Viện Hán Học Huế
Nơi Tôi Lớn Trong Tình Người Cao Đẹp
Lê Văn Bảy (Khóa 3)
Ở tuổi U.80... nhớ lại những ngày đầumới vào năm thứ I [1961] Viện Hán Học Huế... tôi cảm thấy lòng mình bồi hồi một tình cảm thương nhớ êm đềm. Các thầy dạy chữ Hán cho chúng tôi rất thương chúng tôi. Biết rằng các môn sinh thiếu niên của mình đều là loại i tờ về chữ Hán này, nên quý thầy chú ý dạy những bài thơ ngắn có số chữ giống nhau về âm, về nghĩa để chúng tôi dễ nhớ và có hứng thú học tập. Đó là những bài Đường thi đạt mức “ sống mãi với thời gian."
Thầy Nguyện đã viết lên bảng :
“Khứ niên kim nhật thử môn trung
Nhân diện đào hoa tương ánh hồng
Nhân diện bất tri hà xứ khứ
Đào hoa y cựu tiếu đông phong”.
(Đề tích sở kiến xứ - Thôi Hộ)
Với chúng tôi, đây là một bài thơ hiền lành, dễ nhớ. Trong cuộc đời mình, nhà thơ đã phải lòng một cô gái đẹp nào đó và hình ảnh cô đã sống mãi trong tận đáy lòng ông! Bài Đường thi “Tương Tư” mà thầy Nguyễn Duy Bột dạy chúng tôi thật sự đã có sức ngân vang mạnh mẽ với năm tháng.
“Quân tại Tương giang đầu
Thiếp tại Tương giang vĩ
Tương tư bất tương kiến
Đồng ẩm tương giang thủy”.
Tôi tin rằng bài thơ Tương Tư này đã ngân vang một âm hưởng đến tận thế kỷ XX qua câu thơ, bài hát....
“Em ở đầu sông anh cuối sông
Uống chung dòng nước Vàm Cỏ Đông”
Với tinh thần tự hào dân tộc, quý thầy cũng đã chú ý dạy chúng tôi những bài thơ “vang bóng một thời“ ở buổi đầu của nền văn học Việt Nam thời độc lập, tự chủ. Phải nói thật rằng thơ ca thời Lý, Trần đã in dấu sâu đậm trong tâm hồn non nớt của chúng tôi thuở đầu học ở Viện Hán Học Huế. Khi dạy bài thơ “Cáo Tật Thị Chúng" của Mãn Giác Thiền sư, thầy Hồng Giao đã mang lại cho chúng tôi một niềm lạc quan lớn lao.
“Xuân khứ bách hoa lạc
Xuân đáo bách hoa khai
Sự trục nhãn tiền quá
Lão tòng đầu thượng lai
Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận
Đình tiền tạc dạ nhất chi mai.”
Ban văn nghệ lớp tôi với thầy Phan Văn Dật
84 Tôi tin là 2 câu thơ cuối của bài thơ này đã ám ảnh nhạc sĩ Trịnh Công Sơn khi ông viết ca từ :
“Đừng tuyệt vọng tôi ơi đừng tuyệt vọng
Lá mùa Thu rơi rụng giữa mùa Đông.”
Thầy Hà Ngại đã ca ngợi thiên tài của Thiền sư Không Lộ thời Lý qua 2 tuyệt tác của Ngài. Bài thơ “Ngôn Hoài” của thiền sư cho chúng tôi học được niềm vui lớn, hạnh phúc lớn khi chúng ta được sống trong môi trường sáng trong cao quý, với cảnh sống đẹp... như ước vọng của mỗi người.
“Trạch đắc long xà địa khả cư
Dã tình chung nhật lạc vô dư
Hữu thời trực thướng cô phong đỉnh
Trường khiếu nhất thanh hàn thái hư.”
Vui sướng quá, sảng khoái quá, lên đỉnh núi cao... hét vang một tiếng làm lạnh cả bầu trời! Thầy giảng, một tứ thơ tuyệt vời làm sao! Chưa có một tác phẩm thơ nào ở nước ngoài có hình ảnh thơ đặc sắc này.
Ở bài thơ “Ngư Nhàn” của Thiền sư Không Lộ, thầy Hà Ngại dạy chúng tôi phải biết hướng đến cảnh nhàn trong sáng, hòa mình vào cảnh đẹp thiên nhiên.
85
“Vạn lý thanh giang vạn lý thiên
Nhất thôn tang giá nhất thôn yên
Ngư ông thụy trước vô nhân hoán
Quá ngọ tỉnh lai tuyết mãn thuyền.”
Thầy giáo trẻ Hồ Phước Vinh dạy văn đã dịch thơ bài này khá hay :
Trời xanh, sông biếc dặm ngàn
Một làng dâu rợp, một làng khói bay
Ông chài chìm giấc ngủ say
Quá trưa tỉnh dậy thuyền đầy tuyết rơi.
Nhưng có lẽ... ở một giờ dạy của thầy Châu Văn Liệu, chúng tôi mới có được một niềm vui... nhớ mãi! Thầy viết lên bảng câu:
“Cửu hạn phùng cam vũ
Tha hương ngộ cố tri.”
Thầy chưa kịp giảng, chúng tôi đã xôn xao vui cười, vì lẽ trong lớp có bạn nữ tên Cam Vũ. Bạn rất hiền lành, trong lớp ai cũng quý mến... Thế là buổi chiều ở cư xá, bọn con trai
chúng tôi nghĩ ra cách “quậy vui” bạn Cam Vũ. Với vốn liếng
ít ỏi về chữ Hán Việt, chúng tôi bàn nhau sửa câu thơ trên lại thành:
“Cửu nhật phùng Cam Vũ
Hân hoan ngộ giai nhân”.
Câu thơ mới sửa lại có ý nghĩa vui là “Lâu ngày mới gặp bạn Cam Vũ. Rất vui gặp người đẹp. “Tuy là quậy vui, nhưng chúng tôi cũng học được thật rõ nghĩa các chữ “phùng, ngộ” và “mỹ nhân với giai nhân”. Tra Hán Việt tự điển của Thiền sư Thiều Chửu, chúng tôi thấy: Mỹ nhân là người đẹp có vẻ đẹp khiến cho mình lấy làm thích, còn Giai nhân chỉ có nghĩa là cô gái đẹp thôi. Bạn Cam Vũ của lớp tôi hiền lành, dịu dàng... vậy chỉ là giai nhân chứ không thể là mỹ nhân được. Bàn bạc xôn xao, ồn ào, quậy vui vậy chứ bọn con trai chúng tôi chưa có ai chạm mặt bạn Cam Vũ mà dám nói câu này! Lẽ giản dị là chúng tôi quý mến nhau một cách trong sáng, chúng tôi lo sợ các bạn khác nghe vậy trêu chọc bạn Cam Vũ làm bạn ấy buồn phiền.
87
Giờ đây... sau hơn nửa thế kỷ là bạn học chung lớp, chung trường... điểm lại, nhiều bạn của lớp tôi đã lưu lạc khắp nơi, có bạn hiện ở Mỹ, Anh, Canada, Úc v.v... Nơi xứ lạ quê người, có dịp được gặp nhau, khi tay bắt, mặt mừng, các bạn có ngâm lại câu thơ xưa không?!
“Cửu hạn phùng cam vũ
Tha hương ngộ cố tri.”
Ơi câu thơ mến thương vẫn luôn âm ỉ cháy trong lòng tôi và lao xao sống dậy mỗi khi tôi chợt nhớ đến các bạn!
Sài Gòn, 22 - 11 - 2014
L.V.B
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét