(Cảm nghĩ của một người học trò của Linh Mục Nguyễn Văn Thích)
Ngày 12 tháng 8 năm 2001, vào lúc 1 giờ 30 sáng ngày Chủ Nhật, do lời mời của ban tổ chúc, tôi đến tham dự Lễ Kỷ Niệm 110 năm ngày sinh nhật và ra mắt ra mắt tập thơ “Sảng Đình Thi Tập” của cố Linh Mục Nguyễn Văn Thích. Hôm nay, tôi xin ghi lại đôi dòng cảm nghĩ về Cha Thích.
Trước hết, tưởng cũng cần giới thiệu qua, tôi là một tín đồ Phật Giáo, nhưng lại là môn sinh của Cha Thích, và những điều tôi sắp trình bày là tất cả sự chân thành ngưỡng phục trước một tấm gương sáng ngời đạo hạnh, một nhân tài của Việt nam, mà ngoài giới giáo sư, sinh viên, và học sinh ở Huế và Sài Gòn ra, người Việt Nam ít ai biết đến.
Ta thường nghe bốn câu hát rất phổ biến:
Cái nhà là nhà cuả ta
Công khó ông cha làm ra Cháu con ta gìn giữ lấy Muôn năm với nước non nhà
Ai đã sáng tác nên bài ca mộc mạc nhưng đầy tình nghĩa đó? Xin thưa, đó là Linh Mục Nguyễn Văn Thích. Nhưng Linh Mục Thích là ai? Tôi xin lướt qua vài nét về tiểu sử của ngài. Linh Mục Nguyễn Văn Thích (còn có tên Nguyễn Hy Thích) sinh năm 1891, xuất thân từ một gia đình khoa bảng ở Huế. Thuở thiếu thời, ngài đã từng đi thi hương, nhưng sau khi bị thi hỏng trường 3, ngài chuyển qua Tây học và làm nhà giáo. Ngài đã chọn con đường đi tu, làm linh mục. Suốt cuộc đời phục vụ xã hội trên sáu mươi năm, ngài dạy học, làm báo, viết sách, hoạt động trong ngành hướng đạo, và cũng là giáo sư tại các trường Quốc Học, Đồng Khánh, Viện Hán Học, Đại Học Sư Phạm, Đại Học Văn Khoa Huế và Sài Gòn trước năm 1975. Ngài mất năm 1978, thọ 88 tuổi.
Xin cho tôi lui lại một chút về thời dĩ vãng của mình tại Huế. Thủa ấy, trường Đại Học Văn Khoa và Viện Hán Học đã cho tôi nhiều kỷ niệm về nghĩa tình thầy trò. Trong những môn học ở đây, môn chữ Hán là môn khó nhất. Vì chữ viết thì có quá nhiều nét và khi viết phải mài mực trên nghiêng, và viết bằng bút lông không phải đễ dàng như viết bằng bút máy. Vậy rồi tôi được học với cha Thích. Nhìn nét chữ cha viết trên bảng vừa nhanh vừa đẹp, đúng là như “phượng múa rồng bay,” tôi rất khâm phục.
Có lẽ cha cũng biết nỗi khó khăn của sinh viên lúc ban đầu khi học Hán Văn, nên cha đã tìm mọi cách làm cho cả lớp chúng tôi thấy ham thích mà học, và nhờ thế, môn học của cha không trở thành khô khan, “nuốt khó” nữa. Cha vừa dạy bài học, vừa hát lên. Lúc ấy, cả mắt cha, miệng cha cùng sáng lên một niềm vui!
Tôi còn nhớ lúc cha dạy bài thơ “Xuân Hiểu” của Mạnh Hạo Nhiên (xin ghi lại bài thơ ấy dưới đây):
Xuân miên bất giác hiểu Xứ xứ văn đề điểu, Dạ lai phong vũ thanh, Hoa lạc tri đa thiểu.
Sau khi giảng xong bài thơ Đường đó, Cha liền đọc bài “Say Xuân” do chính cha sáng tác. Cha vừa đọc với âm điệu như lời ca, vừa dùng tay làm điệu bộ, tôi nghe như cha đang ôm đàn cử lên nốt nhạc xuân:
Đầm ấm, xuân đầm ấm, Lai láng, ánh láng lai Gió phưởng phất, phưởng phất Cành lung lay, lung lay Cu cù, cu cù gáy Se sẽ, se sẽ bay Riu ríu, riu ríu mắt Sờ sững, sờ sững say.
Qua lối diễn đạt của cha bằng những hình dung từ gợi cảm, chúng ta tưởng như nghe lòng người thi sĩ đang bừng lên niềm hân hoan vô biên trong một buổi sáng mùa xuân với nắng xuân ấm, gió xuân nhẹ đong đưa cành lá, và chim chóc đua nhau hót trên cành…
Trong lúc dạy lớp chúng tôi, cha không bao giờ la rầy sinh viên, dù có khi sinh viên nghịch phá. Lúc nào cha cũng giữ một thái độ điềm tỉnh. Cha rất yêu thương sinh viên học sinh. Ngoài tình cảm yêu thương học trò, cha còn là con người giàu lòng nhân ái, lúc nào cũng sẵn sàng dốc hết hầu bao để làm việc nghĩa, cứu tế các em cô nhi, giúp đỡ học trò nghèo khó, giúp đỡ bệnh nhân nhà cửa neo đơn. Hồi đó, cha dạy rất nhiều giờ ở Đại Học, tiền lương giáo sư của cha rất cao. Vậy mà mỗi khi di chuyển, cha chỉ dùng một chiếc xe đạp. Và khi cha nhắm mắt, trong tay cha không còn một tài sản nào cả.
Linh Mục Nguyễn Văn Thích còn là một con người tài hoa. Trong năm 1960, nhân dịp đi Đài Loan cùng Tổng Thống Ngô Đình Diệm và một số nhà trí thức uyên thâm, Cha đã làm cho những người trong chính phủ Đài Loan (bấy giờ có Tổng Thống Tưởng Giới Thạch) khâm phục tài năng của người Việt Nam. Hôm đó, trong bữa tiệc có một món ăn tên là Giá Cô (tức chim Đa Đa con), Cha đã nhớ lại bài thơ “Qua Đèo Ngang” của Bà Huyện Thanh Quang (xin ghi lại dưới đây):
Bước tới đèo Ngang bóng xế tà, Cỏ cây chen lá, đá chen hoa. Lom khomn dưới núi, tiều vài chú, Lác đác bên sông chợ mấy nhà. Nhớ nước đau lòng con quốc quốc Thương nhà mỏi miệng cái gia gia. Dừng chân đứng lại: trời non nước Một mảnh tình riêng, ta với ta.
Lúc ấy Cha đã chuyển ý bài thơ trên ra Hán Văn như sau:
Bộ đáo Hoành quan nhật dĩ tà, Yên ba gian thạch, thạch gian hoa. Tiều quy nham hạ, ta ta tiểu, Thi tập giang biên, cá cá đa. Đỗ Vũ tâm thương, thanh quốc quốc Giá cô hồn đoạn, tứ gia gia Đình đình trữ vọng: thiên sơn hải Nhất phiến cô hoài, ta ngã ta.
Bài thơ chữ Hán này của Cha mang một vẻ đẹp cổ kính. Cha đã viết ra một cách tài tình như một thi sĩ Trung Hoa chính hiệu!
Tóm lại cuộc đời của cha Thích đã nói lên những nét sau:
- Là một người tài hoa: viết văn, làm thơ, sáng tác nhạc
- Một người giàu long bác ái, vị tha
- Một bậc chân tu
- Một người thầy dạy học tận tâm.
Tôi xin kết thúc bài này với lòng tri ân và ngưỡng phục đối với một bậc tiền bối, một vị thầy cũ, không những đã gây ấn tượng sâu sắc cho học trò về kiến thức mà còn về nhân cách cao quý của ngài nữa.
Ngọc Khuê
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét