Thứ Sáu, 25 tháng 7, 2014

Đọc bài Theo Sóng Đời Lao Xao của Thuyên Huy - Bài viết Nguyễn Cang

      Đọc Bài Theo Sóng Đời Lao Xao
                                         Nguyễn Cang
       Trong hơn 10 bài thơ của Thuyên Huy mà tôi có thì giờ đọc, bài nào cũng thấy hay (cảm nhận riêng).  Cái hay của nó không phải do lời thơ bóng bẩy chải chuốt cũng không phải do  cách gieo vần. Một trong những bài tôi rất vừa ý của riêng mình là  bài Theo Sóng Đời Lao Xao. Xin được mạo muội ghi lại một vài cảm nhận khi đọc nó để mời các bạn, nhất là những người bạn còn yêu thơ, thưởng thức.



                                   Theo Sóng Đời Lao Xao
                          Từ những ngày mưa nhiều không nắng
                           Một nửa dòng sông một nửa buồn
                          Cầu xưa gãy nhịp mênh mông vắng
                          Còn ai đó không cho nhớ nhung
                       
                           Nghe đâu đây phút chinh phu tiễn
                          Réo rắt chùng dây bản nguyệt cầm
                           Mất nhau theo tháng ngày chinh chiến
                          Trong đời còn mấy buổi trăm năm
  
                          Kiếm cung cũng làm thân tráng sĩ
                          Trống chiêng ư đâu khúc quân hành
                          Gói đời trong lưng chừng trang sử
                          Ai công hầu mà tướng với khanh

                         Bỗng chợt buông xuôi thành bại tướng
                         Về trông lá úa phủ thành xưa
                         Hồn rã buồn bay đi trăm hướng
                         Lạnh sóng đời theo gió trở mùa

                         Buồn trốn sông xưa đò qua vội
                         Có ai cho hẹn buổi bạc đầu
                        Trọn một kiếp người trong dong ruỗi
                         Cuối đời viên đá cuội lao xao

                                        Thuyên Huy

Theo Sóng Đời Lao Xao một bài thơ thất ngôn phá thể, có 5 khổ mỗi khổ 4 câu mỗi câu 7 chữ, mang nặng tình tự dân tộc quê hương, được Thuyên Huy viết trong bối cảnh lúc trở về chốn xưa. Biến cố lịch sử 1975, đánh dấu một giai đoạn đổi đời đầy sóng gió. Xã hội biến đổi một cách sâu sắc với nhiều  cảnh ngang trái ngược đời, thế thái nhân tình đảo lộn. Tiếp theo  là cảnh vượt biên, vượt  biển đầy cam go thử thách và hiểm nguy kéo dài hơn 10 năm. Người ra đi thì cầu Trời cho thuyền thuận buồm xuôi gió để tới nơi an toàn, kẻ ở lại thì khẩn Phật cho  thân nhân chóng biên thư về báo tin vui: được tàu ngoại quốc cứu thoát, chờ ngày định cư sang nước thứ ba.  Ngoài những hiểm nguy gặp phải trên đường, họ còn bỏ lại sau lưng tiền bạc, nhà cửa, ruộng vườn mà bao đời cần cù lao động mới có. Ai cũng nghĩ một lần ra đi là ngàn đời vĩnh biệt nên bấm bụng để người thân ra đi, vậy mà chuyện không ai ngờ lại xẩy ra như một phép mầu. Hơn 10 năm sau những người vượt biên năm nào lại trở về như một đứa con thân yêu đi chơi xa, nay trở về cố quận. Trong một lần ra tỉnh lỵ Tây Ninh để mua hạt giống,  (giữa năm 1979) Thuyên Huy dừng lại bên nầy CẦU QUAN, đưa mắt nhìn về phía bên kia khu phố chợ mà ngậm ngùi thương tiếc cho cảnh vật đổi sao dời. Còn đâu những ngày thơ ấu tuổi học trò, ngày ngày cấp sách đến trường, vui đùa cùng bè bạn.  Đứng trước con sông kỷ niệm, tác giả có cảm tưởng như đang đứng ở một vùng đất xa lạ! Tâm trạng buồn xa vắng, nhớ mong chẳng khác chi nỗi lòng của Trần Tế Xương hồi đầu thế kỷ thứ trước, khi ông nằm ngủ trong nhà gần sông Vị Hoàng (ở làng Vị Xuyên, quê hương TTX) bị lấp, đêm khuya giật mình thức giâc khi nghe tiếng ếch kêu mà tưởng như  tiếng ai gọi đò văng vẵng bên kia sông vọng lại làm ông nhớ  bến đò cũ con sông xưa (đã bị lấp) vô cùng.  Đâu rồi những buổi trưa hè ra tắm sông cùng bạn hay xúc tép, bắt cá?  Hoặc hẹn hò cùng ai đó bên bờ sông? Bài thơ vỏn vẹn chỉ có 4 câu, nhưng chứa đựng tình cảm sâu sắc, ngoài tình yêu quê hương còn có tình yêu nước thiết tha.
                        Sông Lấp Nam Định
                  Sông  kia rày đã lên đồng,
                  Chỗ làm nhà cửa chỗ trồng ngô khoai,
                  Đêm nghe tiếng ếch bên tai,
                  Giật mình còn tưởng tiếng ai gọi đò.

Từ ngữ Theo Sóng Đời Lao Xao mô tả đúng mức tình trạng xã hội VN nhiễu nhương thời bấy giờ. "Sóng đời" chỉ cuộc đời  nhiều sóng gió, không  bằng phẳng như dòng nước trôi xuôi, trái lại nó nhấp nhô bập bềnh như có sóng vỗ, một cuộc sống đầy cam go, tranh giành để có miếng ăn cái mặc. Trong cảnh lao xao đó Thuyên Huy cũng liều để bản thân mình trôi theo sóng đời may rủi, bấp bênh.
Dòng sông, kỷ niệm, dòng đời là ba yếu tố được sử dụng trong thơ văn, để gợi lại những kỷ niệm buồn vui trong quá khứ mà nay nhắc lại như một món ăn tinh thần đầy dấu yêu gợi cảm. Từ những ngày mưa nhiều không nắng, tức những ngày buồn bã kéo dài không thấy ánh nắng vàng rực rỡ cũng như dòng sông  kia nó chỉ có một nửa vui một nửa buồn. Tất cả như có  gì trở ngại khiến cuộc đời không êm xuôi, nên lòng người ray rứt, lo lắng,  bâng khuâng không biết mai nầy đời mình sẽ ra sao? Thuyên Huy nhìn cảnh đời  đổi thay, chạnh lòng nghĩ tới cây cầu xưa, cũng tại nơi nầy, bị gãy một nhịp nằm trơ ra đó chẳng ai thương xót đoái hoài, sự mênh mông hoang vắng khiến tác giả cất tiếng than  "còn ai cho ta nhớ thương bây giờ?"  Tâm trạng nầy sao mà trầm buồn, tha thiết!
                          Từ những ngày mưa nhiều không  nắng
                          Một nửa dòng sông một nửa buồn
                          Cầu xưa gãy nhịp mênh mông vắng
                          Còn ai đó không cho nhớ nhung

Về mặt nghệ thuật sáng tác thơ văn, ta nhận thấy Thuyên Huy đã sử dụng biện pháp tu từ một cách nhuần nhuyễn, tác giả xây dựng được sự liên hệ chặt chẽ và sinh động bằng cách so sánh  giữa dòng sông và cuộc đời, giữa mưa nắng với niềm vui hạnh phúc hay nỗi bất hạnh. Cây cầu gãy nhịp chẳng khác gì sự sụp đỗ của miền Nam.  Biện pháp tu từ mang tính ẩn dụ vừa có tính cách so sánh khiến người đọc phải suy nghĩ nhiều và cảm thấy thích thú để thưởng thức một bài thơ hay.
   Những kỷ niệm bên chiếc cầu không những được nhiều thi nhân lấy làm đề tài sáng tác mà các nghệ sỹ cũng mượn hình ảnh nầy để sáng tác nhiều bản nhạc nổi tiếng, bây giờ nhắc lại mà cảm thấy ngậm ngùi thương tiếc cho chiếc cầu xưa ghi dấu biết bao kỷ niệm: chiếc cầu đã đẹp mà lòng người càng đẹp hơn: họ biết thương yêu nhau, giúp đỡ nhau, cùng nhau xây dưng đất nước. Chiếc cầu vừa làm phương tiện sanh sống vừa nối nhịp tình thương giữa hai nơi, bên nầy sông và bên kia sông. Hằng ngày người qua kẻ lại tấp nập, có cả những chiếc áo dài trắng lất phất bay nhẹ trong nắng ban trưa của buổi tan trường.  Mời các bạn thưởng thức lại một đoạn ca khúc Chuyện Một Chiếc Cầu Đã Gãy (chú thích: Cầu Trường Tiền ở Huế trước 75) của Trầm Tử Thiêng:



            Từng đoàn người dệt tương lai đi nắng về trưa
             Dập dìu trong tay chan chứa tình thương
             Cầu êm bóng xa xa nắng tre rập đường
             Áo trắng về trắng cầu quê hương
              Mỗi lần chiều tan trường
             Cầu quen đưa bao chuyến xe
              Nhiều khi vẫn nghe buồn vui tràn trề
              Âm thầm người đi, người về, trót ghi lời thề
              ngoài miền sơn khê .

Cảnh vật thay đổỉ thật nhiều. Nhìn dòng sông mà nhớ cảnh cũ. Ngày xưa dầu chiến tranh sôi động nhưng cuộc sống vẫn thấy bình an no ấm. Làm trai trong thời chiến khi tới tuổi quân dịch ai ai cũng xếp bút nghiên theo việc đao cung. Người vợ, người yêu, tiễn chồng tiễn bạn lên đường bằng khúc nhạc biệt ly, tiếng đàn nguyệt cầm nghe sao réo rắt buồn ảo não, càng lúc càng rời rạc, đứt đoạn, uất nghẹn, dây tơ chùng xuống tự bao giờ.  Chinh chiến càng lâu thì sự mất mát càng nhiều. Em hỏi anh bao giờ trở lại? Anh nói rằng mai một anh về. Lời nói như một an ủi chứ  anh nào biết ngày sau sẽ ra sao? Có khi anh về bằng đôi nạng gỗ hay bằng hòm gỗ cài hoa. Tác giả than nho nhỏ  "trong đời còn mấy buổi trăm năm?" Còn ai để mà đợi mà chờ?
                    Nghe đâu đây phút chinh phu tiễn
                    Réo rắt chùn dây bản nguyệt cầm
                    Mất nhau theo tháng ngày chinh chiến
                    Trong đời còn mấy buổi trăm năm

Cuộc tiễn đưa  nào cũng buồn, nhứt là cuộc chia tay thời chinh chiến. Trong văn học sử đời Đường, thi sĩ Vương Duy có làm một bài thơ nổi tiếng, biểu hiện một cách tập trung sâu sắc của sự tiễn đưa, trong một thời gian dài bài thơ trở thành ca khúc tiễn đưa được nhiều người ưa chuộng.
                Vị Thành triêu vũ ấp khinh trần,
                 Khách xá thanh thanh liễu sắc tân.
                 Khuyến quân cánh tận nhất bôi tửu,
                     Tây xuất Dương Quan vô cố nhân.
                          (Vị Thành khúc/ Vương Duy)   
                    
                [ Mưa mai thấm bụi Vị Thành,
                Liễu bên quán trọ sắc xanh ngời ngời.
                Khuyên anh hãy cạn chén mời,
                Dương quan ra khỏi ai người cố tri.]
                        (Người dịch: Tương Như)

Đây là cuộc chia tay giữa hal người bạn nơi quán trọ ở Thành Vị, thuộc thành phố Tây An, tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc. Trong cảnh ban mai có mưa sương nhẹ,  phơn phớt  trên cành liễu xanh. Người ở lại tiễn người đi bằng cốc rượu nồng.  Một khi bạn ra khỏi Dương Quan thì coi như không còn ai là tri âm nữa. Thật ít có tình bạn cao quý như vầy.
Trong thời chiến có kẻ làm anh hùng xả thân cho tổ quốc, quyết tử, lấy da ngựa bọc thây, coi cái chết nhẹ tựa lông hồng. Nhưng nay đâu còn nữa khúc quân hành, khi mà cuộc chiến đã tàn, lịch sử đã sang trang. Câu chuyện ai anh hùng, ai khanh tướng, ai là giặc, xin để lịch sử phán xét.  Giờ đây Thuyên Huy không màng tranh luận, đánh giá, kể công với ai hết:                                                                              
                        Kiếm cung cũng làm thân tráng sĩ
                       Trống chiêng ư đâu khúc quân hành
                          Gói đời trong lưng chừng trang sử
                          Ai công hầu mà tướng với khanh

Câu "Gói đời trong lưng  chừng trang sử" ở đây mang một ý nghĩa đặc biệt, nguyên ngữ của từ "gói" có nghĩa là bọc kín một vật bằng giấy hay vải, còn "gói đời" thì hơi lạ, nhưng ta có thể hiểu được đó là đem những đổi thay lớn lao viết vào trang sử để lưu lại cho đời sau. Đây cũng là một nét sáng tạo khác của tác giả trong việc sử dụng thi ngữ. Còn "trong lưng chừng trang sử" cũng có ý mới, ta có thể hiểu "vì trang sử còn bỏ dở nên tạm thời "chép" vào đó (ẩn ngữ) để mai sau lịch sử sẽ xét lại và đánh giá một cách khách quan, đúng mức, sự đổi thay nầy.
   Xét tiếp câu"Ai công hầu mà tướng với khanh." Người ta thường nói "công hầu khanh tướng," dạng rút gọn câu văn nhưng ý nghĩa vẫn cô đọng, mô tả  được những chức vụ quan trọng trong tổ chức chánh quyền thời phong kiến.  Ở đây tác giả dùng kỹ thuật đảo ngữ và đan xen những từ ngữ thông dụng để kéo dài lời nói cho phù hợp với tiết tấu và âm điệu câu thơ. Xen kẻ giữa "hầu" và "tướng" là hư từ "mà"; giữa "tướng" với "khanh" lại xen bởi hư từ  "với." Đây là những nét khá đặc biệt trong việc sử dụng thi ngữ, làm tăng thêm sự chú ý của độc giả đồng thời  tránh được sự nhàm chán trong thi điệu thơ văn.  Mặt khác tác giả đưa nghi vấn đại danh từ "ai" lên đầu câu, mang ý nghĩa "ai đó," "người nào" để nhấn mạnh câu hỏi, gây quan tâm cho người đọc, để họ tham gia trả lời câu hỏi như đó chính là chuyện của mình .
            Nhìn lại cuộc chiến vừa qua , tác giả giật mình bàng hoàng ngơ ngác, tự hỏi tại  sao với một lực lượng trang bị hùng hậu, thiện chiến, chưa đánh đã bỏ thành đầu hàng?  Còn đâu là  danh dự là huynh đệ chi binh?  Nay, thành quách ngày xưa đã trở nên hoang phế, dây leo mọc phủ lên tường, không còn nhận ra thành cũ, hào xưa nữa.  Hồn tử sĩ cũng bay đi trăm hướng, có hồn lạc lõng bơ vơ trong bụi cây hay bờ suối. Tất cả đã trở thành ký ức đau thương, ngậm ngùi khôn xiết.  Cuộc đổi đời đã làm thay đổi hẳn nếp sống, người ta chạy đua theo lối sống mới, bỏ rơi nếp sống cũ.
                         Bỗng chợt buông xuôi thành bại tướng
                         Về trông lá úa phủ thành xưa
                         Hồn rã buồn bay đi trăm hướng
                         Lạnh sóng đời theo gió trở mùa
       
   Chiều dần tàn!  Còn ai trên phố vắng? Không gặp  ai quen. Bạn bè cũ giờ đâu tá? Tâm sự hoài cổ nầy đã được Bà Huyện Thanh Quan diễn tả một cách sinh đông qua bài thơ Thăng Long Hoài Cổ, khiến người đọc ngậm ngùi luyến tiếc cho cảnh cũ nay không còn, chỉ có đồi núi đá cuội là y nguyên.
     ….   Đá vẫn trơ gan cùng tuế  nguyệt
             Nước còn cau mặt với tang thương
             Nghìn năm kim cổ soi gương cũ
             Cảnh đấy người đây luống đoạn trường.
       
    Thuyên Huy không thể đứng mãi nơi đây, thôi thì về vậy, nhưng sao lại vội vã?  Đò ngang còn một chuyến chót?  Xuống thuyền rồi mà lòng còn băn khoăn, khách tự hỏi: còn ai cho cuộc hẹn nữa khi đầu đã bạc?  Bản thân tác giả thì đã dong ruỗi gần suốt cuộc đời mà chẳng thấy đâu là chỗ dừng chân, bến đậu.  Nó như viên đá cuội lao xao trong chậu  hay là những viên đá lót đường cho người dẫm chân ?
                          Buồn trốn sông xưa đò qua vội
                          Có ai cho hẹn buổi bạc đầu
                         Trọn một kiếp người trong dong ruỗi
                         Cuối đời viên đá cuội lao xao
       
           Nói về tiết tấu bài thơ là nói đến nhịp điệu. Trong âm nhạc có nhịp điều 2, 3, 4 thì trong thơ cũng có tiết tấu y như vậy.  Thơ tự do có lối tiết tấu  (còn gọi là ngắt nhịp) bất chợt thì gọi là biến tấu.  Trong bài Theo Sóng Đời Lao Xao Thuyên Huy ngắt câu theo nhịp:3/4; 4/3; 4/3; 3/4 (cho khổ đầu) và 3/4; 4/3; 4/3; 2/3/2 (cho khổ hai), những khổ còn lại cũng tương tự như vậy.  Điều nầy cho ta thấy tác giả đã thay đổi nhịp điệu ngắt câu cho phù hợp với tình tiết mỗi dòng tâm sự mà nhanh hay chậm. Thử lấy hai câu chót trong khổ hai:
             Mất nhau theo tháng/ ngày chinh chiến        (4/3)
             Trong đời/ còn mấy buổi/ trăm năm             (2/3/2)
Câu đầu nhịp bình thường 4/3: buồn vì mất mát gia tăng theo ngày tháng.  Câu 2: nhịp 2/3/2 lời than thở ngậm ngùi, thổn thức, uất nghẹn.  Cách ngắt nhịp làm bài thơ có tiết tấu nhịp nhàng và biến đổi phong cách điệu thơ.
 Sự biến tấu cũng làm người đọc chú ý và tránh được sự đơn điệu nhàm chán.
          Bàn về nghệ thuật sáng tác thơ văn là cả một vấn đề rộng lớn, có người suốt đời chỉ làm được vài bài mà trở nên nổi tiếng. Một bài thơ hay không thể sơ suất trong viêc chọn chữ, đặt câu, nhưng mấy ai không sơ suất?  Có khi thay một chữ mà bài thơ trở nên khởi sắc, nhưng nếu chọn chữ không khéo thì có thể làm hại cả bài  thơ. Tôi suy nghĩ thật lâu mới đưa ra "đề nghị" cùng Thuyên Huy, thay thế một số chữ trong bài.  Hãy xem  chữ cuối khổ một: "Còn ai đó không cho nhớ nhung."  Đề nghị thay "nhớ nhung" bằng "nhớ thương" cho lãng mạn thêm một chút,  mang tính tích cực, còn  chữ "nhớ nhung" nghĩa  tổng quát, chung chung, không gây được ấn tượng sâu sắc khi, một mình đứng bên bờ sông, mơ về kỷ niệm cũ, như có người thân, bạn bè và cả "người thương" nữa.  Và sau đây là một số vấn đề còn tồn đọng trong suy nghĩ:
      *Câu cuối khổ 2: "Trong đời còn mấy buổi trăm năm." Tôi không hiểu tại sao "còn mấy buổi trăm năm?  Còn giải thích một cách miễn cưỡng thì: trong đời còn mấy buổi hẹn hò để bàn tính chuyện trăm năm? Hoặc: trong đời còn mấy ai sống tới tuổi trăm năm. Người ta thường nói "buổi hẹn hò" chớ không nói "buổi trăm năm." Hay đây là trường hợp hoán dụ đặc biệt, đồng nhất những ngữ nghĩa gần nhau, để giải quyết vấn đề âm, vần trong thơ?  Đề nghị sửa: Trong đời  còn mấy  tuổi   trăm năm? cho dễ hiểu.
      * Câu đầu khổ 3: "Kiếm cung cũng làm thân tráng sĩ." Chữ "cũng" nghe có vẻ yếu.  Đồng nghĩa với nó là "đã", "từng." Tôi chọn "từng" cho nghĩa mạnh hơn (Kiếm cung từng làm thân tráng sĩ) . 
  *Câu đầu khổ 5: "Buồn trốn sông xưa đò qua vội."  Tôi thắc mắc, tại sao dùng chữ "trốn" chỗ nầy? Buồn cỡ nào cũng đâu đến nỗi phải trốn?  Vậy thì hãy thay thế nó bằng chữ "bỏ", vừa hay vừa tượng hình (Buồn bỏ sông xưa đò qua vội).
   *Câu 2 khổ 5: "Có ai cho hẹn buổi bạc đầu?" Chữ "buổi" không rõ  nghĩa lắm, tôi suy ra thì câu nầy ý nói: có ai chịu cho một cuộc hẹn hò lúc tuổi già ? Nếu sửa lại: "có ai cho hẹn tuổi bạc đầu" thì nghĩa rõ hơn .
       Tôi đề  nghị như vậy với suy nghĩ chủ quan có thể đúng có thể không.      
          Những bài thơ gợi lại kỷ niệm thời xa xưa bên dòng sông, chiếc cầu, được nhiều người lấy làm nền để sáng tác những vần thơ đầy gợi cảm, thu hút sự chú ý của người đọc. Đề tài tuy cũ nhưng với nghệ thuật sáng tác khác nhau của mỗi người mà  thơ văn của họ vẫn để lại trong lòng người đọc sự cảm nhận sâu xa.  Thơ Thuyên Huy chứa đựng nhiều ẩn dụ và ẩn ngữ lại thêm ảnh  hưởng cấu tứ  thơ Đường khiến bài thơ có âm hưởng riêng làm vừa lòng người đọc khó tính.  Trong cấu tứ thơ Đường, nhà thơ không bao giờ nói trực tiếp hết ý mình, họ chỉ gợi mối quan hệ (tương quan, nhân quả) để tự người đọc luận ra ý tác giả; người ta thường gọi là "ý tại ngôn ngoại" (ý ngoài lời).  Một đặc điểm khác nữa của Đường thi là họ thường đồng nhất cảnh và tình. Nhưng ở đây Thuyên Huy mượn ý của Đường thi, không tả cảnh mà chỉ gợi cảnh để cảnh sinh tình (gợi cảnh: cầu gãy nhịp, mưa nhiều không nắng, kiếm cung, tráng sĩ... để từ đó người đọc nhớ tới kỷ niệm cũ, thời chinh chiến xưa, bạn bè xưa). Trong mỗi con người của chúng ta hình như ai cũng có sẵn  kỷ niệm về chiếc cầu, dòng sông, bến đò, nên mỗi khi có ai nhắc tới là ta bùi ngùi xúc động. Thuyên Huy đã làm công việc gợi nhớ bằng những vần thơ thật sinh động giúp ta tìm lại được một vùng trời ký ức đầy mộng mơ.                      

Nguyễn Cang


                         



Không có nhận xét nào: