Thứ Tư, 30 tháng 7, 2014

Lăng Tẩm Huế Một Kỳ Quan - Phan Thuận An



       Lăng Tẩm Huế Một Kỳ Quan
                               Phan Thuận An

Là người Huế hay du khách gần xa khi đến viếng Cố Đô, ai mà lại không một lần đi thăm lăng tẩm. Nhưng có lẽ không mấy người hiểu thấu chủ đề tư tưởng và giá trị thẩm mỹ của các đấng quân vương khi cho tạo dựng chốn an giấc ngàn thu của mình.  Có thể nói lăng tẩm của các vị vua nhà Nguyễn là những “cõi đi về” bên kia thế giới nhưng lại hiện hữu ngay giữa chôn trần gian.
Chúng ta hãy thử cùng tìm hiểu những giá trị tư tưởng và nghệ thuật do cổ nhân để lại nơi các di sản đặc sắc này.
Triều Nguyễn (1802-1945), triều đại quân chủ cuối cùng trong lịch sử Việt Nam, đã để lại cho dân tộc một di sản văn hóa đồ sộ mang giá trị quốc gia và quốc tế, trong đó có hệ thống lăng tẩm của các vua ở miền Núi Ngự sông Hương.
Ngay vào đầu thập niên 1910, một người tây phương Ph. Eberhardt đã viết: “Huế là một trung tâm du lịch hấp dẫn, nơi có Kinh thành, Hoàng thành và lăng tẩm có một sức cuốn hút sự chú ý đặc biệt của du khách và các nhà mỹ thuật. Chỉ riêng lăng tẩm các vua nhà Nguyễn không thôi cũng đã đủ có giá trị với cuộc du lịch rồi, theo ý kiến chung, lăng tẩm Huế đẹp hơn lăng tẩm các vua nhà Minh ở Trung Quốc.”
Mãi đến ngày nay, ý kiến chung của những nhà làm công tác về văn hóa nghệ thuật trong nước và trên thế giới cũng khẳng định rằng lăng tẩm Huế là một thành tựu rực rỡ nhất của nền kiến trúc cổ Việt Nam.
Triều Nguyễn có đến 13 Vua, nhưng vì những lý do lịch sử phức tạp khác nhau, nên hiện nay Huế chỉ có 7 khu lăng tẩm. Đó là các lăng Gia Long, Minh Mạng, Thiệu trị, Tự Đức, Dục Đức, (ở đây còn có mộ hai vua Thành Thái và Duy Tân), Đồng Khánh và Khải Định. Theo ý đồ quy hoạch kiến trúc Kinh đô nhà Nguyễn vào đầu thế kỷ XIX, 7 khu lăng ấy nằm trong một vùng khá riêng biệt ở phía Tây Kinh Thành Huế, nhìn từ vị thế trung tâm của Cố Đô. Nhiều thể hiện trên di vật cho thấy vua là đấng chí tôn được biểu trưng bằng hình ảnh mặt trời cao cả. Và hình ảnh mặt trời lặn biểu thị khái niệm vua thăng hà. Khi đã thăng hà, vua cùng mặt trời đi về phía tây để an giấc ngàn thu nơi vùng đồi núi tĩnh mịch. Ở góc trời yên ả đó có giòng sông Hương êm đềm thơ mộng chảy qua.
Theo quan niệm “tức vị trị lăng,” phần lớn các lăng tẩm đều được xây dựng khi nhà vua còn ở trên ngai vàng.  Hầu hết nhân lực, vật lực của nhà nước và năng lực của chính nhà vua nữa đều được đổ ra trong nhiều năm để thực hiện.  Chủ đề tư tưởng nghệ thuật do nhà vua đưa ra, đồ án kiến trúc do vua duyệt khán và chính nhà vua cũng thường đi giám sát thi công.
Điều mà các nhà kiến trúc dưới thời nhà Nguyễn phải tuân thủ triệt để trước tiên là nguyên tắc phong thủy (feng shui). Đó là phần việc chuyên môn của các quan ở bộ Lễ, ở Khâm Thiên Giám và một vài cơ quan khác. Âm phần của các vua có phát hay không, hậu vận hoàng tộc tốt hay xấu đều do sự lựa chọn cuộc đất “Vạn niên cát địa” do việc đặt phương hướng và coi ngày khởi công xây dựng. Lăng tẩm nào cũng phải theo đúng các quy luật liên quan đến các thực thể địa lý tự nhiên, như sông núi, ao hồ, khe suối, và nhất là “Huyền cung” ở trung tâm điểm của mặt bằng kiến trúc phải tọa lạc đúng long mạch. Các thầy địa giỏi nhất bấy giờ phải bỏ ra hàng tháng nếu không nói là hàng năm, đi khắp vùng núi đồi Tây và Tây Tây Nam Kinh Thành để chọn ra một địa cuộc hội đủ các nguyên tắc sơn triều thủy tụ, tiền án hậu chẩm, tả long hữu hổ, huyền thủy minh đường... Dù lý thuyết phong thủy cổ xưa ấy được nhận định, đánh giá như thế nào, hệ quả của nó cũng đã tạo ra được cho kiến trúc Huế nói chung và lăng tẩm Huế nói riêng những ngoại cảnh thiên nhiên hùng vĩ và thơ mộng.
Đi tham quan, nghiên cứu lăng tẩm Huế, không nên chỉ chú mục vào các công trình kiến trúc gần gủi trước mắt trong phạm vi vòng la thành diện tích hơn chục "ha" mà phải phóng tầm mắt ra xa cả chục km để thấy hết thực thể địa lý tự nhiên gắn liền với nó và thưởng thức được vẻ hoành tráng của cả tổng thể rộng hằng trăm hàng nghìn "ha" mà lăng tẩm có ảnh hưởng về mặt nghệ thuật. Ít ai nghĩ rằng vùng lăng Gia Long rộng tới 2.875 ha và có 42 ngọn núi chầu vào trung tâm điểm là mộ địa. Vùng lăng Thiệu Trị là 475 ha, có ngọn núi đứng làm tiền án cách xa lăng đến 8km. Trước mặt lăng Khải Định là dòng khe Châu Ê chảy khuất khúc từ trái sang phải rồi rẽ lại theo thế “chi huyền thủy,” và hai bên là hai dãy núi Chóp Vung và Kim Sơn nằm trong tư thế rồng chầu hổ phục.
Hầu hết các ngọn núi đồi, khe suối, sông hồ, cây cỏ ở miền cận sơn xứ Huế đều đã được tận dụng hoặc chỉnh trang, cải tạo để làm bối cảnh cho kiến trúc lăng tẩm. Các nghệ nhân tài ba ngày trước đã khai thác không gian và thiên nhiên ngoại cảnh một cách triệt để, đưa chúng vào trong kiến trúc một cách chủ động, bắt chúng phải phục tùng ý định của tác giả công trình. Đông thời, nơi nào thien nhiên thiếu sót thì họ uốn nắn lại, hoặc đưa kiến trúc vào để tạo nên một vẻ mỹ quan thích đáng. “Không gian bên ngoài lồng vào không gian của kiến trúc, kéo kiến trúc về với thiên nhiên, góp phần tổ chức lại không gian chung”(Từ Chi).
Trong quyển “Nghệ thuật Viễn Đông” Jeannine Auboyer nhận xét rằng: người Việt Nam đã biết lựa chọn những cảnh thiên nhiên xinh đẹp nhất để xây dựng những công trình kiến trúc thờ phụng của mình. Điều này được chứng thực rõ ràng nhất qua nghệ thuật kiến trúc lăng tẩm Huế. Nơi đây, công trình kiến trúc nào cũng nằm trên một ngọn đồi cỏ non dưới rừng thông yên ả, ẩn mình sau những cây đại thọ cành lá sum sê hay soi mình xuống mặt hồ trong xanh phẳng lặng. Và toàn cảnh được bao phủ bởi một màu xanh tươi mát chan hòa.
Năm 1918, Phạm Quỳnh đã nhận xét trên tạp chí Nam Phong:
“Lăng đây là gồm cả màu giời, sắc nước, núi cao, rừng rậm, gió thổi ngọn cây, suối reo hang đá... Lăng đây là bức cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp ghép thêm một bức cảnh nhân tạo tuyệt khéo. Lăng đây là cái công nhân tô điểm cho sơn thủy... Không biết lấy nhời gì mà tả được cái cảm lạ, êm đềm vô cùng... Không đâu cái công dựng đặt của người ta với cái vẻ thiên nhiên của giời đất khéo điều hòa nhau bằng ở đây, cung điện đình tạ một màu một sắc như núi non, như cây cỏ, tưởng cây cỏ ấy phải có đình tạ cung điện ấy mới là xứng, mà cung điện ấy đình tạ ấy phải có núi non ấy mới là hợp vậy”.
Kiến trúc cổ Việt Nam nói chung là kiến trúc phong cảnh, còn là kiến trúc cảnh quan (architecture paysagée; landscape architecture). Nghệ thuật kiến trúc nầy đã đạt đến đỉnh cao ở lăng tẩm Huế. Vào năm 1981, sau khi đến thăm Huế, ông tổng giám đốc UNESCO bấy giờ là Amadou-Mahta-M’Bow đã viết: “ Lăng tẩm các vua nhà Nguyễn... biểu hiện những biến tấu độc đáo trên một chủ đề thống nhất. Mỗi cảnh quan, và mỗi lăng tẩm khơi dậy trong cảm xúc của khách tham quan một âm vang đặc biệt. Lăng Gia Long giữa một khu vườn thiên nhiên bao la, gợi lên một ấn tượng hùng tráng và thanh thản; lăng Minh Mạng đầy vẻ trang nghiêm và lăng Tự Đức đem đến cho du khách một hồn êm thơ mộng”.
Vào thăm lăng tẩm Huế, người ta có cảm giác như đi chơi ở các công viên mỹ lệ giữa chốn núi rừng bao la, ở đó có thể nghe thấy được chim hót, hoa nở, suối cháy, thông reo.
Nhưng, trên đây mới chỉ là một mặt của vấn đề. Muốn lý giải để biết tại sao lại có được nghệ thuật tạo hình tạo cảnh như vậy ở lăng tẩm các vua nhà Nguyễn, thiết tưởng chung ta phải tìm hiểu quan niệm của họ về sự sống và cái chết, nghĩa là triết lý sâu sắc về cuộc đời, ẩn tàng đằng sau những gì họ nhìn thấy được nơi họ năm xuống. Ở đây, ngoài những hình tượng cụ thể mà mọi người thưởng thức được bằng trực giác, còn có những cái trừu tượng và siêu nhiên cần phải vận dụng đến tư duy mới có thể nhận thức và cảm thụ. Đó là tư tưởng xuất phát từ nhân sinh quan của một thời lịch sử. Chúng ta phải đặt lăng tẩm Huế vào trong bối cảnh lịch sử tư tưởng các thế kỷ trước của giới trí thức nói chung và các vua nhà Nguyễn nói riêng.
Theo tư duy truyền thống, họ cho rằng chết chưa phải là hết. Cho nên, lăng tẩm Huế không chỉ là chốn mộ địa u buồn. Bố cục mặt bằng khu lăng tẩm nào cũng chia làm hai phần chính: phần lăng và phần tẩm. Khu vực tẩm là nơi xây nhiều miếu, điện, lầu, gác, đình, tạ... để nhà vua lúc còn sống thỉnh thoảng rời bỏ Hoàng cung lên đây để tiêu khiển. Có thể xem khu vực tẩm như một hành cung hay hoàng cung thứ hai của ông vua đang tại vị. Khu vực tẩm của vua Tự Đức chẳng hạn, có đến mấy chục công trình kiến trúc lớn nhỏ để phục vụ cho sinh hoạt và giải trí của nhà vua, trong đó có điện Hòa Khiêm, nơi vua ăn ngủ; tạ Xung Khiêm, tạ Dũ Khiêm, những nơi vua ngồi câu cá, hóng mát, làm thơ, ngắm cảnh;  hồ Lưu Khiêm nơi vua dạo thuyền hái hoa; có Minh Khiêm Đường, nhà hát; Y Khiêm viện, Trì Khiêm viện, nơi tá túc của đám cung nữ đi theo vua lên đó để chầu hầu... Nhưng sau khi vua thăng hà, tất cả các công trình kiến trúc trong khu vực tẩm vẫn phải bảo lưu nguyên vẹn để thờ phụng đấng quân vương. Xen như vua vẫn còn sống, đám phi tần trong hoàng cung cũng phải lên đây ăn ở để khói hương, phụng vị “Tiên đế” vừa về thế giới bên kia.
Như vậy, sau khi nhà vua thăng hà, lăng và tẩm mới trở thành cõi sống của người đã chết. Sinh phần vua Tự Đức từ khi bắt đầu xây dựng năm 1864 chỉ được gọi tên là Khiêm Cung, mãi đến năm 1883, sau khi vua thăng hà, nó mới được phép gọi là Khiêm Lăng.
Nhân tố chi phối công việc phân chia ra hai khu vực trong quy hoạch mặt bằng lăng tẩm Huế và tạo ra phong cách kiến trúc giàu tính nghệ thuật đã xuất phát từ quan niệm “sinh ký tử quy” (sống gửi thác về) của tư tưởng Đông phương. Cổ nhân cho rằng cuộc sống trong cõi trần ai chỉ là một cái gì tạm bợ, dù thọ được một trăm năm cũng chóng qua như giấc mộng, vạn hữu đều vô thường, như thay đổi hình trạng như đám phù vân.
Trong “Cung oán ngâm khúc,” Nguyễn Gia Thiều đã viết:
-Kìa thế cục như in giấc mộng,
Máy huyền vi mở đóng khôn lường...              (câu 49, 50)

-Lò cừ nung nấu sự đời,
Bức tranh vân cẩu vẽ người tang thương          (câu 75, 76)

- Giấc Nam Kha khéo bất bình,
Bừng con mắt dậy thấy mình tay không            (câu 83, 84)
Nguyễn Công Trứ đã từng than thở trong bài “Vịnh nhân sinh”:
Ôi nhân sinh là thế ấy!
Như bóng đèn, như mây nổi, như gió thổi, như chiêm bao,
Ba mươi năm hưởng thụ biết chừng nào,
Vừa tỉnh giấc nồi kê chưa chín!
Trong bài “Uống rượu tiêu sầu,” Cao Bá Quát cũng có cùng quan niệm:
Ba vạn sáu ngàn ngày là mấy,
Cảnh phù du trông thấy cũng nực cười...
Khoảng trờt: cổ, kim, kim, cổ,
Mảnh hình hài: không, có, có, không.
Nhân sinh quan của Lão Trang cùng với tư tưởng  “sắc không” của nhà Phật đã quyện lại với nhau, rồi hòa nhập vào giai đoạn “tiêu cực” trong sự hướng nội phản tỉnh rất thật tế lúc cuối đời của nhà Nho để trở thành một tổng hợp tư tưởng tam giáo trong tâm thức của các vua nhà Nguyễn. Vua Tự Đức chẳng hạn, ông đã từng nói lên quan niệm “sống gởi thác về” qua bài thơ “Ngẫm sự đời” của chính nhà vua:
Sự đời ngẫm nghĩ mà ghê,
Sống gởi rồi ra lại thác về.
Khôn dại cùng chung ba thước đất.
Giàu sang chưa chín một nồi kê.
Tranh giành trước mắt, mây tan tác.
Đày đọa sau thân núi nặng nề,
Muốn hỏi tiên tiên chẳng bảo,
Gượng làm chút nữa để mà nghe.
Tư tưởng Nho, Thích, Lão trong con người của vua Tự Đức đã bộc rõ ràng và đầy đủ qua bài thơ nôm ấy.
Như vậy, mỗi lăng tẩm Huế còn có một hoàng cung của vua nhà Nguyễn ở thế giới bên kia, nơi họ trở về để sống cuộc sông muôn thưở. Vì nhận định về cuộc sống và cái chết như vậy, cho nên lúc sinh thời, khi còn tại vị, vua nào cũng nghĩ đến việc xây dựng lăng tẩm cho mình.
Gần đây, một nhà bình bút của Ủy ban UNESCO thuộc trung tâm Văn hóa Á Châu đã nhận định một cách vắn tắt nhưng rất uyên thâm và chính xác về triết lý trong kiến trúc lăng tẩm của các vua nhà Nguyễn như sau:
“Với cảnh thiên đường chóng qua trên dương thế, các lăng tẩm uy nghi đã được xây dựng để làm chốn thiên đường vĩnh cửu mai sau.”
Kiến trúc lăng tẩm Huế có ngôn ngữ riêng biệt với ý nghĩa sâu xa của nó. Có hiểu thấu thì mới giải thích được tại sao chốn âm phần lại có cả hệ thống cung điện để vui chơi hưởng thụ, có cả nhà hát để thưởng thức nghệ thuật sân khấu và sắc đẹp của giai nhân, mới lý giải được tại sao phần nội thất cung Thiên Định ở lăng Khải Định giống như một bảo tàng mỹ thuật  trông thật vui mắt, sống động, và mới biết tại sao khắp các lăng tẩm dều trang trí rất nhiều hoa văn hình chữ “thọ” (nghĩa là sống lâu) và chữ “hỷ” (nghĩa là vui mừng).
Kiến trúc lăng tẩm Huế còn cho thấy một thái độ thanh thản không ngon đối với cái chết tất nhiên phải đến với đời người. Lăng và tẩm chỉ gần nhau trong gang tấc. Các vua đến vui chơi trong khu vực tẩm điện, nhìn qua các huyệt đào sẵn ở khu vực lăng mà chẳng băn khoăn lo sợ, ngược lại họ vẫn sống tự tại, ung dung. Thấu hiểu quy luật tự nhiên của đời người họ vui vẻ trước cái chết và sẵn sàng chờ tử thần đến dẫn họ đi qua thế giới bên kia. Vì đó là ngôi nhà vĩnh cửu, nơi an giấc ngàn thu, cõi trường sinh bất diệt. Do vậy, kiến trúc ở đây đã thể hiện được một sự tổng hợp (synthèse) giữa đạo (Religion) với đời (profane), và trở thành cõi sống của người đã chết. Kiến trúc giàu tính nghệ thuật ấy đã làm cho nỗi tang tóc lắm khi phải nhường chỗ cho niềm vui.
Vào thăm lăng tẩm Huế, người ta không hề gặp những hình tượng gây chết chóc, sợ hãi, lạnh lùng như vào viếng “Minh thập tam lăng” ở Trung Quốc, người ta cũng không thấy mình trở nên nhỏ bé, bị áp lực nặng nề và bị “dọa nạt” như khi đứng trước những Kim Tự Tháp quá đồ sộ của các hoàng đế Ai Cập. Trong lăng tẩm Huế, con người vẫn là chủ thể của kiến trúc và thiên nhiên. Ở đây người ta bắt gặp những hình ảnh quen thân, gần gủi, có được cảm giác lâng lâng thích thú giữa thật và mộng. Một du khách Tây Phương đã từng nói lăng tẩm Huế là nơi “tang tóc mỉn cười và vui tươi thổn thất” (le deuil sourit et la joie  soupire). Charles Patris trong một bài thơ viết về lăng tẩm Huế cũng cho rằng: “...Ces rois d’Annam très sages
Qui sont sourir la mort.”
Tạm dịch:
Các vua nhà Nguyễn khôn ngoan,
Làm cho cái cảnh tang tóc biết cười.
Tóm lại, nhờ có chủ thể tư tưởng bắt nguồn từ nhân sinh quan tổng hợp của các dòng triết học Đông Phương và nhờ tài năng nghệ thuật tuyệt diệu của các nhà kiến trúc Việt Nam đơng thời, lăng tẩm Huế đã trở thành những đóa hoa nghệ thuật đầy hương sắc nở ra giữa chốn núi đồi xứ Huế và mang phong cách riêng biệt, độc đáo so với các loại hình kiến trúc mộ táng trên hoàn cầu. Mỗi lăng tẩm Huế chẳng những là một di tích lịch sử văn hóa mà còn là một thắng cảnh nữa. Kiến trúc ở đây đậm nét tạo cảnh, tạo vườn. Cảm xúc trước vẻ đẹp vừa hiện thực, vừa siêu nhiên của lăng tẩm Huế, nhạc sĩ Tôn Thất Tiết đã soạn thành một bản nhạc nổi tiếng trên thế giới, nhan đề là “những khu vườn của thế giới bên kia” (Les jardin d’autre monde). Mỗi khu vườn nói đến ở đây là một khu lăng tẩm ở miền núi Ngự sông Hương.
Vì lăng tẩm Huế có được những giá trị nghệ thuật cao như thế, cho nên, ngay từ năm 1957, trong quyển “Les Merveilles du Monde” được viện sĩ Viện Hàn lâm Pháp Jean Cocteau đề tựa, một nhóm gồm 15 tác giả Tây phương đã xếp lăng tẩm các vua nhà Nguyễn vào hàng kỳ quan của thế giới.
Các lăng tẩm Huế có một chủ đề tư tưởng chung, nhưng lại mang những phong cách nghệ thuật riêng tùy theo sở thích, kể cả sở trường lẫn sở đoản của từng vị vua. Sự dị biệt ấy cũng có thể nêu ra bằng những tính từ vắn gọn như sau:
- Lăng Gia Long : hoành tráng.
- Lăng Minh Mạng : thâm nghiêm.
- Lăng Thiệu Trị : thanh thoát.
- Lăng Tự Đức : thơ mộng.
- Lăng Dục Đức : đơn giản.
- Lăng Đồng Khánh : xinh xắn
- Lăng Khải Định : tinh xảo.
Nếu nắm được các tính cách chung và đặc điểm riêng ấy của hệ thống lăng tẩm Huế, chúng ta sẽ dễ nhận thức về giá trị của từng đối tượng khi đến thăm viếng và thưởng thức.
     
                         Phan Thuận An

Một Vài Hình Ảnh Các Lăng Tẩm ở Huế
1. Lăng Gia Long





2. Lăng Minh Mạng                                                                              
                                                                                                                      






3. Lăng Thiệu Trị                                                                                                                                      






4. Lăng Tự Đức                                                                                   
   
                                                                                            
                                   








5. Lăng Khải Định                                                                                                                                







                                                                                              

( Nguồn Internet)

Không có nhận xét nào: