Thứ Sáu, 23 tháng 1, 2015

Hoài Niêm Quý Ân Sư - Phan Thuận An

 Hoài Niệm Quý Ân Sư
          Phan Thuận An
              Khóa 1
Trong thời gian dài còn ngồi trên ghế nhà trường từ cấp Tiểu học (1948-1953) đến bậc Cao học (1970-1972), tôi đã được thọ giáo với hơn 30 thầy cô ở gần 10 trường học và học viện khác nhau. Trong số các ân nhân đó, những vị đã để lại trong tôi nhiều ấn tượng đẹp đẽ nhất và nhiều cảm tình sâu đậm nhất là quý ân sư ở Viện Hán học Huế.
Kể từ khi tôi xuất thân tại học viện này vào năm 1964, tính cho đến nay là năm 2014, thời gian đã trôi qua đúng nửa thế kỷ. Phần lớn các thầy đều đã khuất núi vì tuổi cao sức yếu, nhưng cũng có một số vị còn tại thế, như thầy Cao Xuân Duẩn, thầy Nguyễn Văn Trọng, thầy Nguyễn Hữu Châu Phan đang sống ở Huế, thầy Nguyễn Văn Dương ở Sài Gòn, thầy Võ Như Nguyện (thọ gần 100 tuổi) ở Pháp. Trong bài viết ngắn để tỏ lòng tri ân này, theo nguyên lý “Cái quan luận định”, tôi chỉ xin hoài niệm ba vị ân sư đã quá cố, nhưng để lại sự nghiệp giáo dục vẻ vang, tác phẩm văn học sáng giá và nhất là phẩm chất đạo đức mẫu mực. Đó là quý thầy Phan Văn Dật, Bửu Kế và Nguyễn Văn Thích.

THẦY PHAN VĂN DẬT (1907-1987)

Thầy Phan Văn Dật vừa là một nhà giáo, vừa là nhà văn, nhà thơ, vừa là một học giả. Thầy sinh trưởng tại Huế. Sau khi đậu bằng Thành chung (Diplôme d’Études Primaires Supérieurs), Thầy nhập ngạch công chức ngành Trước bạ. Năm 1928, Thầy làm Thư ký Sở Trước bạ ở Đà Nẵng. Những năm 1951-1952, thầy được đi du học tại trường Trước bạ Quốc gia Lyon ở Pháp. Từ năm 1953 đến 1959, Thầy vừa làm Chủ sự Trước bạ ở Huế, vừa dạy Việt văn tại các trường Quốc Học và Đồng Khánh. Sau khi về hưu vào năm 1961, Thầy được mời dạy thêm ở các trường Cao đẳng Mỹ thuật, Viện Hán học và Đại học Văn khoa Huế. Thầy đã làm thơ và viết văn từ hồi còn trẻ, cho nên được liệt vào hàng các nhà thơ, nhà văn thời tiền chiến. Thơ của Thầy đăng ở các báo chí đương thời như Thực nghiệp Dân báo, Nam phong (Hà Nội), Thần kinh, Tràng an, Rạng đông (Huế). Sau đó, Thầy còn viết bài cho các báo Khuyến học, Nghệ thuật Dân sinh, Sáng tạo (Sài Gòn)… với bút hiệu Tiêu Lang, Thường Nga Phố hoặc với tên thật.

Những tác phẩm chính của Thầy là:
- Diễm hương trang (tiểu thuyết, xuất bản năm 1953).
- Bâng khuâng (thơ, xuất bản năm 1936).
- Một số thơ, truyện ngắn, tiểu luận văn học, khảo cứu di tích lịch sử, đăng trên các báo chí ở Huế và Sài Gòn. Trong số những bài thơ của Thầy, tôi thích nhất là bài lục bát dưới đây (trích trong tập thơ Những ngày vàng lụa viết vào khoảng những năm 1938-1944, chưa xuất bản):

CHO ĐỊA CHỈ
Nhà anh có bến Đợi Chờ,
Có đình dựa nguyệt có thơ nhớ nàng.
Xuân về có gió đông sang,
Thu qua có cảnh lá vàng rụng bay.
Lâm tuyền có thú đổi thay,
Có đêm huyền hoặc có ngày nhớ nhung.
Có giàn hoa lý bên song,
Có con đường sỏi đi vòng giếng khơi.
Món quê hoa quả có thời,
Tháng giêng có hạnh tháng mười có cam.
Có khi ngồi ngắm trên am,
Mây hồng dựng sớm sương lam tỏa chiều.
Hư thân có mãi cái nghèo,
Tùy lòng ai có muốn theo thì về.

Ngoài tâm hồn lãng mạn của một nhà thơ, Thầy còn là một nhà giáo rất đáng kính phục. Là những sinh viên từng học với Thầy, chắc hẳn chúng ta đều biết đến kiến thức sâu rộng về Hán học lẫn Tây học mà Thầy đã giảng dạy cho chúng ta. Khi nào đi dạy, Thầy cũng ăn mặc rất tươm tất (cravate, souliers). Tính Thầy hòa nhã, dễ gần và rất thương mến học trò. Sau khi ra trường và đi dạy, tôi thường đến nhà vừa để thăm Thầy, vừa để học hỏi thêm, bao giờ cũng được Thầy tiếp chuyện một cách niềm nở và ân cần. Nhà Thầy chứa đầy sách quý, phần lớn là sách chữ Pháp và chữ Hán. Tôi cần quyển nào là Thầy cho mượn quyển nấy. Thật hiếm có một học giả tốt bụng như vậy. Nhìn chung, Thầy Phan Văn Dật là một người tài hoa, lịch sự, thương yêu các môn đệ, giảng dạy văn học một cách nhiệt tình và hấp dẫn.

THẦY BỬU KẾ (1913-1989)

Họ tên đầy đủ của Thầy là Nguyễn Phúc Bửu Kế, một hậu duệ của Hoàng tộc nhà  Nguyễn. Thầy sinh ra và lớn lên trong buổi giao thời, khi người Pháp đã đặt xong nền đô hộ trên đất nước ta. Cho nên, Thầy vừa hấp thụ một nền giáo dục phương Đông truyền thống, vừa tiếp thu một nền văn hóa phương Tây hiện đại. Thầy giỏi cả Hán học lẫn Tây học. Năm 1931, Thầy thi đậu bằng Sơ học do Bộ Quốc dân Giáo dục cấp phát và nhờ là Tôn sinh nên được Bộ Lễ tuyển vào học tại trường Quốc Tử Giám vào năm 1932. Năm 1934, Thầy tốt nghiệp ở ngôi trường lịch sử này và được bổ dụng làm công chức của Nam triều với ngạch Hàn lâm viện Đãi chiếu, sau đó thăng lên Hàn lâm viện Cung phụng, rồi được tuyển vào làm việc ở Bảo tàng Khải Định. Trước năm 1945, Thầy đã từng cộng tác với các báo chí ở Hà Nội như Tiểu thuyết Thứ bảy, Văn học, Tri tân.

Trong ba thập niên từ 1945 đến 1975, Thầy vừa làm Quản thủ Thư viện Đại học Huế, vừa dạy tại trường Đồng Khánh, trường Nữ Hộ sinh Quốc gia (Anh văn), trường Cao đẳng Mỹ thuật, trường Đại học Văn khoa và Viện Hán học. Số lượng tư liệu sử sách phong phú ở Thư viện Đại học Huế cũng là môi trường thuận lợi để Thầy biên soạn một số công trình khảo cứu về lịch sử và văn hóa triều Nguyễn, và viết không ít bài đăng trên các tạp chí Bách khoa, Văn hóa Nguyệt san, Phổ thông, Đại học, Hưng quốc, Ngày mai, Việt Nam mới, Tương lai (Huế). Với tư cách là Quản thủ của một trong những thư viện lớn tại Việt Nam thời bấy giờ, thầy Bửu Kế đã được mời đi dự cuộc Hội nghị Quốc tế về Thư viện tại Tokyo (Nhật Bản) và được mời đi du khảo một số thư viện quan trọng ở Mỹ, nhất là thư viện Quốc hội Hoa Kỳ tại Washington D.C.

Dưới đây là những tác phẩm chính của Thầy Bửu Kế:
- Nếp nhà (truyện ngắn, được hai giải thưởng văn chương toàn quốc: một của
Bộ Quốc gia Giáo dục và một của Bộ Thông tin, 1953).
- Thằng người gỗ (truyện dịch, được giải nhất của Hội Phụ huynh Học sinh Toàn quốc, NXB Tân Việt, Sài Gòn, 1952).
- Tầm nguyên tự điển (NXB Nam Cường, Sài Gòn, 1955).
- Truyện ngắn quốc tế (truyện dịch, 1954).
- Nguyễn triều cố sự (NXB Khai Trí, Sài Gòn, 1956).
- Nghìn lẻ truyện cười (1959).
- Từ điển Hán Việt từ nguyên (NXB Thuận Hóa, Huế, 1999).
- Một số di thảo chưa xuất bản, như Chính tả căn bản, Tự điển viết văn

Khi lớn tuổi, Thầy thường viết những đề tài thuộc về cổ học và liên quan đến Cố đô Huế. Trong giai đoạn này, Thầy được xưng tụng là một nhà Huế học. Tôi may mắn được lãnh hội nhiều kiến thức căn bản từ Thầy về lịch sử và văn hóa của kinh đô triều Nguyễn, cho nên, sau khi ra trường, tôi cũng tập tễnh nối gót Thầy để đi theo con đường nghiên cứu đó. Ngoài việc viết văn, khảo cứu, làm từ điển và dịch thuật (dịch từ Hán văn, Pháp văn, Anh văn), Thầy còn có tài làm thơ nữa. Ngay trước năm 1945, Thầy đã nhận được hai giải thưởng về thơ: một giải của Đài Phát thanh Pháp Á và một giải của Hà thành Ngọ báo.
 29
Nay xin chép lại một trong những bài thơ nổi tiếng để chúng ta cùng thưởng thức và cảm nhận được tâm hồn lãng mạn của Thầy ở tuổi thanh xuân:

ĐỊNH MỆNH
Hôm ấy đừng chung một chuyến tàu,
Mắt tình trốn tránh chẳng nhìn nhau,
Má không ửng đỏ vì e thẹn,
Đâu có bây giờ chuyện khổ đau.
Tim chỉ kề tim có một lần,
Tay cầm một bận để cầu thân,
Cũng thừa lưu lại muôn năm nhớ,
Một chút hương nồng của ái ân.
Một buổi yêu đương, vạn buổi sầu,
Nhưng ai ngăn cản được lòng đâu?
Nàng, ta trong lúc trao duyên thắm,
Biết sẽ xa nhau đến bạc đầu.
Tình của đôi ta chỉ thế thôi,
Gần trong giây lát để xa xôi,
Đừng tham nhiều quá, đòi nhiều quá,
Thôi thế nàng ơi! Cũng đủ rồi.
Biết tránh làm sao được hỡi trời!
Một khi ĐỊNH MỆNH buộc người chơi,
Hãy tìm khuây lảng trong an ủi,
Khi đã vô duyên cả cuộc đời.

THẦY NGUYỄN VĂN THÍCH (1891-1978)
Đáng lẽ phải gọi như thế (Thầy Nguyễn Văn Thích), nhưng vì Thầy là một Linh Mục có uy tín đặc biệt và nhân cách cao cả, cho nên, từ trước đến nay, mọi thành phần trong xã hội đều gọi Thầy bằng một danh xưng rất trìu mến: Cha Thích. Là những môn đệ của Cha, chúng ta càng cần phải gọi Cha bằng cái danh xưng chứa chan tình cảm và đầy tính kính yêu như thế. Cha Thích có hiệu là Sảng Đình và tên thánh là Joseph Marie. Do đó, Cha thường viết tắt bút danh của mình là J.M.Thích. Sinh năm 1891, nguyên quán làng Niêm Phò, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên, Cha bắt đầu học chữ Hán từ năm mới 4 tuổi, vì vị thân sinh là Phó bảng Nguyễn Văn Mại (1853-1945), tác giả các sách Lô Giang tiểu sử Việt Nam phong sử.

Khi lớn lên, Cha càng cố dùi mài kinh sử để đi theo con đường cử nghiệp nhưng trong cả hai khoa thi Hương, Cha đều bị hỏng ở “trường ba” cho nên, Cha xoay qua học tân học tại trường tư thục Thiên chúa giáo Pellerin ở Huế. Năm 1909, Cha thi đậu Thành chung. Sau khi học thêm một năm về khoa sư phạm, Cha được bổ vào làm Trợ giáo ở Nha Trang. Tại đây, qua sự kết giao thân thiết với Linh Mục Leculier (cha xứ Bình Cang), vào giữa năm 1911, Cha Thích đã nhận phép rửa tội ở nhà thờ xứ đạo ấy. Về việc theo đạo này, Cha bị gia đình, nhất là cụ thân sinh phản đối quyết liệt, nhưng rồi sau đó, mọi sự cũng êm xuôi. Năm 1914, Cha được thuyên chuyển ra dạy tại Trường Pháp - Việt Đông Ba ở Huế. Đến năm 1917, Cha từ chức Trợ giáo để đi tu học tại Tiểu chủng viện An Ninh ở tỉnh Quảng Trị, rồi từ năm 1919, tiếp tục học triết học và thần học tại Đại Chủng Viện Phú Xuân (Huế). Sau 9 năm tu học, Cha được thụ phong Linh Mục vào năm 1926, rồi dạy tại Tu viện Thánh Tâm (Huế), năm 1933 dạy ở Trường Providence (Thiên Hựu), đến năm 1937 lại chuyển ra dạy tại Tiểu Chủng Viện An Ninh. Từ năm 1941, đến năm 1954, Cha Thích được mời dạy Hán Văn  tại trường Quốc Học, rồi sau đó, Cha được mời vào dạy môn này và triết học Đông Phương tại Trường Đại học Văn khoa Sài Gòn. Sau khi thành lập Viện Đại Học năm 1957 rồi Viện Hán Học Huế năm 1959, cha phụ trách môn Hán Văn ở cả hai  học viện này. Trong thời gian dài dạy học tại các trường đạo và đời ấy, Cha Thích còn có hai hoạt động văn hóa khác: làm báo Vì Chúa và lập Hội Cổ học tại Cố đô Huế.
- Tuần báo Vì Chúa do Cha sáng lập và làm Chủ bút, viết bằng Quốc văn, Pháp văn và Hán văn, số 1 ra ngày 18-9-1936. Qua báo này, Cha đã được cụ Phan Bội Châu kết duyên văn tự bằng cách tham gia viết nhiều bài nghị luận và ký sự. Đến năm 1946, do những biến động về thời cuộc, báo này mới đình bản.
- Hội Cổ học được thành lập vào giữa thập niên 1950 với mục đích cổ xúy Nho học. Hội do Tiến sĩ Hán học Nguyễn Huy Nhu (một ân sư của chúng ta tại Viện Hán học) làm Hội trưởng và Cha Thích làm Hội phó. Cha đã viết nhiều bài đăng trong Cổ Học Quý San, cơ quan ngôn luận của Hội, được nhiều độc giả bấy giờ tìm đọc. Cũng cần biết thêm rằng vào khoảng giữa thập niên 1940, Cha Thích đã được cử giữ chức Tổng Tuyên Ủy Hướng Đạo toàn quốc, vì Cha đã tham gia sinh hoạt Hướng đạo từ hồi còn trẻ. Tuy Cha Thích về hưu từ năm 1970 ở tuổi 80 và được an dưỡng tại Nhà Chung cạnh Tòa Tổng Giám mục Huế, nhưng Cha vẫn tiếp tục dạy Hán Văn và Triết học Đông phương tại Đại học Văn khoa Huế và Sài Gòn cho đến khi chế độ Việt Nam Cộng Hòa cáo chung vào năm 1975.
Khi từ trần vào năm 1978, Cha Thích để lại một số sách giáo khoa Việt- Hán do Cha biên soạn dành cho các bậc trung học và đại học, chẳng hạn như Quốc văn tân khóa bổn (1935), Phong dao Việt Nam (1960), Đại học (1962), Mạnh tử (1963), Trung dung
(1964). Cha cũng đã cho lưu hành Sảng Đình thi tập (dày 126 trang) vào năm 1943.

Ngoài sự nghiệp giáo dục và văn chương thơ phú, Cha Thích còn có tài về hội họa, thư pháp và âm nhạc. Hai trong những bức tranh xuất sắc nhất của Cha là bức Từ mẫu hiện còn trưng bày tại Tòa Tổng Giám mục Huế, và bức tranh tự họa Trầm ngâm chiếc bóng dựa bên tường. Về âm nhạc, Cha là một nghệ sĩ tài hoa. Chẳng những đặt khá nhiều lời ca cho các làn điệu ca Huế, Cha còn sáng tác nhiều bài hát tân nhạc mang nội dung giáo dục dành cho cả trẻ em lẫn người lớn. Các đồng môn chúng ta chắc hẳn ai cũng còn nhớ bài hát Cái nhà mà Cha đã tập cho chúng ta đồng ca trong lớp khi còn học tại Viện Hán học hoặc Đại học Văn khoa Huế. Ca từ trong bài này tuy mộc mạc, đơn giản, ngắn gọn nhưng chứa đựng cả một tình tự dân tộc. Cái Nhà ở đây phải hiểu là Tổ Quốc Việt Nam, nhất thiết cần được bảo vệ, “gìn giữ” đến “muôn năm”. Với ý nghĩa cao cả và thâm thúy ấy, bài hát Cái Nhà của Cha đã được ban Việt ngữ Đài BBC giới thiệu với sự kính phục vào năm 1982 trong chuyên mục Lịch sử âm nhạc Việt Nam qua các thời đại

Nhìn lại quá trình hơn 60 năm hoạt động liên tục về giáo dục, văn hóa và nghệ thuật với lối sống giản dị, đức tính khiêm tốn, tấm lòng nhân hậu, tính tình lạc quan và tâm hồn cao thượng, chúng ta có thể nói rằng Linh mục Nguyễn Văn Thích là một nhà tu hành đắc đạo, một nhà giáo chân chính và cũng là một nghệ sĩ đa tài. Đã có người cho rằng Cha là một hiền nhân của thời đại, hoặc là một vị thánh, đã có công rất lớn trong việc đào tạo mấy thế hệ học trò mà khi khôn lớn đều trở thành những người hữu ích cho xã hội, trong đó có thệ
hệ các đồng môn chúng ta. Qua tiểu sử và sự nghiệp văn hóa giáo dục của ba Thầy Phan Văn Dật, Bửu Kế và Nguyễn Văn Thích như vừa được trình bày ở trên, chúng ta thấy họ vừa là những nhà giáo mẫu mực, vừa là những bậc trí thức tài hoa. Thế hệ các đồng môn
chúng ta phải tự hào là đã được thọ giáo với ba Thầy nói riêng và các Thầy khác ở Viện Hán Học nói chung. Bài viết mang tính hoài niệm này được xem như một nén hương lòng, thành kính dâng lên quý ân sư đã ra người thiên cổ.

 Huế, cuối năm 2014
P.T.A


Không có nhận xét nào: