Truông Nứa
Thuyên Huy
(Để tặng chị tôi, xin trả thay cho một
chút nợ nần mà tôi không trả được ở đời này)
1.
Nắng len nhẹ, từng giọt nhỏ lẻ loi rớt chập chững,
xuyên màn sương mờ mờ từ phía bên kia con rạch ngang, chia đôi cái Truông Nứa
mênh mông chằng chịt rễ. Sắp sửa cuối đông, nhất là từ hôm hai mươi ba Tháng Chạp, đưa ông Táo đi, trời chưa chịu bớt lạnh. Ngoại khoác thêm cái áo bà ba vừa
đủ bạc màu nâu, cầm gào nhỏ làm bằng mo cau khô, đi ra sàn nước, nhìn qua nhìn
lại hai mươi mấy chậu vạn thọ vàng hực bông, trồng trong mấy lon sửa bò xin từ
tiệm bán cà phê trên chợ xã từ những ngày giữa Thu, định múc nước tưới nhưng lại
thôi vì đất vẫn còn ướt đẫm hơi sương. Ngoại cúi người sắp cho nó ngay hàng thẳng
lối dọc theo tấm vách đất bên hông nhà, miệng đếm từng chậu một. Đưa tay vuốt hờ
mấy cọng tóc bạc trắng lòa xòa che trên vầng trán nhăn nheo, ngoại nhìn mông
lung xa xa ngoài phía cuối truông không nói một lời. Nắng theo bóng ngoại
nghiêng nghiêng ngã về phía tấm liếp cửa đan bằng lá dừa già. Ở ngoài vàm sông
lớn đã có chút mặt trời lên.
Mới đó mà thằng Chuồng, cháu ngoại của bà đã bỏ nhà đi vào đầu mùa cấy gần
ba năm rồi. Những ngày còn có nó, chiều nào cũng chạy lên chợ xã, sau khi đi
chăn trâu cho ông sáu Khỏe về, đứng chờ tiệm cà phê ông ba Tý dọn dẹp đóng cửa,
xin hết mấy cái lon sửa bò không, đem về rửa sạch phơi khô để ngoại trồng bông
vạn thọ bán vào buổi chợ chiều ngày ba
mươi. Năm nào cũng vậy, từ Bến Mương, hai bà cháu, trẻ háo hức đi sau, già kéo
chiếc xe cút-kích làm bằng cái thùng tre đựng chừng hai chục chậu bông đi trước,
băng con đường đất dọc theo tỉnh lộ, phía bên này rừng cao su, lên bán trên chợ
xã chiều ba mươi Tết. Hai bà cháu dọn mấy chậu bông trên một khoảng đất nhỏ, dưới
gốc cây trứng cá trước căn phố gạch của ai đó mà bà chưa có lần thấy mặt. Chợ
nhỏ, buổi chiều nhưng cũng đông người mua kẻ bán cho nên năm nào hai bà cháu đều
bán hết sạch bông. Nhờ đó tiền bán năm trước có dư đủ để may cho thằng Chuồng
cái áo và chiếc quần cụt mới mặc ba ngày Tết mặc dù nó chẳng có đi đâu xa, cao
lắm là theo mấy thằng bạn chăn trâu xin lên chợ xã, mang theo vài chục trả lương từ người chủ điền chủ trâu, đánh bài cào ăn hột vịt lộn hay chơi bầu cua
cá cọp một hai ngày.
Ngoại là người bán bông vạn thọ duy nhất ở chợ xã chiều ba mươi từ ngày
thằng Chuồng lên sáu tuổi. Chị Bền, mẹ nó, đứa con gái độc nhất của bà, lấy chồng
làm ruộng thuê, năm tròn mười chín trên miệt Bến Kéo. Hai vợ chồng làm ăn cực
nhọc nhưng không thấy gì khấm khá, vẫn thiếu trước hụt sau. Ngoại đau lòng nhưng
bà đã nghèo cho nên không có gì để cho ngoài cái lưng già còng và dăm ba manh
áo vá. Sau khi sinh ra thằng Chuồng, vợ chồng chị có bồng nó về thăm ngoại vài
lần trong dịp cúng giỗ ông ngoại. Nhà trống trước trống sau nhưng hai mẹ con lần
nào cũng ráng có cái tô bể kho thịt heo được bán rẻ vào cuối chợ chiều. Ở Bến
Kéo không hơn hơn hai năm, vợ chồng chị Bền bồng bế nhau về tận Khiêm Hanh, Cầu
Khởi quê chồng, đổi nghề đi bỏ lưới câu cá câu tôm.
Cuối mùa gặt, năm thằng Chuồng được năm tuổi, sau khi mãn tang chồng chết
vì bị rắn độc cắn khi tát nước đìa trong một ngày mưa chưa tạnh hẳn, chị Bền dắt
thằng Chuồng trở về Bến Mương sống với bà ngoại. Căn nhà giờ có thêm hai miệng
ăn, túng thiếu nhưng ngoại cảm thấy có chút vui trong tuổi già. Thằng Chuồng
tuy hơi đen đúa nhưng siêng năng dễ dạy, chịu khó quanh quẩn bên bà phụ chẻ củi
tưới cây. Có một điều là nó không ham đi học, ở nhà cũng đem nó lên trường tiểu
học xã, chỉ học lên tới lớp Tư rồi bỏ. Ngoại và mẹ nó cũng không ép uổng làm gì,
cả nhà có ai học hành gì đâu, ngoại thì khỏi nói rồi, mẹ nó chị Bền may mà còn
biết đọc biết viết chút đỉnh. Cho nên không ai than vản hay thắc mắc gì chuyện
thằng Chuồng có học hay không. Bỏ học, Chuồng theo mấy đứa bạn con nhà nghèo cuối
ấp, gần cầu Đá Hàng, vui vẻ với cái việc đi chăn trâu mướn cho ông Tám Khỏe,
trên khoảng đồng cỏ chạy dọc theo Truông Nứa dầy đặc cây bần bên này con rạch
chảy ra sông Vàm Cỏ Đông.
Chị Bền thì đi làm phụ tráng bánh tráng cho thiếm Ba Thắm, nhà ở đầu ấp,
nằm bên cạnh đường lộ, có sân đất rộng hơn nguyên cái nhà của ngoại. Dù gì đi nữa
thiếm với ngoại cũng là láng giềng, cũng chạy qua chạy lại thăm nhau mỗi khi tối lửa tắt đèn. Gia cảnh
thiếm Ba tạm gọi là kha khá vì công việc buôn bán bánh tráng có thường xuyên
trong năm và từ lâu lắm rồi. Thiếm biết chị Bền từ hồi còn nhỏ, thiếm lại ở góa
không con cái, cho nên có chị giúp một tay thiếm cũng thấy vui và cũng là cách
giúp gia đình ngoại có thêm chút đỉnh tiền xài, ngoài việc chạy vào chạy ra biếu
ngoại mấy xấp bánh tráng nóng tươi như từ đó tới nay. Rảnh rỗi chị Bền dắt con
đi bắt cua bắt còng trên mấy đám ruộng quanh ấp hay phụ cấy mướn nếu có ai đó
kêu.
Cuối mùa cấy năm sau, chị Bền một lần nữa lấy chồng. Chị phải lòng anh
thanh niên làm công việc bỏ mạ của đám người chuyên đi cấy mướn từ dưới miệt Gò
Dầu Thượng lên. Cũng như lần trước không có mâm cau miếng trầu, cũng nồi nào úp
vung nấy. Bên trai bà dì, bên gái bà ngoại, hai đàng gặp nhau trong cái nhà
tranh vách đất thiếu trước hụt sau của ngoại, nói tiếng hỏi tiếng bằng lòng qua
bữa cơm nghèo với cá rô kho ớt, tô canh bông súng, mấy cái bánh tráng đục màu
vôi cuốn gỏi thịt chim mõ nhát của thiếm Ba Thắm đem qua, ba cây nhang thơm và
ba chung rượu trắng trên bàn thờ ông ngoại. Chị Bền ở với ngoại thêm ít ngày, thôi
không phụ thiếm Ba Thắm làm bánh tráng nữa. Thương tình cảnh mẹ con, thiếm Bggga
đã mua cho chị Bền mấy sấp vải tốt hai ba màu để có thêm áo quần mà mặc khi về
Gò Dầu Thượng.
Hôm chồng lên rước về, chị Bền không đem thằng Chuồng theo mà để nó ở lại
với ngoại như hai mẹ con đã bàn tính. Ngoại thương thân nó côi cút, sợ cảnh cha
ghẻ con riêng và cũng còn người an ủi tuổi già, ra vô có nhau đỡ hiu quạnh nên
khuyên chị Bền theo nhà chồng một mình, lúc nào rảnh thì về thăm. Phần chị thì
thương con, không muốn nó thiếu mẹ nhưng ngặt cảnh tình cũng khó xử, thôi thì
nghe lời ngoại rồi từ từ tính sau. Xế trưa thằng Chuồng theo ngoại đưa chị Bền
và chồng mới ra ngoài đường lộ chờ đón xe lam về Gò Dầu Hạ. Nó ôm mẹ nó mà
không khóc nhưng khi xe chạy khỏi ấp Bến Mương không xa, nó nắm tay ngoại khóc
ròng làm ngoại không cầm được nước mắt. Hai ba cháu đứng nhìn theo khi chiếc xe
lam khuất mất ở cuối dốc cầu Đá Hàn.
Ở lại với bà ngoại, thằng Chuồng vài hôm đầu còn buồn, ít nói hơn đôi
chút nhưng sau rồi cũng nguôi ngoai. Nó thôi không hỏi han gì chị Bền nữa, tiếp
tục đi chăn trâu mướn với đám bạn cũ trong ấp như trước đây. Dân trong ấp biết
chuyện nên không ai đá động gì tới mẹ nó mỗi khi gặp nó đâu đó ngoài đường ngoài
ngõ. Thằng Chuồng tuy còn nhỏ nhưng cũng biết tính, sáng nào cũng vậy, khi dẩn
hai con trâu của ông Tám Khỏe ra đồng, nó đều mang theo hai cái đục tre mà ngoại
đan từ lâu lắm rồi, để lúc trâu ăn xong ngủ, chạy đi bắt cua bắt còng, dưới bờ
nước bùn dọc theo Truông Nứa khi nước ròng. Coi vậy mà chiều nào nó cũng mang về
nhà đầy ắp cua còng, đôi khi có thêm vài con cá rô cá trê đen bóng.
Đầu Truông Nứa phía cuối ấp, cạnh bờ con rạch ngang dẫn ra nhánh sông
cái, cách đường đất mòn không xa, có một chiếc xuồng ba lá cũ, nứt nẻ vài chỗ,
không biết của ai và dân trong ấp cũng không ai nhận, cho nên nó đã trở thành vật
sở hữu của đám con nít chăn trâu, trong đó có thằng Chuồng. Chiều chiều trước
khi lùa trâu về, bọn nó ba bốn đứa thong thả cột trâu lại rồi kéo nhau lên xuồng,
chèo lên chèo xuống hai bờ con rạch vui cười với sông với nước. Xong xuôi đâu
đó, công việc của thằng Chuồng là kéo chiếc xuồng cột vào chỗ cũ, chờ mấy đứa
kia lùa trâu đi ngang về ấp lại. Sau lần chị Bền về thăm con hôm Tết một mình
không có chồng theo, thằng Chuồng lâu lâu lùa trâu về nhà chủ trễ hơn mấy đứa
khác. Thằng Chuồng nói với đám bạn là ở lại kiếm bắt thêm mớ cá mớ cua cho ngoại
chớ thật ra không đứa nào thấy nó làm gì. Mỗi lần như vậy, khi về ngang qua
hông nhà ngoại, đám bạn thằng Chuồng, vừa la trâu vừa nói vọng vào là nó chưa về,
từ trong bà chỉ trả lời ừ một tiếng gọn.
Một đêm, trời vừa nhá nhem tối, đầu mùa cấy năm sau, sau khi lùa hai con
trâu của ông Tám Khỏe vào chuồng xong, thằng Chuồng la lớn cho bên trong nhà biết
rồi băng qua đống rơm cao, quơ tay lấy gói quần áo quấn trong tờ giấy báo cũ mà
nó đã giấu ở đó từ chiều hôm qua, ôm gói giấy vào ngực, thằng Chuồng đi thật lẹ,
tắt ngang qua nhà ngoại. Nó quay nhìn ánh đèn dầu mờ bóng ngoại lần nữa, đưa
tay quẹt chút nước mắt vừa ứa ra, rồi lặng lẽ bước đi trong màn đêm tỉnh mịch về
hướng Truông Nứa. Thằng Chuồng bỏ Bến Mương năm vừa tròn mười tuổi và cũng từ
ngày nó bỏ đi cho tới bây giờ không thấy chị Bền về thăm ngoại và con nữa. Chiếc
xuồng ba lá vẫn nằm yên chỗ cũ, không thấy đám bạn nó đụng tới dù chiều nào
cũng lùa trâu về ngang. Dân trong ấp Bến Mương, thương cho tuổi già của ngoại,
lo lắng không biết bà có chịu đựng nổi tình cảnh đó không nhứt là trong cái đêm
hay tin thằng Chuồng bỏ đi, ngoại đã ngất xỉu ngoài bờ đất đầu Truông trong lúc
người ta túa nhau đốt đuốc chạy tìm. Thiếm Ba Thắm, ông Tám Khỏe cùng hai ba
chú khác khiêng ngoại vào nhà, lấy dầu gió xanh con cọp, vừa thoa dầu vừa cầu Trời khẩn Phật, cho nên không sáng thì chiều, không người này cũng người kia, tạt
ngang tạt vào hỏi ngoại vài tiếng. Chiều ba mươi năm đó, người ta không thấy
ngoại lên chợ xã bán bông vạn thọ nữa, và cho đến nay, chỗ bà thường ngồi trước
căn phố gạch có cây trứng cá, vẫn còn trống, không có ai dù có khi chợ cũng
đông người.
2.
Ra Tết lâu rồi mà trời cũng còn hơi lạnh, giữa khuya mấy con chó của
đám nhà bên cạnh sủa nhiều tiếng hơn ngày thường. Cây đèn dầu treo đầu giường
chưa tắt, ngoại lầm bầm giờ này mà còn sủa ma cỏ gì nữa. Ngoại lửng thửng bước
ra định gài lại tấm liếp cửa, nghe có tiếng người xì xào, chưa kịp hỏi ai thì
thằng Chuồng đã lách vào trong. Hai bà cháu ôm nhau khóc sướt mướt, ngoại rờ thằng
Chuồng từ đầu tới chân, nó vẫn ốm như ngày nào. Thẳng Chuồng thổi tắt đèn dường
như sợ bên ngoài người ta thấy, bà cháu nói với nhau cái gì đó nhiều lắm rồi thằng
Chuồng bỏ đi ra, cùng hai ba người lạ đứng chờ trong bóng đêm ngoài sân vội vả
đi về hướng truông. Ngoại đứng bên liếp cửa nhìn theo, mắt già không thấy rõ gì
hơn ngoài mấy cái bóng người mờ mờ đen, như bóng ma chập chờn lên xuống.
Ngoài Truông Nứa, sương sáng tan dần theo ánh mặt trời lên bên kia sông
lớn. Nắng chập chững trải dài trên từng ngọn lá của mấy dây trầu mướt xanh gần
chái bếp. Ngoại trở vào nhà lấy cái khăn
quàng rằn, quấn che quanh đầu đi ra, sửa lại chiếc áo bà ba ngoài, rảo một vòng
quanh các chậu bông vạn thọ rồi cúi xuống nhìn vào cái khạp lớn rọng cá để sát
vách nhà, xế cái sàn nước, ba con cá lóc lớn vẫn bơi qua bơi lại như thường
ngày. Ngoại hờ khép tấm liếp cửa lại, theo con đường đất mòn từ từ đi ra đường
lộ. Hôm nay ngoại có hẹn gặp chú Tư Trưởng Ấp. Bà vừa đi vừa quay lại nhìn về
phía Truông Nứa lần nữa, trong ánh mắt đầy vui mừng bà mĩm cười, một nụ cười trọn
vẹn mà chưa ai thấy lần nào, từ sau ngày thằng Chuồng bỏ đi.
Từ Gò Dầu về, chiếc xe lam chạy vào ngừng ngay trong sân nhà thiếm Ba Thắm,
chú Tư Trưởng Ấp xuống trước, ngoại tay dắt thằng Chuồng theo sau. Thiếm Ba
lăng xăng gọi lớn, con nít, người lớn mấy nhà chung quanh chạy ùa ra, ai nấy
vui mừng, thằng Chuồng về thằng Chuồng về rồi. Thiếm Ba Thắm giựt thằng Chuồng
ra khỏi tay ngoại, ôm nó vào người rưng rưng từng tiếng một, con ơi con ơi.
Chiều ba mươi Tết năm nay, dân trong làng trong xã lại thấy hai bà cháu,
người trước người sau, đẩy xe bông vạn thọ lên chợ xã bán như những năm trước
đây, nói nói cười bên đường lộ. Ở phía bên này ấp, đầu Truông Nứa, chiếc xuồng
ba lá cũng không còn ở đó, đám bạn chăn trâu đã cắt dây cột, thả nó theo dòng
nước mà đi, mặc nó muốn trôi ra sông cái hay trôi theo chiều ra biển. Tàn buổi
chợ, bông của ngoại người ta mua không còn một chậu và ai nấy cũng bảo nhau,
bông vạn thọ của hai bà cháu bán Tết năm nay, nở cánh lớn, nhiều bông hơn và
vàng hực như một trời Xuân mới.
Chiến tranh, ngày một tăng dần
và lan rộng hơn trong mấy lúc gần đây, người dân ấp Bến Mương cảm thấy hình như
nó đang ngấp nghé đâu đó tới gần mình và cảm thấy đời sống họ không còn bình thản
như trước nữa. Đám con nít chăn trâu ngoài cánh đồng, chạy dài theo Truông Nứa
giờ đã hối hả lùa trâu về chuồng khi mặt trời chưa kịp lặn. Chiếc xe đò nhỏ
quen, chạy chuyến chót Tây Ninh – Gò Dầu cũng không về ngang Bến Mương, lúc nhà
dân bên đường lộ, chập chững lên đèn như những ngày trước đó. Sau Tết ta vài
ngày, vợ chồng chị Bền dắt nhau về thăm nhà và cũng để báo tin cho ngoại biết,
hai người sẽ dọn xuống Hốc Môn, ở chung với bà dì vì bà vừa mở một cái sạp bán
kẹo đậu phộng và bánh ú lá tre, bán cũng khá đắt, thôi không đi cấy ruộng mướn.
Họ cũng định đem thằng Chuồng theo nhưng thằng Chuồng một hai gì cũng nhất định
ở với ngoại, rốt cuộc chỉ có hai vợ chồng về lại Gò Dầu Thượng.
Ra Giêng, ngoại và thằng Chuồng không còn ở Bến Mương nữa. Căn nhà tranh
và miếng đất nhỏ bà bán lại cho thiếm Ba Thắm lấy chút tiền. Thiếm Ba mũi lòng
hứa sẽ giao trả khi nào ngoại trở lại đây. Được sự giúp đỡ của ông Bảy Luôn,
người đứng đầu, trông coi cái Thánh Thất Cao Đài xã Thạnh Đức, ngoại đưa thằng
Chuồng lên cô nhi viện ở với bà và ở đây đã cho nó theo mấy anh lớn học nghề thợ
mộc, tại cái trại đóng bàn ghế trong khuôn viên Tòa Thánh. Ngày hai buổi ra vào
quét dọn ngoài trong, nghe tiếng đám trẻ thơ ngây, cười vang ngoài sân trước vườn
sau, ngoại cảm thấy lòng mình ngập tràn một niềm thanh thản.
Hôm từ giã bà con trong ấp, đứng
chờ đón xe từ Gò Dầu lên, trời đã gần giữa trưa mà sương mù vẫn chưa tan trên mấy
cánh đồng xa phía bên này sông cái. Hai bà cháu ngồi sát hàng ghế gần cửa sổ
xe, nhìn lần cuối cùng cái Truông Nứa lờ mờ phía sau, thầm mong là sẽ mãi mãi
và vĩnh viễn không bao gờ thấy lại nó nữa.
Thuyên Huy
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét