Thứ Sáu, 2 tháng 1, 2015

Huế Là Duyên (Lai Kinh Du Học Ký) Phần 6 (Lâm K Nhàn)

                   Huế Là Duyên
                   (Lai Kinh Du Học Ký)
                   Lâm Khương Nhàn

6. Ngôi Trường Của Tôi: Viện Hán Học


                             (Di Luân Đường)

Dũng định đưa tôi đi chơi khắp làng, thăm viếng họ hàng, người thân quen mà Dũng khoe rằng: “nhiều lắm, đến chiều chưa hết đâu anh Nhàn.”
Thú thật rằng tôi bồn chồn lắm- với tờ giấy báo tin nhập học luôn rọ-rạy, dù được xếp chèn thật kỹ trong bóp, đút sâu trong túi quần sau, không quên cài thêm chiếc nút cho chắc chắn!... nên tôi đề nghị để lúc khác sẽ đi thăm làng. Giờ thì nhờ Dũng đưa tôi ra Thành Phố Huế để biết đích xác các nơi cần đến (Viện Đại Học, Viện Hán Học Huế…), dù rằng hôm nay là ngày Chủ Nhật, thì ngày mai Thứ Hai, mình sẽ thuận lợi giao tiếp hơn.
Hai anh em trên chiếc xe đạp Urago của tôi, ngược lại con đường về nhà tối hôm qua để ra phố Huế.  Lúc nầy có hơn 10 giờ sáng rồi. Trời quang, tiết Thu se se mát thật dễ chịu, mà lòng tôi bỗng rộn ràng như đứa học trò nhỏ trong bài văn  tôi-đi-học của Thanh Tịnh vậy.
Con đường kéo dài có hàng 3 đến 4 cây số gì đó, mà 2 bên đường, tối qua tôi không thấy được… cả một không gian tươi mát xanh đẹp vô cùng. Thì ra vùng ngoại vi thành phố Huế là đây- và tôi cũng có biết trước được qua sách vở chẳng sai chút nào. Không có tình trạng nhà cửa liền kề chật kín như ngày nay, mà xa xa ẩn hiện thấp thoáng sau những khoảng sân vườn nhà thật sâu, thật rộng rãi- những ngôi nhà cổ kính, thường mái ngói rêu phong- mà dân gian hay gọi là nhà rường. Những ngôi nhà tranh cũng có, mà thường là nhà phụ hoặc nhà chòi phục vụ nhu cầu chăn nuôi trồng trọt rẩy vườn của các nhà chính.
Ga Huế đây rồi. Một kiến trúc đồ sộ có từ thời Tây. Qui mô và mỹ thuật không chê vào đâu được. Sân Ga thật rộng. Người mua kẻ bán, xe cộ, khách khứa vãng lai tấp nập. Từ Long Thọ ra, nhà Ga nằm bên phải, bên trái con đường đối diện là một nhánh của dòng sông Hương (sông An Cựu), lờ đờ nước chảy mà trong xanh mát rượi một màu, ánh lên từ bờ cỏ bên sông và loài rong tảo trải phủ khắp cả đáy sông.



Hôm rày, suốt tuần lễ nay, tôi cặm cụi bên chiếc máy tính, ngày ngày moi ký ức gõ được chừng một trang giấy. Sợ rằng tuổi già và bộ nhớ chập chờn sẽ gây nhiều khó khăn cho tôi trong việc viết lách nầy. Nhưng không, may quá, ký ức về Huế- duyên của tôi vẫn trào tuôn sung mãn; có điều sức khỏe và thú-ham-chơi hàng ngày (khi-cuộc-cờ, lúc-chén-rượu…) nên tôi không thể ngồi lì một mạch để hoàn thành công-trình-văn-chương của tôi như thời trẻ trung tráng kiệt được. Hôm nay là ngày 15 tháng 9 năm 2014, tôi viết đến đây (thấy trên máy tính ghi số trang là 8); hồi chiều này xem trận Olympic VN tạo cơn-địa-chấn ở giải Asiad 17 tại Hàn Quốc khi đá bại đối thủ trên cơ Olympic Iran tỉ số cách biệt 4-1. Đả quá, tôi tự thưởng cho mình (và bà xã nữa) 2  lon bia kèm buổi cơm chiều. Niềm vui và hơi men lâng lâng sảng khoái, tôi đi ngủ sớm (mới hơn 19 giờ, thường thì phải 22 giờ). Trong giấc-mơ-hồng, tôi thấy mình là một tao-nhân, lênh đênh thả thuyền trên dòng sông Hương thơ mộng, dự một hội thi thơ văn gì gì đó. Trang giấy đang viết dở chừng trên tay, bị gió đùa hất bay xuống dòng nước. Vớt lên, cố dán mắt đọc các dòng chữ bị lem, ố mờ vì nước… cố lắm, cố lắm mà không sao đọc được. Giờ nạp bài thì sắp hết đến nơi rồi. Hoang mang, lo lắng… chợt bừng tỉnh giấc- thì ra cơn-mê! Thực hư lẫn lộn. Huế-duyên suốt tuần nay trở về gần gũi thân thiết sống bên tôi kể cả khi ăn, lúc ngủ. Thảo nào!- Và nữa, tôi nhớ lời hứa với anh  Phan Thuận An sẽ đóng góp bài viết cho giai phẩm mà nhóm các anh chị cựu sinh viên Viện Hán Học Huế sẽ phát hành nhân kỷ niệm 55 năm ngày thành lập trường. Cuối tháng 9 nầy làm sao phải gửi kịp bài cho các anh. Trông chờ biết chừng nào ngày hội ngộ gia đình cựu SVVHH Huế vào cuối tháng 12 năm nầy (2014). Phải chăng thực là như vậy, và hình thành một-mộng là thế kia.
Chuyện ghi ra đây là thật đấy, không hư cấu đâu. Bây giờ nhìn đồng hồ chỉ đúng 01 giờ sáng ( ngày 16-9-2014). Tôi bật tỉnh dậy gõ đoạn văn nầy vừa lúc 24 giờ khuya trước đó. Giờ tạm  dừng đi ngủ tiếp.
Từ Ga Huế đi tiếp thêm một đoạn đường nữa là đến cầu Nam Giao. Các địa danh tôi ghi nhận ở bài viết nầy đều theo hồi tưởng của tôi thời thập niên 60 của thế kỷ trước, không biết bây giờ có thay đổi gì không. Chẳng phải là bảo thủ, chỉ cần lên mạng truy tìm và so sánh cập nhựt cũng dễ dàng thôi, nhưng tôi muốn dòng ký ức trào tuôn một cách thật tự nhiên và y như là cái thuở tôi bén duyên hội ngộ Huế lần đầu tiên vậy .
Ngay dốc cầu Nam Giao là ngã tư: rẽ trái qua cầu là đường qua phố chợ (Đông Ba), rẽ phải- đường dốc cao cao dẫn về chùa Từ Đàm, Đại học xá, Đàn Nam Giao và… điệp trùng đồi núi với bao lăng tẩm cổ kính của thời vua chúa nhà Nguyễn , tạo cho cố đô Huế vang danh thế giới. Thẳng con đường bên nầy bờ sông độ vài trăm mét là gặp cầu Bến Ngự…
Ngã tư dốc cầu Nam Giao nầy, bỗng làm tôi chợt nhớ đến câu thơ của một bạn giáo, khi tôi mới về dạy học những ngày đầu tiên ở trường Trung học công lập Đất Đỏ (quận Đất Đỏ, tỉnh Phước Tuy năm 1965):
Đất Đỏ chia tay, bốn nẽo đường
Đường ra phố chợ mờ son phấn,
Đường đến sơn khê ngợp núi đồi……….
Nam Giao, Bến Ngự, những cây cầu, và những con đường… là không gian thật quen thuộc thân thương, gắn bó với tôi suốt 3 năm trời lưu học ở Huế. Trên đầu dốc Nam Giao là cư xá sinh viên (Đại học xá) nơi tôi ăn ở, và dưới kia, cạnh dốc cầu Bến Ngự là Viện Hán Học, trường tôi.
Hết dốc cầu Nam Giao, vừa  qua khỏi con đường ven sông, ngay góc ngã tư con đường ấy, tôi còn nhớ ngôi nhà gạch khá khang trang, rộng rãi- có 2 chị em o-nớ, chúng tôi gọi bằng chị (chắc lớn hơn chúng tôi 5 bảy tuổi gì đó thôi). Chúng tôi- và năm ba bạn sinh viên niềm Nam ra, ăn cơm tháng ở đó một thời gian ngắn. Hai chị rất thân quen, vồn vã, vui vẻ với chúng tôi. Tôi cũng không quan tâm gì cả- chỉ thấy có 2 chị em sống với thằng cu con độ 2 năm tuổi, con của o-em, chập chửng biết đi, tập nói khiến ai ai cũng cưng chìu đùa giỡn với bé. Có lần, chị cho xem hình của bé vừa lấy ở photo về, xinh đáo đễ.  Thấy chúng tôi tấm tắc khen, vài hôm sau o-chị tự rửa ra biếu mỗi “cậu” một tấm! Tôi vô tư cất vào ví, về sau nhiều lần về Sài Gòn bị các cô em của tôi cứ trêu là thằng-cu của anh Tư (Nhàn) ở Huế nè… Tôi đâm ngượng phải vất bỏ đi lúc nào không biết. Bây giờ thằng cu đó không biết còn mất thế nào- hơn 5 mươi năm rồi còn gì. Nhanh thật!
Có những buổi sáng trên đường đến trường, đổ dốc Nam Giao  xuống, tạt ngang ghé qua điểm tâm bằng tô bún bò Huế của mụ Ba Béo Ù, đặt quang gánh trước hiên nhà hai o-chị. Tô bún to đùn, quánh đỏ một màu ớt-là-ớt, bốc khói nghi ngút quyện những cọng bún trắng tinh, lăn-xoăn quanh lát chân giò béo ngậy cùng những miếng nạm bò bùi bùi…ấm dạ làm sao những sáng tiết trời đông xứ Huế. Cảm nhận đó còn lãng vãng trong tôi cho đến tận bây giờ, khiến tô bún bò của nhà hàng cao cấp chuyên đặc sản các món Huế (Vỹ Dạ) ở Vũng Tàu ngày nay không làm tôi thấy ngon miệng- Tại hoài niệm hay vị-giác-của-người-già đánh lừa tôi?!
Cũng trên con đường bắt đầu lên dốc nầy có quán cái cóc- lều tranh tạm bợ, cô hàng là một o-bé-nhỏ luôn dán mắt vào quyển vở chăm chỉ học hành nhân lúc canh hàng… nghe nói là một nữ sinh Đồng Khánh, o tên Trâm. Em nhỏ nhắn không đẹp rực rỡ mà xinh xinh có duyên ngầm thế nào đó khiến bao anh chàng sinh viên từ Đại Học Xá đi về ngang qua chẳng ít lần ghé lại mượn cớ mua trái chuối, quả xoài, hoặc lì-ngồi xơi bát nước chè xanh nhâm nhi cây kẹo mè xửng để cùng em dăm ba câu chuyện vớ vẩn không đâu… mà lấy làm vui vui suốt ngày hôm đó.

Tôi cũng có vài lần ghé qua, mà thú thực chẳng cảm-thấy-gì-gì hết, chẳng qua thuở đó tôi còn-bé-lắm-các-anh-chị-ơi, chẳng biết chi-chi đâu. Chẳng phải viết ra điều nầy e ngại nọ kia với bà xã, mà có bạn đồng môn rất thân quen với tôi vô tình xác nhận minh chứng được điều đó với bà-nhà tôi. 

Không có nhận xét nào: