Chủ Nhật, 13 tháng 7, 2014

Nhớ Cha Thích - Ngô Văn Lại

          Nhớ Cha Thích
           Ngô Văn Lại Khóa I VHH Huế
Trong số các nhân vật tu hành – mà tôi có dịp hân hạnh tiếp cận – thuộc một số tôn giáo lớn, tôi được biết Cha Thích là một vị chân tu vượt trội về khá nhiêu phương diện.
Thời trai trẻ, Cha ký tên dưới tác phẩm mình là Nguyễn Văn Thích, hiệu Sảng Đình (đã thích thì cảm thấy sảng khoái) nhưng về già Cha lại ký tên là Nguyễn Hy Thích (-nghĩa 1: hiếm cái làm mình thich – nghĩa 2: hy vọng mình sẽ thích nghi). Cả hai nghĩa trên đều ám chỉ sự dị ứng của Cha về một số loại hình sinh hoạt xã hội mà vào thời trẻ Cha chưa hề từng trải.
Đã có nhiều tạp chí thuộc nhiều lĩnh vực hoạt động đề cập khá kỹ cuộc đời Cha Thích nên tôi chỉ giới hạn phạm vi bài viết nầy trong vài ấn tượng hãy còn lưu giữ nguyên vẹn chất lượng trong tâm trí mình.
Ấn tượng thứ nhất:  Học lực
Thời trẻ Cha đeo đuổi Hán học, tham gia lều chỏng đạt được cái Tú tài thì Hán học quay lưng với Cha. Cha quay sang Tây học, giựt được cái bằng Thành chung thì Cha quay lưng với Tây học.
Học  như thế, thi như thế,”kiêm nhiệm” như thế, vào thời Cha là điều tương đối hiêm có, rất mực vẻ vang. Theo tôi được biết chỉ có người thứ 2 làm được như Cha là nhà báo Phan Khôi – Cháu ngoại danh nhân Hoàng Diệu – nhưng ông thứ hai nầy chỉ chăm làm báo, nổi danh bài thơ Tình Già, đã nếm trải đủ mùi “số phận vinh quang và cay đắng”(mượn cách diễn đạt của nhà văn Liên xô) chứ không tham gia trong phong trào của Hướng Đạo sinh của thế giới cũng như không gởi đức tin của mình vào Thiên Chúa giáo như Cha Thích.
Ấn tượng thứ hai: Vườn trẻ Hương Linh
Cha sáng lập và điều hành vườn trẻ có vị trí và cảnh trí khá xinh đẹp. Cái tên Hương Linh cha đặt theo tinh thần Ki tô giáo, ngụ ý những linh hồn trong trắng đến thiêng liêng nhưng cái tên ấy lại gây không ít phản cảm cho dư luận xứ Huế, vì đa số họ chỉ hiểu Hương Linh là cách gọi tôn kính các vị Tiên linh, tức tổ tiên mình (chứ không phải gọi... trẻ con!). Không ít người lắc đầu ngán ngẫm lối đặt tên rùng rợn ấy của Cha (Tôi nhớ cụ Hồ Đắc Định dạy sử Trung Quốc – có lần nhắc đến tên vườn ấy bằng cái nhăn mặt như bị ai kéo tai hay ngắt véo vào mạng sườn mình hoặc cả hai!). Tuy nhiên, vườn trẻ ở đấy vẫn ngoan ăn chóng lớn bình thường.
 Vườn tọa lạc bên ngoài hàng rào cổng trường Bình Linh (Pellerin) ở Bến Ngự. Hằng ngày Cha đích thân cùng tài xế dùng chiếc xe tải nhỏ màu xám đưa đón trẻ em tận nhà.
Cha cũng mở ở đấy một lớp Hán Văn miễn phí dành cho năm ba gã (có vẻ hơi hiếu học) thuộc khóa I chúng tôi. Đôi lúc, không rõ nhầm lẫn sao đó, Cha mặc nhiên coi chúng tôi cũng thuộc “biên chế” vườn trẻ, có nghĩa là gây hao tổn thêm một số sô cô la bánh sữa hoặc nhãn Huế "chất lượng cao." Chúng tôi thưởng thức khá ồ ạt, hung hãn, chẳng chút khách khí, (có tí tẹo phái yếu nào đâu mà làm bộ dè dặt, ý tứ?) Nếu phụ huynh nào không may chứng kiến cảnh tượng ấy có lẽ họ tha hồ mà xót xa của, và không ngờ quà của họ lại nuôi đến cả các vị... Phù Đổng Thiên Vương!
Ấn tượng thứ ba: “Nghiện” văn học dân gian
Ở Cha Thích đây có lẽ thuộc yếu tố di truyền (Thân phụ Cha – cụ Nguyễn Văn Mại – vốn là tác giả Việt Nam phong sử, đăng nhiều kỳ trên tạp chí Nam Phong).
Cha Thích có biên soạn một cuốn – chất lượng thật cô đọng – tập hợp những thành ngữ, tục ngữ, chủ yếu do Cha sáng tác, có xen nhiều thành ngữ Hán khá ngộ nghĩnh. Thỉnh thoảng Cha mang công trình ấy của mình đến lớp, nhín bớt giờ dạy của mình để đọc cho học trò nghe đến mức đôi tai bị bực bội thực. Tôi còn nhớ lõm bõm được vài câu đại loại  như
-Bầm gan tím ruột, phẫn tich ư tâm,
Đỏ mặt đía tai, nộ hình ư sắc...
Tôi cho rằng những câu đối xuất sắc được lưu truyền trong xã hội Á Đông xưa nay, chắc gì có mấy câu đạt chất lượng nghệ thuật “qua mặt” nỗi câu ấy?
Ngộ nhất là có hôm nọ, Cha đọc đến câu ca dao:
             Ai mua con quạ bán cho,
     Đen lông, đen cánh, bộ giò cũng đen.
Tôi nhận diện đây đúng là câu đồng dao có công dụng duy trì tính nhí nhảnh nghịch ngợm hồn nhiên cần có ở độ tuổi ấu thơ. Điều ngộ nghĩnh làm tôi thật sự thích thú là vẻ mặt Cha trong giây phút ấy cũng bộc lộ hẳn chất trong trắng ngây thơ (Nghìn lần xin lỗi linh hồn Cha). Tôi từng đọc đâu đó một công trình nghiên cứu rằng tâm linh có khả năng tác động nên sự giống nhau giữa hai cá thể: Hai đứa trẻ thân thiết với nhau tối đa, lâu ngày sẽ phát triển nhiều điểm giống nhau về diện mạo, tính tình, thị hiếu, v.v... Một đứa trẻ ưa thích thú cưng của mình vượt mức bình thường cũng dễ xảy ra hiện tượng như vậy. (Ở Âu Mỹ người ta thường tổ chức những cuộc tranh giải dành cho những người có vẻ mặt giống vật nuôi của mình, đấy chưa hẳn là chuyện ngẫu nhiên thuần túy!).
Tôi lạc đề như trên vì nhớ quá vẻ mặt tươi hơn hớn – có phần nào kỳ quái – hôm Cha đọc câu đồng giao nọ. Rõ ràng là có sự thấm thấu nào đó của vườn trẻ Hương Linh, cơ sở mẫu giáo mà Cha toàn tâm toàn ý phát triển nó. Tôi quan sát đầy thích thú hiện tượng ấy ở Cha còn chăm chú hơn cả những lúc nghe Cha giảng bài.
Thấy vẻ mặt tôi “thuỗn ra như chúa tàu nghe kèn” cô bạn ngồi cạnh nhẹ nhẹ nắn khuỷu tay tôi, cười rúc rích, thì thầm vào tai tôi chút giọng Huế:
-Cha “tự họa” chân dung của Cha chớ quạ chi mô mà quạ!
Trạng thái say sưa của tôi thoắt chuyển ra trạng thái sững sờ. Trời đất cô ta quan sát mới tinh ranh làm sao! Đúng là Cha vẫn diện thường xuyên chiếc áo chùng đen dài chấm gót kèm với khuôn vải choàng cùng màu lại đính phía trước cả một hàng nút đen chi chít giống như một hàng cờ vây bóng đen nháy, rồi nào giày đen, vớ đen nữa thật chẳng chệch chữ nào với câu đồng dao nhí nhảnh nọ! Ngay đến chú quạ thật cũng chưa chắc gì dám tự hào mình đen hơn!
Ấn tượng thứ tư: Dị ứng tối đa với nghệ thuật thứ bảy.
Mỗi khi giảng bài, bắt gặp cơ hội có thể lạc đề sang lĩnh vực luân lý đạo đức là Cha Thích thẳng tay “nã đại bác” vào loại hình nghệ thuật mà Cha đổi tên “xi nê cởi truồng” (Cha “bắt chết” cách gọi nầy dùng làm thương hiệu độc quyền cho mình!). Nhắc đến cụm từ ấy, lúc nào Cha cũng “nộ hình ư sắc” tức là... đỏ mặt tía tai hẳn hoi, mắt Cha long sòng sọc, bọt mép sùi ra phì phì, mất hết vẻ trang nghiêm hồn hậu thường nhật!.
Trong những sinh viên thường học môn Hán văn Cha dạy, có lẽ tôi là đứa nhẵn mặt nhất, kể cả việc chạm mặt ở thi vấn đáp một số kỳ thi ở Huế. Cha cũng đã từng bốc tôi lên xe Hương Linh đưa đi gởi gắm xin giờ dạy ở trường Bình Minh (kết quả chỉ là một lời hứa rất mực ân cần của Trần tiên sinh!) Cha cũng đưa tôi vào “phụ việc” trong Ủy Ban Phiên Dịch Sử Liệu của Đại học Huế (chủ yếu là xử lý Châu Bản Triều Nguyễn). Tắt một lời, Cha đích thật là một “quý nhân” phò hộ tôi... hơi "bị nhiều" và giữ đúng tinh thần chỉ “cho mượn cần câu” chứ không hề đãi cá kho tộ hay chiên xù gì cả. Tôi láng máng nghi ngờ rằng nhiệt tình Cha dồn cho tôi có thể bắt nguồn từ thời thơ ấu của Cha, có lẽ bấy giờ Cha sống trong tư dinh ở Ty Niết Quảng Nam, lúc thân phụ Cha “ngồi” ghế Án sát cũng nên.
Cậy mình có duyên với Cha Thích nên đôi lúc tôi tỏ ra quá trớn, cốt “dợt le” với bạn bè rằng mình ngon lành chứ không thuộc diện “mặt lim gan sứa” như họ. Đối với Cha họ cứ bám riết tinh thần “kính nhi viễn chi” (ngay cả sau lưng Cha họ cũng chỉ gọi là Ngài, Người bằng ý thức viết hoa cẩn thận!) Nhìn chung họ “kính” khá nhiều và viễn càng nhiều hơn!
Bằng chứng cụ thể nhất xảy ra tại cuộc thi vấn đáp môn Hán Văn ở Đại học Sư phạm Huế năm 1965. Bấy giờ tôi thi tốt nghiệp môn Việt Hán.
Hôm ấy phòng thi vấn đáp của môn Cha hơi đông, ngồi đầy cả ba hàng ghế bởi ngoài đám thi tốt nghiệp của chúng tôi còn gom vào đấy cả đám thi cuối năm các lớp I và II nữa. Tôi ngồi dãy đầu, đối diện với Cha trên bục. Nghĩ đến viễn cảnh thầy trò chúng tôi sắp phải mỗi người một ngả, cả cha lẫn tôi đều cố nén nỗi bùi ngùi. Cha và tôi phát hiện lẫn nhau niềm ray rứt ấy. Câu thơ của Vũ Hoàng Chương chợt hiện về làm tê tái lòng tôi:
     Trùng lai đâu dễ hẹn kỳ
Đò ngang một chuyến chắc gì mai sau?
    Lại thêm câu:
   Hôm nay còn gặp mặt
   Ngày mai đã cách xa
Cái ông thi sĩ bê tha nhất nước ấy quả đã hành hạ tâm hồn tôi thật tá̉n mạng! Bỗng dưng tôi nảy ý... chế tạo một kỷ niệm thật xứng đáng để đời :
-Thưa Cha, khi hôm con nằm nghĩ lan man nào ngờ nghĩ ra được một điều thú vị lắm Cha ạ!
Cha cười bằng đôi mắt nheo nheo:
-Anh nghĩ chi mà thú vị?
- Thưa Cha con nghĩ đến đức Khổng Tử...
Nghe tôi báo cáo cuộc suy nghĩ của mình có tầm "vĩ mô" đến thế, tiềm năng “Sảng Đình“ của Cha lập tức bừng dậy, Cha nhìn tôi đăm đăm chờ kể. Thấy tôi còn nấn ná... đợi giờ tốt, Cha háo hức giục:
  • Anh nghĩ chi về Ngài ?
    - Thưa Cha, con nghĩ rằng... nếu cụ Khổng Tử nhà mình may mắn sinh nhằm thời đại nầy, chắc cụ không bỏ sót một phim “cởi truồng” nào của rạp Tân Tân, Châu Tinh, Khải Hoàn đâu ạ!
    Đột nhiên Cha như bị trúng phong, cả người run rẩy, quắc mắt nhìn tôi như muốn nuốt... sống cái rột kẻ lếu láo vô giới hạn rồi lắp bắp khổ sở:
    - Răng...răng... anh dám... nói Ngài như... như rứa ?
    “Hỏng bét!” Tôi đau khổ rên thầm. Cứ tưởng cù Cha để tăng ấn tượng cho kỷ niệm cuối cùng, ai dè lại cù nhầm vào yếu huyệt! Tôi tiếp tục đà tía lia, bụng hồi hộp theo dõi sắc diện Cha, không khéo phải gọi xe cấp cứu như chơi! Cũng may mà tạm thời chưa đến nỗi ấy:
    - Thưa Cha, sử sách ghi chép rành rành đấy thôi. Trong chuyến chu du sáu nước, khi thày trò Ngài ghé nước Tịnh hay Vệ gì đó con không nhớ chắc, nghe dư luận ở đấy râm ran là có nàng Nam Tử đẹp hết sẩy, lại khét tiếng dâm đãng, thế là Ngài chíp bụng. Ngay ngày hôm sau, trời còn chưa sáng Ngài đã dậy kết thúc đêm không ngủ, loay hoay chải chuốt rồi còn đi tới đi lui miết. Tử Lộ biết tỏng ý thầy mình, nên chẳng những không chuẩn bị sẵn sàng xe đẩy (như mọi lần thấy đến nơi danh giá, quyền quý) lại còn mặt mũi chự bự níu áo của thầy toác toạc. Ngài đành quay trở vào.
    Tử lộ thở phào, lo đi rửa ráy, bôi xức thuốc đỏ vào mấy vết trầy xước do cuộc vùng vằng giằng níu lúc nãy để lại. Xong xuôi ông ta ngao ngán trở lên nhà nhằm vuốt giận thầy chợt phát hiện giường thầy mình trống trơn. Tử Lộ tá hỏa, nào ngờ thầy mình quay lại chỉ cốt để thay áo khác chứ đâu phải mọi chuyện đã cắt cơn...
    Cả phòng ồ lên cười đủ mọi cung bậc... Đám thí sinh hôm ấy như quên cả mình là ai. Cha Thích “nộ hình ư sắc” lần nữa. Cha đứng hẳn dậy, một tay vịn mép bàn, tay kia chìa ngón trỏ điểm điểm vào mặt tôi, mắt vẫn quắc lên:
    - Anh... thiệt là... thiệt là... là... là
    Cha bí rị. Có lẽ Cha cố tìm một lời đích đáng nào đó dành cho kẻ xấc xược, quá ư bố láo như tôi nhưng tính đến tận lúc ấy, cả nội ngữ lẫn ngoại ngữ, cả ngôn ngữ các tự điển lẫn ngôn ngữ đầu đường xó chợ cũng chưa có nơi nào chuẩn bị được cho Cha một từ có đủ kích thước phù hợp mức độ cần thiết thành thử mãi đến nay tôi vẫn chưa hiểu dưới mắt Cha ngày ấy, tôi... thiệt là cái thứ gì! (Cũng có thể lúc ấy Cha nhọc công tìm một từ xêm xêm hai tiếng “bá ngọ” trong Phật giáo, nhưng rồi Cha đành chịu phép!).
    Phải thừa nhận rằng tôi nhờ ngón “giật đổ thần tượng” quá nặng tay (đúng chóc cái lúc Cha chắc mẩm rằng tôi sẽ suy tôn hết mình nên hóa gay!)  Cha bị sốc hơi nặng nhưng nhìn thấy tôi mặt mũi hiền khô không có chút xíu gì ác ý nên mớ nộ khí của Cha lục tục xuống thang. Tôi cho rằng Cha đã phát hiện âm mưu “chế tạo kỷ niệm’ của tôi do tôi cố tình “diễn cương” quá lộng cho vai trò Tử Lộ... bôi thuốc đỏ! Lộ liễu đến thế ai mà chả hiểu, huống chi là Cha ?
    Cuộc đua cười vẫn tiếp tục đầy "khí thế!" (Thật là lộn xộn! Tôi cù Cha chứ đâu có cù họ?) Lạ thay! Chính Cha Thích cũng có dấu hiệu bắt đầu tham gia! Cha nheo mắt cười nhưng nụ cười ấy có vẻ như sai địa chỉ, không chiếu đúng hướng vào mắt tôi  mà chênh chếch phía trên tóc tôi chừng mấy xăngtimét. Tôi ngớ mất nửa giây rồi chợt hiểu ra nhờ có động tác là lạ sau lưng. Té ra tôi “bé cái nhầm” lảng nhách! Cha đâu thèm cười với tôi? Nụ cười ấy Cha dốc trọn cho anh bạn người Tam Kỳ học năm thứ nhất. Anh ta mới bắt chuyện làm quen với tôi trước đó hơn mươi phút. Anh ngồi cách tôi một hàng ghế, cố nhoài người lên phía trước, dùng ngón trỏ làm móc, ngoặc lấy cổ áo tôi giật giật, nhắc tôi cố nhớ xem hồn vía mình đang ở đâu. Bông lơn bạt mạng như tôi có khác nào ôm bom lao vào xe địch, nổ banh xác mình đã đành, nhưng kẻ ở tầm gần phải dính miểng là cái chắc! Anh ta vốn từng có thời kỳ đứng lớp, nay trông đã vào độ tuổi “băm” còn phải gồng mình ăn ở biết điều mất vài năm nữa, rủi tôi gây vạ lây làm cho anh kẹt lại lớp thì biết ăn nói làm sao với gia đình?
     Cha Thích phát hiện cảnh móc móc giật giật buồn cười đó. Cha trở lại vẻ điềm đạm mọi ngày, dịu giọng bảo anh chàng yếu vía nọ:
    - Thôi! Móc giật chi nữa! Cha không làm chi anh mô! Anh L... ̀mà! Nói câu đó, Cha mới ngó ngàng đến tôi bằng... nửa cái lườm cộng với nửa cái nguýt:
    - Lên bảng đi cho rồi !
    Tôi vội ngoái cổ mỉm cười đáp tạ thịnh tình của anh bạn Tam Kỳ pha chút tự đắc ngầm: “Thấy chưa? Cánh hâu mà!”
    Cha Thích bắt tôi viết ám tả một đoạn văn rồi cắt nghĩa. Mọi việc diễn ra trơn tru. Tôi cúi đầu chào Cha lần cuối. (Hình như tạo hóa trớ trêu cố tình bố trí cho tôi được biết tin tức Cha Thích thật “cần và đủ” qua người cháu học của Cha là một nữ tu dòng Vincent ở  Nha trang sau đấy tám năm. “Xơ” ấy tỏ ra rất quý tôi do cùng lúc được Cha và một giáo sư Đại học Đà Lạt khuyên “xơ” mời tôi phụ đạo. Thế nhưng khi tôi ghé tăm vào  năm 1981 ở Cam Ranh, “xơ” nọ nhã ý nhường tôi một di vật duy nhất của Cha thì tôi cương quyết khước từ vì thấy mình không đủ tư cách giữ món ấy bằng người cháu họ cùng tín ngưỡng của Cha).
                                           
                                            ****
     Đã có người bảo rằng tôi là kẻ chả ra gì nhưng khéo tạo vẻ “ngụy nghiêm túc” để qua mặt người khác, do đó ban Lãnh Đạo Đại Học Huế đã hai lần chọn tôi làm đại diện sinh viên (cùng với Đoàn Thị Thiên Phước, khóa học II Viện Hán Học) tháp tùng phái đoàn Viện đi dự hai bữa tiệc VIP trong thành phố. Họ cũng có ý ngầm trách Cha Thích nương nhẹ với kẻ lếu láo như tôi (Tôi nghi cả chị Thiên Phước lẫn tôi đều do Cha Thích chọn theo... đơn đặt hàng của Cha Luận).
    Thật ra, nhận định như thế mới chính là điều đáng chê trách. Trò trêu chọc bông phèn của tôi nếu ai chịu suy nghĩ cho bài bản tất sẽ nhận rằng nó không hề nhằm phá hoại không khí trang nghiêm chốn học đường mà chỉ là cách giải tỏa hữu hiệu cho những stress của Cha nảy sinh do tuổi tác, do công việc, do cương vị  v.v... Không phải Cha “chịu thua” những trò xỏ lá ba que ấy của tôi mà là tự trong sâu thẳm cái tâm “Chân Như” của Cha đã ngầm ưa thích những trò đó (liệu có nhờ ở tính hiếu động của nề nếp Hướng Đạo Sinh ngày xưa sót lại?)  Trong cung cách cư xử, Cha và tôi cùng có “mẫu số chung’’ là thoải mái coi lớp học như nhà mình mà khẩu hiệu "thị hiệu như gia" thì chính là câu tự khich lệ dành cho cả thầy lẫn trò đã xuất hiện nhan nhản bên trong cũng như bên ngoài các trường học Trung Quốc từ đời não đời nao!  Đặc biệt ngày nay khá nhiều nước trên thế giới cùng có chủ trương nhân rộng điển hình “ngôi trường thân thiện’’ để thay thế hình ảnh những ông giáo làng lăm lăm roi mây, thước kẻ ngày xưa.  "Ngôi trường thân thiện’’ suy cho cùng chăng qua cũng chỉ là thứ bao bì bóng loáng để gói ghém tinh thần “thị hiệu như gia’’ ấy mà thôi... Không coi trường học như nhà mình thì thân thiện quái gì được?
  • Tôi cho là vậy.
                              
                                Đà Nẵng , 9.09
                                      N.V.L
(Trích Đặc San Ký Ức và Hoài Niệm - kỷ niệm  50 Năm thành lập Viện Hán Học Huế)

Không có nhận xét nào: