NGÀY TẾT VỚI NGƯỜI CAO TUỔI Ở QUÊ TÔI
Hoàng Đằng
Trong ngôn từ, Tết thường đi theo với sự nghỉ ngơi, sự vui chơi, sự hưởng thụ – nghỉ Tết, chơi Tết, hưởng Tết. Tuy nhiên, phần lớn người ta nghỉ Tết là chỉ ngưng công việc mưu sinh; nói phần lớn mà không nói tất cả vì một số người vẫn tận dụng dịp Tết để kiếm thu nhập: tham gia gian hàng ở Hội Chợ, chủ sòng bài, xem bói …
Thực tế trong ngày Tết, những người lớn tuổi đều phải làm những công việc tổn hao sức lực, đôi khi với nhịp độ còn cao hơn ngày bình thường.
Mỗi người cứ tự ngẫm trường hợp bản thân của mình. Riêng tôi, một người cao tuổi ở vùng quê, thì nhiều việc lắm, mệt mỏi lắm. Mời bạn đọc nghe tôi kể nhé!
Tôi chỉ giới hạn thời gian trong ngày MỒNG MỘT THÁNG GIÊNG.
Từ tối hôm trước (30 tháng Chạp) cho đến giờ Giao Thừa, người cao tuổi quê tôi không ngủ, loay hoay chuẩn bị lễ cúng: têm cau trầu, xếp vàng bạc, giấy áo… bên cái TV bật sẵn để theo dõi tin tức đón Tết từng giờ ở các địa phương trong nước và trên thế giới, chờ nghe lời chúc đầu năm của vị nguyên thủ quốc gia; lời chúc Tết này quan trọng lắm vì đó là thông điệp phác họa những hướng đi của quốc gia trong thời gian tới. Chúng ta hãy ngẫm lại: Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong lời chúc đọc Giao Thừa Tết Mậu Thân, có mấy câu “Xuân này hơn hẳn mấy xuân qua; thắng lợi tin vui khắp mọi nhà …” là qua ngày mồng một nổ ra cuộc tổng công kích vào các đô thị miền Nam.
Con dâu nấu xong lễ cúng giao thừa, ra mâm ra dĩa: xôi, chè, cháo thánh - ở nhiều nhà, thêm con gà trống tơ để nguyên con luộc chín, lấy giò, cúng xong, xem quẻ đầu năm. Lễ cúng bưng đặt ở 2 nơi: bàn thờ gia tiên trong nhà và bàn thờ đặt bên ngoài, giữa trời, nên dân gian dùng từ “Cúng Giữa Trời.” “Cúng Giữa Trời” dâng lên các vị thần linh điều hành mọi việc trong năm mới, các âm hồn cô hồn vãng lai, hay quanh quẩn trong vườn ngoài ngõ. Kể một chuyện “hơi tệ” nhưng có thật: Trước đây, kinh tế khó khăn, việc ăn uống thiếu thốn, cúng xong lễ này, con cháu đang ngủ say, các cụ cao tuổi lợi dụng cơ hội "xử" nguyên cả con gà cho “đã thèm thịt.” Bây giờ thì khác rồi, các cụ bưng vô đặt giữa bàn ăn, tìm lồng bàn đậy lại, sáng mai ai "xử thì xử," rồi nằm xuống nghỉ lưng cho đỡ mỏi.
Sáng Mồng Một Tết, các cụ dậy hơi trưa hơn thường ngày vì do thiếu ngủ, rửa ráy mặt mày, bận quốc phục vào, ngắm lui ngắm lại, xem đã tề chỉnh chưa, bật căng dù che lên nếu trời có mưa Xuân lất phất hay nắng gắt, nếu không mưa thì xếp dù cầm ở tay; từ các đường xóm, các cụ ra đình làng, đốt hương, lễ bái thần linh của làng, rồi đi thăm các cơ quan công quyền đóng trên lãnh thổ địa phương: Ủy Ban Xã, Trạm Xá, Trường Học. Ở những nơi này, vị đứng đầu cơ quan thường có mặt đón tiếp; có nơi, các cụ còn nhận được tiền lì xì – người ta gọi là tiền mừng thọ - đựng trong phong bì đỏ do các trưởng cơ quan trao tặng. Các cụ hãnh diện lắm, mừng lắm, vì có thêm tiền để chơi cờ sau này; chốc nữa, về đến nhà, các cụ khoe ngay với các cụ bà.
Nhận phong bì xong, cụ nào thuộc họ nào thì về từ đường họ của mình, đốt hương, lễ bái Tổ Tiên. Các cụ cũng làm như vậy ở các nhà thờ chi, phái; nếu chưa có nhà thờ chi, phái thì đến các nhà đang thờ gia phổ chi, phái.
Tới lúc này, nếu còn khỏe, các cụ đi thăm nhà con cháu nội ngoại; sự xuất hiện của các cụ ở nhà con cháu nào thì con cháu ấy rất tự hào; các cụ là biểu tượng của “Ông Thọ” – một trong 3 biểu tượng cho 3 điều ước của mọi nhà: Phúc, Lộc, Thọ. Nếu đã mệt, các cụ về nhà, ngồi tiếp các cụ bạn đồng trang lứa, người thân thích, con cháu tới thăm, chúc Tết. Những con cháu “ăn nên làm ra” đều không quên chuẩn bị sẵn phong bì lì xì cho các cụ. Nhờ thế, cái túi của một số cụ tối đến là căng đầy. Các cụ đưa tay xoa túi, rồi mỉm cười ra vẻ hạnh phúc lắm.
Đến xế chiều, các cụ trở lại tập trung ở nhà thờ họ để cúng đưa Tổ Tiên. Tổ Tiên đã được rước về trong lễ cúng sáng 30 tháng Chạp. Lễ đón Tổ Tiên thường có cỗ bàn để dân họ liên hoan Tất Niên; còn lễ đưa, xưa kia có bánh trái, bây giờ chỉ hương, đèn, cau trầu và rượu. Việc sắm sửa các lễ cúng ở nhà thờ họ, ngày trước có định mức rõ ràng, lấy từ hoa lợi của ruộng hương hỏa do Tổ Tiên khai phá, tậu mua để lại, bây giờ, ruộng hương hỏa không còn vì đã đưa vào hợp tác xã, thành thử, dân họ, đến dịp, đóng góp; được nhiều thì lễ cúng sắm nhiều; được ít thì lễ cúng sắm ít. Theo đà tiến hóa của xã hội và theo cách nghĩ của các lớp trẻ sau này, việc cúng tế Tổ Tiên chắc chắn càng ngày càng giảm dù người ta đang có chủ trương duy trì “bản sắc văn hóa” truyền thống. Mỗi thời đại mỗi thay đổi; đó là cái đà lịch sử, ai mà cản được!
Ngày đầu tiên của Tết trôi qua như thế. Ngoài việc đi thăm và tiếp đón khách, các cụ phải 3 lần - sáng, trưa và tối - cúng mứt, trà, bánh, trái trên bàn thờ gia tiên. Người ta quan niệm: Sau lễ cúng “lên nêu” ngày 30 tháng Chạp năm trước, gia chủ đã mời gia tiên về cùng ăn Tết, thế nên đến bữa phải dọn mời các Ngài. Trước đây, phụ nữ trong mỗi gia đình phải nấu cơm, đồ ăn để dâng cúng từng bữa, nay, phần đông các gia đình đã cho qua việc nấu cúng. Kể ra đó cũng là một điểm đáng ghi nhận trong công cuộc giải phóng phụ nữ.
Những điều viết trên đây là dựa vào phong tục tập quán ở quê tôi. Có thể mỗi nơi mỗi khác. Bài viết chỉ để chia xẻ và trao đổi.
11/02/2015 (23 tháng Chạp năm Giáp Ngọ)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét