Thứ Sáu, 9 tháng 1, 2015

Ngày Kỷ Niêm 55 Năm Thành Lập Viện Hán Học Huế - Như Một Lời Chào (Phan Thuận An)


 Niên Trưởng Phan Thuận An đọc lời chào mừng trong ngày Khai Mac Hội Ngộ Đồng Môn Kỷ Niệm 55 Năm Ngày Thành Lập Viện Hán Học Huế - 28-12-2014

Như Một Lời Chào

Kính thưa Quý Thầy,
Thưa các đồng môn thân ái,

Hán học (sinologue; sinology) là một minh triết (sagesse; wisdom) của nhân loại và là một trong những mảng quan trọng của nền văn hóa truyền thống Việt Nam.  ó chính là đối tượng mà Viện Hán học của chúng ta đã nhắm đến, vốn được thai nghén từ một ý tưởng của Tổng thống Việt Nam cộng hòa Ngô Đình Diệm hơn 55 năm về trước. Mãi đến ngày nay, nội dung giáo dục và truyền bá văn hóa tương tự như thế đang sống lại ở nhiều nơi trên thế giới. Trong 10 năm qua (2004 – 2014), hàng trăm Học viện Khổng Tử (Institut Confucius; Confucius Institute) đã được thành lập tại 40 quốc gia. Riêng các nước trong khối Asean, tính đến năm 2011, đã có đến 6 Học viện như thế. Nói như vậy để thấy rằng sứ mạng của Viện Hán Học Huế có được một giá trị bền vững (sustanable value) và sự hiện hữu của Học viện ấy trên cõi đời này là có lý do chính đáng, mặc dù nó phải lâm vào tình huống bạc mệnh! Và, nói như vậy cũng để thấy rằng các đồng môn chúng ta đã may mắn từng được thọ giáo ở một Học viện đặc thù, và được hấp thụ một nền minh triết mang giá trị nổi bật toàn cầu (universal outstanding value) từ xa xưa đến hiện tại. Không ai có thể phủ nhận các giá trị nhân văn mà chúng ta đã tiếp thu được từ Viện Hán Học. Những vốn liếng kiến thức quý báu ấy đã trở thành hành trang để bước vào đời với niềm tự tin sâu sắc. Kết quả là sau khi ra trường, ít nhất chúng ta cũng đã làm tốt thiên chức của những nhà giáo và giữ đúng nhân cách của những con người hữu ích cho xã hội.
6        Một hệ quả tốt đẹp nữa là hôm nay, chúng ta hội tụ về đây để tỏ bày khối tình đồng song và thể hiện ân nghĩa sư đệ. Chúng ta từng học tập ở miền núi Ngự sông Hương, nhưng sau đó đã chắp cánh bay đi khắp bốn phương trời. Rồi thời gian cứ vô tình và lặng lẽ trôi xuôi theo dòng đời man mác. “Quân bất kiến Hoàng Hà chi thủy, thiên thượng lai, bôn lưu đáo hải bất phục hồi…”(Lý Bạch).
Thời gian vừa là thước đo nhân cch, vừa là thước đocái hữu hạn của kiếp nhân sinh. Ngay các bậc hiền triết cũng tiếc nuối không được tắm hai lần trong một dòng sông. Khi nhìn dòng nước chảy dưới chân cầu, Đức Khổng Tử đã từng than thở với các môn sinh của Ngài rằng: “Thệ giả như tư phù bất xả trú dạ!” (Không kể đêm ngày, nước cứ chảy mãi như thế này ư!). Biết rõ nguyên lý của đời người là hữu hạn, cổ nhân có khi đã “thắp đuốc đi chơi đêm” (bỉnh chúc dạ du). Thế thì chúng ta, ở độ tuổi “cổ lai hy”, khi còn đi được, tại sao không tận dụng quỹ thời gian còn lại để “còn gặp nhau thì hãy cứ vui” như một nhà thơ đã nói. Hơn nữa, các anh chị em đồng môn quay trở lại Huế lần này cũng có thể xem như là cuộc “hành hương” về một không gian thơ mộng và một quãng đời yêu dấu.
Thay mặt các thành viên trong Ban Tổ Chức cuộc họp mặt lần này và Nhóm Biên soạn Đặc San Viện Hán học Huế, 55 Năm Nhớ Lại, tôi xin hân hoan chào đón Quý Thầy cùng các bạn đồng môn, và xin cám ơn về sự hưởng ứng lời kêu gọi đóng góp bài vở cũng như tài chánh để chúng tôi thực hiện được những kế hoạch vạch ra từ đầu. Hy vọng những ngày hội ngộ kể từ hôm nay sẽ đầy ắp niềm vui và lưu lại trong mỗi người nhiều kỷ niệm lâu quên.

Thay mặt Ban Tổ chức
và Nhóm Biên Soạn Đặc San
Phan Thuận An
(Khóa 1)

***************************************
Chú thích:
Viện Hán Học có ba cơ sở dùng làm trường ốc: Di Luân Đường, Nội Vụ Phủ, và nhà Viễn Đệ.  Có nhiều anh chị em cứ biết tên mà không biết nguồn gốc của cơ sở thứ ba này.

Dưới đây là lời giải thích của ông Phan Thuận An (K.1):

Viễn Đệ là tên của một người trong Nguyễn Phước tộc. Viễn là chữ lót, Đệ là tên riêng của ông. Chữ lót của ông đã được đặt theo 1 trong 10 bài "phiên hệ thi" do vua Minh Mạng làm ra vào năm 1823 để phân biệt rõ 10 dòng anh em của vua và thứ tự trên dưới của các thế hệ kế tiếp họ.
    Riêng bài phiên hệ thi thứ 3 dành cho người con trai thứ 6 của vua Gia Long là Nguyễn Phúc Bính thì 20 thế hệ con cháu của ông này phải được đặt 20 chữ lót theo thứ tự như sau :
                  Tịnh Hoài Chiêm Viễn Ái
                   Cảnh Ngưỡng Mậu Thanh Hoa 
                   Nghiêm Khác Do Trung Đạt
                   Liên Trung Tập Các Đa
     Như vậy, ông Viễn Đệ thuộc hàng thứ tư của dòng Nguyễn Phú Bính. Thân sinh ông Viễn Đệ phải lót chữ Chiêm, rồi con trai ông Viễn Đệ phải lót chữ Ái.
    Ông Viễn Đệ sinh ra và lớn lên vào đầu thế kỷ 20. Lúc trưởng thành, nhờ có óc kinh doanh, ông làm ăn rất phát đạt. Ông tậu được một cơ ngơi lớn ở gần Cầu Bến Ngự với diện tích đất rộng đến hàng chục ngàn mét vuông. Tại đây, ông đã thiết lập nhà in (gọi là Nhà in Viễn Đệ) và nhà máy sản xuất dầu khuynh diệp nổi tiếng một thời ở Huế.
    Sau năm 1945, vì thời cuộc đổi thay, ông vào làm ăn ở Sài Gòn.
    Phần nhà đất dùng làm Viện Hán Học Huế một thời chỉ là một phần nhỏ trong cơ ngơi vốn có của ông Viễn Đệ.
    Ông mất ở Sài Gòn vào khoảng năm 1980. Con cháu ông vẫn tiếp tục sinh sống làm ăn ở đó cho đến ngày nay.
    Nếu có gì sai sót trong phần tìm hiểu trên đây, xin niệm tình tha thứ.
    Phan Thuận An.


Không có nhận xét nào: