Chủ Nhật, 3 tháng 2, 2019

Liễn Dán Từ Cổng Đến Cầu Tiêu (Đỗ Chiêu Đức)

     LIỄN DÁN TỪ CỔNG ĐẾN... CẦU TIÊU !

         Để mở đầu cho đề tài "không giống ai" nầy, xin kể hầu Quý Vị một câu chuyện vui về "Liễn dán trước cổng."

         GIẢI TẤN 解缙, người ở Trấn Văn Phong, huyện Cát Thủy, tỉnh Giang Tây, là một văn tài đời nhà Minh. Tương truyền, trước khi đậu Tiến sĩ, ông là một bạch diện thư sinh, nhà ở  đối diện với một khu vườn trúc (Trúc 竹 là từ Hán Việt, có nghĩa là cây Tre). Vì là một thư sinh áo vải nhà nghèo, nên chiều ba mươi Tết, ông chỉ viết một đôi liễn dán lên trước cổng để đón giao thừa mà thôi, đôi liễn như thế nầy:

                   Inline image
               Môn đối thiên can trúc,     門對千竿竹,
               Gia tàng vạn quyển thư.   家藏萬卷書。
Có nghĩa :
         - Đối diện trước cửa là ngàn cây trúc, và ...
         - Trong nhà cất giữ hàng vạn quyển sách.
        Ý của ông là muốn tỏ rõ cho mọi người biết mình là một thư sinh quân tử thanh cao như là vườn Trúc trước nhà, và là một thư sinh hiếu học với cả vạn quyển sách chứa trong nhà.

        Ngày xưa, Trúc được xem như là biểu tượng của người quân tử, được phong tặng là "Tiết trực tâm hư 節直心虛 ". TIẾT là các mắt, các lóng tre, TRỰC là thẳng, TÂM là cái ruột tre, HƯ là trống không. Nên TIẾT TRỰC TÂM HƯ có nghĩa là: Các mắt tre thì thẳng tuột mà ruột tre thì bọng không, như biểu tượng của người quân tử: Thẳng thắn mà không vụ lợi. Nhất là khi đã xuất sĩ để làm quan. Ta nhớ lại, lúc về Việt Nam chấp chánh, Tổng Thống Ngô Đình Diệm đã dùng cả một bụi tre để làm biểu tượng cho chính quyền của mình, tất cả những con dấu từ Trung Ương đến địa phương đều có hình bụi tre ở giữa với ý nghĩa Chính trực thanh liêm không vụ lợi!

                       Image result for hình bụi tre   Image result for hình bụi tre
       Trở lại với...
       Câu đối của Giải Tấn. Sáng mùng một Tết, tên địa chủ của vườn trúc thấy đôi câu đối của ông, bèn nổi giận nghĩ rằng: Vườn trúc của ta để cho nó  tự ví mình là người thanh cao học rộng, thật đáng ghét! Ông bèn cho gia nhân đốn hết vườn trúc xuống, xem mi còn viết được liễn hay không?! Đến chiều khi Giải Tấn ra cửa, thấy trúc đã bị đốn sạch, nhưng còn khúc gốc ngăn ngắn, ông chỉ mỉm cười chẳng nói chẳng rằng. Đêm đó, ông viết thêm 2 chữ nối vào đôi liễn trên như sau :
               
             Môn đối thiên can trúc ĐOẢN,       門對千竿竹短,
             Gia tàng vạn quyển thư TRƯỜNG.  家藏萬卷書長。
Có nghĩa :
            - Cửa đối ngàn cây trúc NGẮN,
            - Nhà còn muôn quyển sách DÀI.
         Ý càng mỉa mai hơn, Trúc của ông đã ngắn rồi, nhưng sách của nhà ta thì lại dài thêm ra.

        Sáng mùng 2 Tết, tên địa chủ nhìn thấy 2 chữ mới thêm vào của Giải Tấn càng nổi máu hơn, ông ta ra lệnh cho đám gia nhân đào hết cả các gốc tre lên, thử xem "mầy" có gở đôi liễn xuống không cho biết! Giải Tấn trông thấy việc làm của ông ta, chỉ cười thầm. Tối đêm đó, ông lại thêm vào mỗi bên một chữ nữa như sau:
          Môn đối thiên can trúc đoản VÔ,       門對千竿竹短無,
          Gia tàng vạn quyển thư trường HỮU. 家藏萬卷書長有。
Có nghĩa :
         - Cửa đối ngàn cây trúc tạm không (đoản vô: chỉ một thời gian ngắn không có, có nghĩa Tạm thời không có, trúc sẽ mọc lại mà thôi!)
         - Nhà giữ muôn quyển sách dài dài (trường hữu: Có một cách lâu dài trường cữu, là Có dài dài!)
         Ý muốn nói, Tre của ông có thể không có, chớ sách của ta thì luôn có dài dài trong nhà!

         Sáng sớm mùng 3 Tết, tên địa chủ đọc được 2 chữ mới thêm vào của Giải Tấn, tức muốn ói máu, nhưng lại không làm gì được anh ta, mà vườn trúc nhà mình đã bị mình ra lệnh cho đốn sạch cả rồi!...

        Chữ nghĩa lắm lúc cũng mạnh mẽ, hay ho, lý thú là thế, nên ngày xưa, người ta có lệ dán liễn từ ngoài cổng cho đến... sau hè! Ta sẽ bắt đầu từ cổng nhé!
         Cổng là cửa chính của nhà lớn, hoặc là cửa rào của trang trại nhìn ra đường cái hoặc sông hồ ao biển... nên câu đối phải bao quát cả thiên nhiên, vũ trụ, đất trời hoặc dòng thời sự chính của xã hội, nên thường ngắn, gọn và bao quát.  Ví dụ như câu đã được đề cập trong bài Chữ Nho... Dễ học là:

                 Inline image   Image result for 一元復始 萬象更新
 
                   Nhất nguyên phục thuỷ,     一元復始,
                   Vạn tượng canh tân.          萬象更新。
Có nghĩa :
          -  Một dòng nguyên khí của trời đất trở lại lúc ban đầu.
          -  Muôn vàn hiện tượng (bao gồm người, vật, sự vật)
              đều đổỉ mới.

     * Câu đối 5 chữ như:
                 Xuân huy doanh thiên địa,    春輝盈天地,
                 Thọai khí mãn càn khôn.       瑞氣滿乾坤。
Có nghĩa :
          - Ánh sáng của mùa xuân phủ trùm cả trời đất,
          - Luồn khí tốt lành đầy rẫy cả càn khôn.

     * Mang tính chính trị như: 
                   Chính thông thiên gia phước,   政通千家福,
                   Dân  an  vạn  hộ  xuân.           民安萬戶春。
Có nghĩa :
          - Chính trị được đả thông là cái phước của ngàn nhà,
          - Dân được an lành thì muôn nhà đều đón xuân vui vẻ.
      Thường những câu như thế nầy là dùng để dán ở các cơ quan nhà nước để nhắc nhở các quan chú ý đến đời sống của dân đen.

       Nhưng câu hay nhất để dán cổng hoặc cửa cái vẫn là câu:

                   Inline image  Inline image
 
                    Hữu thiên giai lệ nhật,      有天皆麗日,
                    Vô địa bất xuân phong.     無地不春風。
Có nghĩa :
         - Hễ nơi nào có trời là nơi đó có nắng đẹp chiếu tới.
         - Không nơi nào trên mặt đất là không có gió xuân.
       Mùa xuân đến với khắp cả đất trời, khắp cả mọi nơi, khắp cả mọi nhà mà không dành riêng cho ai cả!

       Bây giờ thì ta bước vào cửa chính để vào nhà, ngoài câu đối truyền thống là:

     Thiên tăng tuế nguyệt nhân tăng thọ     天增歲月人增壽,
     Xuân mãn càn khôn phước mãn đường   春满乾坤福满堂.
 Có nghĩa :
   1. Trời thì thêm năm thêm tháng, người thì thêm tuổi thọ.
   2. Xuân về đầy cả đất trời, phước lộc đầy cả nhà.

                 Image result for 春满乾坤福满堂  Image result for 春满乾坤福满堂  

           Hai câu nầy bao gồm cả trời đất, cả bầu trời đều chìm ngập trong không khí của mùa Xuân, người thì thêm phước thêm thọ... nên được cả người Việt lẫn người Hoa ưa chuộng. Có một điều hơi khác là chữ cuối cùng của Câu đối, chữ ĐƯỜNG, là cái phòng rộng ở trong nhà, tiếng Anh là HALL, tiếng Việt không có từ tương đương để gọi.  Cái phòng rộng nầy là nơi thờ phượng Ông Bà Tổ Tiên (Từ Đường), cũng là nơi Cha Mẹ hay ngồi để cho con cháu hằng ngày đến vấn an, ra mắt, nhất là vào các dịp lễ hội, Tết nhứt (Cho nên gọi cha là Xuân Đường, gọi mẹ là Huyên Đường là vì thế). Dĩ nhiên, nhà giàu mới có được cái "ĐƯỜNG" nầy, cho nên nhà nghèo thì đổi chữ ĐƯỜNG thành chữ MÔN 門, là cái Cửa, cũng có nghĩa là cái NHÀ, (Từ kép của ta gọi là NHÀ CỬA mà)... 
          Xuân mãn càn khôn phước mãn MÔN là: Xuân về đầy cả đất trời và phước cũng tràn ngập cả nhà. Sự thật thì ĐƯỜNG hay MÔN gì thì cũng là một bộ phân tiêu biểu cho CÁI NHÀ mà thôi. Tôi nói để mọi người khỏi thắc mắc là tại sao có người viết là ĐƯỜNG, mà có người lại viết là MÔN. 
  
          Bây giờ thì tất cả chúng ta đều trên 7 bó cả rồi, có người đã gần 9 bó nữa là khác, câu đối không còn xoay quanh phát tài phát lộc nữa, (còn tài lộc đâu mà phát!) Sau đây, xin giới thiệu một câu đối Tết của Thầy đồ dõm ĐCĐ làm cho tuổi già để dán ngay cửa ra vào:

                    Inline image
         Đản cầu tuế tuế bình an nhật,         但求歲歲平安日,
         Nguyện đắc niên niên như ý xuân.   願得年年如意春。
Có nghĩa:
        - Chỉ cầu cho mỗi một tuổi đều có được những ngày
             tháng bình an.
        - Chỉ nguyện rằng mỗi năm đều có được những mùa
             xuân như ý.

       Phòng khách ngày xưa gọi là Khách Đường hay Khách Thính là nơi cha mẹ hay ngồi nơi đó để con cháu quây quần ra mắt vấn an, nên câu đối truyền thống của Việt Nam ta ở phòng khách nầy là:

           Thiên hữu tứ thời xuân tại thủ,        天有四時春在首,
           Nhân sanh bách hạnh hiếu vi tiên.   人生百行孝為先。
Có nghĩa :
         - Trời thì có 4 mùa, mùa xuân là mùa đứng đầu.
         - Người thì có cả trăm đức hạnh, hiếu là  đức hạnh
            trước tiên.
            Inline image  Image result for 人生百行孝為先
  
       Còn người Hoa thì họ nói "Bách THIỆN hiếu vi tiên" như 2 tấm bảng minh họa nêu trên. Nghĩa cũng như nhau mà thôi!

       Nếu có hoành phi thì thường thấy có 4 chữ HÒA KHÍ SANH TÀI 和氣生財, có nghĩa: Không khí hòa thuận của gia đình sẽ phát sinh tài lộc, hoặc 5 chữ như: GIA HÒA VẠN SỰ HANH 家和萬事亨。có nghĩa: Gia đình có hòa thuân thì muôn việc mới hanh thông. Câu nầy thường bị viết sai thành: GIA HÒA VẠN SỰ HƯNG 家和萬事興。Cả người Hoa cũng viết sai như thế, nhưng lâu dần, NÓ trở thành thói quen, rồi... được thông dụng luôn, vì nghĩa của nó cũng "same same": Gia đình hòa thuận thì muôn việc đều Hưng Vượng. Cũng tốt thôi!

                    Image result for 家和萬事興
 
        Vào đến phòng đọc sách, tức là phòng học, phòng để computer hiện nay, còn gọi là study room, thì câu đối mà ta thường gặp nhất là:

                Tàng cổ kim học thuật,      藏古今學術,
                Tụ thiên hạ tinh hoa .        聚天下精華。
Có nghĩa :
          - Tàng trữ học thuật từ xưa tới nay.
          - Tích tụ những tinh hoa của thiên hạ.
         Với những phát minh của khoa học kỹ thuật hiện nay, thông qua google, youtube, Skype... chỉ cần ngồi ở nhà "chịu khó mở máy" là ta sẽ biết hết chuyện thiên hạ thế giới... nên sau đây là câu đối của thầy đồ dõm ĐCĐ:

          Tọa thất tự thông thiên hạ sự,    坐室自通天下事,
          Bế môn biến thức cổ kim tình.    閉門遍識古今情。
Có nghĩa :
        - Ngồi ở trong nhà, trong phòng tự mình cũng thông suốt
           được chuyện xảy ra trong thiên hạ.
        - Đóng cửa lại ở trong nhà, cũng biết hết các sự tình của
           xưa nay.

       Bây giờ thì ta bước vào...
           phòng ngủ của vợ chồng nhé, đây là câu đối thích hợp nhứt:

               Đồng sàng kiêm đồng mộng,     同床兼同夢,
               Hợp  ý  diệc hợp  tâm.               合意亦合心。
Có nghĩa :
        - Chung giường cùng chung mộng.
        - Hợp  ý  cũng hợp  lòng .

                    Inline image
       Một câu đối nữa để chỉ sự hòa hợp giữa vợ chồng với nhau:

          Gia đình hạnh phúc chơn viên mãn,  家庭幸福真圓滿,
          Cầm sắc hòa hài lạc tự do.               琴瑟和諧樂自由.
Có nghĩa :
        - Gia đình hạnh phúc thật là viên mãn, đầy đủ.
        - Hòa hợp với nhau như cầm với sắc, vui hưởng tự do.

                   Inline image
        Cuối cùng là nhà bếp, nơi cung cấp thức ăn và nuôi sống gia đình. Theo sách "Hán Thư, Lệ thực kỳ truyện: 漢書 ·郦食其传:“王者以民为天,而民以食为天。"Vương giả dĩ dân vi thiên, nhi dân dĩ thực vi thiên" có nghĩa: Bậc vương giả thì lấy dân làm trời, còn dân thì lấy cái ăn làm trời " (TRỜI: ở đây chỉ Cái Quan Trọng nhất, Cao Nhất!)  Câu nầy cũng thường hay bị nói sai thành: "Dĩ thực vi TIÊN 以食為先 " (Cái ăn là trước hết cả!), nhưng, nghĩa thì vẫn đúng như thường, nên cũng không kể là nói sai được. Trong cuộc sống thực tế có rất nhiều câu như thế. Trở lại với câu đối của nhà bếp, ta có:

               Phanh điều ưng cần kiệm,    烹調應勤儉,
               Ẩm thực mạc qúa lường .     飲食莫過量。
 Có nghĩa :
       - Nấu nướng phải biết cần kiệm (đừng phung phí).
       - Ăn uống đừng qúa độ (phải biết chừng mực, vừa no thì thôi!)
    Và...
                 Tầm thường vô dị vị,        尋常無異味,
                 Tiên khiết tức giai trân.     鮮潔即佳珍。
Có nghĩa :
          - Bình thường không mùi lạ, (tanh hôi thiêu thúi).
          - Tươi sạch ấy món ngon. (Còn tươi và sạch sẽ vệ sinh thì là món ngon rồi!)

         Ăn uống no say rồi, bây giờ đến... cái tứ khoái cuối cùng cuả con người nhé!
         Ngày xưa không có Toilet hay restroom như bây giờ. Nhà Xí được cất ở phía sau khá xa nhà để tránh mùi hôi thúi. Đối với những gia đình giàu sang khá giả thì cũng được lợp mái và có cửa nẻo hẵn hoi và... dĩ nhiên cũng được dán đôi liễn như những nơi khác. Sau đây là một đôi liễn độc đáo nhất được dán ở... Cầu Tiêu Công Cộng:

              Lai thời thập phân cấp,       來時十分急,
              Khứ hậu nhất thân khinh.   去後一身輕。
Có nghĩa :
         - Khi đến vội vả mười phần, (lính qua lính quính).
         - Lúc đi nhẹ nhỏm một thân (đã trút được bầu tâm sự).
      Tin rằng trong đời chắc ai cũng có một lần lính qua lính quính quính quáng tìm chỗ giải quyết vấn đề... sinh lý nầy!

      Nhớ trước 1975, khi nhà còn ở trên Ba Láng (Ba Láng của Cái Răng, Ba Láng, Vàm Xáng, Phong Điền đó!), phiá sau nhà tôi có một cái Cầu tiêu Cá Vồ với 2 dãy đâu lưng nhau (để khỏi nhìn mặt nhau lúc làm... công việc "thiêng liêng" đó!) Lối xóm, có một nàng nữ sinh Trung học Đoàn Thị Điểm thường sử dụng cây cầu có cá nầy. Một hôm, có anh bạn cùng lớp ở Cần Thơ đạp xe đạp vào thăm nàng, nhằm lúc nàng đang... kẹt cầu, nên đứng ở bên hông nhà tôi đợi, chớ không dám đi đến cầu. Là bạn học cùng trường Phan Thanh Giản với nhau, tôi thấy vậy, bèn mời anh bạn vào nhà, không biết tức cảnh sinh tình như thế nào mà anh bạn chỉ đưa cho tôi tờ giấy có ghi... bài thơ, nhờ trao lại cho nàng, rồi đạp xe về Cần Thơ. Tôi còn nhớ bài thơ như thế nầy:

                  Anh đến thăm em một buổi chiều,
                  Em ngồi em ỉ...  ở cầu tiêu.
                  Xót xa anh đợi lâu... lâu lắm,
                  Mới biết rằng em ỉ... thật nhiều!
                      Image result for Cầu tiêu cá vồ
 
          Xin được kết thúc bài viết "không giống ai" nầy ở đây!

                                        Đỗ Chiêu Đức






Không có nhận xét nào: