Câu Đối Của Kim Dung
Hôm nay, tôi sẽ kể một giai thoại về câu đối trong tiểu thuyết võ hiệp của KIM DUNG để mọi người cùng đọc chơi tiêu khiển cuối tuần nhé! Tôi tin rằng tất cả chúng ta đều biết qua truyện "Anh Hùng Xạ Điêu," tức "Xạ Điêu Anh Hùng Truyện" 射鵰英雄傳 của nhà văn Kim Dung, xem phim thì không có, nhưng nếu xem truyện, chúng ta sẽ đọc thấy.....
.... Khi bị Thiết Chưởng Thủy Thượng Phiêu Cừu Thiên Nhận đánh cho một thiết chưởng thừa sống thiếu chết, Hoàng Dung phải nhờ Quách Tĩnh cỏng đi tìm người trị thương. Được sự chỉ điểm của Thần Toán Tử Anh Cô, đi tìm Đoàn Nam Đế nhờ ngài dùng Nhất Dương Chỉ để trị thương cho Hoàng Dung. Vì mỗi lần dùng Nhất Dương Chỉ để trị thương cho ai, thì Đoàn Nam Đế phải mất hết công lực, sau 3 năm mới phục hồi lại được, cho nên các học trò của ngài là Ngư, Tiều, Canh, và Độc có ý ngăn cản không cho Quách Tĩnh và Hoàng Dung lên núi. Từ chân núi đến đỉnh núi, Ngư Tiều Canh Độc 魚,樵,耕,讀 chia làm 4 trạm để cản trở, khó khăn lắm mới vượt qua được 3 trạm Ngư, Tiểu và Canh... Bây giờ tới trạm cuối cùng của ông ĐỘC nhé!...
Thấy Hoàng Dung giỏi văn thơ và đã lên tiếng chê trách là ông chỉ đọc sách như vẹt, chứ không hiểu hết ý nghĩa của Thánh hiền, qua câu chuyện nghe ông Độc đọc một câu trong sách Luận ngữ là: "Mạc xuân dã, xuân phục ký thành, quan giả ngũ lục nhân, đồng tử lục thất nhân, dục hồ Nghi, phong hồ Vũ Vu, vịnh nhi qui...末春也,春服既成,冠者五六人,童子六七人,浴乎宜,風乎宇于,咏而歸... Có nghĩa: Vào cuối Xuân, quần áo mùa Xuân đã may xong, năm sáu người lớn, sáu bảy trẻ nhỏ, tắm ở dòng sông Nghi, hứng gió ở đền Vũ Vu, rồi hát mà về... (tả cảnh sống thanh bình vui vẻ, tự do tự tại của dân chúng trong buổi đầu xuân)... mà hỏi ông rằng: "Ông đọc sách Thánh hiền, mà có biết Bảy Mươi Hai người thành đạt 七十二賢 (thất thập nhị hiền) trong số ba ngàn học trò của Không Tử, là : Có bao nhiêu người già, bao nhiêu người trẻ không? Ông Độc suy nghĩ mãi không ra, sách chỉ nói Thất thập nhị Hiền, chứ đâu có nói gì đến già trẻ đâu. Hoàng Dung mới cười ông, và đem câu Luận Ngữ mà ông vừa đọc ở trên để giải thích như thế nầy: Quan giả là người đội mũ, là người lớn, ngũ lục nhân, năm sáu người, 5 lần 6 là 30 người. Đồng tử là con nít là người trẻ, luc thất nhân, sáu bảy người, 6 lần 7 là 42 người. 30 cộng với 42, chẳng phải 72 là gì? Cho nên tôi nói ông chỉ đọc sách như vẹt, chứ không hiểu hết ý nghĩa sâu xa ở bên trong là vậy đó!" Thấy Hoàng Dung mặc dù ngụy biện, lấy câu sách mình vừa đọc để mắng mình, nhưng cũng phải phục tài thông minh, cơ trí của cô ta, nên định thử xem con bé nầy giỏi tới đâu... Đầu tiên, ông ta đọc một bài thơ, cho Hoàng Dung đoán lý lịch của mình, bài thơ như sau :
Lục kinh uẩn tịch hung trung cửu, 六經蕴籍胸中久
Nhất kiếm thập niên ma tại thủ, 一剣十年磨在手 Hạnh hoa đầu thượng nhất chi hoành 杏花頭上一枝横 Khủng tiết thiên cơ mạc lộ khẩu 恐泄天機莫露口 Nhất điểm luy luy đại như đẩu 一点畾畾大如斗 Giảm khước bán sàng chung sở hữu 减却半牀终所有 Hoàn danh trực đãi quải quan quy 完名直待挂冠歸 Bản lai diện mục quân tri phủ ? 本来面目君知否?
Bài thơ có nghĩa:
Lục kinh là: Sáu bộ kinh sách đã nung nấu trong lòng từ lâu và trong tay mười năm nay đã luôn mài một lưỡi gươm. Trên đầu hạnh hoa có một cành ngang, sợ để lộ thiên cơ nên đừng mở miệng. Một chấm to lớn như là cái đấu, sẽ có được khi đã giảm nửa sàng. Công thành danh toại nên muốn cáo lão về quê, gốc gác mặt mũi của ta, bạn đã biết rồi chưa ? Hoàng Dung nghe xong, bèn lập lại hai câu đầu : Lục kinh đã thuộc nằm lòng, lại mười năm mài một lưỡi gươm, Quả là văn võ song toàn. Chữ lục 六 thêm chữ nhất 一 trong chữ nhất kiếm và chữ thập 十 trong chữ thập niên, gộp lại thành chữ Tân 辛. Trên đầu chữ Hạnh 杏 thêm một gạch ngang =, và ở phía dưới bỏ đi chữ khẩu (mạc lộ khẩu 口) còn lại là chữ Mùi 未. Nhất điểm là một chấm ở trên chữ đại là chữ Khuyển 犬, giảm phân nữa chữ sàng 牀, tức là bỏ chữ mộc 木 đi, thêm chữ khuyển vào, sẽ thành chữ Trạng 狀. Cuối cùng, chữ hoàn danh, hoàn 完 mà quải quan là treo nón, bỏ cái nón ra, chữ Hoàn chỉ còn chữ Nguyên 元. Nhập kết quả của tám câu lại thành ra 4 chữ : Tân Mùi Trạng Nguyên, thì ra ông xuất thân là Trạng Nguyên đậu năm Tân Mùi, Xin kính chào Ngài Trạng Nguyên ạ! Ông Độc rất phục cái thông minh, tài trí của Hoàng Dung, nhưng ông vẫn phải làm khó, vì nếu để Đoàn Nam Đế trị thương cho Hoàng Dung thì ông ta phải chịu mất hết công lực trong 3 năm, mà trước mắt ông ta đang gặp phải cường địch. Vì vậy, Ông bắt Hoàng Dung phải đối thêm 2 câu đối nữa, nếu đối được mới cho vào. Câu thứ nhất, vế ra của Ông như sau :
Phong bãi tông lư, thiên thủ Phật dao triệp điệp phiến ,
風 摆 棕 梠,千 手 佛 摇 槢 叠 扇 Có nghĩa: Gió đưa các nhánh cọ như cây thốt nốt xòe các nhánh như lá dừa), giống như là ông Phật ngàn tay đang phe phẩy quạt. Vế ra hay quá, lại rất tượng hình, muốn đối lại không khó, nhưng muốn đối cho hay thì... Chợt Hòang Dung nhìn thấy một cọng sen vương cao lên trong hồ, bèn xúc cảnh sinh tình mà đối ngay rằng :
Sương điêu hà diệp, độc cước quỷ đái tiêu dao cân.
霜 凋 荷 叶,独 脚 鬼 戴 逍 遥 巾
Có nghĩa: Sương Thu làm héo úa lá sen, trông giống như con quỷ một giò đội khăn tiêu dao.
Bấy giờ đã vào buổi tàn Thu, sen trong đầm đà tàn tạ, một cọng sen vương cao lên, lá sen bên trên bị sương Thu nên héo úa đen đúa rũ xuống, trông tựa như người đang đội khăn, ông Độc đang đội khăn Tiêu Dao, khăn của thư sinh ngày xưa, bây giờ bị Hòang Dung diễu là Con quỷ một giò đội khăn tiêu dao, để đối lại với Ông Phật ngàn tay đang phe phẩy quạt. Đối khéo và hay quá, lại còn mắng mình là con quỷ một giò nữa chớ! Nhưng vẫn không chịu thua, ông tiếp tục moi ra câu đối hóc búa mà ngày xưa thầy ông đã ra cho ông khi còn đi học, và mãi cho đến nay mặc dù đã đậu Trạng Nguyên mấy chục năm rồi ông vẫn chưa đối lại được. Câu đối như sau :
Cầm Sắt Tì Bà bát đại vương, nhất ban đầu diện ,
琴 瑟 琵 琶 八 大 王, 一 般 頭 面
Có nghĩa: Cầm sắt tì bà (là 4 loại nhạc cụ), mỗi chữ trên đầu đều có 2 chữ VƯƠNG 王, nên gọi là bát đại vương, Nhất ban đầu diện là mặt mũi đều giống nhau, vì 2 chữ vương của mỗi chữ đều nằm ở trên đầu.
Vế ra quả là hóc búa, trong một lúc muốn đối cho chỉnh không phải là dễ. Nhưng Hoàng Dung lại rất thông minh dĩnh ngộ, lại đúng ngay tình cảnh mình đang gặp trước mắt, nên nàng bèn cất tiếng đối ngay: Si Mị Võng Lượng tứ tiểu quỷ, các tự đỗ tràng . 魑 魅 魍 魉 四 小 鬼,各 自 肚 肠
Có nghĩa: Si mị võng lượng là 4 loài tiểu quỷ ở trong núi, chuyên phá phách người đi đường, các tự đỗ tràng (trường) là mỗi con bụng dạ đều khác nhau. Câu đối thật khéo, thật chỉnh, Cầm sắt tì bà đối với Si mị võng lượng, bát đại vương đối với Tứ tiểu quỷ, Nhất ban đầu diện đối với Các tự đỗ tràng vì phần trong của 4 chữ QUỶ là 4 bộ khác nhau. Câu đối còn hay ở chỗ, vừa đối chỉnh lại vừa mượn ý câu đối mà mắng 4 ông Ngư Tiều Canh Độc là "tứ tiểu quỷ," mỗi người một bụng dạ khác nhau, như 4 con quỷ núi đều tìm cách ngăn chặn không cho Quách Tĩnh và Hoàng Dung lên núi...
Đến nước nầy, Ông Độc cũng phải chịu Hoàng Dung là giỏi và để cho 2 người lên núi.
Riêng tôi, thì tôi không biết là Hoàng Dung giỏi cở nào, nhưng KIM DUNG thì quả nhiên giỏi thiệt, chả trách mọi người đều mê đọc truyện của ông ta, già mê theo già, trẻ mê theo trẻ, trí thức mê theo trí thức, bình dân mê theo bình dân... Quả thật là Ông Thần của tiểu thuyết Võ Hiệp Trung Quốc. Chả trách ở Trung Quốc có thành lập một tổ chức gọi là : Kim Dung Học, để chuyên nghiên cứu về 15 bộ tiểu thuyết võ hiệp của Kim Dung về tất cả các mặt tâm lý, tình cảm, triết học, lịch sử, đia lý...
Xin hẹn bài viết sau...
Đỗ Chiêu Đức. |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét