ĐỂ CÓ ĐƯỢC NHỮNG NGÀY NHƯ HÔM NAY
Lý Văn Nghiên
(Khóa 2)
Viện Hán Học không còn
nữa, nhưng tình cảm cựu sinh viên Viện Hán Học với nhau rất đậm đà như hồi còn
đi học. Thấm nhuần đạo lý Khổng Mạnh mà tình bằng hữu luôn luôn được đề cao và
trân trọng cho nên dù mấy chục năm xa cách mà anh em khi có tiếng mời gọi hay
thông báo là có mặt bên nhau. Đọc những bài tâm sự hay ký ức một thời của anh
chị em đồng môn chúng ta rất xúc động, sung sướng, hãnh diện. Ngày trước, khi
trường mới thành lập, rất đông anh chị em miền Nam ra theo học, thì nay cũng
chính các anh chị ấy vẫn “cơm đùm gạo bới lên đường tìm nhau.” Anh Phạm Văn
Minh (khóa 2) tâm sự khi nghe Huế gọi: “Từ khi nhận được thư của các bạn báo
tin ngày họp mặt, mình đếm thời gian từng ngày. Mỗi đêm qua đi thì ngày về Huế
càng gần.” Anh Minh ơi! Tiếng lòng của anh làm anh em ngoài này xúc động lắm!
Anh lại nói thêm: “Thỉnh thoảng lấy vé ra xem và đếm “ngày về” trên đầu ngón tay. Đến bây giờ mình mới cảm nhận
đầy đủ hai tiếng “ra Huế” và “về Huế”.
“Quê hương em nghèo lắm anh ơi
Mùa Đông thiếu áo, HHạ thời thiếu ăn”
Đó là hai câu rất thật nhưng rất da diết của nhạc sĩ Phạm Đình
Chương trong ca khúc “Tiếng sông Hương.” Huế nghèo thật, nhưng Huế luôn luôn mở
rộng vòng tay đón tiếp các bằng hữu xa gần. Những sinh viên Viện Hán Học Huế
trở về Huế như trở về cội nguồn của 55 năm trước, nơi mà anh em chúng ta
đã từng trải qua những ngày gian khổ để cùng nhau tu học. Mà đúng vậy, như một
nhà văn Pháp đã nói: “A vaincre sans péril, on triomphe sans gloire” (Chiến
thắng mà không gian khổ thì chiến thắng ấy không vinh quang). Hãy nghe chị Võ
Hồng Phi (Khóa 2) kể lại những ngày các chị từ Miền Nam ra học và tá túc ở vùng
Bến Ngự: “Phần của chúng tôi có một cái tủ nhỏ, thấp, vừa làm bàn ăn, vừa làm
bàn học, có một cây đèn điện để học bài. Một bộ ván lớn làm chỗ ngủ cho hai
người thì rộng mà ba người thì hơi chật một chút. Đây là “phượng sàng” của Minh
và tôi. Ngân có cái giường gỗ cá nhân, do đó phòng trở nên chật chội, chỉ còn
lối đi rộng đủ một người mà thôi. “Tài sản” của chúng tôi là một vali vừa đựng
quần áo vừa sách vở, cứ gầm giường, gầm ván mà cất vào. Không sao, chúng tôi
chỉ cần một chỗ ngủ, phần lớn thì giờ ban ngày của chúng tôi ở Viện Hán Học và
Đại Học Văn Khoa...” Dù khổ, dù chật, nhưng nếu ở bên Thành Nội tuy rộng rãi
và mát mẻ hơn nhưng đường đi xa quá: “Từ cửa Đông Ba sáng sớm đổ đường đi tới
đây dưới cơn mưa mùa Thu và mùa Đông tối trời, thúi đất xa ơi là xa, lạnh ơi là
lạnh, em chắc thác sớm. Qua cầu Trường Tiền mà giá lạnh cắt da, co ro cúm rúm,
thế nào cũng “gió đưa, gió đẩy về...” ơ. ơ. không phải, “xuống sông ăn cá” hay
cá ăn em mất xác? Em sợ mưa Huế lắm rồi.” Hãy nghe chị kể những ngày không nuốt
nổi cơm vì thức ăn thiếu thốn lại không hợp khẩu vị và thiếu vệ sinh: “...Thì
ráng đi, ăn để sống chứ đâu phải sống để ăn. Hai bạn ăn đi, tui không ăn đâu.
Chắc nghỉ ăn chỗ này quá...” Ngân và tôi, gắp từng chút thực phẩm mà nhai như
nhai kẹo cao su. Bỗng Ngân la lên: - Này xem nè, cái gì đen đen trong cá kho
đây? Có phải mấy hạt tiêu hột không? Á, không phải. Con ruồi. Không phải một
con mà... hai... ba... Ôi chao ơi! Có con ruồi mẹ nằm dưới đáy đây. Hai con trong món
xào nữa nè. Vậy mà lâu nay không đứa nào phát hiện ruồi cả.” Hãy nghe chị Hồng
Phi hóm hỉnh: “...Ngọc trầm thủy thượng” mà, bọn mình ăn kiểu nhà giàu có lần
nào ăn cạn đáy cà mèn đâu mà thấy.
Minh xía vô:
- Có thêm protein tốt cho cơ thể lắm. Thế là tôi và Ngân chạy ra
ngoài hè móc họng.” Đi tìm mãi không ra thức ăn, vào tiệm thì không có hào mà
hàng quà rong thì ít ai bán, đành phải nhịn đói “thế là tụi tui ra về, bụng
trống ngồi ngay bậc cửa nhìn nhau, nghe bụng réo cứu đói thê thảm. Gia đình chủ nhà đóng cửa ngủ sớm, cổng
không khóa cũng không đóng. Người dân Huế hiền lành, đạo đức, không có trộm,
không có cướp, cho nên tuy đất nước chiến tranh nhưng người dân “cửa thường bỏ
ngỏ”.
Dẫu vậy, chị Hồng Phi vẫn một lòng với Huế và với trường cũ, “cứ thế mà
ăn ở, học hành. Rồi cũng tốt nghiệp.” Cơ cực như thế, gian nan như thế nhưng
Huế và quý Thầy Cô của chị vẫn là những gì thân ái nhất: “....Cảm ơn xứ Huế êm
đềm và hiền lành đã dang rộng vòng tay đùm bọc chúng tôi. Cảm ơn Viện Hán Học nơi có các Thầy kiến thức uyên thâm, hết
lòng lo cho thế hệ trẻ và là nơi mà bạn bè đồng môn coi nhau như ruột thịt để
tôi có ngày hôm nay ngồi viết mấy dòng chữ này.”
Chị Hồng Phi ơi, ở tận xa thẳm
bên kia chị có biết không? Đọc những dòng ký ức của chị mà tôi cảm thấy đau
đớn, nhức nhối, đôi mắt tôi ươn ướt và đỏ hoe lúc nào không rõ. Cũng nhờ những
mô tả rất chi li của chị mà tôi cảm nhận rất rõ ràng xứ
Huế thời đó. Huế như thế mà chị vẫn yêu Huế, yêu người Huế và yêu
cả tâm tình xứ Huế. Ước chi dịp này chị có dịp về Huế, về thăm lại “chiến
trường xưa,” tôi sẽ rất vinh dự được “thồ” chị đi thăm khắp tất cả nơi xưa chốn
cũ để chị thỏa mãn nhớ nhung.
Anh Lâm Khương Nhàn, hiện định cư tại Vũng Tàu,
nguyên là một dân Miền Nam đặc sệt vùng Trà Vinh. Anh tường thuật rất tỉ mỉ một
chuyến về Huế "du học" rất sinh động. Vất vả đến thế mà chỉ học được 3 năm thì
Viện giải thể. Nay đã ngoại thất tuần mà hồi ức của anh vẫn rất chính xác, rõ
ràng. Mơ ước làm một nho sinh ở “cửa Khổng, sân Trình” của anh không được trọn
vẹn, nhưng anh vẫn vui vẻ và hạnh phúc, và thương Huế lắm. Anh tâm sự “....Tôi
gắn bó với Huế bằng nhiều thứ duyên lắm, hạnh ngộ, ăn ở, học hành. và linh tinh lắm làm sao kể cho hết, chỉ trừ ra, không có “duyên nợ ba sinh”
với một o Huế mỹ miều mà thôi”.
Chị Tôn Nữ Thị Hiếu (khóa 3) là một cô gái Huế chính gốc, là một
cô “Tôn Nữ” sinh ra và lớn lên ở Cố Đô cổ kính, chị Hiếu và anh Nhàn đã trải
lòng với anh em chúng ta trong gần 3 ngày ở Vũng Tàu xinh đẹp và chị đã tâm sự:
“Hữu bằng tự viễn phương lai bất diệc lạc hồ?” Đó là phương châm và ý nguyện
của anh chị em chúng ta, của những người sống tử tế và của những ai có lòng
nhân ái hay “Chúng ta cũng đã da đồi mồi nhưng tinh thần chúng ta không già,
vẫn tươi trẻ với tâm hồn phong phú, lãng mạn. Do vậy, chúng ta phải cảm ơn đời
đã cho ta một ngày mới nữa để yêu thương.”
Hay như chị Nguyễn Thị Ngọc Sương (khóa 2): “Mấy ai có được nhiều niềm vui hội ngộ
bạn bè thân thương trong tuổi già gần đất xa trời này như Viện Hán Học của
chúng mình nhỉ?” Và theo anh Nguyễn Bá Yên (khóa 2), “Những cuộc gặp mặt như
thế thật đáng trân trọng và khó quên. Có những cuộc gặp không cần phải hẹn
trước, nhưng vẫn thường hay xảy ra và rất tình cờ, chỉ sau một cú điện thoại
thông báo điểm hẹn, thể hiện đậm nét tinh thần tôn trọng tình bạn và tình
người. Cũng những nét mặt đó, khi gặp lại, không lạ lẫm gì, có khác chăng là
những đường nét thời gian hiện rõ trên khuôn mặt mỗi người, cùng với những sợi
tóc trắng lơ thơ hoặc bạc thếch, dáng đi còng xuống, cơ thể tay chân đôi lúc
cũng nhức mỏi sáng tối. Thói thường của người già ấy mà. Dẫu vậy, họ vẫn gắng
sức để gặp nhau, mừng quá!” Còn “cụ” Hoàng Đằng (khóa 2) thì lạ lắm, chưa bao
nhiêu tuổi mà đã sống ẩn dật từ lâu tại Đông Hà (Quảng Trị). Với chòm râu phủ
cằm, áo dài khăn đóng kẹp theo cái dù đen khi đi ra đường đã biến Hoàng Đằng
thành ông già trước tuổi. Bệnh hoạn suốt năm, hết đường ruột đến hen suyển, lại
thường đau trên đầu nữa, cho nên ăn uống không bình thường, kiêng cữ đủ thứ,
không thể ở lại nhà ai quá một ngày. Hoàng Đằng kể: - Các bạn trong ấy họp và
giao nhiệm vụ cho bạn Lý Văn Nghiên ra Đông Hà “bắt thằng Hoàng Đăng vào đây
cho được” (lời của bạn Nguyễn Văn Đức khóa 2) và sau đó Hoàng Đằng tâm sự tiếp:
“Tôi chần chừ, nửa ưa đi để thấy lại mặt những bạn học thân thương, vừa e sức
khỏe không cho phép mình hoàn thành chuyến đi." Thế mà cuối cùng Hoàng Đằng
cũng phải lên đường thực hiện chuyến đi. Hoàng Đằng ở Mỹ Tho 2 ngày thì phải
nằm liệt gường đến 1 ngày. Qua đó mới thấy tình đồng môn đồng khóa Viện Hán học
của Hoàng Đằng mãnh liệt hơn bệnh tật của anh. Và còn vô số tâm sự của các bạn
từ phương xa mà tôi không nhớ hết. Cũng vì thế mà trên mười mấy năm qua, anh
em chúng ta được may mắn có nhiều dịp hội ngộ, ngồi bên nhau thân thiết để ôn
lại quãng đời sinh viên gian khổ nhưng thân ái. Lớn có, nhỏ có, gần có, xa có,
lần hội ngộ nào cũng vui, lần gặp mặt nào cũng đầy cảm xúc và thú vị.
Vì sao mà
anh em chúng ta có được nhiều lần họp mặt thành công vui vẻ như thế? Trước hết
là do chúng ta đã trải qua một thời kỳ cùng
sống và cùng học dưới mái trường thân yêu Viện Hán Học với bao nhiêu kỷ niệm
chồng chất ở xứ Huế thơ mộng cổ kính. Huế tuy nghèo nhưng lòng dân xứ Huế bao
dung và hiếu khách. Bên cạnh đó, chúng ta may mắn có nhiều bằng hữu say sưa
nhiệt tình với anh em. Chính những người này đã ngày đêm vất vả lo toan sắp xếp
để quy tụ anh em. Đó là những gạch nối quý báu trong tình bạn chúng ta. Người bạn thân
quý của chúng ta mà tôi muốn nhắc đến là chị Võ Hồng Phi (khóa 2) hiện ở
Anaheim City (CA) là một trong những người tích cực nhất và rất có tâm huyết
với bạn bè. Chị không những là gạch nối các bạn ở bên Mỹ với nhau mà còn tạo
được sự quan hệ rất đều đặn giữa các bằng hữu ở Việt Nam và ở Hoa Kỳ. Chị cho
biết: “Trước năm 2000, mỗi khi thầy Nguyện từ bên Pháp qua Mỹ, anh Nguyễn Lý
Tưởng, vợ chồng chị Cam và vợ chồng tôi đều đến có thăm thầy ít nhất một
lần. Sau đó khi liên lạc được với các anh Phan Cảnh Lãng, Nguyễn Văn Sĩ, chị
Tiên Phước, chị Thanh Hương, chị Kim Truyên... thì đều đều năm nào cũng có tổ chức
họp mặt từ 2 đến 3 lần tại nhà tôi. Họp mặt chủ yếu là thăm nhau, ngó mặt nhau
cho đỡ nhớ, nói chuyện vui chơi, nhắc lại kỷ niệm thời còn đi học. Các cuộc gặp
mặt thường có nhiều anh chị em các khóa và có khá đông các dâu và rể Viện Hán Học nên rất vui.” Bên cạnh đó, chị Hồng Phi vẫn là người rất tích cực vận động
giúp đỡ bằng hữu gặp khó khăn. Điển hình nhất là trường hợp anh Trần Khánh Tiếu
(khóa 3) bị tai nạn giao thông vừa qua. Sự giúp đỡ kịp thời và an ủi đúng lúc
của quý bằng hữu rất xa và trong nước đã thể hiện được tình bạn rất cao quý của
anh em chúng ta. Bản thân anh Tiếu và gia đình cảm thấy rất ấm áp trước tình đồng môn đồng khóa, đó cũng là một
phần giúp anh Tiếu vượt qua hiểm nghèo. Chị Hồng Phi đã nhiều lần gọi điện cho
tôi thăm hỏi tình hình sức khỏe anh Tiếu. Và chị cũng đã vận động anh chị em
bên ấy quyên góp giúp đỡ anh Tiếu. Không những thế, những lần anh em trong nước
tổ chức họp mặt, chị Hồng Phi đều kêu gọi sự tài trợ giúp đỡ từ anh em bên ấy.
Lẽ dĩ nhiên, mỗi lần gặp mặt là anh em chúng ta bên này ai cũng đóng góp rất cụ
thể, nhưng nếu có sự hỗ trợ của bằng hữu phương xa thì đó là một điều rất quý
giá để những người tổ chức có được thuận lợi và thư thả hơn.
Bên cạnh chị Hồng
Phi, tôi cũng không quên sự nhiệt tình và tận tình của chị Kim Truyên (khóa 2)
và chị Nguyễn Thị Cam (khóa 2). Chị Truyên và chị Cam vẫn như độ nào, như hồi
đi học. Tôi được tham dự gặp mặt bên ấy mấy lần tại nhà chị Hồng Phi. Thường
anh chị em đã ngồi vào bàn, nhưng hai chị ấy vẫn chạy đi, chạy lại, tất bật lo
các món ăn. Chị nào cũng ít nói, nhưng rất tận tình, rất thương quý anh em.
Đúng là hình ảnh các “bà chị” mà hồi còn sinh viên học cùng lớp tôi thường gọi.
Tôi cũng nhớ mãi anh Nguyễn Văn Sĩ (khóa 2) rất ít nói nhưng tràn trề tình cảm.
Ở gần chị Hồng Phi nên trong các cuộc gặp mặt, chị Hồng Phi và anh Sĩ thường
xuyên bàn bạc với nhau. Anh Phan Cảnh Lãng (khóa 2) vẫn phong độ như dạo nào,
ăn mặc luôn luôn chải chuốt, nói năng rất nhẹ nhàng và hiện diện đầy đủ trong
các lần gặp nhau. Chị Thanh Hương (khóa 3) nay vẫn còn xinh đẹp và cũng ở gần
nhà chị Hồng Phi nên rất hăng hái tham gia. Ngoài ra, một số dâu rể cũng tạo
thêm niềm vui và ấm cúng cho không khí hội ngộ bên ấy. Anh Ái (chồng chị Hồng
Phi) rất vui vẻ dễ thương và là cánh tay đắc lực cho chị Hồng Phi. Anh Minh
(chồng chị Cam) luôn luôn kín đáo nhưng rất chan hòa và vui vẻ. Anh Kỳ (chồng
chị Thanh Hương) rất hoạt bát và niềm nỡ, chan hòa, khiến tôi có cảm giác như
anh Kỳ cũng là một cựu sinh viên Viện Hán học. Các chị Lan (vợ anh Lãng), chị
Quý (vợ anh Sĩ) cũng thường xuyên tham gia và góp sức với chị Hồng Phi trong
việc tổ chức.
Tôi xin nhắc lại một kỷ niệm khó quên giữa vợ chồng tôi, anh Phan
Cảnh Lãng và anh chị Cam - Minh. Năm 2013, tôi qua Mỹ thăm và về Cali ở chơi
nửa tháng. Chị Hồng Phi biết và tổ chức họp mặt. Anh Minh và chị Cam đưa vợ
chồng tôi và anh Lãng đến nhà chị Hồng Phi trên một chiếc xe Toyota rất mới,
nghe đâu mới tậu chỉ hơn một tháng. 10 giờ nhập tiệc, 15 giờ tan tiệc và anh
Minh đưa chúng tôi trở về. Có lẽ không rành đường cho nên anh Minh, một tay ôm
vô lăng, tay kia nắm một tờ giấy ghi lộ trình. Đi khoảng 3 ngã tư, đến ngã tư
đèn đỏ, thay vì dừng lại, anh Minh quá chú ý vào tờ giấy nên không để ý và vượt
đèn đỏ. Chiếc xe khác lao tới đâm vào xe anh Minh. Một tiếng “rầm” thật lớn,
tôi bàng hoàng không biết gì nữa, sau một phút định tĩnh, tôi thấy hai xe móc
vào nhau và đầu xe của anh Minh dập nát hết. Chỉ 3 phút sau tôi nghe tiếng xe
cảnh sát hú còi, xe chữa lửa, xe cứu thương xuất hiện và ngã tư ấy bị phong tỏa
tức khắc. Chị Cam dặn vợ chồng tôi và anh Lãng ngồi yên một chỗ cho đến khi
cảnh sát đến mở cửa chúng tôi mới được ra khỏi xe. Một tai nạn như thế mà chị
Cam vẫn điềm tĩnh. Tuy còn khiếp sợ nhưng câu đầu tiên để hỏi là “Nghiên - Lạc
có can gì không?” Còn anh Minh thì như người thất thần, sững sờ không nói được
gì. Y tá đến thăm hỏi, chúng tôi bảo không can gì nên họ đưa chúng tôi vào lề
đường.. Anh Minh tuổi cũng khá lớn, lại bệnh mấy ngày trước, nên cầm vô lăng
không được chính xác. Xe hỏng thì có bảo hiểm bồi thường, nhưng bằng lái sẽ bị
thi lại hay cũng có khi bị cắt luôn. Chị Cam ơi! Tôi thương chị và anh Minh
lắm. Đã trên nửa thế kỷ mà chị vẫn như độ nào, vẫn bao dung, vẫn tốt bụng và
luôn luôn lo lắng cho bằng hữu. Đó là chuyện ở xa.
Chuyện ở trong nước thì tôi
vẫn là người tham dự đủ các lần họp mặt. Tình cảm anh em chúng ta luôn luôn
tuyệt vời và thắm đượm. Cũng như ở bên kia, ở bên này các cuộc họp mặt vẫn
thường xuyên tổ chức. Khi có một bạn từ xa về là anh em gọi nhau ơi ới, dù là
rất gấp nhưng anh em vẫn có mặt đầy đủ. Các cuộc gặp mặt trên nhiều miền đất
nước, dù đi lại khó khăn như anh Phan Quật đã 80 tuổi, anh Hoàng Đằng bệnh tật
liên miên mà vẫn đến tận Mỹ Tho, Vũng Tàu. Tình bạn thôi thúc, tình đồng môn
réo gọi, kỷ niệm xưa hiện về, đó là những yếu tố góp nhặt thành cuộc vui. Ấn
tượng nhất đối với tôi là lần hò hẹn tại Vũng Tàu năm qua. Chị Tôn Nữ Thị Hiếu
(khóa 3) và anh Lâm Khương Nhàn (khóa 4) đã cho chúng tôi những ngày thú vị và
ấm áp trên bãi biển thơ mộng ấy. Nhớ mãi và xin cảm ơn chị Hiếu và anh Nhàn.
Chỉ 2 người mà các anh chị ấy đã tạo được cho chúng tôi nhiều ấn tượng rất khó
quên.
(Từ trái: Nguyễn Bá Yên, Trần V Dật, Hoàng Đằng, Lý V Nghiên -
họp mật 2010 tại Mỹ Tho)
Riêng khóa 2, lớp tôi đã có sáng kiến tổ chức kỷ niệm 50 năm khóa 2 (sau
ngày thành lập Viện 1 năm) tại thành phố Mỹ Tho năm 2010. Quên sao được hình
ảnh của các bạn Ngô Văn Tiên, Phạm Văn Minh, Ngọc Sương, Nguyễn Văn Đức, Trần
Văn Dật và Nguyễn Bá Yên lo lắng, tất bật việc này thứ khác quá vất vả. Tuy là
khóa 2 tổ chức, nhưng các anh chị các khóa khác vẫn hiện diện khá đông đủ. Hai
ngày vui chơi, ăn uống đàng hoàng, lại được tham quan nhiều di tích thắng cảnh
ở Mỹ Tho. Giai đoạn ấy, anh Phan Thuận An và Hoàng Đằng, dù đang đau yếu mà vẫn
cố gắng vào dự. Ấn tượng nhất là anh chị Phạm Công Đắc và Ngọc Sương. Nhìn anh
chị vui vẻ, thích thú dù rất yếu sau một lần đột quỵ, được sự chăm sóc rất đảm đang
của bà vợ mẫu mực Ngọc Sương mà từ Mỹ Tho, Vũng Tàu đến Huế, anh đều tham dự
được. Nghe đâu năm nay anh Đắc bệnh tình nặng hơn, đi lại rất khó khăn, anh chị
không về Huế được. Tiếc quá! Tuy vậy, người đầu tiên khơi mào cho các cuộc hội
ngộ này, chính là anh Lê Ngọc Bích (khóa 1, đã qua đời). Đó là năm 1999, nhân
kỷ niệm 40 năm Viện Hán học. Buổi họp mặt được tổ chức tại Sài Gòn, ở nhà thờ
Kỳ Đồng (quận 3). Thời đó việc tổ chức cũng khó khăn, quy tụ anh em cũng nhọc
nhằn, lại thêm phương tiện vật chất eo hẹp mà anh Bích vẫn làm được. Hình ảnh
quanh bàn thờ Thầy Cô và bằng hữu đã khuất, hương đèn trang nghiêm và các môn
sinh tề tựu xung quanh để tưởng niệm. Tôi nhớ anh Ngô Văn Lại đọc văn tế và anh
Hoàng Xuân Minh chủ bái. Vì là lần đầu sau mấy chục năm xa nhau, anh chị em ai
cũng vui, ai cũng mừng rỡ xúc động. Xin cám ơn và tưởng niệm anh Lê Ngọc Bích,
người nhỏ con, sức khỏe không dồi dào lắm nhưng vẫn ngày đêm lo lắng cho anh
em. Người kế thừa sau này là anh Phan Đình Trừng (Khóa 2), cũng thường xuyên tất bật quy tụ và tổ chức các lần gặp mặt ở Sài Gòn.
Bây giờ cho
tôi trở lại nơi Cố Đô cổ kính đó là xứ Huế “mưa dầm dề, đường trơn ướt tiêu
điều” và Huế cũng là nơi Viện Hán Học được thành lập. Một số anh em chúng tôi
vẫn kiên trì bám Huế cho đến bây giờ. Trước đó, Huế vẫn có những cuộc gặp nhỏ
lẻ trong anh em Huế với nhau. Những lúc có thầy Nguyễn Văn Dương về hay một số
anh chị em như Ngô Văn Tiên, Trương Viết Hân, Nguyễn Bá Yên, chị Tôn Nữ
Thị Hiếu từ Sài Gòn ra, chị Cam, chị Cẩm Hà từ Mỹ về. anh em đều có hội ngộ rất vui.
Thỉnh thoảng ban liên lạc Huế mà chủ trì là anh Phan Thuận An thường quy tụ anh
chị em vào các dịp đón Xuân hay những ngày lễ, Tết.
(Lý Văn Nghiên giời thiệu anh chị Phan Thuận An trong kỳ họp mawtn 50 Năm)
Mãi cho đến năm 2009, Huế
mới làm được cuộc hội ngộ lớn kỷ niệm 50 năm. Số là như thế này, năm 1999, chúng
tôi vào Sài Gòn dự 40 năm Viện Hán học (Ở Huế vào tham dự có các anh Phan Thuận
An, Hoàng Xuân Minh, Hồ Văn Ngữ và tôi). Sau chuyến đi, tôi suy nghĩ và day dứt
mãi. Sài Gòn làm được sao Huế lại không? Vả lại, Huế là nơi khai sinh ra Viện
Hán học. Và cuối cùng, tôi mạnh dạn bàn với anh Phan Thuận An và anh Hoàng Xuân
Minh. Rồi chúng tôi đã quyết tâm làm cho được vào năm chẵn là 50 năm.
Các bạn
biết không? Huế nghèo và thiếu phương tiện lắm. Chúng tôi phải thực hiện một tờ
Đặc San, phải đưa anh em đi du ngoạn thăm lại nơi xưa chốn cũ cũng như đi
thuyền rồng, nghe ca Huế và thăm lại mộ của quý Thầy, cùng các di tích thắng
cảnh. Cũng may mắn quá, nhờ sự hợp tác rất chí tình của anh em khắp nơi, trong
và ngoài nước mà chúng tôi đã biến ước mơ thành sự thật. Không dám nói là thành
công, nhưng thấy anh em vui vẻ, toại nguyện là chúng tôi mừng lắm.
Năm nay cũng
thế, vẫn cố gắng kiên trì tổ chức cho bằng được 55 năm vì đây là ước muốn của
anh em khắp nơi. Đối với chúng tôi ở Huế, anh Phan Thuận An là linh hồn, là
người anh cả của Viện Hán học. Do sức khỏe hạn chế, không làm được nhiều việc
nặng nhọc nhưng anh rất nhiệt tình và năng nổ. Chúng tôi thường hay trại lại
bài thơ của Vũ Hữu Định “còn một chút gì để nhớ” Phạm Duy phổ nhạc và hát rằng
“may mà có An, đời còn dễ thương." Sức khỏe như thế mà anh vẫn tham dự đầy đủ
tất cả các cuộc họp mặt Sài Gòn, Mỹ Tho, Vũng Tàu và các nơi khác. Huế có làm
được một số việc nhỏ như thế là nhờ tấm lòng của các cựu sinh viên xứ Huế.
Ngoài anh Phan Thuận An, tôi cũng nhớ đến anh Trần Khánh Tiếu khóa 3 (nay đang
trong thời kỳ dưỡng bệnh) đêm ngày chạy ngược chạy xuôi lo cho anh em. Anh Tiếu
đang nằm một chỗ, chắc anh cũng đau khổ và buồn lắm. Anh Tiếu ơi! Cứ yên tâm,
chúng tôi chỉ mong anh ngày hội ngộ 28/12 này anh đến dự được. Một sinh viên,
tuy tuổi đã lớn nhưng cũng rất nhiệt tình là anh Hoàng Xuân Minh. Anh Minh rất
vui vẻ và rộng rãi. Cuộc hội năm 2009 ở Huế, anh Minh là người góp công, góp
của rất lớn cho sự thành công. Có được những ngày như thế là nhờ vào tấm lòng
và tình bằng hữu cao quý của toàn thể cựu sinh viên, nhưng chúng ta cũng không
quên sự chịu thương chịu khó của một số anh chị em có tâm huyết. Ở bên xa xôi
ấy, tôi vẫn nhớ mãi chị Võ Hồng Phi và bên Việt Nam này là anh Phan Thuận An.
18
Kết thúc bài kể lể dài dòng này, tôi xin dẫn mấy ý của anh Phan
Thuận An trong thư mời họp mặt kỷ niệm 55 năm ngày thành lập Viện Hán học:
“Nhớ về những năm tháng cách đây nửa thế kỷ, thời chúng ta còn
son trẻ, thời chúng ta còn tinh anh, thời chúng ta còn là những mái đầu xanh,
sống vô tư, hồn nhiên và trong sáng, mỗi ánh mắt, mỗi nụ cười và mỗi cử chỉ của
chúng ta là những đóa hoa tươi thắm, là những cánh én mùa xuân và cũng là những
giai điệu đẹp đẽ trao gởi cho nhau. Kỷ niệm vẫn còn đó, chúng ta vẫn còn đây,
sao lại không cùng nhau họp mặt để nhớ về một thời xa xưa, và cùng nhau chia sẻ
những nỗi buồn vui. Nhà thơ Tôn Nữ Hỷ Khương đã viết:
Còn gặp nhau thì hãy cứ vui.
Chuyện đời như nước chảy hoa trôi.
Lợi danh như bóng mây chìm nổi.
Chỉ có tình thương để lại đời.”
Huế, mạnh đông Giáp Ngọ, 2014.
LVN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét