(Lai Kinh Du Học Ký)
Lâm Khương Nhàn
7. Thầy và Bạn (tiếp theo)
Vào những năm đầu thập niên 70, tôi và
Nghĩa có tin thư qua lại vài lần. Nghĩa làm Giám Học một trường trung học ở Cam
Ranh kết hôn với o nữ sinh Đồng Khánh mà ngày xưa khi còn ở Huế Nghĩa thường đeo đuổi tán tỉnh, chúng tôi đều có biết. Nghĩa khoe, “chừ o-nớ tốt nghiệp tham sự hành
chánh, về làm trưởng phòng… tại Cam Ranh cùng với tao.” Năm 1971 tôi cũng lập gia đình và chuyển về dạy học tại Vũng Tàu.
Những ngày gần cuối tháng 4 năm 1975,
các giáo chức ở Vũng Tàu chúng tôi “được” tạm nghỉ dạy, cùng các em học sinh
lớn được điều vào công tác đón tiếp người tị nạn miền Trung di tản ồ ạt bằng
đường biển cặp bến Vũng
Tàu. Theo ca trực khi ngày, lúc đêm bận rộn suốt, cùng các đoàn thể ban ngành khác
xếp nơi ăn chốn nghỉ… thường là ở các trường học. Phòng ốc kín người phải giăng
cắm lều trại ra cả ngoài sân…
Một buổi chiều nọ, đang ở nhà vì không
phải ca, một chiếc xe “Lam” đổ xịt trước cổng, nhìn ra lố nhố là người tay xách
lỉnh kỉnh hành lý. Một em học trò của
tôi đến cổng gọi chào và bàn giao cho tôi gia đình thầy Nghĩa!
Lẫn lộn mừng vui và cảm xúc. Thì ra, vợ
chồng Nghĩa cùng 2 cậu con trai lên ba lên bốn (trạc bằng tuổi 2 cô con gái
Diễm-Lĩnh nhà tôi) theo thuyền di tản từ Cam Ranh trực chỉ đường biển về thẳng Vũng Tàu.
Nghĩa nhanh trí hỏi ban tiếp cư về tôi và trúng ngay các cô-cậu học trò của tôi
nên thật thuận lợi, may mắn làm sao!
Cuộc tương phùng bất ngờ nầy cũng lại là
một lần duyên ngồ-ngộ trong thiên-tình-bạn Nghĩa-Nhàn chúng tôi. Xếp đặt đâu
vào đó xong, tôi chở bà xã tôi ra chợ Bến Đình gần đó mua cá-cua-tôm-ghẹ (các
thứ nầy thời đó, nhất là ngay chợ làng chài Bến Đình thì nhiều vô kể và rẻ mạt, chứ
không phải là đặc sản cao cấp như ngày nay đâu) cả giỏ to- đúng nghĩa đen, về
thếch đãi gia đình Nghĩa một bữa ăn bồi bổ sau bao ngày lênh đênh trên biển cả đói khát, nắng gió và nỗi lo sợ đủ thứ quầng bám đuổi theo. Thực
ra, ở Vũng Tàu thời điểm đó ngoài đường rất bất an, ai cũng hoang mang lo nghĩ đủ điều nên chẳng nhà hàng, quán ăn nào dám mở
bán.
Bà xã tôi lo thu dẹp “chiến trường” sau
khi thu xếp chỗ ngủ cho vợ và 2 con của Nghĩa. Tôi và Nghĩa nhâm nhi tâm sự
tiếp. Và theo mong muốn được về quê (Biên Hòa) càng sớm càng tốt của Nghĩa, lúc
đó đã hơn 21 giờ đêm rồi, tôi lấy xe máy đến tìm một chủ xe “Lô” quen biết để
thương lượng thuê mướn. Giá rất cao, nhưng cũng phải chịu thôi trong lúc
nhiễu nhương nầy. Đúng 4 giờ sáng, trời
còn tờ-mờ, đúng hẹn xe lô đậu ngay cổng nhà tôi. Vợ chồng tôi phụ nhau cùng đưa gia đình Nghĩa
lên hết tận trên xe, đóng sầm cửa xe lại cho thật chắc chắn an toàn… vẫy tay
tiễn biệt bạn. Một chi tiết làm tôi nhớ mãi là chiếc giỏ xách bằng vải bố kaki
trông nhếch nhát lắm mà vừa vào nhà tôi khi chiều qua, Nghĩa kéo tôi vào bên
trong trịnh trọng trao tận tay tôi và bảo “chỗ nào chắc chắn nhất mầy cất giùm
tao, tài sản cả đời của vợ chồng tao đó…”
Nên chi, sáng ra tôi cũng nhắc Nghĩa nhiều lần “chiếc-giỏ-xách-gia-tài
của mầy còn nguyên đủ đó nhe, phải cố mà bảo quản…” vì đường sá lúc đó loạn
kinh lắm.
Thuở trước 1975 ở miền Nam (cả Trung nữa) mỗi địa phương thường
có các hảng xe đò hành khách, bằng loại xe lớn hàng năm mươi ghế chạy liên
tỉnh. Ngoài ra chạy các đường gần thì có
loại xe “Lô” (có thể do chữ Location) mà mỗi nơi dùng cùng một loại hiệu xe
khác nhau. Các xe “lô” thường là loại xe du lịch 7 đến 9 chỗ ngồi,
có khi được cải tiến lại từ xe 5 chỗ. Huế-Đà Nẳng dùng loại Citroen (thấp, bè-
bám đường đèo rất tốt). Saigon-Thủ Đức-Biên Hòa cũng dùng loại Citroen nầy. Các
tỉnh Saigon - Bình Dương, hay Saigon đi Long An, đi Mỹ Tho thì dùng các loại xe-Huê-Kỳ như Falcon, Chevrolet, Desoto… dài đòn, to ngang- nguyên thủy để chở
5 người Tây to béo, khi cải sửa lại chút ít chở được chín, mười người khách Việt (đó
là hảng xe lô Minh Chánh…). Saigon-Baria-Vũng Tàu thì dùng hiệu xe Peugeot (loại
familial…).
Bẳng đi ít lâu, vào khoảng thập niên 80,
Nghĩa có ra Vũng Tàu học khóa tu nghiệp
giáo chức gì đó, có ghé nhà thăm gia đình tôi- mới biết được rằng sau khi hồi
hương (về quê Biên Hòa) vợ chồng Nghĩa cũng "chụp giựt, lăn xả" đủ thứ công việc
linh tinh để mưu sinh, y như vợ chồng tôi ở Vũng Tàu lúc đó vậy. Vài năm sau,
Nghĩa xin được trở lại nghề dạy học ngay tại Biên Hòa. Vợ Nghĩa tỏ ra giỏi
giang quyết bám trụ với công việc mua bán bên ngoài. Sự đồng lòng tích cực của vợ chồng Nghĩa được
đền bù xứng đáng bằng việc kinh tế gia đình Nghĩa khá lên thấy rõ. Vào đầu thập
niên 90, vợ chồng Nghĩa đã mua sắm được nhà cửa riêng, con cái học hành tốt. Đến
khoảng năm 2000 Nghĩa đã có nhà trong (hẻm) nhà ngoài (mặt tiền), con cái thành
đạt có công ty riêng, nhà lầu, ô tô hẳn hoi. Tính Nghĩa nhanh nhẩu mồm miệng,
tích cực linh hoạt nên rất giỏi ngoại ngữ- cả Anh lẫn Pháp. Sau nầy phong trào
học tiếng Anh thịnh hành, Nghĩa dạy cho nhiều trung tâm luyện thi ABC ở Biên
Hòa nên thu nhập khá cao. Đến năm 2013 khi gặp nhau tại Vũng Tàu, trong lần
Họp Mặt Bạn đồng môn, Nghĩa khoe với tôi- “tuổi 70 tao vẫn còn đi dạy đó Nhàn…”
Thì ra Nghĩa vẫn còn dạy thêm nhiều lớp
luyện thi tiếng Anh riêng tại nhà, mỗi tháng kiếm hơn chục triệu. Bạn Nghĩa tôi
giỏi thật. Dù bây giờ không đô-ngang-to-khỏe như thời trai trẻ nữa, nhưng Nghĩa
vẫn vén tay áo, gồng nổi chuột-bắp-tay cuộn lên, khoe với tôi sức khỏe tốt của
bạn- “mầy bóp thử coi, còn cứng-ngắt nè…” Có điều rằng, đời không ban bố cho ai vẹn toàn
mọi mặt, được nầy phải khuyết kia là lẽ thường của luật-bù-trừ mà. Tuổi già
Nghĩa có đầy đủ cả về vật chất, mà về tinh thần thì "hơi-bị-buồn." Nghĩa than
rằng- “ từ hơn 5 năm nay, Bả (vợ Nghĩa ) chẳng màn chuyện gia đình, chồng con
gì cả…” Nghĩa kể, từ khi tuổi quá 60 đến giờ, vợ tao cứ chùa-chiền-kinh-kệ, bỏ
tao trống-vắng-bơ-vơ mặc kệ. “Con cái thì nó có gia đình riêng, chẳng lo, chẳng
ảnh hưởng gì, còn tao… Bả chẳng chiụ hiểu gì hết trọi… Vợ chồng già có đôi có
bạn, hủ-hỉ với nhau mọi lúc mọi nơi mới đầm ấm hạnh phúc chứ. Vấn đề tâm linh
thì tao hiểu và tôn trọng lắm chứ, nhưng cũng phải chừng mực, giới hạn mức
độ…” Tôi rất thông cảm với Nghĩa vấn đề nầy, bạn tôi cũng kể nhiều câu chuyện
bất bình như thế, mà nhiều lý do, các ông chồng (già) đành ngậm-bồ-hòn “vui-thì-vui-gượng-kẽo-là…”,
chứ biết sao đây, khi quý-bà cuồng tín rồi thì đố ai ra tay “cải-tạo” cho được.
Tôi bèn đọc câu thơ (nhại), trêu Nghĩa:
Sao
em... thế cho đành,
“
Duyên mới” cùng… hất hũi anh,
Tội
nghiệp cho đời anh biết mấy,
Biết
làm sao được…
Thế
thôi…cũng đành Nghĩa ơi!.
(xin lỗi quý vị phụ nữ nhe, nếu tôi có… góp
ý quá đáng –LK Nhàn).
Cả khu vực Đại Học Xá Nam Giao nghe nói
xưa kia là nghĩa địa, chính quyền cấp cho viện Đại Học Huế san ủi, xây dựng làm
cư xá cho sinh viên, cũng mới mấy năm trước đây thôi (vào khoảng năm 1961). Cả khuôn viên Đại Học Xá còn đơn sơ lắm; sân
cỏ trống, lùm cây, bụi tre hoang còn rải rác đó đây. Đường dẫn liên dãy vẫn chỉ
là đường đất tạm bợ. Mặt sau cư xá là một hàng rào kẽm gai dài hàng trăm mét,
cũng sơ sài, ngăn cách với bên ngoài. Cặp theo bờ rào kẽm gai nầy, nằm phía bên
ngoài là con đường đất dẫn hun hút về phía xa xa hướng lên Đàn Nam Giao. Mặc dù
ở đây đến 3 năm nhưng tôi chưa một lần đi đến con đường nầy (rào sau không có
lối đi ra vào cư xá). Cũng dọc theo con
đường mòn ấy, từ cư xá nhìn ra, xa hun hút và mênh mông là bãi nghĩa địa, toàn
là những mấm mộ đất (không biết trong sâu, giữa nghĩa địa có mộ xây nào không,
tôi chẳng rõ). Tận cùng xa, ngăn tầm nhìn là rặng núi Ngự Bình sừng sững, hiện lên
trên nền trời mây y như cặp nhũ hoa của phụ nữ (nhưng không đều: ngọn cao, ngọn
hơi thấp hơn). Một rừng thông (hay dương gì đó) lưa thưa chen lẫn và trải khắp
khu mồ mả. Đại Học Xá, bãi tha ma, núi Ngự Bình cùng tọa lạc trên ngọn đồi cao.
Ở đây, vài lần tôi cảm thụ được được thế nào là đồi-gió-hú. Gió lớn, nhất là
khi trời giông bão, tiếng hú rợn người, khi gầm, lúc rít nghe ghê-ghê, khiếp lắm!
Chuyện tìm hài cốt trong khuôn viên Đại
Học Xá Nam Giao anh em cư trú trong Đại Học Xá chắc đều có lần
chứng kiến qua vì khuôn viên nầy nguyên là một phần của nghĩa địa. Trong
quá trình san ủi chắc còn nhiều gia đình không kịp biết hay nhiều lý do khác
nữa… mà giờ đi tìm hài cốt người thân, chỉ còn cách nhờ mấy thầy-tâm-linh giúp
thôi. Một vị thầy cao niên, áo lam áo đà cầu kinh tụng niệm bên bàn thờ cúng
chữ Tàu, chữ Phạn, nhang đèn, hoa quả… Tiếng ê a huyền hoặc khi bổng khi trầm.
Một lúc sau thầy ra hiệu, một đệ tử trẻ của thầy cầm bó nhang to đùng, khói- và
có khi cả lửa bùng lên nghi ngút. Vị thầy-trẻ
nầy vái lia vái lịa bốn phương tám hướng- và bước đi khắp khuôn viên như mộng-du
trong tiếng kinh, tiếng mõ của vị thầy-già. Bỗng nhiên, đột ngột thầy-trẻ dừng
lại, hướng bó nhang xuống đất, quơ lia
thành một đường ngang trên đất. Hiểu ý, có lẽ thầy đã dặn trước, thân nhân gia
đình tìm-hài-cốt, cuốc xẻng vội vàng đào bới theo hướng bó nhang chỉ dẫn. Một hố đào bằng như huyệt mộ từ từ được khai
ra. Cái lần mà tôi (LK Nhàn) thực sự có chứng kiến, thấy được những mảnh xương
vụn, người đào đất trân trọng trao cho
thân nhân ve vuốt, lau sạch, đặt vào trong một hũ sành mang theo sẵn…
Bao năm ăn ở, dồi mài kinh sử nơi nầy, tôi mong ngày thành đạt hiển vinh hồi cố hương. Ngoài những giờ học hành nơi
trường lớp, khi về lưu trú tại đây bọn sinh viên tha hương chúng tôi hay túm
tụm đàn đúm chuyện trò vui chơi bằng đủ thứ nào cờ tướng, bài tiến lên, đá
banh, bóng chuyền, bóng bàn. Những chuyện kể đa phần là hồi ức về bạn bè quê
xưa, về cha mẹ, về anh em, về các món ăn ngon lạ quê mình… mà tô canh chua cá
lóc, bát cá kho tộ gây nhiều thèm nhớ đợi mong nhất. Ngày ấy chuyện nhậu nhẹt
bê tha rất hiếm hoi trong giới sinh viên, dù đang sống tập thể thoát xa vòng
tay giáo dưỡng của gia đình. Ly trà, tách nước, quà bánh, hoa quả linh tinh-
đan xen câu chuyện, tiếng cười-là tình bè nghĩa bạn mà thương, mà nhớ biết là
bao!
(Còn tiếp)
(Còn tiếp)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét