĩ, sao mình không bắt chước anh Đạt Lý ủi trọc đầu luôn cho tiện,  khỏi phải thấy những lượn sóng  nhấp nhô của  vùng biển trời Oceanside! Có mái đầu trọc, xem vậy mà hay, theo như lời anh Ẩn ở Mỹ Ngãi than tiếc ước gì lúc trẻ đừng lấy vợ mà... đi tu, bây giờ không những lắm tiền (bá tánh cúng dường) ăn, còn có  táo nho, ngủ, có máy điều hòa không khí, đi đâu có thị giả theo hầu, và một lô bà già trầu theo chầu luôn miệng bẩm thiền sư, tâu đại đức, kính bạch thầy v..v.. Không nhớ cụ Trần Tế... thịt, tế gân, tế mỡ, tế gầu hay tế Xương gì gì đó đã tiên đoán thời cuộc tương lai..., rủng rĩnh sư có lọng, và cối ngồi molotova sao. Sở hữu một cái đầu trọc, không tóc cũng hy vọng hưởng được ân huệ vượt thoát, là nếu có gặp cảnh sát chận đường phạt sao không ngừng xe ở bảng stop, hay công an giao thông bắt xe chở quá tải hay chở đồ lậu thì họ chỉ túm những kẻ có tóc, ai nỡ bắt đi những kẻ... trọc đầu. Thêm cái thú này nữa là nếu mình làm chủ  một cái đầu trọc, xong ngồi lọt lòng và dựa lưng giữa hai chân người khác phái để nàng tìm bắt con chí đực (thật ra đó là chí cái bởi có cái bụng chang bang), lâu lâu lấy tay xoa xoa  cái đầu láng cón xem có sợi tóc ngứa  nào vô kỹ luật lú đầu lên là lấy nhíp ra, nhổ ngay, hốt ngay, hốt liền. 
Thấy ba bốn cái khoái vửa kể trên nghe cũng ham lắm, cũng thích quá nhưng ngặt nỗi, đầu dượng ba tui đâu được tròn vo đều đặn như đầu Yul Brynner. Cái đầu của tui nó lép lẹm một bên nên hồi còn đi học cours enfantin, cours préparatoire hay lớp đồng ấu dự bị chi đó, tụi học trò đặt cho một biệt danh  là ... thằng đầu cá trê! Được cái đầu cá lóc nó còn tròn tròn, xem ngồ ngộ, đầu cá lóc còn có dính chút thịt,  có thể nấu canh chua húp lấy nước nhậu lai rai cũng ngốn được vài ba xị, đằng này đầu cá trê, khi chiên cá trê vàng ăn với nước mắm gừng thì... ISIS... chặt bỏ đầu! Khiếp. Đó, cái đầu cá trê vô dụng của tui là thế đó, nó không những méo về một phía, mà nó lại dẹp lép một bên (mà phía này theo một khám phá định hướng mới về vị trí của bộ óc não thì phía này là phía của gene thông minh sinh trưởng và phát triển, thế mới càng chết một cửa tứ chứ!)  
Hồi còn nhỏ đi học, sau tiếng trống đánh vào lớp là phải sắp hàng đứng trước lớp, nhỏ trước, lớn sau, rồi mới tuần tự đi vào. Thằng cao to đứng sau nhìn thằng bé thấp đứng trước  có cái đầu  dẹp lép, chỗ thấp chỗ nhô cao, chỗ lồi chỗ lõm một bên nên khoái chí cứ nhằm ngay chỗ nghiệt đó mà ký, mà gõ, mà điểm huyệt đã đời. Vào lớp thưa thầy, thầy sẽ kêu lên bục quất luôn hai đứa. Chưa hết đâu, thằng cao lớn đúng sau bị thầy quất khá đau nên đi học về chận đánh cái thằng nhỏ lẻo mép chuyện chi cũng thưa thầy, cũng mét thầy, đánh trả thù cho bỏ ghét mà. Đánh cho dù còn cái lai quần cũng đánh (đánh lúc ở... truồng, chỉ còn cái lai chứ đâu còn cái quần!)  Không trách gì mấy thằng "Công Trụng" ưa bắt nạt dân An Nam mình là thế đó! Bởi sợ đánh nhiều lần nên kẻ "hạ thần" này – là cá nhân tui đây mới luôn câm miệng, ráng chịu đau, cắn răng chịu nhục, không bao giờ dám hó hé. Học về, lại biết phòng xa, từ trường chạy việt dã một mạch đến nhà. Bản mặt học trò cặp giò ăn cướp chạy nhanh đáo để, nhanh như gió, hỏi sao chạy nhanh thế, thưa, tại sợ thằng to con lớn xác không biết lúc nào thì nó hứng, nó lên cơn, nổi giận, ngứa tay tìm chỗ để gõ, để ký, để relax, cũng như để giải... sầu!  Mạ thấy thằng con xong học là chạy thẳng về, không lêu lỗng chơi bời phá xóm phá làng giữa đường, giữa chợ, nên cưng lắm, ôm  đứa con trai đầu  đích tôn vào lòng khen rối rít. Mạ ơi, mạ sinh ra con mà đâu có hiểu nỗi lòng con, lúc nhỏ mạ sinh ra con không có sữa nên mới gửi  con cho  bú thép, gặp thằng con ruột thổ phỉ kia lớn tháng hơn nên đã tranh giành hết khẫu phần sữa của thằng con ghẻ nên con của mạ mới... tong teo nhỏ con ốm đói  bị người lớn ăn hiếp hoài hoài, năm này xong, đến tháng khác.  Con chạy mau về nhà là con chạy tránh voi, tránỏ... nỗi buồn nhược tiểu đó, mạ ơi!
Nhìn trong gương, thấy cái đầu hết thuốc chữa, và tìm cách ngụy trang bằng cách đôi cái nón beret để đi phó hội là lý do đó. Mà đâu phải khi gặp thầy trò rồi mà cứ đội nón hoài sợ bị chê rằng,  chồng Mộng Hồ vô phép, mất lịch sự, cho nên cũng phải có lúc cất nón đi chứ. Dở nón ra xem, vẫn còn thấy đó sợi nằm chỏng gọng phơi sương, sợi đứng ngay đơ cán cuốc, sợi lùn, sợi cao như đám binh ô hợp tan hàng trong những ngày tàn của Đại Thế Chiến Lần Thứ Nhất. Năn nỉ đứa cháu gái cho ngoại xin chút  gel chải tóc, nặn ra một dề lên bàn tay và trét lia chia lên đầu để dụ chúng nằm rạp tất cả xuống, ngủ yên, đừng cựa quậy. Vậy mà khi gửi hình cho các trò không về Cali họp mặt được, quý trò ấy meo khen – anh ba còn phong độ quá đi chứ, trông hình giống phảng phất như tài tử Nguyễn Chánh Tín. Không, tui hổng chịu chánh tím, chánh đen gì cả,  tui khoái Clint Eastwood và mết  Kirk Douglas hơn, tuy rằng tui thuộc dân da vàng, mũi tẹt, điểm thêm cái đầu móp méo cá trê!



Thế rồi, ngày họp đến. Tấp tểnh thầy, trò đi, vợ và tớ cũng đi. Tất cả lần lượt hội tụ tại 15590 Aster street – Westminster – nam cali, trừ một số ở xa đã đến trước quây quần chung vui “tiền hội” hôm thứ sáu, thứ bảy. Mời xem đoạn a. Đạt tâm sự sau -
“Hi All, Hổm nay gần 3 tuần rồi mà Dat vẫn còn tưởng như là mới hôm qua. Sáng nào ngồi uống cà phê cũng nhớ các Thầy, các bạn. Nhớ những buổi sáng, tối ngồi ăn uống nói chuyện thật vui, thật đầm ấm. Có lẽ là nhờ, lâu lâu 1 lần cho nên chén bát, chưa kịp khua????? hahhahaha. Không biết lúc họp mặt ở Cao Lãnh có vui được như vậy hay không đây?”
Rất tiếc tuần đó Mộng Hồ bị flu khá nặng, lại gặp hai ba cái kẹt một lúc nên đã để mất một dịp may tranh tài đấu hót cùng bia ruợu với những nhân vật tầm cỡ ở xa về. Dịp may nào đến được lần hai,  chương mục thời gian ngắn dần, thôi đành lỡ hẹn đợi chủ nhật vậy.
Nhóm San diego đến Little Saigon lúc 10 giờ hơn. Ghé điểm hẹn thì đã có đủ nhóm San José chờ sẵn. Một số ở gần cũng lai rai lái xe tiếp tục đến. Mỗi trò một tay, bố trí phân chia công tác khá uyển chuyển, những cá nhân tổ chức cũng khá nhiều kinh nghiệm trong những lần tổ chức quy mô lớn hơn có vẻ rất thạo việc, nên đâu đó diển tiến tốt đẹp. Mỗi lần họp hội tại tư gia ai, gia chủ lo lắng nhất là... sạch sẽ sau trước, trong ngoài. Phải quét dọn trước đó một hai ngày mới kịp. Sáng hôm ấy thầy Ân phải thức dậy thật sớm trong lúc thiên hạ còn đang ngủ nưóng, để chi vậy, để mang máy thổi rác ra thổi cho hết những chiếc lá vàng rơi rụng hôm qua sau trước vườn nhà. Một thân hình mảnh khảnh kết quả những năm dài đam mê với bụi phấn trắng, bạn với khói thuốc lá bastos xanh, với những chung whisky sậm nâu cực nặng, rồi những đêm đen dài thức trắng, sáng sớm chủ nhật hôm nay, choàng thêm chiếc áo dạ đỏ sờn vai phai màu, chống lạnh, vừa khúc khắc ho, vừa mang máy thổi những chiếc lá... bay bay. Có chút rung động không, quý Thầy Cô, quý trò họp hội hôm nay tại 15590, ai thấy chăng ai? Thầy Ân đã đón tiếp chúng ta với tấm lòng như thế đó. Còn Cô, khỏi nói, một nội trợ giỏi giang, sắp xếp trong ngoài, khá tỉ mỉ, cẩn thận, thân thương như người cô vậy. Bàn ghế, ly dĩa, nước uống thức ăn, bông hoa trang trí đâu ra đó. Bên nay cũng khá tiện, nhà cô thầy lại sát bên phố thị, cần gì phone tiệm đặt sẵn vài khay, đến giờ lái xe đi lấy, xong về, bắt đầu... nhập cuộc. Một vài phái yếu giỏi việc bếp núc cũng là dịp tốt để trổ tài nấu nướng món ngon vật lạ đem đến chiêu đải thầy trò. Chị Thanh Trúc, nhà xa, tận San José, yêu chồng, mến băng nhậu, rinh về một khay bê thui tái chín chấm với nước tương cự đà nên đã giúp dứt luôn mấy két heineken cùng 4 chai lớn bia stone loại mới đen đậm được đa số dân ghiền ưa chuộng của cậu Út  tặng riêng cho mẹ đem đãi mẹ bạn uống thử. Cũng còn khá nhiều rượu ngon để trên bàn, kể cả rượu mạnh, cứ khều anh Thoại khui đi nhưng ảnh bảo để dành bữa khác, mai còn đi làm. Nhắc những lần nhâm nhi như  thế  này lại nhơ nhớ ở Việt nam,  lúc nào hứng thì cứ tấp vào nhà một ai đó, trải một hai chiếc đệm dưới bóng mát gốc xoài, một vài con chuột chiên dòn, một đĩa gỏi xoài  với vài con khô sặc, một nồi canh chua cá lóc hay lẫu lươn, hoặc đon giãn hơn như anh Cao Linh Tử chiêu đãi, “đĩa gỏi càng cua trộn cải trời, gởi thầy và bạn họp cùng xơi, hương đồng cỏ nội, tình lai láng, của ít lòng nhiều quý vị ơi...” hay tô cá có “vị mẵn tăng thêm thú vị đời” của cậu Thắng, thế là hò dô ta, không được quên một vài chai ba xị đế nước mắt quê hương với một cái chung thôi, rồi bầu trọng tài làm chủ xị, và thế là dzô, dzô, ai uống hết trước làm cha, uống hết sau làm con, nhân danh cha và con và thánh thần, lạy cha, con uống! (không phải cụ Phan Thanh Giản đang uống).  Lối họp hội kiểu này bên Mỹ hơi khó thực hiện vì còn có nhiều điều kiện khác ràng buộc, với lại không phải ai ai cũng ở gần nhau.
            Thời gian gặp nhau tâm sự hơn 4 tiếng, gần 50 khách nên nói với nhau đâu được gì nhiều. Vừa thưởng thức giọng hát ngọt ngào của song ca Ngọc Đào & Anh Tuất, và đắm chìm với nghệ thuật diễn ngâm ấn tượng cũng như giọng nói truyền cảm của th. Cường về chuyện tình Thầy Cô Ân, Thầy Cô Lộc, chuyện từ thời ông cố Hỷ dài lê thê nên chuyện của qúy thầy Quang, Kiên, Hân, Tùng, Cường, Thới chưa ai đụng tới, và rất nhiều trò khác nữa, 4 tiếng, thời gian hổng đủ uống hết một chung trà. Ý kiến a. Đạt nên có buổi tiền hội rất hữu lý. Thôi, để viết kể thêm sau đây, vài mẫu đối đáp vui vui ngoài lề vậy nhen.
Nghe nói, học trò lãnh phần lo... thực phẩm, còn chồng học trò, rễ dâu Cao lãnh thì lo gì? Cũng ráng xoay cho riêng mình một việc phụ với ngày vui, thế là quen với toán thiện nguyện theo dõi một thời  nhóm viết “graffiti” ngoài đường phố, dượng ba học được lối sáng tác một vài cái sign, cái affiche, thế là khi vào ai ai cũng thấy “15590 chào mừng quý khách” màu mè xanh xanh đỏ đỏ dựng trước sân nhà Thầy. Làm xong hỏi ý Mộng Hồ thấy sao - ừa, giống gánh hát “sóng vang” nghĩa là tối hát chui, hát cọp, rồi “sáng dong” liền, kẻo bị hốt, bị túm. Chồng trả lời, thôi trưa hát và ăn xong thì “chiều dong” hay “chiều dzọt” về, kẻo tối! Có nhiều bạn cũng thắc mắc không rõ 15590 là gì, ngay cả cô Ân cũng hỏi Thầy. Thầy nhạy bén hơn, giải thích đó là tư gia vợ chồng mình đó. Và  hai số 55 ghi đậm nét là số năm thầy cô bắt đầu quen biết nhau, lấy nhau, đụng nhau đến bây giờ. Mấy cái sign ấy có những hàng lỗ phiá đưới để gắn que sắt chống trước khi đem cắm. Bắt đầu gắn que sắt vào thì có thầy Cường đứng kế bên muốn help. Dượng ba nói – hơi khó tí, cho thật đúng cái lỗ của nó mới vào được. Thầy bảo – thôi để tôi cầm  cho anh đút vào! Loay hoay một lúc, rốt cuộc cũng đút vào được đúng lỗ. Gió ở Santana nỗi tiếng khá mạnh, gắn sơ sơ cạn quá sợ gió sẽ thổi bay, nên dượng ba đề nghị - đút sâu sâu tí nữa cho chắc ăn. Thầy cười nheo mắt lặp lại – ờ, đút sâu tí nữa cho chắc ăn! Nghĩ mãi, quen thói ăn nói bình dân học vụ đối đầu với vị giáo sư dạy văn, dạy triết, thấy thầy cười cười lại nheo mắt không biết vì sao. Về nhà thức mấy đêm liền mới ngẫm ra được, chớ chi trình độ mình cao thêm chút đỉnh, thay vì  nói “đút sâu tí nữa cho chắc ăn” thì phải nói văn hoa “từ từ đưa anh vào huyệt lạnh” hoặc là văn chương bóng bẩy nhẹ nhàng “chịu khó cho anh dí sâu vào tí nữa đi em” cho nó... phải đạo văn nghệ, giao duyên đối đáp! 
Khi tìm ra được chỗ trước sân nhà nên cả hai đem đi cắm. Ngắm nghía một hồi, Thầy biết sao không, dượng ba phát biểu – ý tui muốn nắn nót viết mấy chữ ấy cho nó thật chân phương, bình dị, không ẻo lã, như tâm hồn của người dân quê vùng sông nước Cửu Long vậy đó. Đẹp, đẹp, thầy khen, chữ KHÁCH mà viết cùng nét chữ ấy sẽ đẹp hơn nhiều. Quen thói ưa chống chế, đúng cũng thích cãi, sai càng khoái cãi hơn - dạ, dạ, cám ơn thầy khen, bản thân vốn luôn luôn hiếu khách, trọng khách vì khách là chủ, là VIP, cho nên mỗi khi có dịp tiếp đón quý Thầy Trò lên nhà chơi là tiếp quý thầy như những chữ viết hoa, viết in, và chữ lớn! Chắc chắn thầy cô Ân khi tiếp mình là khách cũng cùng chung tâm trạng, thầy nhỉ?



     Chà, ba hoa chích chòe dữ há. Bây giờ, để nhảy qua một chút về... về gì nhỉ? Ngoài 5 tấm sign còn thêm, trên đầu ông bà táo 3 càng bằng nhôm cứng phất phới lá cờ bay xanh trắng đỏ, biểu tượng nước cờ hoa, dưới đó treo lủng lẳng cái mẹt tre đan, một bên ghi dòng chữ kỷ niệm với hình cắt 3 trái tim chồng nhau tượng trưng cho Thầy Cô, quý trò, và thân hữu, có  điểm tô thêm đầy đủ những chữ ký của toàn khách tham dự buổi họp mặt hôm ấy. Hình đã in, rửa và chuyển thẳng cho mỗi thành viên để xem lại nét chữ ký nguệch ngoạc thân thương của chính mình... Như tấm huy chương có mặt trái và phải, đồng tiền có bề ngữa, sấp, và vòng tròn kim cô này cũng có phía trước phía sau. Phía sau như đã kể, còn phiá trước, rất đơn giản “Ni mí nớ biết khi mô gần gũi”.



Tuy là tiếng Huế, 8 từ ngắn gọn thôi, thử đọc nó nhè nhẹ, rồi thưởng thức thật sâu sắc những cảm giác ngọt mật hay đắng cay của nó phát ra, thú thật trình độ cỡ dượng ba không tài nào phân tích cho hết, cho tròn 8 từ ấy. Chỉ ráng sơ lược sương sương vài hàng sau đây thôi vậy. Ni mí nớ, mới thoạt nghe như một nốt nhạc, đồ rê mi, hay la, ré mineur. Không phải anh với em, hay là mày với tao như you and me, hay toi et moi, ngộ với nị, mà cao hơn một bậc, có thể là vous et toi, hay nous et vous, sao cũng được. Ví dụ một nhóm hskp đang ngồi nói chuyện thì có một em kiếu xin về, một người nói – ni mí nớ biết khi mô gần gũi. Trường hợp này ni có thể là chúng tao mà nớ có thể là... nó biết bao giờ gặp lại, hay tùy ý nghĩ sao cũng được, không khó chịu mà khá thân thương là vậy, hay có  thể  khá  giận hờn? Có điểm hay khác là dùng nó để nói trổng, bên ni nói bên nớ có nghe không, mình về mình nhớ ta chăng v..v.. rất nhiều ý, nhiều nghĩa. Và khi mô, là khi nào, thời gian khó xác định được. Khi nào thì anh  về, không thấy thấm thía bằng... khi mô em đi, khi mô gần gũi, gần gũi có thể là gặp mặt nhau, mà cũng có thể là em ở đầu sông anh cuối sông, hoặc xích lại gần anh tí nữa đi em, sao em ngồi xa anh thế. Gần nhưng không... gũi. Có khá nhiều ý và rất khó để thuyết phục, để hiểu trọn ý của người nói. Hay lắm, mà cũng có thể tệ lắm, và cá nhân người viết thiếu khả năng để diễn giải cặn kẻ thêm. Lúc mới bị động viên nhập ngũ, xuống Qui Nhơn để đi xe lửa vào trình diện trung tâm nhập ngũ Tháp Chàm.  Vào một đêm tối trời số học trò QN ra ga tiễn đưa thầy lên đường tòng quân giết giặc. Một trò gái Đệ Tứ ngại ngùng nắm chặt tay thầy, vừa khóc vừa hát... “tàu đêm dần tàn, em đến sân ga đưa tiển”... không riêng gì em ấy khóc mà cả lớp cùng khóc, cả trường cùng khóc, cả thầy cũng khóc, kẻ ở người đi... Cùng nhóm thất phu hữu trách trong thế nước hưng vong, dượng ba và tất cả, chân bước lên tàu, mặt còn ngoảnh lại mà nước mắt rưng rưng... ”Còi tàu rúc, em ơi, đừng khóc nhé, khóc làm chi, sương lệ lấm tàn hoa!”... "em ở lại nhà, vườn dâu em hái, mẹ già ai trông...” Ni mí nớ trong trường hợp này có thể là thầy và trò, hoặc sân ga này, đèn vàng này mí chàng lính thú tương lai kia, biết khi mô... gần gũi. 
    Chèn thêm đoạn sau đây đọc được trong net... “Nhân ngày tbls, một vị phó bí thư nọ đến thăm một bà mẹ Việt nam anh hùng. Vị này nhắc lại hồi chiến tranh, gia đình mẹ đã bảo bọc che chở cho cách mạng và hỏi hiện nay mẹ có cần gì để tụi con quan tâm giúp đỡ. Bà mẹ VN trả lời: Má được đảng, nhà nước quan tâm, chăm lo nhiều rồi nên không cần gì nữa cả. Giờ, má chỉ cần... Mỹ nó quay lại thôi. Vị Phó Bí Thư giật mình hỏi: má có giận gì tụi con không mà nói nặng nề thế? Trả lời: Má mong Mỹ quay lại để tụi bây về ở lại với má; chứ bây giờ hòa bình rồi thì xa cách quá. Cũng lớp tụi bây ngày xưa ở chung với má, má nuôi nấng, che chở, bảo bọc. Bây giờ được sống trong hoà bình như thế này thì lại xa cách quá, không thấy gần.”
    Ni mí nớ, biết khi mô gần gũi, trong trường hợp này sao thấy thấm thía, xót xa. Ni mí nớ có còn là những nốt nhạc(?);  khi mô, một trăm dấu hỏi; gần gủi có cần không, và để mần chi? Nhiều nhiều chấm hỏi(???) song song với khá nhiều chấm than(!!!) lại đi kèm với một dề dấu nặng(...), nặng chình chịch, nhưng chép vào đây là để có chuyện đọc ví dụ chơi thôi, chứ tuyệt đối không "chính chị, chính em" và cũng không móc ngoặc..
    Khi thầy Cường kể chuyện tình của thầy Ân cho nghe, có đoạn thầy Ân bộc bạch là Thầy Cô quen nhau trên 5 năm rồi mới làm đám cưới. Hỏi, để lâu thế mà chịu được sao, thi, hình như thầy Lộc cho biết bị bận tắm sông và tất cả cùng cười to khoái chí. Dượng ba ngồi xa, thấy ai cũng cười mà không rõ lý do sao cười, truy hỏi, được biết thầy Lộc có họa một bài thơ về... tắm sông, đại để nguyên văn như sau, có kèm hình minh hoạ, copy kèm để cùng thưởng thức –
             
                                    
Cạnh nhà có em hàng xóm tên Mùi, thường rủ tôi đi tắm ao ở gần nhà. 
Mình con trai nên cứ tồng ngồng, có sao để vậy người ơi! Còn em, bản tính con gái, vẫn mặc quần lót như thường. 
Khi "ri cư" vào Nam, mất liên lạc đến nay. 
May không gặp lại, nếu không em hát câu: "Em thấy anh nhỏ xíu... em thương!" thì chỉ có nước... độn thổ!
 
               NGÀY XƯA
 
Ngày xưa hai đứa tắm sông,
Chúng ta còn bé nên không biết gì.
Nhìn anh em thấy lạ kỳ,
Tay sờ em bảo cái gì đây anh?
À đây là của để dành,
Sao em không có của anh lại thừa?
Cho nên em chớ kéo bừa,
Bởi vì nó thế không thừa đâu em
 .........
 
Ở sân sau nhả thầy Ân có chưng một tượng đá hình em bé khoảng trên 10 tuổi, xem hình, đang nằm sấp, thấy ngộ, dượng ba mới hỏi thầy Ân đang đi chào bàn bên cạnh. Thầy ơi, thằng bé ngộ quá, không biết cở lứa tuổi đó nằm sấp làm gì, chắc chuẩn bị ăn đòn? Ờ, dí dỏm, thầy trả lời – nó đang tắm sông. -Đâu được, ai lại tắm sông mà nằm kiểu đó bao giờ.


 Chị Tuyết Mai đứng kế bên liền góp ý, anh ba nói đúng, tắm sông không ai nằm kiểu đó bao giờ cả, mà là... tắm mưa. Một câu giải đáp phụ họa quá chỉnh, quá tuyệt. Phải là dân ban C hay là dân văn khoa, hay dân có khiếu hài hước mới trả lời một câu khá thú vị, còn nếu không là phải kinh qua trải nghiệm tắm mưa nhiều lần như thế nào rồi. Cao Lãnh, lục tỉnh có thể ít ai tắm mưa vì có nào sông lớn, rạch nhỏ, tha hồ tung tăng bơi lội, trừ mấy cô cậu ưa nghịch ngợm. Tắm sông cũng có cái thú, mà tắm mưa cũng có cái thú, giữa 2 cái thú này thì chọn tắm mưa hơn, vì tắm sông, ngộ không biết lội, nên ngại bơi xa. Tuổi nhỏ tắm mưa vui hơn người lớn, vì người lớn mà tắm mưa sẽ bị mấy bà quở: đồ thứ mắc dịch, vì tắm mưa mà không mặc quần áo mới tăng cái... thú. Tắm sông người ta lội bơi tung tăng, còn tắm mưa thấy tụi nhỏ cũng chạy tung tăng, lúc lắc, lâu lâu mệt nằm sấp xuống hay nằm ngữa ra để đón nhận những hạt mưa bay bay từ trời rơi xuống kỳ đầu, cọ cổ, rớt phún vào rún, búng thẳng vào bụng nhột nhột, lạnh lạnh, tê tê. Mưa Miền Trung dài lê thê, mưa thúi đất nên thời gian không hạn chế, tắm bao lâu cũng tính được, còn mưa Miền Nam đến bất ngờ và dứt bất chợt nên phải biết tính toán tiên liệu.         
 Nếu được hỏi cho sống lại từ khi mới sinh ra cho đến bây giờ thì khoảng thời gian nào thích nhất, có lẻ tui sẽ trả lời, thích sống lại trong cái tuổi biết tắm mưa và tuổi chưa biết mắc cở khi tắm chung con trai mí con gái. Lúc Mộng Hồ mở shop may có nhiều nữ công nhân nghề may làm cùng. Một cô còn trẻ, quê Cà Mau, độ 40, vì hoàn cảnh phải lấy chồng già để qua Mỹ, vừa ngồi may cô vừa kể kỷ niệm chuyện tắm sông – “lúc đó em cũng cở mười mấy, nhà ở ven sông nên quanh năm quen mặc độc cái quần đùi. Khi có ghe tàu rời bến thì tụi em bơi đua, năm sáu đứa đeo nắm đuôi tàu, ra thật xa rồi phóng ra bơi lại vào bờ. Đứa nào càng ra xa là đứa ấy giỏi. Lần nào em cũng ra xa nhất, mấy đứa con trai đều chịu thua. Bữa đó, trời xui đất khiến, em vừa phóng khỏi đuôi tàu thì nghe một cái... bực, chân vịt của tàu rú mạnh quá thổi bay tuốt cái quần má luồn dây thun cho em, vừa bơi vào bờ tay vừa kiểm tra, hèn chi lạnh quá, sóng tàu lại vỗ vỗ dồn dập rung rung, chà kiểu này chạy về nhà là má đánh chết. Lũi lên bờ cho thật lẹ và chạy bộ men theo bờ sông, vừa chạy vừa bụm nó lại. Tụi nhỏ con trai cùng lứa tuổi, tinh nghịch, tò mò chạy theo, em la tụi nó – theo tao làm gì, má tao mà thấy sẽ đánh luôn tụi bây đó. Mấy thằng quỷ ấy lại cứ chạy theo quan sát dòm ngó rồi cười khúc khích - ngộ quá tụi bây ơi, bơi giỏi quá nên cái chân vịt xơi tái cái đùm tòn ten mất rồi. Tụi nó còn khờ, tưởng đâu em cũng đồng dạng như tụi nó, có cái cần-câu-cua... Sợ  bị dèm chê, bị liệt vào loại khờ khờ, nên dượng ba tui ớn ớn tắm sông, cũng là... vì vậy đó, nào ai biết, ai hay!
 
Hội họp kỳ này thiếu vắng một vài hội viên, thầy Gia, thầy Dzũng, cô Nguyệt, về phiá trò như Ngọc Vân, Út Chính, Huỳnh Mai, Thanh Thủy, Bạch Cúc, Kim Phụng, Thanh Viên v.v.. kẹt giữ cháu hay bận đi chơi xa. Bù lại có hiện diện thêm số mới như vợ chồng thầy Thới, giai nhân thầy Tùng, vợ chồng anh Phục, v.c cô 8 Liên đã làm tăng sự ấm cúng của ngày hội họp cuối năm.



     Cuối năm là cận tết, có tết là có hoa. Chợ hoa ở Sàigòn Nhỏ Nam Cali không nhiều như chợ hoa Sàigòn lớn của Hòn Ngọc Viễn Đông năm nào. Và còn bông hoa Kiến Phong, Cao Lãnh nữa chi, như bông điên điển, bông so đủa trên đường ra Cầu Bắc, bông súng và lục bình tim tím vùng sâu, vùng xa, và ở Đồng Tháp Mười  đặc biệt còn có “sen hường” mọc và vươn lên từ đầm ao, sình lầy, nước đọng, sống... gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn. Quý hoá thay.
 
Xin hẹn với Jennifer và tất cả, vào những ngày họp vui tới. Năm mới âm lịch, vạn sự như ý, kính chúc.
 
 hồ - ngo.c
 Oceanside


Không có nhận xét nào: