Chuyện Đời Quá Ngắn
Hầu như bạn bè thuộc loại "mầy tao" trong đám tụi tôi đều có biệt danh. Thường thì những mỹ danh nầy không được đẹp cho lắm. Nhưng dù muốn dù không, khi đã được bạn bè đặt tên thì coi như sống chết với hỗn danh đó. Như vậy mới được xếp vào loại bạn "tao mầy" để chơi chung và còn hưởng nhiều "quyền lợi" khác nữa.
Ngay như thằng Thiệt rất thiệt thà, hiền lành như Bụt cũng không ngoại lệ. Tụi tôi gọi nó là "Thiệt Bụt." Nó muồn vào nhóm quậy hổng phải để quậy mà để tránh bị quậy và khỏi bị ăn hiếp. Tên thật của nó là Trần Đình Thiệt, người làng Phương Nghĩa nhưng lại xuống tận Tân Hương để học cùng lớp với tôi tại Trường Cố Mi-Ca-E.
Gọi là Trường Cố vì là trường tư thục do mấy ông Cố Tây làm Hiệu Trưởng và điều hành mọi việc. Cũng là linh mục như nhau mà người Lang Sa thì gọi là "Cố," còn dân An Nam Mít thì chỉ là "Cha" mà thôi! Ai cũng biết "Cố" là ông của "Cha." Nhưng tại sao lại có chuyện "ngẳng khôi" như vậy? Ráng mà hiểu ngầm đi bậu ơi! Chịu thì chơi mà hổng chịu thì nghỉ chơi luôn. Cũng giống như đứa nào trong đám quậy mà chối bỏ tục danh của mình thì bị "xịt ra," bị "xóa tên trong sổ bụi đời,"
bị "xí bùm bum chết chùm cha mẹ" ngay tức khắc.
Trường Bồ Đề cũng là trường tư thục mà chỉ do các vị Sư Việt Nam làm Hiệu Trưởng và dạy học chớ có thấy ông Sư Tây nào đâu. Mà nếu có Sư Tây thì gọi bằng gì? Hổng lẽ gọi là "Sư Cố Tổ" hay sao? Mà cũng dám lắm à nghen.
Trường công lập thì lại gọi là Trường Giáo. Trong khi những người không theo Công Giáo thì kêu là "bên lương." Tín đồ Công Giáo mới là "bên giáo." Về việc nầy thì hiểu ngầm hay hiểu nổi gì cũng khó mà thông suốt cho được.
Tụi tôi cũng có nhiều đứa bạn "xóm ngoài" nhập bọn. Bởi lẽ "xóm trong"gần sông nước, gần làng mạc người Thượng, gần cây trái, gần chim cá hơn cho nên "bỗng lộc" cũng có phần dồi dào hơn. Lại dễ trở thành"dân chơi bốn mùa" vì mùa nào cũng có thể chơi "mút mùa lệ thủy sát chỉ mỹ châu"
hết...
Thằng Thiệt Bụt gia nhập Trường TSQ cùng một ngày với tôi . Chiếc xe "cách cách" (quatre quatre -4x4) nhà binh của "Xăng kèm Bê Em"- Cinquième B.M. - tức là Tiểu Đoàn 5 Sơn Cước đến tận nhà đón tôi. Trên xe đã thấy thằng Thiệt Bụt ngồi sẵn đó rồi. Nó đưa tay kéo tôi lên xe. Tụi tôi nhìn nhau từ đầu đến chân rồi phá lên cười. Thì ra do ngẫu nhiên mà trang phục hai đứa giống y chang nhau. Cũng áo sơ mi trắng ngắn tay, cũng quần sọt "xẹc kin" màu xanh đậm, cũng mang dép
chợ màu nâu.
Xe từ từ đổ dốc rồi qua cầu Dakbla. Chiếc cầu gỗ hình vòng cung, thấp lè tè sát mặt nước. Rơm rác và cành cây khô do nước lũ của những cơn mưa đầu mùa cuốn trôi xuống còn vướng mắc lại dưới chân cầu. Ván cầu đã quá cũ, nứt nẻ vì chịu đựng nắng mưa lâu ngày. Những cái bù loong đinh cầu dù to lớn cũng không kềm giữ được lớp ván cầu như xưa. Xe rất chậm chạp lăn bánh qua cầu. Chiếc cầu oằn oại, rung chuyển, gập ghềnh, rên siết như hờn dỗi, níu kéo, bịn rịn, sướt mướt tiễn đưa!
Tôi bàng hoàng nhìn lại chiếc cầu thân thương một lần nữa. Chiếc cầu gỗ đã từng ôm ấp quá nhiều kỷ niệm của tuổi ấu thơ. Thế mà giờ đây tôi đành phải bỏ lại sau lưng với rất nhiều luyến tiếc! Tôi muốn nói một câu giã từ thật nồng nàn thống thiết nhưng không mở miệng được. Tôi cử động bàn tay len lén vẫy chào. Tôi nghe từng đợt sóng ngầm buồn não nuột dâng trào lên mắt!
Xe chạy càng lúc càng nhanh, cuốn theo thật nhiều bụi đường. Rẫy bắp Chú Thanh và con suối nhỏ "Hà No" đầu làng Phương Hòa lần lượt lùi vào trống vắng. Mắt thằng Thiệt Bụt cũng đỏ ngầu, nó thở dài nói với tôi: "Tao biết mầy nhớ cái cầu gỗ nầy lắm. Còn tao thì nhớ những cái cần giọt làm bằng nguyên cây tre để múc nước giếng ở xóm rau Phương Nghĩa!" !
*****
Ra trường, Trần Đình Thiệt trở thành phi công khu trục. Tôi làm bên báo chí thuộc ngành Tâm Lý Chiến. Ông Tư Lệnh Nguyễn Bá Liên -tức là nhà văn Trường Giang, tác giả quyển sách "Việt nam, Việt Nam ôi!" đã đưa tôi về Bộ Tư Lệnh BK.24 ở Kontum để phụ trách tờ báo đơn vị là Nguyệt San "Trai Thời Loạn." Thời điểm nầy đơn vị của thằng Thiệt Bụt trú đóng tại Đà Nẳng.
Mỗi lần có phi vụ bay ngang Kontum nó đều đáp xuống ghé thăm nhà. Cứ thấy chiếc khu trục đảo một hai vòng trên Thành Dak Pha thì tôi lái xe jeep ra phi trường đón nó. Từ Thành Dak Pha, tôi có thể nhìn thấy nó đáp rõ ràng. Cái lối đáp của nó rất là "cao bôi." Chiếc khu trục vừa mới chạm
đất còn chạy trên phi đạo thì nó đã cho xếp cánh máy bay thành hình mái nhà rồi mới chịu vô chỗ đậu. Cũng có khi nó quá giang máy bay khác trong phi đoàn. Những lần như vậy nó thường đạp xe "peugeot" đem xuống cho tôi mấy cái bánh ú, vài cái bánh ít gói trong khăn "mu soa" -mouchoir- .
Đó là hình ảnh thiệt thà dễ thương nhứt của thằng Thiệt Bụt.
Rồi đến một ngày tôi được tin Trần Đình Thiệt mất tích trong một phi tuần đêm trên vùng biển Miền Trung. Tôi vội vàng chạy đến nhà nó để hỏi thăm tin tức. Mọi người có mặt ở đó nhìn tôi lắc đầu buồn bã. Mẹ của nó nghẹn ngào tức tưởi: "Sự ơi! Thằng Út nó đã..." Rồi bà không nói được lời nào nữa. Bà kêu khóc thảm thiết, lăn lộn vật vã trên nền nhà. Tôi đã nhìn thấy những dòng nước mắt tuôn trào trên đôi má nhăn nheo của người cha già khổ đau trong thầm lặng. Tôi cũng đã
bắt gặp những giọt ngọc đang từ đôi giếng mắt sầu thảm lăn tròn trên khuôn mặt đẹp não nùng của người yêu trẻ.
Cây "shapotier" trước sân ngọt tình "X.L." không còn trái nữa. Tôi nghe văng vẳng đâu đây lời trầm buồn của Trần Đình Thiệt chầm chậm kể chuyện sử tích trái "Sao Cô Chê"(shapotier) để vỗ về người đẹp sầu mộng của nó đang hờn dỗi. Và tôi thấy những cái cần giọt bằng tre đang cúi xuống thật gần miệng giếng nước của xóm rau quanh nhà nó đang âm thầm lắng nghe...!
Tôi không thể quên một câu nói để đời của thằng Thiệt Bụt mà nó đã lập đi lập lại nhiều lần:
"Suốt đời tao sẽ sống cho Không Gian Tổ Quốc." Là bạn loại tao mầy thân thiết của nó, tôi không e ngại gì khi viết riêng cho nó một câu: "Và mầy đang ngụp lặn trong tình thương bao la cao cả của lòng Mẹ Đại Dương!"
Xin thắp nén hương lòng gửi bạn Thiệt Bụt đã vội vã ra đi khi tuổi đời chưa đủ hai mươi lăm!
AET. NGUYỄN VẠN SỰ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét