Thứ Năm, 10 tháng 7, 2014

Một Tiết Dạy Văn Kéo Dài 46 Năm - Hoàng Đằng

Một Tiết Dạy Văn Kéo Dài 46 Năm              

Chiều 15/11/2013, tôi được nhóm học sinh cũ Nguyễn Hoàng – Quảng Trị khóa 1963 – 1970 mời dự họp mặt chào mừng Ngày Nhà Giáo Việt Nam (20/11).

Thật hạnh phúc! Tôi thường được mời dự những buổi họp mặt như thế của học trò cũ. Đoạn đời làm thầy giáo của tôi không nhiều. Tôi khởi nghiệp từ tháng 12/1965 và nghỉ dạy ngoài ý muốn tháng 4/1975. Tuy nhiên, từ đó đến nay, tôi luôn được ôm ấp trong tình cảm ấm nồng của học trò cũ.
Họp mặt tan. Một bạn trong nhóm tới nói với tôi: Trước đây, thầy dạy văn, thầy còn nợ chúng em chưa giải thích “nụ tầm xuân” trong bài ca dao:


                    Hoa Tầm Xuân (ảnh do tác giả cung cấp)

- Trèo lên cây bưởi hái hoa.
Bước xuống vườn cà hái nụ tầm xuân.
Nụ tầm xuân nở ra xanh biếc.
Em đã có chồng, anh tiếc lắm thay!

- Ba đồng một mớ trầu cay.
Sao anh chẳng hỏi những ngày còn không?
Bây giờ em đã có chồng.
Như chim vào lồng, như cá cắn câu.
Cá cắn câu biết đâu mà gở!
Chim vào lồng biết thuở nào ra!
Thế là không ngờ tôi còn mắc món nợ từ năm 1967, lúc tôi được phân công dạy Văn mấy lớp Đệ Tam.
Lúc đó, vì không nghe ai hỏi, tôi không đặt nặng ở nghĩa của cụm từ “nụ tầm xuân” mà giải thích. Bây giờ, dù muộn màng, tôi xin chia xẻ ý kiến của tôi với các bạn qua trang blog này, hy vọng sẽ có bạn truy cập.
Qua bài ca dao, khi dạy, tôi muốn nhấn mạnh hai điều: (1) thân phận phụ nữ ngày xưa bị xã hội coi rẻ (Ba đồng một mớ trầu cay) và (2) thân phận phụ nữ ngày xưa bị đối xử bất bình đẳng so với nam giới. Đàn ông được năm thê bảy thiếp, còn đàn bà chỉ chính chuyên một chồng (Bây giờ em đã có chồng; như chim vào lồng, như cá cắn câu).
Mà giả như ngày ấy, có bạn nào hỏi: “Nụ tầm xuân là gì?” tôi cũng trả lời: Tác giả bài ca dao muốn nói đến hoa cà, đấy thôi. Cây cà được trồng đầu hay giữa mùa đông, cây cà có thể ra hoa vào cuối đông hay đầu xuân (tầm xuân nghĩa là tìm xuân, trông chờ, chào đón tiết xuân).


Hoa cà (nguồn internet)

Vẫn biết rằng trong thực tế, từ kép “tầm xuân” dùng để chỉ một loài hoa hồng leo, cây cao từ 1 – 5 mét; có cây còn leo cao hơn ngọn các loài cây khác (theo Wikipedia). “Tầm xuân” còn là tên một loài cây thuộc họ đậu, chỉ mọc ở duyên hải miền Trung vì nơi đây khí hậu và thổ nhưỡng thích hợp (theo giáo sư Nguyễn Thiện Tích ở Đại Học Khoa Học Sài Gòn). Nụ tầm xuân trong bài ca dao không thể thuộc giống cây leo vì ở vườn cà, làm gì có giống cây leo!. Nụ tầm xuân trong bài ca dao cũng không thể thuộc giống cây họ đậu mọc dại vì ở vườn cà, cây dại cỏ dại luôn được làm sạch. Thế thì trăm phần trăm, đó là hoa cà – hoa cà và hoa tầm xuân có hình dáng và màu sắc gần giống nhau.
Về xuất xứ, có nguồn cho rằng bài ca dao là lời tiếc nuối của chúa Trịnh Tráng (1577 – 1657) ở Đàng Ngoài, do chê Đào Duy Từ thuộc dòng dõi xướng ca mà không sớm dùng để người hiền tài ấy vào phục vụ cho Đàng Trong:

- Trèo lên cây bưởi hái hoa.
Bước xuống vườn cà hái nụ tầm xuân.
Nụ tầm xuân nở ra xanh biếc.
Em đã có chồng, anh tiếc lắm thay!

 Và lời đáp của Đào Duy Từ nói lên thân phận và tinh thần của mình đã gắn kết với chúa Nguyễn Phúc Nguyên (1563 – 1635).

- Ba đồng một mớ trầu cay.
Sao anh chẳng hỏi những ngày còn không?
Bây giờ em đã có chồng.
Như chim vào lồng, như cá cắn câu.
Cá cắn câu biết đâu mà gở!
Chim vào lồng biết thuở nào ra!

 Đó chỉ là giai thoại – một tin đồn, không có bằng chứng trong sử sách.
Tôi, một thầy giáo dạy văn, chỉ xem bài ca dao là lời tâm tình của đôi trai gái yêu nhau nhưng ngỏ ý quá trễ.
Mấy lời dông dài với học trò cũ. Mong độc giả thông cảm./.

Hoàng Đằng
17/11/2013
(15/10/Quý Tỵ)

Không có nhận xét nào: