Thứ Năm, 5 tháng 2, 2015

Ông Đồ Cuối Thế Kỷ Hai Mươi - Trần Duy Lộc


Ông Đồ Cuối Thế Kỷ Hai Mươi
Trần Duy Lộc
Khóa 1 VHH Huế

Vào giữa thập niên 50, gia đình tôi đang hồi gặp khó khăn về kinh tế. Mẹ tôi qua đời lúc tôi vừa hoàn tất chương trình lớp đệ thất. Tiếp đến ba tôi bị tai nạn xe hơi nên phải về hưu sớm. Sau khi tốt nghiệp bằng Thành Chung, tôi có ý định chọn ngành để bảo đảm cuộc sống cho tương lai. Vì đỗ vào kì hai nên các khóa thi chọn ngành đã chấm dứt. Tôi đành phải ghi danh tiếp tục học đệ tam Quốc Học. Cuối năm đệ tam, tôi nộp đơn thi vào hai ngành sư phạm tiểu học và cán sự y tế. Do cái số lận đận nên chẳng được bảng vàng đề danh. Tôi phải tiếp tục học đệ nhị B2. Tình cờ vào lúc đang chuẩn bị thi đệ nhất lục cá nguyệt, có người bạn mách tin cho biết về thông báo tuyển sinh viên vào Viện Hán Học, thời gian 5 năm. Sau khi tốt nghiệp sẽ được bổ dụng vào 3 ngành :
- Đi dạy tại các trường trung học đệ nhất cấp môn văn.
- Làm việc ở các viện khảo cổ.
- Hoặc tuyển làm chuyên viên tại các tòa đại sứ ở Đông Nam Á. Lúc đầu tôi còn phân vân vì đây là môn học mới mẻ. Một ý nghĩ khác lại lóe trong đầu tôi : “Hán văn là môn học cổ điển của các cụ đồ nho xưa, chẳng lẽ thế kỉ văn minh này mình lại lao vào con đường cũ đó sao? Rồi những câu thơ của Trần Tế Xương văng vẳng vào tai tôi:
Cái học nhà nho đã hỏng rồi,
Mười người theo học chín người thôi.
Hoặc bi đát hơn :
Nào có ra gì cái chữ Nho
Ông Nghè, ông Cống cũng nằm co…
Và hình ảnh ông đồ xứ Nghệ năm xưa mà tôi đã gặp qua bài báo: “Đầu bịt khăn đóng, mình khoác áo lương đen, tay cầm dù có chú đệ tử lẻo đẽo theo sau với đôi rương kêu kẻo kẹt… đang hướng về tỉnh lị.” Càng nghĩ đến, tôi càng do dự. Nhưng hai ngày sau, tôi đã có thái độ dứt khoát: “Trong hoàn cảnh hiện tại, việc chọn ngành là điều cần thiết, dù bất cứ ngành gì. Nếu trúng tuyển khi vào học đã có học bổng và sau khi tốt nghiệp sẽ được bổ dụng. Đó là niềm tin vững chắc cho tương lai.”  Nghĩ vậy, tôi quyết định nộp đơn dự thi và thầm nghĩ: Biết đâu đây là cơ hội tốt cho mình khi chọn ngành Hán Học! 
Tôi còn nhớ ngày thi tuyển đúng vào lễ Noel – 25/tháng chạp và nơi thi được tổ chức tại tòa Viện Trưởng Đại Học Huế. Đây là kì thi vét cuối năm và số thí sinh dự thi cũng không nhiều nên chỉ một tuần sau đã có kết quả. Hôm treo bảng, lúc nhìn danh sách thấy có tên trúng tuyển tôi nhẹ cả người, một nỗi vui mừng đang dâng trào trong tôi. Nhìn lại lần cuối và cẩn thận đọc thông báo hướng dẫn ngày khai giảng, tôi vội vã lên xe về nhà để báo tin cho thân phụ tôi biết. Ba tôi rất vui mừng vì ông vốn trọng chữ thánh hiền. Những ngày sau đó, tôi quay lại Quốc Học để từ giã bạn bè và rút học bạ. Những lúc rảnh rỗi, tôi tự nhủ thầm “Thế là mình đang trở thành Ông Đồ Nho đấy nhé!” 
Đây là khóa đầu tiên, lớp học chỉ vỏn vẹn 40 sinh viên. Vì cơ sở chưa chuẩn bị nên tạm thời mượn Di Luân Đường để làm nơi sinh hoạt. Sau 2 năm, các lớp học chuyển vào Hoàng Thành và học tại khu lầu gần cửa Hiển Nhơn. Vào năm học tiếp theo, một lần nữa các lớp học lại chuyển sang khu nhà Viễn Đệ, gần cầu Bến Ngự. Vào cuối năm 1964, khóa tôi ra trường đầu tiên, số sinh viên tốt nghiệp chỉ vỏn vẹn 19 tân khoa. Theo tinh thần thông  tư lúc tuyển sinh, chúng tôi chờ đợi bổ dụng để đi dạy. Nhưng do hoàn cảnh lịch sử đất nước, chế độ Ngô Đình Diệm đã bị lật đổ, các vị Bộ Trưởng Giáo Dục phần nhiều nặng về Tây Học nên đã không thấy giá trị của ngành Hán Học. Do đó, Bộ Giáo Dục đã làm ngơ không muốn giải quyết. Chúng tôi phải đợi khóa ra trường thứ 2 để kết hợp cùng nhau tranh đấu. Kết quả, vào giữa năm học 1965 - 1966, chúng tôi đã bắt đầu nhận Sự Vụ Lệnh. Nhiệm sở đầu tiên của tôi là trường Trung học Đông Hà và cùng dạy chung với anh bạn thân Ngô Khôn Liêu. Khoảng 2 năm sau, có anh Phạm Đăng Thiêm khóa 2 từ Gio Linh vào làm Hiệu trưởng. 
Cá nhân tôi, do tinh thần cầu tiến, lúc đang học tại VHH tôi lại còn học thêm. Và 3 năm sau tôi đã đỗ xong tú tài 2. Sau đó, tôi tiếp tục ghi danh học tại trường Đại Học Văn Khoa Huế. Do hoàn cảnh chiến tranh và gánh nặng gia đình, việc học của tôi tại Văn Khoa có phần không thuận lợi. Nhưng do sự quyết tâm, vào năm 1972 tôi đã hoàn tất văn bằng Cử nhân Văn Chương Việt Nam. 
Là Giáo sư dạy môn Văn nhưng chuyên môn của tôi hoàn toàn không dược sử dụng. Tuy vậy, do nhận thức thấy được giá trị của môn Hán Văn nên tôi thường mua sách Hán văn để nghiên cứu thêm… Nói về văn học cổ điển, mọi giá trị tư tưởng chữ Hán còn thể hiện tính chất đạo lí và truyền thống văn hóa nước nhà, đặc biệt Hán Văn còn đi sâu vào tâm hồn dân tộc qua lãnh vực tâm linh. Có lẽ vì nét đặc trưng đó, khi đạo Nho du nhập vào Việt Nam đã được người Việt Nam tiếp nhận. Điều đáng nói khi ông cha ta đã tiếp thu tốt văn hóa chữ Hán, đồng thời đã có những tác phẩm giá trị như Cáo Bình Ngô, Hịch Tướng Sĩ… và cũng là thứ vũ khí sắc bén chống lại kẻ xâm lăng. Cũng vì những lí do trên mà những ai có dịp tiếp cận văn học cổ điển thì không thể không trân trọng “ Cái học nhà Nho” này. Những lúc có dịp đến tham quan Đình, Chùa, Miếu, Từ Đường… thường gặp những câu đối, bức hoành, liễn, tuy chưa nắm được
những tư tưởng cao siêu, thâm thúy nhưng cũng hiểu được phần nào về quan điểm của các bậc Tiên Nho. 
Do xuất phát từ nơi thờ tự tôn nghiêm, có người đã cho rằng chữ Hán là một trong ba ngôn ngữ mang tính chất tâm linh. Đó là Hán văn, Phạn ngữ và chữ La tinh. Năm 1990, lúc xây lăng mộ của thân sinh, tôi đã chọn 2 câu đối khắc trước trụ chính của lăng mộ mang ý nghĩa tâm tư và truyền thống của người thân trong gia tộc :
Lễ nghĩa truyền gia hưng tổ đức,
Cương thường kế mỹ chấn gia phong.
Sau đó, khi xây lăng thân mẫu, tôi đã sáng tác 2 câu đối trước trụ lăng bằng mảnh sành màu xanh :
Nhất tâm trung hiếu cảm thiên địa,
Vạn đức nghĩa nhân vinh tổ tông.
Chính giữa bình phong có kẻ chữ Đức dán gạch men xanh. Vào năm Canh Dần (2010), gia đình tôi tiến hành xây dựng ngôi Từ Đường. Dịp này, tôi chọn một số câu đối mang ý nghĩa đạo lí truyền thống dân tộc và tinh thần giáo dục con cháu:
Gian giữa kẻ 2 chữ Phụng Tiên, có nghĩa thờ phụng Tiên Tổ, 2 bên có câu đối:
Bổn căn tinh túy ư hoa diệp,
Tổ khảo tinh thần tại tử tôn.
- Bên tả có câu:
Bách kế bất như tông tộc thạnh,
Thiên kim mạc nhược tử tôn hiền,
Mặt tiền bên ngoài có 3 bức hoành:
-Bức giữa giới thiệu ngôi Từ Đường.
-Bên tả : HÒA VI QUÝ.
-Bên hữu : HIẾU VI TIÊN.
Và 2 bên mặt tiền có đôi câu đối bằng chữ quốc ngữ dạng chữ tròn :
Chim bay ngược Bắc còn thương Tổ,
Nước chảy xuôi Đông vẫn nhớ Nguồn.
...........
Nhân chuyến du lịch Hoa Kỳ vào năm 2012, tôi có ghé thăm khu phố Chinatown tại Boston ( bang Massachusetts). Từ xa đã trông thấy 4 chữ Hán trên cổng chào vào khu phố người Hoa. Khi tiến lại gần thì 4 chữ Hán đập vào mắt rõ mồn một :
Thiên hạ vi công
Ngẫm nghĩ một lát tôi đã hiểu được ý của người Trung Hoa: Bầu trời này là của chung, chẳng riêng ai cả. Từ câu nói trên, tôi lại liên tưởng câu thơ của UY VIỄN TƯỚNG CÔNG, một nhà doanh điền sứ đã từng nói :
Vũ trụ chi gian giai phận sự
Nam nhi đáo thử thị hào hùng
Nếu đem so sánh 2 câu trên, thì lời thơ của Nguyễn Công Trứ thể hiện sự hào hùng và khí phách hơn.
Tóm lại, nhờ chịu làm Ông Đồ và được un đúc trong chốn cửa Khổng sân Trình mà nay đã có thể hiểu được những gì Ông Cha nói ra và suy luận những điều thâm sâu của các bậc Tiên Nho. CHỮ NHO nay không còn là ngôn ngữ duy nhất của người Trung Hoa mà là tinh hoa của nhân loại và hình tượng chữ Hán được viết tại các Đình, Chùa, Lăng, Điện, Từ Đường… không còn được coi là chữ Nho mà là loại Thư Pháp làm tăng thêm vẻ đẹp và ý nghĩa sâu xa ở những nơi thờ tự tôn nghiêm.

T.D.L




Không có nhận xét nào: