Thứ Sáu, 4 tháng 7, 2014

Thầy Phan Văn Dật - Nguyễn Thị Nguyệt

Thầy Phan Văn Dật

Nhân kỷ niệm một trăm năm ngày sinh nhật của Thầy

(18/8/1909-17/8/2009)


Trần Thị Nguyệt



Tháng 9 năm 1961 tôi từ giã ngôi trường Đồng Khánh thân yêu để nhập học Viện Hán Học. Tôi trở thành sinh viên Viện Hán Học từ đó.

Ở Viện Hán Học, tôi được học các môn Hán Văn, Quốc Văn, Ngoại Ngữ, Triết và Sử-Địa. Chương trình nặng nhất là Hán Văn.

Hồi đó Viện Hán Học trực thuộc Viện Đại Học Huế. Thầy Võ Như Nguyện làm Chủ Sự Hành Chánh, Thầy Phan Văn Dật làm Giám học.

-Môn Hán Văn do các Thầy cao tuổi phụ trách: Linh Mục Nguyễn Văn Thích, Thầy tiến sĩ Đỗ Huy Nhu, Thầy Hồ Đắc Định, Thầy Phó Bảng Hà Ngại, Thầy Ngô Đình Nhuận, Thầy Nguyễn Duy Bột, Thầy Nguyễn Hồng Giao, Thầy Châu Văn Liệu và vv... Đến trường, lúc nào các Thầy cũng nghiêm chỉnh trong bộ áo dài đen và khăn đóng.

-Quốc Văn: Thầy Phan Văn Dật, Thầy Nguyễn Văn Dương.

-Sử-Địa: Thầy Lê Khắc Phò, Thầy Nguyễn Hữu Châu Phan.

-Triết Học: Thầy Nguyễn Văn Dương (Đông Phương), Thầy Nguyễn Văn Trọng (Tây Phương)...


Là sinh viên Viện Hán Học chúng tôi tự nhận mình là môn sinh của cửa Khổng Sân Trình, thấm nhuần tư tưởng Khổng Tử, có truyền thống tôn kính, gắn bó và gần gũi với quí Thầy, nhất tự vi sư, bán tự vi sư, tôn sư trọng đạo, quân sư phụ, trọng Thầy mới được làm Thầy, Thầy giáo đối với chúng tôi như thế đấy. Riêng đối với tôi, người Thầy mà tôi kính mến, cảm phục nhất là Thầy Phan Văn Dật.

Ngày ấy, lần đầu tiên tôi cùng với ba người bạn đến Viện Hán Học ở Di Luân Đường trong khuôn viên Trường Trung Học Hàm Nghi, Thành Nội Huế. Người đầu tiên chúng tôi tiếp xúc ở bàn Giám học là Thầy Phan Văn Dật, chúng tôi được Thầy hướng dẫn và động viên thi vào Viện Hán Học. Tôi đã học Viện Hán Học được 4 năm. Năm nào cũng có học với Thầy Dật, Thầy là một người vui vẻ, cởi mở, Thầy giảng bài sinh động, bàn bạc, đào sâu vấn đề. Bài giảng lúc nào cũng hấp dẫn, lý thú. Kiến thức Thầy thật phong phú, uyên bác, thâm sâu. Tôi rất thích học giờ Thầy và đã tiếp thu được nhiều điều bổ ích về văn học. Những từ ngữ, những điển tích hoặc những câu ca dao tục ngữ được Thầy giải thích tường tận, thấu đáo.

Tôi còn nhớ mãi câu hò ru con xứ Huế rất quen thuộc được Thầy giải thích:

…Để mẹ đi chợ

Mua vôi mua trầu

Mua vôi Chợ Quán chợ Cầu

Mua cau Nam Phổ

Mua trầu chợ Dinh

Chợ Dinh bán áo con trai

Triều Sơn bán nón

Mậu Tài bán kim…


Thầy bảo: “Không phải là áo con trai mà là cháo con trai.” (Con trai đây là con hến nhỏ mà người dân xưa cũng như nay vớt lên từ sông Hương để nấu cháo hến hoặc cơm hến, món ăn đặc sản của xứ Huế khá phổ biến).

Thầy luôn tận tụy, nhiệt tình giúp đỡ chúng tôi học tập. Những ngày thứ bảy, chủ nhật tôi cùng một số bạn đến nhà Thầy để được hướng dẫn học thêm môn Việt văn. Nhà Thầy cũng là hình ảnh rất thân thương với chúng tôi. Thầy ở trên đường Nguyễn Chí Diễu khuất sau vài nhà mặt tiền trong một khuôn viên khá rộng. Chung quanh vườn có hàng dừa, giữa vườn Thầy trồng rất nhiều hoa hồng với đủ màu sắc trắng, vàng, đỏ, hồng,... Cảnh nhà Thầy thật yên tĩnh và đẹp, đúng là nhà của một vị hiền sĩ. Vào nhà Thầy mới thấy Thầy quý sách và đam mê sách biết ngần nào. Nhà Thầy có rất nhiều sách ngoài mấy cái bàn ghế và mấy cái giường ngủ, còn lại toàn là các tủ sách. Sách được sắp xếp ngăn nắp, gọn gàng, thẩm mỹ. Thầy có rất nhiều sách quý, nhiều tài liệu giá trị còn hơn cả Thư viện Đại Học Huế lúc bấy giờ.  Đến nhà Thầy là thấy Thầy miệt mài đọc sách. Thầy có trí nhớ tuyệt vời. Thầy đọc nhiều, nhớ nhiều và truyền đạt cho chúng tôi nhiều kiến thức giá trị và bổ ích.

Nhiều người biết Thầy Phan Văn Dật là một nhà thơ, nhà văn thời tiền chiến. Thầy có tên trong cuốn “Thi Nhân Việt Nam 1932-1941” của Hoài Thanh- Hoài Chân, được giới thiệu có đoạn như sau:…“ Viết Văn từ 1924 đến năm 1927 có đăng trong các báo Nam Phong, Thần Kinh, Rạng Đông (ký Tiêu Lang, Thường Nga Phố)…"

Đã xuất bản: Bâng Khuâng (1935)… “Thơ Phan Văn Dật không rực rỡ, không réo rắc, không hùng tráng, không làm cho ta bồi hồi ngây ngất, nhưng vẫn khiến ta ưa đọc: nó là những vần thơ dễ thương. Ta không cảm phục mà ta lưu luyến, cũng như ta lưu luyến đất Kinh Đô đó là nơi quê Hương của thi sĩ. Người yêu văn sẽ xem thi nhân như bạn nếu không xem như Thầy.”

Tuy thế, trong nhiều năm theo học với Thầy, tôi không nghe Thầy nhắc đến chuyện thơ văn của Thầy.  Một hôm, trong giờ học, tôi đọc nhỏ đoạn thơ:

“Năm xưa ta lại chốn này,

 Hồ thu nước mới chau mày với thu.

Nàng Dương mười bốn hái dâu,

Hoa non đâu đã biết sầu vì thu.


 Năm sau ta đến chốn này,

Nàng Dương tóc đã đến ngày cài trâm.

Chiều Xuân hoen hoẻn trăng rằm,

Con ong lén gửi thơ thầm ngoài hiên…”


Nghe đọc thơ Thầy, Thầy bước vội đến, nhăn mày bảo: “Thôi thôi cất đi cho Thầy với, hồi trai trẻ thơ với thẩn, bây giờ đọc lại ‘ốt dột’ lắm.” Thầy quả là người khiêm tốn. Với chúng tôi, những học trò của Thầy, thì Thầy không những nhà thơ, nhà văn mà còn là một học giả, một nhà giáo chân chính. Thầy đã giảng dạy, đào tạo cho nhiều thế hệ học sinh, sinh viên tại nhiều trường nổi tiếng ở Huế như Đồng Khánh, Cao Đẳng Mỹ Thuật, Viện Hán Học, Đại Học Văn Khoa Huế trong những năm trước 1975.

Thầy mất vào ngày 14/1/1987 hưởng thọ 79 tuổi, chúng tôi những cựu sinh viên Viện Hán Học còn lại ở Huế đã đến kính viếng Thầy, chia buồn cùng gia đình và tiễn đưa linh cữu Thầy đến nơi an nghỉ cuối cùng ở Nghĩa Trang Thành phố Huế.

Hôm nay, nhân ngày họp mặt của quí Thầy và các cựu sinh viên Viện Hán Học để kỷ niệm 50 năm ngày thành lập Viện Hán Học Huế và cũng là kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Thầy Phan Văn Dật, chúng ta hãy cùng thắp nén hương để tưởng nhớ và cầu nguyện cho Thầy được an nghỉ nơi miền cực lạc.




                       

Trần Thị Nguyệt

(Trích Đặc San Ký Ức và Hoài Niệm)

Không có nhận xét nào: