Chuyện ông già từ quê lên phố
Bài 9: Thời Gian Ít Ỏi Ở Lại Cần Thơ
(Hoàng Đằng viết tặng người thân, bằng
hữu và môn đệ cũ)
Theo kế hoạch do “ban điều hành chuyến đi” vạch trước,
sáng 22/12/2015, thăm chợ nổi Cái Răng.
Tên Cái Răng hơi lạ, lão tìm hiểu qua các tài liệu và
biết được như sau: Cái Răng hiện là tên một quận của TP. Cần Thơ và cũng là tên
một cái chợ nổi họp trên mặt nước sông Hậu.
Cái Răng là do từ Kran hay Karan (tiếng Khmer) nói
trại ra. Kran (Karan) – người Việt mình gọi là cà ràng – là cái bếp nấu nướng
dùng trên thuyền bè của dân buôn bán đường sông hay dân cư ngụ trên thuyền.
Bếp bằng đất nung, có hình số 8, gồm 2 phần: phần trên
dành cho củi đốt, phần dưới dành chứa tro gạt ra.
(Hình một loại cà
ràng (mượn trên Internet)
Cái cà ràng thuận tiện vì nó giữ ấm thức ăn lâu và
không gây hỏa hoạn.
Đất nung cái cả ràng phải là loại đất đặc biệt; dùng
đất sét, cái cà ràng, khi nung, nứt nẻ; dùng đất thịt, cái cà ràng, khi dùng,
dễ vỡ. Kinh nghiệm cho thấy chỉ ờ chân núi Nam Vi (Tri Tôn, An Giang) có loại
đất nung cái cà ràng tốt về chất lượng.
Dân vùng Tri Tôn sản xuất Cà Ràng hàng lọat; thương nhân
đường thủy tới mua sỉ, vận chuyển đi tiêu thụ khắp vùng sông nước Nam Bộ. Lộ
trình thuận tiện nhất là xuôi dòng sông Hậu; vùng đất có lập “tổng đại lý” cái
cà ràng, nay mang tên Cái Răng.
Chợ nổi Cái Răng cách trung tâm Cần Thơ về đường bộ
khoảng 6 km, về đường thủy, khoảng 30 phút đi thuyền nếu xuất phát từ bến Ninh
Kiều.
(Chợ nổi Cái Răng - Mượn từ Internet)
(Chợ nổi Cái Răng - Mượn từ Internet)
Chợ họp sớm từ 5 giờ và tan khoảng 9 giờ sáng. Vì vậy,
đầu hôm 21/12, anh chị em đã được “lệnh” 5:30 giờ ngày 22/12, tất cả phải đầy
đủ tại sảnh lễ tân khách sạn để ra bến Ninh Kiều.
“Mưu sự tại
nhân, thành sự tại thiên”; sáng 22/12, trời mưa nặng hạt, việc đi thăm chợ
nổi bị bãi bỏ.
Ở miền Nam, trước đây hai mùa - mưa, nắng - rõ rệt;
mùa mưa kéo dài từ đầu tháng tư đến hết tháng chín Âm Lịch; mùa khô (nắng) từ
đầu tháng 10 đến hết tháng 3 Âm Lịch; vậy mà giờ đã vào hạ bán tháng 11 Âm
Lịch, ở miền Nam vẫn còn mưa.
Thời tiết đột biến đang là mối lo của nhân loại, nào
lo quả đất ấm lên – nhiệt độ cao không chịu nổi, nào lo băng tan ở hai cực
khiến nước các đại dương dâng, ngập chìm nhiều vùng đất sinh sống trên mặt địa
cầu… Thế hệ của lão già rồi, khỏi lo - không bị ảnh hưởng mấy, nhưng các thế
hệ đến sau chắc chắn gặp nhiều khó khăn nếu loài người không cùng nhau tìm được
cách chận đứng sự thay đổi khí hậu.
Người ta nói: “Trăm
lần nghe không bằng một lần thấy”. Lão tiếc quá, đã tới Cần Thơ mà không
thấy tận mắt chợ nổi Cái Răng.
Thôi thì chỉ còn việc đi ăn sáng. Bữa ăn này do nhóm Bình Dương, Sài Gòn, và Vũng Tàu khoản đãi tại một nhà hàng sang trọng – nhà hàng Gony đường Nguyễn
An Ninh, TP. Cần Thơ. Nhiều món ăn và nhiều thức uống chế biến theo cách
(recipe) của nước ngoài. Ai thích gì cứ gọi.
Tiếp theo, xe đưa anh chị em tới tham quan Thiền Viện
Trúc Lâm Phương Nam ở ấp Mỹ Nhơn, xã Mỹ Khánh, huyện Phong Điền, TP. Cần Thơ.
(Nhà hàng Gony (mượn
trên Internet)
Thiền Viện là một quần thể công trình trải trên một
diện tích rộng 38.016 m2 gồm: cổng vào, chánh điện, tổ điện, lầu trống, gác
chuông, Quan Âm điện, Di Lặc điện, chùa Một Cột, giảng đường, khách đường, trai
đường, thư viện, phòng Đông y Nam
dược …
(Thiền Viện Trúc Lâm
Phương Nam
nhộn nhịp khách hành
hương và tham quan
(Mượn trên Internet)
Ở chánh điện, những cột gỗ to không thua gì cột các
điện trong Đại Nội Huế; tài liệu cho biết tổng số gỗ dùng trong việc xây dựng
Thiền Viện đến cả 1.000 m3, và toàn gỗ lim, nhập khẩu từ Nam Phi.
Trời còn mưa, anh chị em không tham quan đầy đủ được;
tiếc thật!
Khi vào cổng, thấy một chú thanh niên chừng 30 tuổi,
khuyết tật, ngồi bệt hai chân, bán vé số, lão không mua vé số làm gì, vì khi xổ
số, lão còn ở đây nữa đâu! Lão cầm mấy chục, hai tay dâng tặng chú; chú “nam
mô” từ chối; lão ngạc nhiên rồi quá thẹn, nghẽn họng không biết nói thế nào!
Rời Thiền Viện, xe đưa anh chị em về khách sạn trả
phòng.
Bữa trưa 22/12/2015 do gia đình bạn Lê Hoàng Nhi và
bạn Nguyễn Văn Đức mời. Bạn Lê Hoàng Nhi và bạn Nguyễn Văn Đức lo ghê! Bữa cơm
tối 21/12 tại nhà hàng Hạ Châu, hai bạn Lê Hoàng Nhi và Nguyễn Văn Đức không
dự; cả hai về nhà bạn Nhi chuẩn bị bữa cơm trưa này.
Bữa cơm dọn tại tư gia của bạn Lê Hoàng Nhi ở huyện
Bình Thủy, lão không biết xa gần, chỉ biết xe chạy một hồi lâu mới đến. Xe đậu
ngoài đường nhựa, nhiều xe mô tô ôm đang đợi sẵn, cứ hai người dùng một xe, từ
đường nhựa vào nhà, đoạn đường cũng xa – xe ôm mỗi chiếc chở vô rồi sau đó chở
ra với giá 60.000 đồng.
Tên Bình Thủy có giai thoại hay. Lão xin kể để các bạn
nghe chơi. Thuở xa xưa, gọi là Bình Hưng, rồi đổi thành Bình Phó. Năm 1852,
dưới triều vua Tự Đức, quan Khâm Sai Đại Thần Huỳnh Mẫn Đạt đi tuần thú vùng
này bằng hải thuyền, gặp sóng to gió lớn, quan cho thuyền vào một con rạch. Yên
ổn, quan đổi tên vùng này thành Bình Thủy (vùng nước yên ổn).
Ban đầu, Bình Thủy chỉ là tên thôn, rồi tên làng (xã).
Năm 1906, tri phủ Nguyễn Đức Nhuận, quê Bình Thủy, thấy thế đất quê mình có
dáng dấp một con rồng nằm, đề nghị Bình Thủy đổi ra Long Tuyền (long: rồng;
tuyền: suối nước), cai tổng Lê Văn Noãn thấy tên Long Tuyền có ý nghĩa, tán thành, nhưng tên Bình Thủy cũng hay, thôi,
tên Long Tuyền để chỉ xã, tên Bình Thủy để chỉ cái chợ và mọi người từ trên
xuống dưới chấp nhận ngay.
Năm 1975, xã Long Tuyền lấy lại tên xã Bình Thủy.
Năm 2004, TP. Cần THơ trực thuộc trung ương, xã Bình
Thủy đã đông dân, trở thành quận Bình Thủy.
Trong Nam, tên gốc từng vùng đất gìn giữ kỹ như vậy,
còn quê lão trước đây là làng Điếu Ngao, nay thành phường, nhưng không phải
phường Điếu Ngao mà chính quyền gọi tên là phường 2 – TP. Đông Hà; các thế hệ
sau chắc chắn mất gốc, không còn biết gì về tên Điếu Ngao, nghĩ mà buồn!
Vùng quê của bạn Lê Hoàng Nhi chằng chịt kênh rạch,
rậm rạp vườn cây ăn quả, không khí trong lành, yên tĩnh. Nho sĩ như bạn sống ở
đây không gì hợp bằng!
Bữa cơm trưa 22/12/2015 dọn ra nóng hổi, gồm những
thức ăn miệt vườn miền Tây. Khách mời và chủ nhà lâu ngày mới gặp nhau, đáng lẽ
vừa ăn vừa chuyện trò thăm hỏi. Đằng này, khách ăn “khẩn trương”, “tranh thủ”
thời gian, như thử bị bỏ đói lâu ngày.
Nguyên cớ là thế này: “Ban tổ chức và điều hành chuyến
đi” dự trù rời Cần Thơ, sớm nhất, là 14 giờ; tuy nhiên, anh Phan Thuận An và
anh chị Ngô Khôn Liệu, vì công việc, phải trở về nhà trong các chuyến bay tối
22/12 – anh Phan Thuận An về Huế, anh chị Ngô Khôn Liêu về Đà Nẵng. Anh chị em
phải tạm biệt gia đình bạn Lê Hoàng Nhi lên xe về Sài Gòn lúc 13 giờ. Lần gặp
bạn cùng đi chơi lần này coi như kết thúc. Trời vẫn mưa rỉ rả, buồn cho cảnh
chia tay.
Trên đường về lại Sài Gòn, một vài anh chị em dúi
phong bì vào túi áo lão. Cảm động trước tình cảm anh chị em! Và sung sướng là
lão đem theo ít tiền trong túi, đã không hao mòn mà còn dôi thêm! Anh chị em đã
lo cho lão đủ mọi thứ trong chuyến đi: xe, tàu, máy bay, ăn uống, ngủ nghỉ và
cả tiền tiêu vặt. Anh chị em “sống trong
đời sống đã có tấm lòng. Để làm gì? Để gió cuốn đi, để gió cuốn đi!”
Dọc đường, lão thấy đây đó một vài ngôi nhà rộng, không tường che chắn, chi chít cột; cột đứng thành hàng, có mắc võng. Lão không biết là nhà dùng để làm gì; bạn lão Phạm Văn Minh cho biết đó là những quán cà phê; cà phê uống theo lối này gọi là cà phê võng – vừa nằm đu đưa vừa thưởng thức cà phê. Theo bạn Minh, ở miền Nam, còn có cà phê chuồng, nghĩa là không gian quán được ngăn thành những “chuồng”, kiểu như compartiment trên xe lửa, hai người – đương nhiên một nam một nữ - vào một “chuồng”, gọi cà phê vừa uống vừa mần chi nữa thì chỉ Trời mới biết! Dù sao, kiểu này kín đáo hơn kiểu cà phê ôm ở quê lão. Lão từng thấy một số vị cao niên, một số quan chức ngồi uống cà phê ở quán, gọi một em nhỏ cỡ con cháu mình, dưới ngọn đèn mờ, cợt nhả, choàng ôm, sờ mó… Lão thấy mà “ôốc dôộc” thay cho họ!
Xe về đến Sài Gòn khoảng trên 17 giờ. Lão lên taxi về
lại nhà “công chúa” Bích Hà. Trời vừa tối.
02/01/2016
(23/11/Ất Mùi)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét