Thứ Bảy, 10 tháng 1, 2015

Những Mảnh Đời Thua Thiệt 10: Họa Vô Đơn Chí - Lão Gàn



Những Mảnh Đời Thua Thiệt 10

Họa Vô Đơn Chí

Chị quằn quại trên giường, chị quơ tay đạp chân, vùng vẫy như một người điên lên cơn, chăn chiếu dồn về một phía. Bốn đứa con nhỏ, ngồi quanh, nước mắt rưng rưng, từng giọt lăn chậm rãi trên má lấm lem ghét bẩn.

Đã 9 giờ sáng rồi mà chúng chưa ăn gì vào bụng, chúng thức cả đêm, không làm sao chợp mắt được mặc dù tuổi chúng là tuổi ăn tuổi ngủ. Thực tế, hai đứa đầu không ngủ vì thương mẹ, hai đứa sau chưa biêt gì,  không ngủ vì nhà quá ồn ào.

Thức dậy, chúng không đành thả mẹ rên la một mình, chúng vẫn ngồi thế, chưa đi rửa mặt, chưa xuống bếp hâm lại soong cháo trắng lỏng nấu hồi hôm mà mẹ chưa nuốt được miếng nào – có thể cháo dở, nhạt, có thể mẹ không thèm ăn vì bộ phận tiêu hóa có vấn đề đã nặng.

Cháo được nấu nhiều, còn đầy cả soong; hồi hôm, đứa lớn nhất đã tính nấu nhiều thế để mẹ ăn một phần bữa tối còn bao nhiêu sáng mai mẹ và chúng nó sẽ ăn bữa sáng.

Chị Thương mồ côi cha lúc còn nằm trong bụng mẹ. Cha cưới mẹ xong, vợ chồng chỉ sinh hoạt với nhau một đêm, vậy mà chị được thụ thai, thế mới ngộ! Hình như cha mẹ đang sục sôi sức sống và dục vọng, hễ đụng nhau là đẻ.

Cha ở trong quân đội theo lứa tuổi tổng động viên; phép cưới vợ mà Chỉ Huy Trưởng đơn vị cấp cho chỉ 3 ngày. Chiến trường sôi động, thương vong mỗi ngày mỗi nhiều, quân số thiếu hụt. Cha đi và về mất hai ngày, chỉ còn một ngày để có mặt trong lễ cưới với sự chứng kiến của chú bác hai họ, bà con nội ngoại và một đêm để hủ hỉ với người vợ mới cưới, rồi lên đường về đơn vị ngay.

Đơn vị đang chuẩn bị vượt biên giới, tham gia cuộc hành quân Hạ Lào vào đầu xuân 1971.
Cha đi chỉ mấy ngày, bà nội và mẹ nhận được giấy báo cha mất tích. Không khí đau buồn, lo lắng đè nặng trong gia đình, trên nét mặt của mỗi người.
Đêm đêm, mẹ lén nghe Đài Hà Nội đọc rang rảng ở mặt trận Nam Lào quân giải phóng bắt được nhiều tù binh và đối xử tử tế; gia đình yên tâm, cứ nuôi hy vọng cha còn sống, một ngày nào đó sẽ trở về.

Năm 1973, Hiệp Định Paris ký kết, hai bên trao trả tù binh, cha không thấy về.
Năm 1975, nước nhà thống nhất, ai, dù đi Nam đi Bắc, đều về đoàn tụ với gia đình; người nào, vì lý do gì mà chưa về được, cũng có tin nhắn. Thế mà cha biệt vô âm tín. Mọi người mới nghĩ chắc cha đã chết đâu giữa rừng núi bạt ngàn và xác đã bị thú rừng gặm nhấm hoặc bị thời gian và thời tiết phân hủy.

Tiền tử tuất của cha do Chính Phủ phát lãnh về, mẹ không được quyền giữ lại để lo tương lai của hai mẹ con, bà nội cũng không có quyền giữ lại để “hậu thân hậu thổ”. Mấy ông, mấy bà trong làng, trong họ rảnh rỗi không biết làm chi, tới khuyên:
- Tiền của anh ấy thì chỉ dùng làm gì cho anh ấy. Phải mời thầy làm đám chay để siêu độ cho vong hồn chết đường chết sá, “bất đắc kỳ tử”. Hồn anh có siêu độ thì sau này con anh mới khỏe khoắn trong cuộc sống.
Có người còn rỉ tai với bà nội:
- Dại chi mà để cho con dâu mụ giữ, hắn còn trẻ rứa chắc chắn hắn còn đi bước nữa. Tiền chết của con miềng mà để cho thằng mô miềng chưa biết mặt mũi lấy hắn ăn tiêu cho sướng à!
Thế là đám chay để “chiêu hồn luyện cốt” làm mộ cho cha được cử hành trong ba ngày ba đêm. Năm ông “thầy phù thủy” trang phục sặc sỡ, nhảy múa, hét hò, phù phép và một đội nhạc cúng cũng gồm 5 nhạc cộng: hai trống, hai kèn, một xập xõa nổi trống, nổi kèn inh ỏi. Và rốt cuộc, số tiền về tay họ.

Cái bụng mẹ mỗi ngày mỗi lớn. Trong gia đình, ai cũng mong cái phôi do tinh trùng của cha bám chặt vào noãn sào của mẹ trong lần giao hợp đầu tiên và duy nhất đêm tân hôn ấy phát triển thành cái thai khỏe mạnh, rồi mẹ sẽ sinh con trai để nối dõi tông đường. Vậy mà mẹ lại đẻ chị - con gái. Mà con gái thì xem như không con; “nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô” (một con trai thì cho là có, mười con gái vẫn coi như không) là câu cửa miệng của những người có tuổi trong cộng đồng; con gái sau này đi lấy chồng là con người ta; con gái còn ví như vịt trời, ăn hết lúa rồi, tìm phương trời nào, bay đi đâu mất tiêu.

Mẹ nghĩ vậy, nên ngày đêm buồn cho thân phận mình, hiện tại là gái góa chồng, tương lai là một bà lão cô đơn, không nơi nương tựa.
Mẹ nuôi chị đến lúc mới biết đi chập chững thì mẹ tính chuyện tái giá.
Gái một con trông mòn con mắt”, mẹ được nhiều bậc mày râu dòm ngó, trêu ghẹo; nào là mấy gã chết vợ, nào là mấy gã ly dị vợ, nào là mấy gã có vợ rồi nhưng còn muốn thêm vợ nữa; “trai năm thê bảy thiếp” mà!

Mẹ giao chị cho bà nội nuôi. Mẹ đi lấy chồng. Cảnh nhà trống vắng hơn, lủi thủi chỉ có hai bà cháu, sống nhờ vào ít tiền trợ cấp mà Chính Phủ dành cho cha mẹ, vợ con của chiến sĩ trận vong – dạng như tiền mà Nhà Nước cấp cho thân nhân liệt sĩ bây giờ.

Chưa bao lâu thì chế độ miền Nam sụp đổ, tiền trợ cấp không còn. Trong nhà, không có người lao động để nhận phần ăn chia vào cuối mỗi mùa vụ từ Hợp Tác Xã, bà nội phải đi mót lúa, mót đậu, mót khoai...  Nghề đi mót cũng “được” lắm.
Làm ăn tập thể, không ai nghĩ lúa, đậu, khoai, bắp là của mình mà thu vén kỹ càng, thành thử số rơi vãi rất đáng kể.
Vài năm sau, đất ruộng khoán về hộ, việc làm ăn trở lại cá thể hóa vì Nhà Nước thấy làm ăn tập thể hóa không thành công. Nghề đi mót của bà nội không có chi. Chị đã xấp xỉ 10 tuổi; hai bà cháu phân công lại; bà ở nhà còn chị đi làm.

Ngày ngày, chị xách ấm lên chợ lấy nước chè rồi vừa đi vừa rao giữa các dãy bán hàng.
Nghề nấu nước chè bán sỉ, dạo ấy, phát triển ở các chợ và các bến xe. Dụng cụ sắm để hành nghề gồm một cái thùng nhôm có nắp đậy, ba cục gạch để có thể di chuyển dễ dàng, kê cao ở một góc nào đó, một ít chè cả cành cả lá mua từ con buôn chở từ các vùng trồng chè đến. Nghề này vốn ít mà lời nhiều, không sợ Thuế Vụ, không sợ Quản Lý Thị Trường khó dễ, gây phiền hà. Nước chè nấu ra đã có các cụ ông cụ bà, trẻ em và cả một số viên chức, sĩ quan chế độ cũ thất nghiệp do thời thế đổi thay đem ấm tới lấy đi bán lẻ.

Với nghề bán lẻ nước chè, chị kiếm được thu nhập cũng đủ qua ngày cho hai bà cháu.
15 tuổi, tuổi chuẩn bị lấy chồng; nghề bán nước chè e khó có trai để ý; chị đổi nghề. Mua chả, mua thịt lợn về nấu xíu, mua thêm mì ổ, chị đi bán dạo mì xíu.
Một soong nhỏ đựng xíu thơm phức, móc vào chiếc gióng con xách ở một tay, thúng mì ổ nách ở một tay khác, chị đến bến xe, bán cho hành khách. Mỗi ngày, chị bán hai lượt: một lượt buổi sáng, một lượt buổi chiều.
Vốn liếng dành dụm đã khá, chị sắm được đôi khuyên đeo tai và ba chiếc nhẫn đeo tay; ngoài ra, còn những gì cất giấu thì chỉ có chị mới biết.
Chị bắt đầu biết trau diện: quần jean, áo sơ mi hở cổ rộng; trước mỗi lần đi bán, chị không quên thoa chút son, chút phấn lên môi, lên má cho hồng thêm, ria một tí nước hoa vào người cho mùi thơm bay thoang thoảng trong gió theo sau bước chân.

Ở bến xe, một anh xe ôm để ý đến chị; anh này, ngoài phục vụ khách đi đây đi đó, mỗi ngày hai lần đến nhà đón chị đi, chị bán hết hàng, chở chị ra chợ mua chả, thịt, đồ màu rồi đưa chị về nhà.
Dưới mắt chị, anh là người yêu lý tưởng, rất tình cảm, biết phục vụ, lại siêng năng trong công ăn việc làm.
Không lâu sau, chị và anh trở thành vợ chồng.

Anh cũng mồ côi cả cha lẫn mẹ, sống nhờ người dì kết nghĩa.
Thời thơ dại, trải nghiệm cực khổ nhiều làm cho anh không ngại khó khăn, biết chịu khó.
Anh về ở với chị; gia đình trước đây chỉ có hai bà cháu nay có thêm một người đàn ông xem như trụ cột. Tưởng là hạnh phúc đến rồi! Nào ngờ không biết vì sao có vợ rồi, anh thay đổi tính nết 180 độ, anh đi thồ, trưa ít về, đêm lại về khuya; anh ham chơi với bè bạn, rượu chè be bét, hễ chị góp ý, anh lè nhè, chân cao đá chân thấp, thượng cẳng chân, hạ cẳng tay, hành hung chị, chị luôn nhường nhịn và nín lặng, chị nghĩ rằng cuộc đời mình đã đổ vỡ, không muốn đổ vỡ thêm.

Đêm đêm, anh về khuya, lẻn vô giường, nằm bên cạnh chị, hai chân kẹp chặt người chị, hai tay cứ luồn vào trong áo quần chị, sờ mó từ trên xuống dưới. Chị ngái ngủ, và không chịu nổi mùi rượu nồng nặc bốc ra từ mồm anh. Anh thần đân đòi làm “việc ấy.”  Không cho, anh làm to chuyện, chị sợ ồn cửa, ồn nhà, xấu hổ với hàng xóm, thôi đành để anh mần chi đó thì mần.

Chị rất mắn con; thời gian trôi qua, anh chị có 4 mặt con, tên khai sinh là gì không ai biết, người ta cứ nghe anh chị gọi hai đứa trai là Rượu Anh, Rượu Em, hai đứa gái là Mồi Ả, Mồi Tam. Thời điểm sinh cách nhau giữa hai đứa chỉ từ một năm đến một năm rưỡi.
Chị khổ không những ở gia đình mà còn ngoài xã hội. Chị bị kiểm điểm về chuyện sinh nhiều con và sinh dày trong các buổi họp của Hội Phụ Nữ địa phương. Tội nghiệp và oan cho chị! Việc sinh con có phải do một mình chị đâu! Anh thì liều và lì, không đi dự các cuộc họp của khu phố, của các đoàn thể liên quan, thành thử anh không bao giờ nghe phê bình, kiểm điểm. Anh sống như “người điếc không sợ súng.”

Rồi anh có nhiều biểu hiện mệt mỏi; thích nằm, hay ngáp, không thích nhậu nhẹt với bạn, không thích ân ái với chị nữa.  
Da ngã sang màu vàng, người gầy đi, anh than van thường đau lâm râm trong bụng ở mạn sườn bên phải. Chị đưa anh vào nằm ở bệnh viện tuyến tỉnh, nghe các bác sĩ chẩn đoán nói anh bị bệnh gan; qua nhiều đợt điều trị, bệnh tình không thuyên giảm. Chị nghỉ bán, đưa anh đến bệnh viện tuyến trung ương.
Cái bụng anh phình to, da bụng bóng láng, người chỉ còn xương và da; bệnh viện cho biết anh bị xơ gan. Thiếu điều kiện và do hoàn cảnh, chị xin đem anh về nhà bồi dưỡng, điều trị bằng ngoại khoa, nuôi hy vọng có khi mà lành. Tuy nhiên, bệnh anh mỗi ngày mỗi trầm trọng thêm, da vàng chuyển đậm sẫm; anh thường nôn ọe ra máu, đi cầu ra phân đen.
Rồi một đêm, anh thổ huyết nhiều, hôn mê và qua đời.
 Bà nội buồn cho tình cảnh của chị, không cha không mẹ cả hai bên, giờ thêm không chồng.
Dù thế nào đi nữa, có anh, nhà cửa không thấy trống vắng; có anh, tức là có người đàn ông trong gia đình như ngôi nhà có cái cột mệ đang đứng, ra dáng vẻ chống đỡ dù đã bị mối mọt đục rỗng.
Bà nội non ăn, sức yếu dần, cộng thêm tuổi cao. Rồi bà bị tai biến mạch máu não, nằm liệt giường, chưa được nửa tháng, bà cũng về với Tổ Tiên.

(Tranh Nguyễn Phúc Nguyên)

Chỉ trong một thời gian ngắn, chị phải lo hai trọng tang. Không đi bán, không thu nhập, ở nhà săn sóc người thân, ăn lần ăn mòn vào tí của cải dành dụm, chị đâm lo, con còn dại, rủi chị nằm xuống nữa thì ai nuôi con đây.
Tuy nhiên, lo cũng không khỏi, người đời đã nói: “Họa vô đơn chí” (Tai họa dồn dập đến); chị ngã bệnh; bệnh viện chẩn đoán ung thư gan giai đoạn cuối. Chị nghe nói đã bị ung thư thì bệnh viện không chữa lành được mà chỉ có thể làm cho sự sống kéo dài bằng hóa trị, xạ trị được ngày nào hay ngày ấy.
Chị không nằm bệnh viện vì các con quá dại, không ai theo chị; nếu thằng Rượu Anh đi theo thì thằng Rượu Em, con Mồi Ả, con Mồi Tam ở nhà không ai chăm sóc.
Người ta đồn ngoài Bắc có một thầy thuốc Nam hay thuốc Bắc gì đó điều trị ung thư có hiệu quả; nhiều người đã lành.
Vét túi còn 5 phân vàng chị mua từ Cửa Hàng Kim Hoàn của Nhà Nước đã lâu, chị nhờ người quen đem lên bán lại để có tiền chạy chữa thuốc men. Hiện tại, các cửa hàng vàng Nhà Nước đã dẹp tiệm, chỉ còn các hàng vàng tư nhân. Cửa hàng nào cũng cân và cho biết hao mòn chỉ còn 3 phân 7. Ôi chao là oan trái, tai ngược! 5 phân cất xem như của tiết kiệm phòng thân giờ đã mất đi 1 phân 3; chị nghĩ cứ thế, vài chục năm nữa, e rằng 5 phân vàng sẽ biến. Té ra vàng mà như ma!
Dù sao, chị phải bán, đi ra Bắc một chuyến, kẻo sau này các con khôn lớn, biết chuyện, trách mẹ bệnh, còn vàng mà không chịu chữa.
15 thang thuốc lấy về, thằng Rượu Anh mỗi chiều sắc một thang, tối chị uống; hết 15 thang thuốc, bệnh đã không thuyên giảm mà còn nặng hơn.

Chị đang nằm rên la, 4 đứa con chị bao quanh, có thể chị không còn sống được bao lâu nữa; chúng nhìn mẹ đau quằn quại mà không biết chia sớt bằng cách nào.
Cái bàn thờ đặt sát đầu giường trên đó hai di ảnh: một của chồng, một của bà nội đang nhìn, vẻ mặt không vui. Trước mỗi di ảnh, có một lư hương, trong các lư hương, không có que nào đang cháy, chỉ có mấy que tàn do ai thương tình thắp từ hồi nào. Cái bình không hoa. Cái mâm quả bồng không trái cây thờ.
Tội nghiệp! Đáng thương quá!

Lão Gàn
06/12/2014
(15/10/Giáp Ngọ) 

**************************************
         Lời Mẹ Trước Lúc Xuôi Tay

Bác sĩ chần chừ... đưa thông tin bệnh mẹ,
Bệnh nan y, bệnh đâu dễ chữa lành.
Án tử hình. Sao Tòa đành không xử!
Ngại ngùng chi... Mẹ cứ lần đi
Con đường chết lầm lì trước mặt.

Nỡ lòng nào, cậu dì cô bác
Góp công của, nước còn thì tát.
Mù trong đêm, ra Bắc xe bon.
Con, năm canh, thức giấc cô đơn.
Lòng mẹ rộn bồn chồn, ai biết?

Bao ngày qua, mẹ buồn da diết,
Nhìn ảnh mệ, ảnh cha con mải miết,
Khóc âm thầm, đầu gục niết bờ vai,
Nhớ nghĩ chuyện chi; chẳng hiện rõ hình hài.

Biết bao đêm, mẹ đau quằn quại,
Trằn trọc trằn xa; nội ngoại tới thăm,
Chả lẽ nằm, mẹ ngồi gượng dậy,
Mắt rối mù, nỏ thấy ai đâu!

Đau dữ dội, xác thân nào chịu nổi.
Tàn hơi rồi, Ông Mệ gọi bên kia.
Trời đảo điên, Tử Thần chìa tay vớt.
Sáng tối tranh nhau, nhợt nhạt đường về.

Mồ hôi rịn, mắt dầm dề lệ.
Hồn chập chờn, đầu ngoái lại phía con.
Chim chưa ràng, mồi còn trún mớm.
Khi đói ăn, ai lượm, ai tìm!
Nước sẩy mưa sa, đất chìm bão lũ.
Đêm đông giá lạnh, gió hú ngoài phên,
Ai người thương lũ nghèo hèn!
Ai người cảm cảnh, gạo tiền giúp nuôi.
Thôi thì mọi việc nhờ Trời.
Thác thiêng, mẹ hứa muôn đời bên con./.
        
         Hoàng Đằng
19/7/2010




















Không có nhận xét nào: