Thứ Bảy, 26 tháng 7, 2014

Những Tháng Ngày Khó Quên - Trần Văn Dật

   
   Những Tháng Ngày Khó Quên
                       Trần Văn Dật
tt
Trong suốt đời “làm học trò” của tôi, có lẽ Hè 1960 là những ngày tháng tôi buồn khổ nhất: Thi hỏng bán phần. Tôi chới với, hoang mang bên cái tương lai mờ mịt... Niên khoá ấy tôi học đệ nhị ở Trường Trung học Tư thục Nguyễn Văn Khuê Sài Gòn. Trước đó tôi học ban C ở Quốc Học Huế, ba tôi (làm ở Ty Công Chánh Quảng Trị) biểu tôi thi Agent technique. Tôi mơ ước vào Sài Gòn để xem thế nào, mà chỉ biết qua sách vở là “Hòn ngọc của Viễn Đông” -Bấy giờ Huế đi Sài Gòn là cả một vấn đề!-, bởi vậy tôi nạp đơn thi. Và tôi đã đậu. Ba tôi mừng lắm. Tôi cũng đầy phấn khởi. Nhưng khi vào học Trường Công Chánh được ba tháng thì tôi bỏ cuộc: Bài vở tôi chẳng hiểu gì cả, mỗi tuần 25 giờ Toán và Lý Hoá, là những môn tôi rất dốt, lại đều được giảng dạy bằng tiếng Pháp! Và tôi đành ra ngoài học tư để rồi kết quả cũng chẳng ra gì. Trong lúc tôi đương mang tâm trạng của Tú Xương:
Bụng buồn, còn muốn nói năng chi!
Đệ nhất buồn là cái hỏng thi!
thì được tin có kỳ thi tuyển vào Viện Hán Học Huế. Tôi bèn nạp đơn dự thi. Thi vào Viện Hán Học thực sự không phải tôi thích chữ Hán, mà chỉ ước mong sau khi ra trường được bổ làm “chuyên viên các Toà Đại sứ Đông Nam Á,” một trong ba nơi sẽ bổ dụng! Tôi thi ở Sài Gòn, bài vở làm cũng thoải mái, không thấy gì khó lắm. Với “thanh niên tính” thêm một chút ga-lăng (galant), tôi còn chỉ bày cho một cô gái ngồi bàn trên, ngay trước mặt tôi - Tôi hoàn toàn không có một ý niệm gì rằng đây là một cuộc thi tuyển!
Tôi về Huế và chờ đợi với đầy hy vọng. Hôm Viện niêm yết kết quả, oái oăm và xót xa cho tôi làm sao: Trong danh sách 80 người đậu, chẳng có tên tôi, mà giữa số 10 dự khuyết, tôi lại ở vị trí sau cùng! Trớ trêu một nỗi nữa là cô gái miền Nam mà tôi chỉ cho lúc thi thì đậu thực thụ! Bấy giờ tôi chỉ cầu nguyện Phật Trời phò hộ cho có 10 người bỏ học để tôi được vào học chính thức. Hôm khai giảng, tôi cũng “cầu may” tới dự. Nhìn những sinh viên cũ, mới mà lòng đầy “thèm khát”... Rồi sau đó, ngày nào tôi cũng đến Viện để thăm hỏi với tâm trạng của một kẻ mong chờ...
Và mỗi lần thấy tôi lấp ló ở ngoài cửa Văn Phòng thì một vị Thầy đi ra cười nói, vỗ về, an ủi tôi: Thầy mặc một bộ com-lê (complet) đen, thắt cà-vạt (cravate), mang giày đen bóng. Thầy oai nghiêm quá mà sao giọng Thầy êm nhẹ biết bao! Thầy cầm tay tôi mà tôi có cảm tưởng như một người cha truyền hơi ấm cho con (Viết đến đây, tự nhiên tôi xúc động lạ, hai mắt tôi ứa lệ... Tôi không bao giờ quên được hình ảnh thân thương ấy của Thầy!) “Con cố gắng chờ thêm vài hôm nữa, thế nào cũng có người bỏ, vì một số thi đậu Tú Tài, họ sẽ qua Quốc Học. Bấy giờ Thầy sẽ gọi con vào học...”  Sau này khi  đã được vào làm “sinh viên Hán Học,” tôi mới biết đó là Thầy Phan Văn Dật, Giám Học của Viện.
Thầy Dật sinh ngày 17 tháng 8 năm 1909 ở làng Phú Xuân, huyện Hương Trà, Thừa Thiên. Chánh quán: làng Đạo Đầu, phủ Triệu Phong, Quảng Trị (Ở làng Đạo Đầu nầy, cũng sinh ra một con người ưu tú khác, đó là nhạc sĩ Nguyễn Hữu Ba, bạn của ba tôi và là Thầy dạy nhạc của tôi ở Trường Nguyễn Tri Phương, lúc đó là chi nhánh của Trường Khải Định tức Trường Quốc Học). Thầy Dật vào học Trường Quốc Học Huế đến đậu Thành Chung, rồi ra làm thư ký ngạch trước bạ Huế. Thầy gọi danh tướng Phan Văn Thuý thời Gia Long bằng cố. Bà cố của Thầy là An Thường Công Chúa, con vua Minh Mạng. Thầy còn có những cậu ruột nổi tiếng là Trần Thanh Đạt (Thượng thư bộ Học), các nhà văn, nhà nghiên cứu văn học Trần Thanh Mại, Trần Thanh Địch. Thầy được đi tu học chuyên môn một thời gian ở Pháp. Từ 1924 đến 1927, Thầy đã có thơ đăng ở Nam Phong, Thần Kinh, Rạng Đông (ký Tiêu Lang và Thường Nga Phố). Thầy có tên trong Thi Nhân Việt Nam của Hoài Thanh - Hoài Chân, một vinh dự lớn của các nhà thơ, với nhận xét cũng đầy trân trọng: “Thơ Phan Văn Dật không rực rỡ, không réo rắt, không hùng tráng, không làm ta bồi hồi, ngây ngất, nhưng vẫn khiến ta ưa đọc: nó là những vần thơ dễ thương. Ta không cảm phục mà ta lưu luyến, cũng như ta lưu luyến đất Kinh Đô là nơi quê hương của thi sĩ. Người yêu văn sẽ xem thi nhân như bạn nếu không thể xem như thầy.”  Năm 1935, Thầy cho ra đời thi phẩm “Bâng Khuâng.” Đa số người ta chỉ nghe tiếng “nhà thơ Phan Văn Dật” chứ ít ai biết Thầy còn là “nhà tiểu thuyết”: “Diễm Dương Trang”, tiểu thuyết, xuất bản 1935 (Lúc học ở Viện Hán Học, tới nhà Thầy, thấy “Bâng Khuâng” và “Diễm Dương Trang,” tôi rất muốn xin Thầy mỗi thứ một cuốn có chữ ký của Thầy nhưng rồi không dám). Tập thơ “Những Ngày Vàng Lụa” của Thầy thì chưa xuất bản, tuy nhiên, Tạp Chí Sông Hương (1986) đã lựa đăng ba bài. Thầy giỏi Pháp văn, Anh văn và Hán văn. Một hôm có một vị khách ngoại quốc đến thăm Viện Hán Học, Thầy tiếp chuyên bằng tiếng Pháp. Thầy vừa đi “cộp cộp” -Thầy mang giày “cuir”- vừa nói chuyện. Thầy nói thao thao bất tuyệt, nói như nước chảy. Tôi thấy thầy oai quá và giỏi quá! Tôi thèm thuồng: “Ước gì mình nói được như Thầy?”  Sau nầy mỗi lần nhắc đến Thầy với bạn Phan Đình Trừng, Trừng cũng có nhận xét như tôi!
Thầy rất am tường về Huế cũng như Thầy Bửu Kế. Nếu gọi thầy là “Nhà Huế Học” thì không gì đúng hơn! Lúc nào đề cập một nhân vật lịch sử ở Huế thì Thầy nói vanh vách, nói say sưa. Vì Thầy giỏi và thông thạo về Huế, nên “sau 1975”, những cuộc họp lịch sử, chính quyền đều mời Thầy tham dự và xin ý kiến. Trong lá thư cho tôi ngày 17-6-1984, Thầy viết: “Thầy mới đi họp mấy phiên họp về lịch sử. Mỗi lần lại phải tham gia ý kiến. Mà Thầy đã lỡ có đôi chút tiếng tăm với đời, nên phải nói cái gì cho đặc sắc, cho hấp dẫn và lý thú, vì vậy mà đầu óc phải làm việc luôn, cũng mệt lắm. Thầy phải bắt chước thi sĩ Tản Đà mà nói rằng “Trời chưa cho nghỉ thì mình cứ đi!" Cứ đi! Nhưng liệu còn đủ sức không, và đủ sức đến bao giờ? Thôi thì cũng nhắm mắt đưa chân vậy.”
Khoá của chúng tôi được chia làm hai lớp A, B. Lớp A gồm cả nam lẫn nữ. Còn lớp B toàn nam thôi. Tôi học lớp B. Năm đó -niên học đầu tiên- Thầy Dật dạy lớp tôi môn Sử Địa. Lớp A Thầy dạy Sử Địa với Việt văn. Việt văn lớp tôi do Thầy Nguyễn Văn Dương phụ trách. Mỗi lần đến giờ Thầy Dật, vừa ngồi xuống ghế là Thầy giảng liền.  Thầy nói sâu và rộng ra ngoài bài, Thầy nói không nghỉ; chúng tôi chỉ lắng nghe và ghi chép. Kiến thức của Thầy quá uyên bác! Thầy đọc sách nhiều và lẽ tất nhiên, Thầy có một trí nhớ rất tốt. Nhà Thầy là một thư viện nhỏ, nhưng lắm sách quý giá và hiếm hoi. Nhà trên, nhà dưới, nơi nào cũng đầy dẫy sách và sách: Sách để trong tủ kiếng, sách để bên ngoài. Tuy vậy loại nào ở đâu, tên sách gì, Thầy đều nhớ cả. Nhờ thế mà mỗi khi Thầy Nguyễn Văn Dương ra một đề tài văn học, Thầy Nguyễn Hồng Giao (Dạy Tứ Thư như Luận ngữ, Mạnh Tử,...) bắt viết một bài có tính cách phải nghiên cứu như: “Người quân tử trong Nho giáo” (năm nhất), “Mạnh Tử: Nhà cách mạng” (năm ba)... (Mỗi đề ra một tháng), tôi đều đến nhà Thầy Dật để tham khảo sách vở, và tôi mượn sách gì, Thầy đều lấy ra cho ghi chép tư liệu. Những bài viết của tôi (dài mấy chục trang giấy lớn) đều được Thầy Hồng Giao đánh giá cao, cho 18; 18,5/20 với cụm từ phê Thầy hay dùng là “Một điểm son!” Trong các giờ khác của những Thầy: Nguyễn Văn Kháng (Pháp), Nguyễn Văn Dương (Việt, Luân lý, Hán), Nguyễn Duy Bột (Sử Trung Quốc), Nguyễn Doãn Thám (Pháp), cụ Hà Ngại (Hán), LM Nguyễn Văn Thích (Hán), tôi đều học giỏi và khá. Quí Thầy không hề biết tôi là một sinh viên “đậu” dự khuyết chót, ngoại trừ Thầy Dật.  Kết quả cuối năm tôi nhất lớp!
Ở Viện Hán Học, “để tưởng thưởng về học lực trong niên học,” sinh viên nào thi cuối năm nhất khoá thì được “Chứng chỉ tưởng lệ với Huy Chương Đồng.” Nhưng khoá của tôi (đông nhất trong các khoá) đến hai lớp: Lớp A, chị Tôn Nữ Thương Lãng đứng đầu, lớp B thì tôi. Trong lần họp Hội Đồng Giáo Sư cuối năm -Thầy Dật cho tôi biết- người đáng được vinh dự nhận Huy Chương Đồng là tôi, vì tôi “đậu dự khuyết mà cố gắng học tập,”  nhưng Thương Lãng là nữ, tượng trưng cho “liễu yếu đào tơ” nên “nam” đành nhường “nữ!” Thế rồi Thầy Phan Văn Dật an ủi tôi, dỗ dành tôi: “Con chớ nên vì chuyện này mà buồn phiền. Con hãy cố gắng học tập. Nếu năm sau con lại nhất lớp thì thế nào cũng đoạt huy chương!” Tôi nghe lời Thầy mặc dù trong lòng cũng đầy xót xa! (Viết đến đây tôi bỗng nhớ đến năm học lớp ba tiểu học ở một vùng kháng chiến (1950) tại làng Đại Hoà, xã Triệu Đại, Triệu Phong, Quảng Trị. Năm đó, kỳ thi đệ nhất lục nguyệt, tôi đứng nhất, thứ ba là cô Dạn.  Xã bèn làm lễ phát phần thưởng cho học sinh giỏi giữa một cánh đồng vắng trong đêm với đèn đuốc cũng khá sáng. Tôi được lãnh 10 tờ giấy manh trắng, còn cô Dạn -đứng thứ ba- lại được 20 tờ! “Vì trong xã có một cô gái học giỏi!” Đời tôi sao cứ bị các cô khống chế hoài!)  Hai niên khoá tiếp, Thầy Dật không dạy lớp tôi môn nào. Tôi vẫn chăm học nhưng kết quả không được như ý: Cuối năm hai, tôi đứng thứ sáu, cuối năm ba thì thứ năm.
Trong khi sinh viên chúng tôi vẫn học tập bình thường thì giữa các giáo sư có những “việc không hay.” Năm 1963, thầy Phan Văn Dật bị đưa xuống làm dịch thuật ở Thư Viện Huế. Chuyện của Quí Thầy, tôi không dám có ý kiến gì. Trước sau và suốt đời tôi, tôi vẫn lấy câu “nhất tự vi sư, bán tự vi sư” khắc ghi vào tâm khảm! Nhưng với sức tài uyên thâm như Thầy Phan Văn Dật mà không còn dạy chúng tôi thì thật là quá uổng!
Lúc nầy tôi đương ở Đại Học Xá Nam Giao. Một chiều Chủ Nhật nọ, trong lúc các bạn cùng phòng đi chơi, ngồi ở nhà một mình, tôi bỗng nghĩ đến Thầy Dật. Không biết tại sao, lúc nào và bao giờ, tôi cũng cho rằng tôi được vào Viện Hán Học là “nhờ Thầy Dật,” Thầy là ân nhân của tôi, Thầy đã dang tay cứu vớt tôi trong khi tôi đương ở thế “đường cùng.” Rồi vào học, Thầy cũng hay khuyên nhủ tôi, chỉ bày cho tôi bao lẽ... Cảm xúc vì những điều đó mà tôi sáng tác nên bài:
Ân Nhân
(Kính dâng Thầy Phan Văn Dật)

Trong đêm khuya mù mịt
Tay lầm phải bàn tay
Không gian nào phân biệt
Đi về phương đâu đây?

Tôi đi hoài đi mãi,
Chẳng hay đâu hướng đời
Mà ai người thương hại
Đành phó thác ngày mai...

Nơi đây là con sông
Nơi đây là cánh đồng
Lần mò theo bước một
Mặc gió cuốn theo dòng

Chân thôi đành dừng bước
Và tay liều buông xuôi
Ngồi chờ tử thần rước
Cho ra khỏi cuộc đời…

Tâm can vùi hoang vắng
Tôi bỗng gặp ân nhân
Nói làm sao cho đặng
Niềm tin dậy trong tâm!

Người dìu tôi từng bước
Người dặn tôi từng lời
Bao nhiêu điều mong ước
Người dâng hiến cho tôi

Người khuyên răng chỉ bảo
Vạch rõ điều hơn thua
Bên lòng đời gian xảo
Tôi chỉ biết đón chờ

Người là ánh trăng thu
Hải đăng giữa sa mù
Soi đường cho tôi thấy
Vượt qua chốn thâm u...

Lời nào ghi hết được
Công đức ấy của Người
Mai đây dù xuôi ngược
Tôi vẫn nhớ… không thôi !
                        Huế 1963
Tôi đã chép bài thơ gởi Thầy Dật và sau nầy, năm 1984, khi bắt được liên lạc với Thầy, từ Vĩnh Long, tôi đã chép lại bài thơ đó gởi ra Thầy. Lá thư ngày 30-5-1984, Thầy viết cho tôi : “Thầy đã đọc bài thơ “Ân Nhân” của Dật tặng Thầy, Thầy cảm động vô cùng, nhưng thấy buồn quá! Thầy không dám nhận hai chữ “Ân Nhân” ấy, nhưng Dật đã gọi như thế thì thầy cũng xin cảm ơn Dật nhiều.”
Bấy giờ tôi và chắc chắn còn lắm sinh viên khác nữa luôn cầu mong cho Thầy Phan Văn Dật sớm được về dạy lại. Thế là một nhóm sinh viên chúng tôi - gồm khoá tôi và hai khoá sau - đứng ra vận động cho Thầy. Tôi nhớ người viết lá đơn đó là Phan An, học khoá sau tôi. Tất cả chúng tôi ghi tên và ký vào đơn. Tôi là một người nhút nhát, e lệ và ăn nói vụng về, nhưng không biết vì thương Thầy, quí mến Thầy hay sao mà chiều tôi hôm đó, tôi cầm đầu nhóm, tới thẳng nhà Linh mục Cao Văn Luận, Viện Trưởng Viện Đại Học kiêm Giám Đốc Viện Hán Học, đưa đơn và trình bày tất cả các sự việc mà chúng tôi biết ở Viện Hán Học, rồi xin Cha để cho Thầy Dật được trở về dạy lại chúng tôi. Cha hứa là sẽ xem xét. Chúng tôi chào Cha ra về trong niềm hy vọng…
Trong khi Thầy Nguyện “la” tôi thì oái oăm thay, những ngày tiếp đó, một mối tình bắt đầu nảy nở giữa tôi và cô cháu gái của Thầy, cũng học ở Viện Hán Học. Chúng tôi yêu nhau trong sự cấm đoán của chị, em Nàng, vì việc làm “bất kính” của tôi đối với Thầy Nguyện! Nhưng càng ngăn cản thì mối tình của chúng tôi càng thêm khắng khít: Chúng tôi hẹn hò nhau, thư từ cho nhau, và tình yêu tạo cho tôi một sức mạnh vô biên nên “vẫn ngang nhiên” đến nhà Nàng.
Niên khoá nầy (1963-1964-năm thứ tư), Thầy Nguyễn Văn Dương đương dạy Việt Văn cho chúng tôi thì bỗng bị đổi qua Quốc Học. Thầy Phạm Ngọc Hương về làm Giám Học Viện, phụ trách môn Quốc Văn lớp tôi thay Thầy Dương. Năm đó, không biết có phải lần đầu được học chung với các bạn gái hay vì tình yêu nông thắm của chúng tôi mà tôi học rất thích thú, rất “phấn khởi”. Trong năm, nhiều sinh hoạt diễn ra khá sôi nổi Viện như bầu Ban Đại Diện sinh viên Viện Hán Học, tổ chức đêm Văn Nghệ giữa các khoá ở Hội Việt Mỹ… Có hai liên danh ca tranh cử và liên danh của tôi đã thắng (gồm Lý Văn Nghiên, chủ tịch, Trần Đại Hiền -quy chế mới- phó chủ tịch và tôi, tổng thư ký). Đêm diễn văn nghệ thì tôi ở trong ban hợp ca. Tuy tham gia các hoạt động, nhất là thỉnh thoảng phải viết bài cho Lý Văn Nghiên đọc ở “Tiếng nói của Tổng Hội Sinh Viên” Đài Phát Thanh Huế, nhưng tôi cũng chăm chỉ học tập. Kết quả được như ý: Tôi nhất lớp với lời phê của Thầy Giám Học Phạm Ngọc Hương ở Học Bạ: “Học hạnh kiêm ưu. Rất đáng khen thưởng.” Và lần nầy tôi đã được Huy Chương Đồng với tất cả vinh dự: Vì A, B gom thành một lớp 56 sinh viên!
Đầu năm thứ tư, tôi đã rời Đại Học Xá Nam Giao để qua ở nhà Nguyễn Bá Yên, bạn thân cùng khoá, tại Thành Nội. Trong khu vườn nhà Yên có hai nhà lớn, nhỏ biệt lập theo chữ L. Ba mẹ Yên ở nhà lớn, còn tôi, Yên và các em ở nhà nhỏ. Do đó, chúng tôi sinh hoạt và học tập rất tiện lợi. Tôi đi học bằng mobylette, thay cho chiếc vélo trước đó. Và chúng tôi thường chở nhau đi. Ngoài giờ học hành ở Trường, ở nhà hoặc đi đâu riêng tư, chúng tôi ba đứa: Nguyễn Bá Yên, Lý Văn Nghiên và tôi hay tụ họp bên nhau đàn hát (Yên, guitare; tôi, mandoline và Nghiên hát). Bạn bè khác cũng thường đến chơi với chúng tôi. Tôi giao du và quen biết nhiều bạn các khoá. Tôi mê bạn như mê tình. Tôi chơi với tất cả thành tâm. Có lẽ vì vậy mà được nhiều bạn mến.
Một đêm cuối hè năm thứ tư bước qua năm thứ năm (1964), trong một “công tác tranh đấu” bên Tổng Hội Sinh Viên, tôi chở Nghiên với tốc tực nhanh trên con đường sau Trường Jeanne d’Arc, bỗng một bà bán trứng lộn bước ngang qua đường, tôi thắng gắp và té mạnh xuống đưÙng bất tỉnh - theo Nghiên kể lại cho biết vì Nghiên không hề hứng gì - tôi máu me đầy mặt, lại nằm im, Nghiêm hoảng sợ, liền gọi xích-lô chở tôi vào bệnh viện. Sau khi băng bó, tiêm thuốc, đưa vào phòng nằm, Nghiên thức trắng, ngồi bên lay gọi với một tâm trạng xôn xao… mà tôi chẳng ú ớ, cho tới gần 5 giờ sáng, tôi mới tỉnh và hỏi: “Đây là đâu?” Tôi không kêu la đau nhức, nhưng chẳng thấy gì vì hai mắt và gần hết cả cái đầu đều băng kín. Nghiên «nhẹ người» … và bắt đầu kể hết sự việc cho tôi nghe. Thấy tôi đã khoẻ nên Nghiên về nhà thay áo quần. Chẳng bao lâu sau, Nghiên chở Yên tới và kế đến là Nàng, người mà tôi đương mong đợi… Nàng ngồi cạnh đầu tôi. Tôi cầm tay Nàng cười nói sung sướng… mặc dầu tôi biết Nàng hết sức xót xa… Tôi chỉ cảm nhận qua từng câu đầy yêu thương của Nàng. Đến 8 giờ, Ba Mạ tôi ở Quảng Trị mới vào. Thấy tôi, Mạ oà khoá, Ba cũng thút thít và cám ơn các bạn tôi đã chăm sóc tận tình. Nàng đứng dậy lễ phép chào Ba Mạ tôi. Để phá tan bầu không khí khá căng thẳng, tôi vừa cười vừa đùa : “Con dâu của Ba Mạ đó!” Nghiên, Yên phụ thêm: “Phải đó hai Bác! Hai Bác được cô dâu nầy thì quá tuyệt vời!” Tôi nghe tiếng cười của hai người bệnh nằm phía trước (Phòng có 4 giường và tôi nằm trong cùng). Tôi đoán chắc Nàng xấu hổ, đỏ mặt và đang cười gượng. Mấy ngày sau, khi không có ai, Nàng cầm tay tôi mà trách yêu: “Anh ăn nói bạo quá, làm “người ta” ngượng chết đi thôi!” Và tôi chỉ biết cười với lòng đầy hãnh diện của người “được yêu”! Đến chiều căn phòng bệnh trở nên rộn ràng hơn khi nhiều bạn đến thăm, tôi, nam có, nữ có, lúc bốn năm người, lúc bảy tám người.
Ba tôi xin toa bệnh viện ra ngoài mua thuốc hay, mạnh để tiêm và uống nên hết ngày thứ hai, trong người tôi khoẻ mạnh bình thường, chỉ vết thương chưa lành nên mặt phải băng bó thôi. Bởi vậy tôi “thiết tha yêu cầu” Ba Mạ về Quảng Trị để Ba đi làm và Mạ lo cho các em. Trong nầy đã có Yên, Nghiên chăm sóc tôi. Tôi muốn tự do, nhất là để cho các bạn bè thoải mái chuyện trò với tôi. Thời gian tôi nằm viện, sáng chiều lúc nào cũng có bạn đến thăm tôi, bạn cùng khoá, bạn khác khoá. Không kể Yên, Nghiên, có bạn thăm tôi hai, ba lần. Ngay cả quý Thầy cũng tới thăm tôi: Thầy Dật, Thầy Hương, Thầy Chương,… cụ Định, cụ La Hoài già cả cũng ghé vào hỏi han… Tôi cảm động hết sức và cũng rất hãnh diện đã được Thầy, bạn yêu mến… (Khi đó, tự nhiên tôi cảm thấy thương cho hai người bệnh nắm phía trước, lớn tuổi và nặng hơn tôi nhiều mà chẳng có ai thăm, chỉ từng bữa mới có người đem cơm lại cho ăn thôi).
Bấy giờ Thầy Dật đã được trở về dạy ở Viện Hán Học. Thầy đứng bên giường tôi khá lâu và ân cần nói: “Dật cố gắng ăn uống, thuốc men cho mau lành để sớm đi học, đừng để mất bài vở, năm nay là năm cuối, phải đậu cao mới được nhiệm sở tốt, niên khoá nầy Thầy dạy Việt văn lớp con… ” Lời nói của Thầy chứa chan tình thương đối với tôi. Tôi kính cẩn “dạ” với tất cả sung sướng , vừa mừng Thầy được trở lại Trường, vừa mừng sẽ được học với Thầy, nhất là môn Quốc Văn mà từ lâu tôi hằng ước. Trước lúc vào Hán Học, tôi chưa biết mặt Thầy, nhưng từng nghe tiếng Thầy qua mấy chị quen ở Đồng Khánh hoc Việt văn với Thầy. Các chị ấy “mê” Thầy lắm, “ca” thầy lắm! Mà thực vậy, chỉ học Sử Địa năm nhất với Thầy thôi, tôi đã thấy Thầy đúng là “danh bất hư truyền!”
Những vết thương trên mặt tôi bắt đầu khô dần. Y tá đã băng xéo để cho tôi thấy được một mắt. Nàng mỗi ngày hai lần tới thăm tôi, bây giờ mang theo một chai nhỏ nước nghệ mà Nàng giã vắt lấy nước ở nhà, với một gói bông. Tôi ngồi đối diện để cho Nàng xức nghệ những vết thương vừa khô. Bỗng Nàng nói: “Đừng anh! Dính nghệ vào mặt em, người ta cười chết!...” Những khi qua thăm mà gặp Yên, Nghiên, Nàng cũng tự nhiên xức nghệ cho tôi. Nghiên nói: “Em biết không, thằng Dật làm nũng lắm. Hai đứa anh xức cho nó mà nó đâu có chịu. Nó cứ chờ em qua xức thôi!” Yên thì nói: “Thằng Dật thật quá sướng. Ngày nào cũng có người yêu ở bên cạnh săn sóc. Đau như vậy, ai mà chả muốn đau?” Chúng tôi cười trong chan hoà tình bạn, tình yêu! Thật sự tôi gặp tai nạn nhưng quá hạnh phúc! Đi học mà được thầy yêu bạn mến thì còn gì sung sướng hơn, ở đây còn thêm cả tình yêu nữa! Hôm cuối xuất viện, ngoài Yên và Nghiên, Nàng cũng đến, đưa tôi về. Tôi với Nàng gắn bó như vậy, nhưng vì một “kỹ thuật” nhỏ lúc hai gia đình gặp nhau mà duyên nợ của hai đứa bất thành, dù Thầy Nguyện có nói giúp cho hai đứa -Và chính điều nầy, ngoài tình sư đệ, tôi còn mang ơn Thầy về mặt tình cảm!- Lại nữa, lúc đó Nàng dạy tại Huế, còn tôi bị bắt đi lính ở tận mãi Tuy Hoà. Âu cũng là số trời thôi! Bởi vậy mà sau nầy đã mấy chục năm, tìm gặp lại nhau, chúng tôi vẫn cư xử với nhau chí thiết…
Trong khi tôi lâm nạn nằm bệnh viện thì Viện Đại Học tổ chức làm lễ trao huy chương cho các sinh viên học lực xuất sắc. Tôi chỉ hơi tiếc là không được may mắn vinh dự đón nhận Huy Chương Đồng từ tay Viện Trưởng Viện Đại Học trao -Bấy giờ là Thầy Bùi Tường Huân thay Cha Luận vào dạy ở Đại Học Sài Gòn. Nhưng suy nghĩ cho sâu sắc, về mặt tinh thần, “cái vinh dự” đó làm sao sánh bằng “cái vinh dự” mà Thầy, Bạn, Người Yêu đã ưu ái ban cho tôi trong 7 ngày nằm ở Bệnh Viện Huế! Chính vì xúc động trước cái tình cảm vô giá ấy mà về đến nhà, tôi đã viết một tuỳ bút Những Ngày ở Bệnh Viện. Bài nầy đăng trong một tờ báo của lớp tôi, và tôi cũng đã trân trọng viết trên những tờ giấy xanh đẹp gửi tặng Nàng.
Ở Viện Hán Học tôi thấy tình sư đệ thật khắng khít, chúng tôi vừa kính Thầy, vừa nể Thầy và thương Thầy. Đáp lại, những Thầy có điều kiện đều giúp đỡ sinh viên. Trong khi sinh viên vùng Sài Gòn “chân ướt chân ráo” đến cố đô Huế, Thầy Võ Như Nguyện đã cho họ ở lại nhà Thầy. Thầy Dật thì dạy thêm cho sinh viên môn triết học tại nhà mỗi chiều sau giờ làm việc. LM Nguyễn Văn Thích phát không sách của Cha viết cho chúng tôi học. Thầy Nguyễn Văn Kháng cho mỗi sinh viên một quyển văn phạm Pháp văn (Thầy viết) để Thầy dạy. Thầy còn “biếu” cả sách Thầy dịch về Học Làm Người. Vào những ngày gần Tết hay sắp nghỉ hè, Thầy Nguyện, Thầy Chương, cụ Đinh, cụ La Hoài, Thầy Pierre Đỗ Đình… lại “mời” sinh viên chúng tôi tới nhà ăn uống… Chưa một Trường nào có sự thân thiện giữa Thầy trò như thế. Trong số giáo sư trẻ như Thầy Nguyễn Văn Dương, Thầy Nguyễn Hữu Châu Phan, Thầy Nguyễn Văn Trọng,… thì Thầy Châu Phan cởi mở và thân mật với sinh viên hơn cả. Thình thoảng chúng tôi được hân hạnh đi chơi với Thầy, uống cà phê với Thầy: Thầy đã dạy chúng tôi suốt 4 năm liền từ năm thứ hai cho đến năm thứ năm.
Trong niên học 1964-1965, Thầy Trần Điền về làm Phó Giám Đốc Viện Hán Học trực tiếp quản lý Viện, thay Thầy Võ Như Nguyện đi nhận nhiệm vụ khác. Thầy Nguyện là một quan chức lớn thời lúc bấy giờ, luôn luôn có tài xế riêng, vừa là cận vệ… Tôi rất kính nể Thầy Trần Điền. Thầy chín chắn và nổi tiếng trong giới Hướng Đạo. Thầy cũng rất thân mật và hay chuyện trò với chúng tôi.
Niên khoá sau cùng nầy của chúng tôi là một năm đầy biến động. Trước hết là do chính trường miền Nam quá lộn xộn: Tướng tá đảo chính, chỉnh lý liên miên. Nạn độc tài ló dạng. Tổng Hội Sinh Viên phát động bãi khoá chống đối chính quyền và Viện Hán Học hưởng ứng. Chúng tôi cùng Tổng Hội xuống đường tuần hành hay ra ngồi đầy đường bên ni cầu Trường Tiền, gần Đài Phát Thanh để tuyệt thực… (Đúng ra thì từ 1963, chúng tôi đã nhiều lần bãi khoá và xuống đường chống đối chính quyền đàn áp Phật giáo…). Kế đến là chúng tôi thấy các anh chị khoá trước tốt nghiệp ra trường gần cả năm mà chẳng được bổ dụng, chỉ một mình Vương Hữu Lễ, thủ khoa khoá 1, là ngoại lệ, được về Đại Học Sư Phạm. Thế là sinh viên Viện Hán Học lãn khoá: đến Trường mà không chịu vào lớp. Chúng tôi bầu một phái đoàn đại diện cho các khoá do Lý Văn Nghiên cầm đầu, vào Sài Gòn tiếp xúc với Bộ Giáo Dục để giải quyết vấn đề. Bộ đã cho biết đại ý là sự thành lập Viện Hán Học có tính cách “tự phát”, thiếu pháp lý vì không thông qua các cơ quan cần thiết, nên Bộ không thể bổ dụng được. Bấy giờ nếu Trường giải thể, Bộ mới can thiệp để bổ khoá đã tốt nghiệp và khoá sắp thi tốt nghiệp, còn những khoá sau thì chuyển qua mấy Trường chuyên môn khác… Lý Văn Nghiên trở ra lại Huế để họp sinh viên hỏi ý kiến, và lẽ tất nhiên vì sự sống còn của tương lai mình, tất cả đều đồng ý giải thể. Thật là đau lòng. Một cơ quan văn hoá -tôi thiết nghĩ gọi như vậy cũng không phải là sai- duy nhất trong nước mà đành tâm huỷ bỏ. Bấy giờ theo tôi, tất cả là do động cơ chính trị…
Tôi cũng không tin tưởng Bộ lắm, nên mất hết hứng thú học tập, kết quả thi tốt nghiệp, tôi đậu rất xa. Hoàng Đằng thủ khoa mà đối với tôi là rất xứng đáng. Hoàng Đằng học xuất sắc lắm, có trí nhớ tuyệt vời! Trước 30-4-75, Đằng làm Phó Giám Đốc rồi Quyền Giám Đốc Sở Giáo Dục Bình Tuy -theo cách gọi ngày nay (nhưng trước 75 chức càng cao thì sau 75 “lao đao” càng lắm!)
Cho đến tháng 12/1965, hai khoá 1,2 mới được bổ dụng. Hầu hết đều đi dạy, chỉ có 2 cô khoá tôi làm ở Viện Bảo Tàng Sài Gòn. Mà oái oăm làm sao, chúng tôi phải “dạy giờ”, nghĩa là dạy giờ nào thì ăn tiền giờ ấy. Ngày đó “dạy giờ”, người ta coi thường lắm! Nhưng dù gì cũng hơn thất nghiệp ở nhà. Cho đến năm sau, chúng tôi mới được vào chánh ngạch. Tôi dạy ở Trường Nữ Trung Học Quy Nhơn.
Ở Quy Nhơn, thỉnh thoảng tôi cũng viết thư thăm Thầy Dật rồi gián tiếp hỏi Quý Thầy khác. Và tôi lại nhận được thư Thầy. Lúc này Thầy dạy Đại Học Văn Khoa, Cao Đẳng Mỹ Thuật, Trường Đồng Khánh. Mỗi lần về Huế coi thi, chấm thi, tôi đều “tranh thủ” ghé thăm Thầy và một vài Thầy khác. Và lần nào cũng được Thầy giới thiệu những sách “nên mua đọc.” Lúc học Viện Hán Học, tôi hân hạnh được Thầy Dật mua tặng nhiều sách, Thầy ký tặng luôn ảnh chân dung Thầy.
Rồi Biến Cố 30-4-1975 xảy ra cuộc sống thay đổi tất cả…Cuối năm 1980, gia đình tôi vào Vĩnh Long. Tôi phải đi làm thuê, làm mướn, cái gì làm được thì làm -Người ta gọi là “thợ đụng”, nghĩa là “đụng chi làm nấy”- miễn sao có tiền. Bạn bè, tôi chẳng gặp được ai, và các Thầy cũ cũng biệt vô âm tín… Mãi đến năm 1984, tôi tình cờ gặp một chị ở Huế vào Vĩnh Long chơi; Chị nầy lại ở gần nhà Thầy Dật, biết rõ gia đình Thầy. Thế là tôi viết thư gửi Thầy nhờ chị trao lúc chị trở ra Huế. Nhận được thư tôi, Thầy mừng lắm, liền đánh máy thư trả lời tôi (Những thư gửi cho tôi, thầy đều đánh máy rồi ký tên). Sau những biến thiên của thời cuộc, sống với bao nỗi xót chua mà tiếp được một lá thư của vị Thầy cũ thân yêu, tôi thật sung sướng và đầy xúc động. Đọc thư Thầy, biết hoàn cảnh bi đát của Thầy, của con cái Thầy, rồi nghĩ lại mình… mà nước mắt tôi ròng ròng… Tôi đọc lui đọc tới lá thư đến mấy lần mà lần nào cũng xúc động! Từ đó, tôi thường liên lạc với Thầy qua thư từ cho đến cuối năm 1986. Năm sau Thầy mệt và yếu nên không thể “đánh máy thư” được nữa. Rồi nghe tin Thầy mất mà lòng tôi buồn vô hạn…
Cũng nhờ thư của Thầy mà tôi biết ở Huế còn một số bạn và gián tiếp biết sơ về quý Thầy khác.
Bạn cũ ở Hán Học ngày trước hiện còn ở Huế có: Trương Thị Niệm, Lê Thị Kim An, Phan Quật, Vũ Khắc Lục, Lý Văn Nghiên và Trần Viết Thủ. Các thầy thì còn: thầy Âu, thầy Kế, thầy Duẫn, Châu Phan và thầy” (Thư ngày 21-1-1984). “Thầy Âu và Kim An năng đến chơi nhà thầy, thầy nói đến Dật và đã cho họ biết tin tức về Dật. Vũ Khắc Lục thì hỏi thầy địa chỉ của Dật để viết thư cho Dật… (Thư ngày 30-5-1984). “Mỗi lần Kim An đến chơi, thầy có nhắc đến Dật thì thấy Kim An vẫn còn nhớ lắm (…) Thầy Âu nghe nhắc đến Dật cũng có đưa bức ảnh nhỏ của Dật dán trong quyển vở của thầy. Vũ Khắc Lục thì hễ gặp mặt thầy là hỏi tin Dật…” (Thư ngày 17-6-1984). “Một trận bão kéo dài (…) từ 7 giờ tối đến 4 giờ sáng ngày 16-10-85. Nhà thầy ọp ẹp nhưng nhờ quá thấp nhỏ và được che nên không đến nổi sập, chỉ bay ngói một phần thôi. Nhưng khu vườn thì gần như bị tàn phá hoàn toàn. Nhà thầy Âu cũng bị mất một vạt ngói lớn (…) Tội nghiệp thầy Kế bệnh hoạn liên miên còn bị những người hàng xóm vô xin núp bão lượm mất 16 tấm tồn (…) Châu Phan sắp cưới vợ, cưới con thầy Duẫn, giáo viên Anh văn, tuổi bằng nửa Châu Phan” (Thư ngày 8-11-1985). “Dật có kể cảm tưởng bùi ngùi của Dật mỗi khi giở đến quyển album. Thầy cũng vậy, trải qua bao cơn biến cố, thầy may còn giữ được sáu bảy quyển album ; mỗi khi ngồi giở ra xem, như thấy lại cả một thời dĩ vãng quá sức xinh đẹp, tưởng chừng như là sống trong mộng vậy…” (Thư ngày 17-6-1984).
Vào Vĩnh Long, tôi ngày đi làm thuê, vác mướn, đêm xe lác (để người ta dệt thảm-tapis). Vợ tôi đi dạy, 5 con đi học, về đến nhà là phải “nhào vô” làm lác: Kẻ xe, người cắt “râu” lác cho sạch sẽ, rồi giao thì hợp tác xã mới nhận. Cuộc sống cứ đều đều như vậy, chẳng thấy gì sáng sủa; nghĩ đến ngày trước, tôi buồn mà viết bài Thất Vọng sau:
…Vẫn ngồi xe lác ở nhà
Nhìn xem ngày tháng trôi qua trong buồn (g) (1)
Bốn bên vây kín bức tường
Thế thôi là hết mộng hồn ngày xưa
Thời gian đâu có đợi chờ
Tuổi tên bốn chục còn mơ nổi gì?
Sức, tài mòn mỏi lụn suy
Đau thay làm kẻ nam nhi giữa đời
Bó tay chịu tiếng chê cười
Xót xa bao nỗi ngậm ngùi trong tim…
Vĩnh Long, 1983
(1) “nỗi buồn” hay “cái buồng”.

Tôi đã chép bài thơ tặng Thầy Dật và Thầy có nhận xét sau: “Thất Vọng” không có gì cần phải sửa chữa, duy nói về nghiêm cách thì sự gieo vần có hơi lỏng lẻo thôi. Đọc nó lên thấy sao mà buồn da diết và làm cho thầy nhớ lại câu thơ của Alfred de Musset:
Le seul bien qui me reste au monde,
Est d’avoir quelquefois pleuré…
(Của duy nhất còn lại cho tôi trên thế gian này,
Là đã được một vài lần khóc…) (Thư ngày 13-3-1984)

Những năm về sau việc làm thuê làm mướn của tôi càng khó khăn, ngày có ngày không (“không” nhiều mà “có” ít), Hợp Tác Xã xe lác cũng nghỉ vì hàng không xuất khẩu được, tôi quay ra mở lớp ở nhà dạy Anh, Pháp cấp 2, nhưng chưa hết ba tháng hè thì Công an Phường tới lập biên bản, không cho dạy “vì không phải là giáo viên chính thức” (trong khi ở phường khác, một anh bạn trước kia cùng dạy Nữ Trung Học Quy Nhơn với tôi, vào Vĩnh Long, cũng tình trạng như tôi, lại mở lớp dạy ở nhà bình thường). Chua xót ơi là chua xót! Tôi bèn đi dạy kèm, tôi gõ cửa từng nhà -những nhà có vẻ khá giả- để hỏi dạy trong vật chất thiếu thốn. Tôi than thở với Thầy Dật thì Thầy viết thư vào khuyên nhủ: “Trong khi Dật phàn nàn về chuyện làm ăn vất vả mà cảnh sống vẫn thiếu trước hụt sau, buổi sáng đi dạy bụng đói, thầy lại mừng cho Dật đã tìm được cho mình một lối thoát, vì dầu sao đi dạy cũng vẫn là một nghề cao quý trong khi tự cứu cho mình thì cũng giúp ích được một số học trò”. Rồi Thầy nói đến cái nghĩa của học trò đối với Thầy, đã làm cho Thầy “xúc động đến gần phát khóc,” và đó chính là “phần thưởng quí hoá” đem lại cho mình: “Các chị học trò cũ ở khắp bốn phương trời, thỉnh thoảng lại có thư từ quà cáp cho thầy. Riêng những người còn trong nước cũng luôn luôn nhớ đến thầy và đó là điều làm cho thầy cảm động nhất (…) Rồi đến nam nữ sinh viên Hán Học (…) Thầy quá xúc động đến gần phát khóc. Anh Phong lại gửi giúp thầy và thầy Âu đều đều. Anh ấy lại còn ra Huế đến chụp cho thầy bốn bức ảnh để vào Sài Gòn sang ra biếu các chị em mỗi người một bức làm kỷ niệm. Mấy chị học trò cũ bên Pháp còn về chụp cho thầy rất nhiều bức ảnh để đem về mà “thờ” sau ngày thầy quá cố (…) Đó, cái nghề đi dạy nó cũng đem lại cho mình những phần thưởng quí hoá như thế. Vậy Dật hãy đem hết thành tâm thiện chí ra dạy học trò mình đi, tuy rằng “thi ân bất cầu báo” nhưng lòng biết ơn của họ cũng đủ là một khích lệ làm cho mình quên hết cả mệt nhọc” (Thư ngày 9-11-1986). Tôi nghe lời Thầy, tôi cố gắng dạy hết mình. Những học sinh tôi kèm đều nhất, nhì môn Anh văn ở lớp. Và một phần thưởng không ngờ đã đến với tôi. Năm 1987, thấy con mình tiến bộ và giỏi Anh văn, một phụ huynh cán bộ cao cấp bèn giới thiệu tôi với Phòng Giáo Dục thị xã và nhân lúc thiếu giáo viên Anh văn, Phòng nhận liền. Trở lại trường, được gặp học trò, được “làm giáo viên chính thức”, tôi rất sung sướng, tôi cảm thấy “nhẹ người”, nhất là đối với địa phương còn quá cố chấp về mặt chính trị…
Tinh thần đã thảnh thơi, lên Sài Gòn, tôi thường đi tìm bạn bè cũ Hán Học. Biết một người rồi hỏi thăm người khác và dần dần gặp lại nhiều, nhất là nhờ vào lần họp mặt. Bên giáo sư, ở Sài Gòn có Thầy Thám (đã mất trước đó), chỉ còn Thầy Dương. Và từ đấy gần như năm nào, tôi cũng có tới thăm Thầy. Thầy đã tặng tôi nhiều tác phẩm của Thầy, và trong hai quyển Từ Điển Vần Bằng và Từ Điển Vần Trắc Tiếng Việt của tôi (do Nhà Xuất Bản Văn Hoá Thông Tin Hà Nội xuất bản), tôi đã trích nhiều văn của Thầy Dương để minh hoạ từ. Đối với tôi, ai đã dạy tôi là “Thầy tôi” suốt đời. Tôi trân trọng, tôi kính cẩn Thầy. Bởi vậy để “TRI ÂN THẦY”, tôi đã tìm thơ, văn của Thầy cũ từ Tiểu học đến Đại học để đưa vào từ điển của mình: Thầy Lê Đình Khởi, Thầy Lê Hành,… (Tiểu học ở Quảng Trị); Thầy Cao Cự Phúc (Nhạc sĩ Hoàng Nguyên), Thầy Phạm Đình Bách… (ở Trường Nguyễn Tri Phương); Thầy Nguyễn Đình Hàm… (Quốc Học). Riêng Viện Hán Học thì trong hai tác phẩm của tôi đã trích được thơ, văn của Quí Thầy: Thầy Dật, cụ Định, cụ La Hoài, Cha Thích, Thầy Dương, Thầy Bửu Kế… Và tôi ước mong trong lần tái bản sau sẽ đưa được nhiều thơ, văn của Quí Thầy khác nữa.
Năm 2002, mấy chục cựu sinh viên Hán Học gồm cả nam nữ mấy khoá từ Sài Gòn về miền Tây chơi và ghé lại Vĩnh Long thăm tôi, tôi rất hãnh diện và sung sướng… Nhân nói về thầy Phan Văn Dật, chị Nguyễn Thị Minh Hoàng đã cho tôi biết một tin quá bất ngờ: Tủ sách của thầy bị lấy mất sạch. Tôi thật đau lòng vô cùng, còn chủ nhân của chúng tức Thầy của tôi đau lòng cỡ nào, ai có thấu!!! 
Mãi đến Tết 2006, cùng với gia đình ra Huế, tôi đã mua bánh trái đến nhà cúng Thầy. Đứng trước cổng nhìn vào, tôi chẳng thấy bóng người; cây cối trong vườn thì lơ thơ, nhà đã xây lại nhưng trông có vẻ quạnh vắng làm sao! Tôi lên tiếng gọi: “Có ai ở nhà không?” thì một phụ nữ dáng vẻ mệt mỏi lọm khọm bước ra.  Tôi tưởng người trông nhà cho Thầy, ai ngờ đó là chị Ý Nhi, cô con gái Út của Thầy. Chị khoảng tuổi tôi mà sao cằn cỗi quá Vợ chồng chị coi giữ nhà Thầy, không con cái. Hôm đó chồng chị đi vắng. Bước vào nhà, điều trước tiên làm tôi hết sức ngạc nhiên là chẳng thấy sách vở gì cả, trái với ngày trước, la liệt đó đây toàn sách là sách: sách trong tủ, sách trên bàn, ngay cả dưới nền nhà cũng có những chồng sách! Rồi tôi hỏi chị về chuyện Minh Hoàng đã nói với tôi. Và chị xác nhận:  «Đúng như thế!»  Nhìn ảnh Thầy, Cô trên bàn thờ mờ tối hiu quạnh, tôi thắp hương lạy Thầy Cô mà lòng nghẹn ngào đau xót… trước cảnh tiêu điều, quá tang thương, quá hoang vắng của vườn tược, nhà cửa. Tất cả đã hoàn toàn thay đổi! Bất giác tôi đọc lên trong lòng:
     Trải qua một cuộc bể dâu,
Những điều trông thấy mà đau đớn lòng (Kiều)

TV Vĩnh Long ngày 8-8-2008
(Trích Đặc San Ký Ức và Hoài Niệm)





Không có nhận xét nào: