Thứ Hai, 5 tháng 1, 2015

Huế Là Duyên (Lai Kinh Du Học Ký) Phần 7 - Lâm Khương Nhàn

                     Huế Là Duyên
                   (Lai Kinh Du Học Ký)
                      Lâm Khương Nhàn                                 

    7. Thầy và Bạn 
Nguyên là cách nay vài ba năm gì đó (khoảng chừng năm 2011…) vợ chồng bạn T-Bửu (cùng K4 với tôi) từ Mỹ về VN, có ra Vũng Tàu ghé tôi chơi. Hai cặp chúng tôi café, ăn uống, nhâm nhi chuyện trò đủ thứ… ngày nay, ngày xưa. Tôi có nhắc và kể rằng Ng Thái Bửu thời đó phong độ, cao to, hào hoa sớm tỏa. Là kình ngư khỏe đẹp lực lưỡng bao lần đoạt huy chương trong các giải bơi lội vượt sông Hương… Và cả chuyện tình đẹp mà nhiều lâm ly như trong tiểu thuyết. Bửu con một nhà giáo có tiếng ở Biên Hòa. Cô người tình xinh đẹp gốc Hoa ở Chợ Lớn. Bên nhà gái không tán thành lắm cuộc tình Hoa Việt nầy. Tuy nhiên, nàng vẫn có lần lặn lội ra tận xứ Huế muôn trùng thăm người yêu… nên anh em đồng khóa chúng tôi đều có biết. Và hơn một lần tôi nghe Bửu ngâm thơ than vãn như trút nỗi lòng mình:
Vạn Lý Trường Thành kiên cố quá.
Làm sao xô ngã bức tường rêu!
Bửu khà cười và lấy làm hạnh phúc dầy thêm khi bà xã của Bửu cạnh chúng tôi chính là cô người Hoa, tình nhân năm xưa của Bửu. Và trong không khí hào hứng vui vẽ ấy, Bửu bộc trực nói –“thằng Nhàn lúc đó nhỏ xíu, nhút nhát thấy mồ, có biết yêu đương gì đâu.” Một điểm 10 cho Tôi và cho bạn Bửu của tôi rồi đó. Chính xác, tự nhiên- và giá trị vô cùng!
         Tôi không quên kể những cảm tình thân quen phát sinh từ nhóm sinh viên Miền Nam các khóa của Viện Hán Học do các Thầy Nguyện, thầy Dật, cha Thích thường ưu ái gọi đến nhà dùng cơm thân mật; hoặc những lần đi dã ngoại viếng danh lam thắng tích đó đây. Thường thường vắng mặt tôi vì những ngày nghỉ, Chúa Nhựt, Lễ, hay do ảnh hưởng những cuộc biểu tình mà sinh viên thường bị dính vào… tôi đều "vô tư" thong dong với Dũng và bằng hữu tộc họ thân quen của Dũng rong chơi thăm thú khắp Long Thọ, Nguyệt Biều.  Ba Má của Dũng cũng thường quan tâm nhắn gọi tôi về làng nghỉ ngơi cơm nước. 

                     (Dũng (thứ 2 từ trái) & Màu (thứ 5 từ trái) ở Nguyệt Biều)

Làng Nguyệt Biều vườn cây trái, cảnh trí thiên nhiên, sông nước hữu tình và có quán hàng nước của o-Lượn dễ mến ngọt ngào mời gọi . Anh em chúng tôi cũng thường dừng chân dùng bát chè đậu xanh quánh đặc hay chén đậu váng ngọt bùi, mà nghe o-Lượn líu lo giọng Huế. Thế thôi.
Mà cũng phải thôi, tôi chả-biết-gì, trong khi đó, các anh chị Miền Nam đồng môn của tôi trong những lần sinh hoạt tập thể đó, ngoài tình bạn, một số anh chị còn có tình-ý yêu đương với nhau nữa kìa. Cho đến bây giờ, già với nhau hết rồi, trong những cuộc trùng phùng hội ngộ, trong những áng văn, những bài thơ… họ còn bâng khuâng hồi tưởng. Một lần gần đây, tôi nhâm nhi chén rượu tương phùng, bậc đàn anh N-V-T kể chuyện nhà Hoàng Trọng ở số 1 nhà máy vôi Long Thọ thuở xưa. Thì ra đàn em LK Nhàn ăn dầm, nằm dề trong ngôi nhà có nhiều o-Hoàng-thị mỹ miều đó với tư cách là người thân thuộc… thì anh NVT vài lần thập thò hẹn hò với một trong số các o-đó, bên đường rây mà từng chuyến xe lửa vụt thoáng qua và vụt tan biến mất… như mối tình vu vơ Ngô-Hoàng phớt phơ nhẹ nhõm. Anh T còn thố lộ với tôi cái lãng mạn chín hồng trong lúc LK Nhàn còn xanh non chưa đến mùa vụ ái tình. Anh kể rằng, thời lúc ấy, anh cũng “si” lắm lắm một nàng Tôn Nữ đồng môn, cái-đuôi-theo-Ngọ dặm dài làm sao đo đếm hết, mà chẳng khi nào dám mở lời, nên chi ai đó nào biết được. Mối tình lặng căm đành dấu trong tim, giờ hàng mấy mươi năm rồi vẫn còn nghe xao xuyến!
LK Nhàn cũng vài lần đến quán café Dung để nghe nhạc vàng, để thưởng thức ly café, điếu thuốc thơm, cảnh trí ảo huyền của Huế đêm nghệ thuật; nhưng mà vì phong trào, chứ không vì mái tóc buông-dòng-suối-nhớ-thương của o –Dung mờ ảo bên quầy-két mà bao chàng sinh viên đắm đuối ghiền nhìn. Những lần cùng bạn đến khu Cầu Kho, đến hồ Tỉnh Tâm uống-cà-phê-ôm theo lời rủ rê của quý bậc đàn anh, mà có ôm-iết gì đâu, chẳng qua ly café  đắt gấp đôi bình thường, thì bù lại có-một-o chịu khó ngồi cùng bàn tán chuyện bâng quơ. Những lần vung-vít ấy trả giá bằng những buổi cơm xã hội rẻ tiền (vì hao hụt
"tài chính" tháng) ở phố Trần Hưng Đạo, cạnh cầu Trường Tiền bên bờ Sông Hương, mà khi vào lúc ra phải lấm lét nhìn quanh sợ người quen trông thấy ốt-dột lắm. Cậu sinh viên mà!
   Đường Nam Giao cao cao đồi dốc. Từ chân cầu lên độ nửa cây số là đến đỉnh đồi thứ nhất. Tại đây có con đường rẽ ngang sang trái chỉ độ trăm mét thôi là đụng ngay con đường Phan Bội Châu dường như là đúng tên đường như vậy- vì tại góc  đường tiếp giáp nầy có nhà thờ và tượng hình cụ Phan Bội Châu. Con đường nầy dổ dốc trở lại xuống cầu Bến Ngự, vị trí gần như song song với đường Nam Giao.


                   (Bến Ngự)


                   (Sông Hương & cầu Tràng Tiền)
Chùa Từ Đàm bề thế uy nghi tại đỉnh đồi nầy, chiếm gần trọn một bên mặt tiền con- đường-ngang. Ngôi chùa mà cả nước- và nước ngoài nữa biết đến nhiều hồi thập niên 60, mà đỉnh điểm là phong trào Tín Đồ Phật Giáo xuống đường phản đối chế độ Ngô Đình Diệm…
Nối tiếp, lại xuống thêm một dốc nữa của con đường Nam Giao chưa đầy cây số đến đỉnh đồi thứ 2, nơi có Đại Học Xá tọa lạc một khoảng đất rộng hàng mấy hec-ta. Đi thêm vài trăm mét là đến Đàn Nam Giao.
Đại Học Xá Nam Giao, cái tên gắn liền với thời gian “tu học” 3 năm tại Huế của tôi. Mặt tiền khu cư xá không dài lắm, nhưng nằm sau nhà dân khoảng cách bằng chiều sâu chừng 20 mét của một dãy nhà, khu Đại Học Xá rộng mênh mông. Có đến hàng năm sáu dãy nhà cấp 4, tường xây, lợp ngói. Mỗi dãy nhà cư xá nầy được xây cất tách riêng biệt cách xa nhau bằng những sân bóng chuyền hoặc sân bóng đá để phục vụ nhu cầu giải trí lành mạnh cho sinh viên lưu trú. Có chừng mười phòng cho một dãy và được đánh số thứ tự bằng A B C D E F… và 1, 2, 3, 4… (AB…= số dãy, 1, 2…= số phòng). Thường thì sinh viên từ các khoa của Viện Đại Học Huế, ở ngoài Huế  mới xin được lưu trú tại đây và được xếp ở cùng dãy cho mỗi khoa nên chi trong cư xá, sinh viên quen miệng gọi là dãy Y Khoa, dãy Sư Phạm, dãy Hán Học… Chỉ thư từ, thông tin hành chánh mới ghi ABCD… Hán Học Viện chúng tôi cùng ở dãy D. Tôi ở phòng 1 dãy D tức D1.
Nói đến đây, tôi chợt ngẫm ra, cuộc đời tôi duyên nợ lắm lắm với chữ D (không có ê nhe).  Tôi đậu tú tài ban D (văn chương cổ ngữ). Người bạn duyên hội ngộ đầu tiên ở Huế là Dũng. Về đại học xá ở phòng  D1.  Năm 1968 tôi bị động viên thụ huấn quân sự 9 tuần, khi vào trại Quang Trung học tập tôi được xếp ở đội gì gì đó gọi là D2. Bà xã tôi tên là Đào (cũng chữ D theo kiểu Tây). Không biết cuộc đời tôi rồi còn có “được” D… nhiều nhiều hơn nữa đây không? Ở cư xá Nam Giao nầy, dãy D hầu hết là anh em (Đại Học Xá Nam Giao chỉ dành cho nam) sinh viên quê ở Miền Nam. Có số ít các anh ở Quảng Nam, Quảng Ngãi, Quảng Trị… Có thể vì các sinh viên gốc miền Trung thường thì có họ hàng thân quen ở Huế nên không ở cư xá. Tại đây, chúng tôi chung sống chan hòa tình thân mến với các bạn cùng khóa 4, gốc Miền Nam như Bùi Hiếu Nghĩa, Nguyễn Thái Bửu (Biên Hòa), Nguyễn Hữu Mầu (Long An), Nguyễn Văn Hồng (đồng hương Trà Vinh với tôi), Lê Văn Chính (Bình Dương), Võ Văn Giám (Saigon). Khóa đàn em (K5) có Nguyễn Văn Nĩ (Củ Chi), Nguyễn Văn Thăng (Saigon), Nguyễn Văn Lai (Biên Hòa). Các khóa đàn anh nào Nguyễn Minh Tâm, Lê Thành Ngọc, Lê Văn Bảy, Nguyễn Văn Sự, Lê Văn Sự, Quan Minh Hoàng, Thái Nhơn Đức, Lê Hoàng Nhi, Nguyễn Văn Đức, Lê Văn Tân, Huỳnh Trường Hải, Chung Văn Năm, Nguyễn Phú Khai, Phạm Văn Minh… Có một số anh khác không cư trú tại đây (tôi không rõ lý do) như anh Tiên, anh Hùng… Về các chị, tôi chỉ nghe nói, chứ chưa một lần ghé viếng nơi trọ bên ngoài như các bạn Bửu, Nghĩa… các anh Đức, anh Nhi, anh Khai… thường xuyên giao lưu thăm viếng. Cho nên chỉ nghe qua, hoặc biết qua chứ ít thân thiết (vì em nhút nhát lắm mà!): chị Hai Cam, chị Phi, chị Sương, chị Thủy… Trung Huê, và  Nguyễn Thị Cốc (Saigon) thì cùng lớp với tôi. Đàn em thì có Nguyễn Thị Hiệp, Thị Phao… Những nửa thế kỷ sau (2012) tôi mới được diện kiến dung nhan một số quý-bà-chị nầy trong những dịp họp mặt bạn đồng môn thân ái. Các chị vẫn xinh-đẹp-lão, vẫn môi son má phấn, vẫn điệu-đàng y phục thời trang… mà cô cụ-học-trò U-60 (Ái-Nhân) của tôi ở Vũng Tàu tấm-tắc khen, so bì trên trang blog “tri thiên mệnh” (mời vào trang blog… xem).
Đọc bài viết về Huế của các anh chị lớp trên nói rằng học bổng cho Sinh viên Viện Hán Học lúc đó là 450 đồng cho toàn phần và 225 đồng cho bán phần, chứ tôi không nhớ chính xác con số cho lắm. Chỉ nhớ rằng mỗi tháng Ba Má tôi ở Saigon phải gửi ngân phiếu chi viện cho tôi thêm số tiền tương đương như vậy (khoảng 500 đồng) mới tạm đủ chi tiêu. Cơm tháng đóng cho “nhà-bàn” (căng-tin) của đại học xá hết 600 đồng, bao gồm 3 bửa ăn: sáng, trưa và chiều. Cơm tháng cho sinh viên thuộc vào hàng khá cao cấp. Mỗi suất ăn được dọn ra bàn riêng biệt cho từng người.
Buổi sáng thường là tô bún bò hay trứng ốp-la bánh mì hoặc đĩa xôi mặn, một ly café sữa, tách trà nóng, quả chuối. Trưa và chiều đủ 3 món: món canh, món mặn, món xào hoặc đĩa rau trộn, luôn kèm món trái cây và trà giải khát. Sinh viên nào dùng bữa muộn, nhà-bàn chờ đến 8 giờ sáng, 14 giờ trưa và 19 giờ buổi chiều mới dọn dẹp đóng cửa.
Sân bóng  nằm ngay trước dãy D của chúng tôi nên thường thì buổi chiều đi học về, anh em chúng tôi cởi trần, quần đùi chia phe đấu nhau- cả tiếng đồng hồ mới vào tắm táp, thay đồ, lên nhà-bàn dùng cơm. Cái môn bóng đá nầy anh Hai Nguyễn Văn Đức giỏi nhất, là đầu đàn của cả bọn. Ai cũng muốn được xếp cùng đội với anh. Tôi thì còm-nhom ốm bé thường bị làm cầu-thủ-độn, hoặc để chấp thêm người cho bên đội nào yếu mà thôi! Năm mươi năm sau gặp lại nhau, không riêng gì vài bạn mà chính tôi cũng cảm thấy những đổi thay kỳ lạ. Hình như tôi có lớn thêm, cao thêm hơn hồi xưa sao ấy… mà bây giờ bạn Đán, bạn Nghĩa đứng gần tôi như dường nhỏ nhắn hơn tôi bây giờ (năm 2012, 2014). Bạn Nguyễn Kim thuở đi học cao ốm lêu têu, giờ thì to đùng đường bệ… mà tính khí thì cũng tàng-tàng ngông-ngạo, đặc trưng phong cách Nguyễn-Kim xứ Quảng.
Bùi Hiếu Nghĩa hồi đó tuy hơi thấp, nhưng có ngang to khỏe, đậm chắc trông lực lưỡng lắm. Tôi và Nghĩa là đôi bạn cùng phòng D1 ở cư xá.  Mỗi phòng được trang bị 2 giường đơn, 2 bộ bàn học, một tủ quần áo to lớn dùng chung cho 2 sinh viên. Nghĩa là bạn thân nhất của tôi ở cư xá. Tôi hiền, nhút nhát bao nhiêu thì Nghĩa gan lì và ưa chuyện đánh đấm bấy nhiêu. Rất nhiều lần cùng đi chơi, tôi phải ra tay can gián bạn Nghĩa, không thì những cuộc ấu đã với thanh niên địa phương không tránh khỏi.  Hai đứa tập-tễnh-ăn-chơi như thế nào đó mà sang năm thứ 2 phải bán bớt chiếc Urago của tôi mới bù đấp được khoảng hao hụt. Hai đứa cùng đèo nhau bằng chiếc xe đạp của Nghĩa. Thời đó sinh viên đa phần dùng xe đạp làm phương tiện đi lại. Hiếm hoi lắm mới có bạn sinh viên con nhà thật giàu có đi xe gắn máy. Thời đó thường là solex, mobylette  hoặc geobel… chứ chưa có Honda. Hàng năm, dịp nghỉ hè 3 tháng, chúng tôi về quê thăm nhà (chứ Tết, ít ngày nghỉ và chi phí xe cộ tốn kém lắm, nên thường đa số sinh viên miền Nam hay ở lại Huế ăn Tết). Suốt 3 năm học, tôi chỉ  một lần đi và một lần về (Huế-Saigon) bằng máy bay mà thôi- dù có giảm giá cho sinh viên nhưng đối với chúng tôi cũng vẫn là nặng lắm.
Những ngày hè về quê, cứ thường xuyên tôi lên nhà Nghĩa ở chợ Đồn (Biên Hòa) và Nghĩa xuống Saigon chơi với tôi. Gia đình tôi và gia đình Nghĩa coi chúng tôi như con cháu trong nhà, có gì ăn nấy, sinh hoạt tự nhiên. Cũng có sự trùng hợp ngồ ngộ: Ba Nghĩa hành nghề y tá tư, còn Ba tôi cũng là y tá - công tác tại phòng y tế học đường trường trung học Tân An lúc đó. Tôi từ Trà Vinh mới vừa chuyển nhà lên Saigon là tôi ra Huế học ngay nên tôi chẳng có bạn bè ở đây, mà chỉ có ít bà con họ hàng thôi, cho nên thời gian 2 đứa ở Saigon thường dẫn nhau đi cine hoặc thăm thú nơi nầy chốn nọ. Có một lần, ngang qua ngôi biệt thự song lập sang trọng gần khu sở thú, Nghĩa đứng nhìn trân, trầm trồ ao ước nói “mai kia tao với mầy sắm hai ngôi nhà liền kề gần nhau như vầy nghe Nhàn…” Muốn đâu ắt là được. Mệnh số cuộc đời đẩy đưa rồi… do thiên mệnh thôi. Ngày nay, tôi và Nghĩa có cuộc sống tương đối tốt về kinh tế, nhà tầng cũng có mà-ai-đem-sắp-liền-kề cho được đâu. Nghĩa nhỉ!  Còn Nghĩa sinh quán và sinh sống ngay tại Biên Hòa nên bà con, họ hàng, bạn bè rất nhiều. Tôi theo Nghĩa làm quen và thân thiết với nhiều bằng hữu của Nghĩa. Anh Năm, bạn Thảo, thằng “Cọp Biên-Hùng”… vui vẽ thù tiếp tôi ly bia, chén rượu; vắng “ anh Nhàn” hơi lâu là chúng nhắc hỏi…

(Còn tiếp)




Không có nhận xét nào: