Thứ Tư, 7 tháng 1, 2015

Tứ Cang - Truyện vui của Đỗ Chiêu Đức

                   


                TỨ CANG

Các em thân mến!

              Như thầy đã trình bày ở những hồi kí trước, ở trên Ba Láng, tức là ấp Yên Thượng của Thị Trấn Cái Răng, nơi mà thầy lớn lên từ nhỏ. Nơi đây còn những vị tiền bối chức sắc của tổ chức xã hội trước kia, như : Hương Quản, Hương Sư... Đặc biệt nhất là ông Ba Hương Sư, tác phong nghiêm chỉnh, đạo mạo. Theo nghĩa của chữ Sư, thì chắc hồi xưa ông Ba là Thầy dạy chữ Nho trong làng.
             Khi thầy khoảng 11, 12 tuổi thì ông Ba làm nghề thầy thuốc, bắt mạch cho toa rất nổi tiếng, có thể là lúc bấy giờ đã không còn có người học chữ Nho nữa, nên ông xoay sang nghề làm thầy thuốc chăng?!  Bây giờ thì không nói về những vị Hương Thân đạo mạo khả kính nữa, thầy sẽ kể về một ông Hương Thân rất vui tính ở trong làng để các em nghe chơi tiêu khiển trong những ngày cuối năm chờ Tết đến!...
               Không biết xưa kia giữ chức vụ gì trong Hương Chức Hội Tề, Ông Sáu rất được mọi người trong xóm kính trọng, giỏi chữ Nho, am tường về phong tục tập quán cổ truyền, tính tình vui vẻ thích nói chơi, nên rất được thanh thiếu niên trong xóm yêu mến...
        Cũng không biết ưu thời mẫn thế như thế nào, Ông Sáu hay nói ngược lại những câu chữ Nho của người xưa. Ví dụ như câu :

                      Tiền tài như phân thổ,              錢 財 如 糞 土,
                      Nhơn nghĩa trị thiên kim.          仁 義 值 千 金。
Nghĩa là : Tiền của tài sản thì như là đất là phân, không đáng quí trọng.
                 Nhân nghĩa ở đời mới đáng giá ngàn vàng !

thì ông Sáu cũng nhại lại cái âm của câu nói mà nói ngược lại là:
                     Tiền tài như... ông Tiên Tổ,
                     Nhân nghĩa tợ... cục cứt khô !
để mĩa mai thói đời xem trọng kim tiền mà coi nhẹ nghĩa nhân. Hoặc như câu:
                         Nhất ngôn kí xuất,                一 言 既 出,
                         Tứ mã nan truy.                    四 馬 難 追。
Nghĩa là: Một lời đã nói ra thì Xe bốn ngựa ( phương tiện giao thông nhanh nhất ngày xưa) cũng không thể rượt theo mà lấy lại lời nói đó cho được!  thì ông nói thành:
                        Nhất ngôn kí xuất,                一 言 既 出,
                        Tử... mã nan truy.              死 ...馬 難 追。
hàm Ý con ngựa chết thì làm sao rượt theo mà lấy lại lời nói cho được, cho nên cứ nói càn!...
              Nhiều khi Ông chỉ sửa những câu Nho để nói chơi cho vui mà thôi. Ví dụ như câu:
                         Bần cư náo thị vô nhân vấn  貧 居 鬧 市 無 人 問。(Nghèo mà ở nơi chợ búa náo nhiệt cũng không có ai thèm hỏi tới), thì Ông nói thành :
                         Bần cưa ván ngựa đen như sắn!
hoặc câu :
                         Đạo cao long hổ phục,              道 高 龍 虎 伏,
                         Đức trọng quỉ thần kinh.            德 重 鬼 神 驚。
Nghĩa là :
            Đạo pháp mà cao cường thì rồng cọp cũng phải phủ phục mà chịu phép. Cái đức của con người mà cao trọng thì quỉ thần cũng phải kinh sợ ( không dám làm hại ).
thì Ông nói lại cho vui là :
                        Đào ao lên đất cục,
                        Đứt họng cổ lòi gân !
           Nghe Ông nói, lúc đó Thầy bèn quay sang nói nhỏ với thằng bạn là : "Đạo cao long hổ phục, mà ổng nói thành Đào ao lên đất cục kìa!". Nhè đâu ông ta nghe, mới quay lại nói với Thầy là: "Cái thằng nầy, Đào ao không lên đất cục thì lên cái gì mậy?  Mà nầy, mầy học chữ Nho mà có biết "TAM CANG" là gì không?"  Thầy bèn đáp một cách hãnh diện:
       - Thưa Ông Sáu, TAM CANG là Quân thần cang, Phụ tử cang và Phu thê cang. Nói tắt TAM CANG là: Quân thần, Phụ Tử, Phu Phụ.  Ông Sáu cười cười gằn giọng :
      - Mầy giỏi quá há! Vậy tao hỏi mầy, mầy có biết TỨ CANG không?
        Thầy há hốc, ngạc nhiên quá hỏi lại:
       - Sao có Tứ Cang nữa ông Sáu?  Ông Sáu cười lớn nói:
       - Cái thằng nầy không biết gì hết, TỨ CANG là cái lớn nhất không thể CAN được!  Thầy càng ngạc nhiên hơn, hỏi:
       - Cái gì mà hổng CAN được ông Sáu?  Ông Sáu nghiêm mặt lại nói:
       - TAM CANG là Quân thần Cang, Vua đánh tôi, có người CAN được. Phụ Tử Cang, Cha đánh con, cũng CAN được. Phu Thê Cang, Chồng đánh Vợ, cũng còn CAN được. Nhưng, Ông đánh thì vô phương CAN... Thầy nhanh nhẩu chen vào:
       - Ông đánh thì cũng CAN được chớ sao không?  Ông Sáu phá lên cười lớn :
       - Thằng nầy, Ong Vò Vẻ đánh làm sao ai dám CAN. Ong đánh là TỨ CAN đó biết không ?!... 
           Vừa lúc đó anh Ba từ ngoài vườn chạy vào, hai tay che đầu miệng la oai oái, có mấy con ONG bay theo phía sau... Ông Sáu cười ngất nói:
      - Đó, đó! Thằng Ba nó bị TỨ CANG đó, mầy giỏi mầy vô CAN đi!
        Gần Tết, anh Ba ra vườn sửa sang lại vườn tược cho gọn ghẽ sáng sủa để Ăn Tết, kéo nhằm ổ ONG BẦN, nên bị rượt chạy vào...
           Thì ra, ONG ĐÁNH là TỨ CANG. Ong đánh thì không ai dám CAN cả !!!
          Từ đó, Thầy và các bạn trong xóm gọi ông Sáu là ÔNG GIÀ TỨ CANG!

          Bây giờ, đã hơn 50 năm qua, ông Sáu đã không còn nữa. Gần Tết, tha hương đất khách, ngồi đây nhớ lại chuyện xưa, lòng bồi hồi xúc động. Đâu rồi thời gian thơ ấu, đâu rồi những phong hóa cũ, đâu rồi những tập tục của ngàn xưa, đâu rồi ÔNG SÁU của dạo nào?!... đành ngậm ngùi đọc lại 2 câu thơ cuối của Vũ Đình Liên trong bài thơ Ông Đồ là :

                    Những người muôn năm cũ,
                    Hồn ở đâu bây giờ?! ...

                                    Đỗ Chiêu Đức
                           Cuối năm Giáp Ngọ 2014.  

NÓI THÊM:
       Đây là chuyện có thật, tên cúng cơm của Ông Sáu là ĐỰC. Mọi người trong xóm đều gọi là Ông Sáu Đực. Bà con bên ngoại của Má thầy, nên Má thầy gọi ông là Cậu Sáu.
       Vì là dân Nam Kì Luc Tỉnh, nên nói chuyện phát âm không có phân biệt giữa CAN và CANG hay ONG và ÔNG gì cả !




Không có nhận xét nào: