Chủ Nhật, 10 tháng 1, 2016

Chuyện ông già từ quê lên phố: Bài XII. Trên Đường Trở Lại Quê Nhà (Hoàng Đằng)

Chuyện ông già từ quê lên phố
Bài 12: Trên Đường Trở Lại Quê Nhà

(Hoàng Đằng tâm tình với  người thân, bằng hữu và môn đệ cũ) 

Lão ăn bữa cơm trưa cuối cùng 24/12 trong chuyến đi này với gia đình “công chúa” Bích Hà.
Bích Hà lấy từ tủ lạnh ra một hộp kẹo sô-cô-la, nói:
- Em gởi quà cho các cháu, các chắt của thầy.
Lão phân bua:
- Thầy kéo cái thân xác đã mệt rồi, thành thử, ra đi cũng như trở về, thầy không mua quà gì cho ai hết. Bích Hà cho thầy từ chối, được không?
Bích Hà bày cách:
- Thầy cuốn phong kẹo này vào trong quần áo, gọn thôi; thầy đi, các cháu đang ngóng thầy về; có chút quà, bọn trẻ mừng lắm; thầy cứ nghe em đi!

Cu Bi – con trai Bích Hà – “lên kế hoạch” tiễn đưa lão ra sân bay, nói với mẹ:
- Con chở ông bằng xe máy; mẹ đi taxi; khi về, con thồ mẹ; thế là tiện nhất.
Tới ga hàng không – phần dành cho hãng máy bay giá rẻ Vietjet, Bích Hà ngồi trên ghế đá bên ngoài, đợi. Lão cảm ơn và chào tạm biệt, mấy ngày qua, Bích Hà bỏ nhiều công, nhiều của, nhiều tình cảm cho việc đón tiếp lão.
 Cu Bi đã tới đây trước, dẫn lão vào làm thủ tục kiểm hành lý. Ôi chà! Người đông ơi là đông! Ban điều hành nhà ga phải giăng dây tạo những lối đi zigzag nhiều vòng để hành khách đi lần từng người một tới quầy thủ tục, tránh chen lấn.
Cu Bi xách giùm hành lý cho lão, đi trước, lão lần theo sau. Lão lần được nửa đường thì một nhân viên nhà ga nâng dây giăng dẫn lối đi lên, kéo lão luồn qua và dẫn lão tới một quầy kiểm hành lý riêng. Cu Bi cho lão biết:
- Ông là người cao tuổi, người ta ưu tiên đó!


Cảnh chen chúc ở ga hàng không (mượn từ Internet)

“Nhất có râu, nhì bầu bụng”; rứa mà nhiều người xúi dại cho lão:
- Anh cạo râu đi cho trẻ. Trẻ thì mới hy vọng “đi thêm bước nữa”.
Ôi trời ơi! Đi hai bước, ngã cả hai rồi; chừ đứng còn chưa vững, “đi thêm bước nữa” thì nhào thôi. Quốc tế có dành quyền ưu tiên cho người cao tuổi, người khuyết tật, phụ nữ có thai, người có dẫn theo con nhỏ. Phong cách phục vụ khách của các hảng Hàng Không Việt Nam ta đang hội nhập với thế giới thành thử lão được ưu tiên là vậy.
Cu Bi giúp xong thủ tục kiểm hành lý, cháu đưa lão qua lối đi cũng zigzag nhiều vòng để lão lần vào quầy kiểm soát an ninh.
Nhân viên quầy này làm việc cẩn trọng lắm: hành lý xách tay qua máy soi, hành khách qua máy soi, cái thắt lưng, cái điện thoại cầm tay, cái máy ảnh phải lột ra, đặt lên khay để băng chuyền qua máy soi riêng. Không tặc, khủng bố xảy ra đó đây trên thế giới, khiến an ninh hàng không cảnh giác cao độ.
Cháu Bi chào tạm biệt lão rồi ra đưa mẹ về. Cảm ơn cháu nhiều nhé! Không có cháu giúp, lão chắc phải gian nan lắm mới làm xong thủ tục ở cả hai quầy: kiểm hành lý và kiểm an ninh.
Lão nghĩ thầm: Từ nay về sau, nếu còn dịp đi mô xa, lão chọn đi tàu hỏa cho khỏe. Cứ trèo lên tàu, tìm giường nằm nghỉ, rồi ngủ và tàu tới nơi. Đi tàu tốn nhiều thời gian hơn, nhưng đi máy bay, ngoài tiền vé, phải tốn tiền xe từ nhà đi Phú Bài – đường xa gần 90 km.
         
Trước đây, hành khách đi máy bay ít; ở ga hàng không, thong thả lắm; bây giờ, hành khách quá đông, tới ga hàng không, bồn chồn, “khẩn trương”; chỉ trông thôi mà đã mệt. 
Theo Wikipedia, Việt Nam đang có 4 hãng hàng không hoạt động nội địa. Đó là Vietnam Airlines, Vasco (Vietnam Aviation Service Company – một công ty con của Vietnam Airlines), Jetstar Pacific Airlines và Vietjet Air.
Hai hãng sau có vé giá rẻ. Lần đi này, lão vô, ra bằng máy bay hãng Vietjet. Vietjet Air là hãng hàng không tư nhân đầu tiên của Việt Nam, có giấy phép kinh doanh từ 20/12/2007, nhưng do trở ngại về thủ tục, phương tiện, mãi đến ngày 25/11/2011, mới có chuyến bay đầu tiên Tân Sơn Nhất (TP. Hồ Chí Minh) – Nội Bài (Hà Nội); và ngày 10/02/2013, hãng mới mở đường bay quốc tế với chuyến bay đầu tiên đi Bangkok (Thái Lan).

Máy bay của Vietjet Air

Máy bay có giá rẻ hơn cả đi tàu lửa; vì vậy, máy bay trở thành phương tiện đi lại bình dân thông dụng, không phải như trước đây chỉ dành cho quan chức cấp lớn và người có thu nhập cao. Người nghèo bây gờ đi thăm con cháu ở xa, cũng dễ trải nghiệm máy bay cho biết, ít nhất một lần trong đời.
Chuyến bay của lão dự kiến khởi hành lúc 15:20 giờ. Hành khách ngồi đợi, ê người, vẫn không nghe loa phóng thanh nhà ga động tĩnh gì. Giờ bay trễ lại gần 01 giờ. Lên ngồi trên máy bay, mới nghe loa tiếp viên xin lỗi máy bay trễ vì từ TP. Ban Mê Thuột về TP. Hồ Chí Minh không kịp.

Lần đi cũng như lần về, lão được bay trên Airbus 320. Máy bay đáp xuống sân bay Phú Bài  khoảng gần 18 giờ. Mùa này, trời đã nhá nhem tối, lão không thể thực hiện dự định ban đầu là tìm phương tiện ra ngã ba đường rẽ tránh vào TP. Huế đấu với Quốc Lộ 1, đón xe từ Đà Nẵng ra để về Đông Hà. Lão đành thuê taxi về nhà.
Ngồi trên xe, chú tài xế, vui tính, thích bắt chuyện, hỏi chuyện này, chuyện nọ. Mệt, lão ngủ gà ngủ gật, trả lời với vẻ không tha thiết lắm. Xin lỗi chú tài nghen!
Xe về đến nhà đã trên 20 giờ. Chuyến đi dài 6 ngày 6 đêm kết thúc (tối 18/12 – tối 24/12/2015).

Bạn Trần Khánh Tiếu trò chuyện với lão trong chuyến đi,  có dặn:
- Anh đi chuyến này, về anh viết lại, gởi cho anh chị em đọc với nghen!
Lão có thói quen đi đâu, làm gì, thường ghi chép lại. Trải nghiệm thế nào, viết thế ấy, không cường điệu. Viết cho mình, viết cho bằng hữu, thân nhân, môn đệ… thì phải viết cho thật, viết thật mới có thể từ trái tim đến với trái tim. Và phải viết cho chi tiết, có chi tiết mới giúp người ở nhà hình dung chuyến đi đã diễn ra thế nào.
Tập viết gồm 12 bài này xem như món quà gởi đến những người yêu thương khi đi cũng như khi về. Đặc biệt lão muốn để lại cho con cháu; hy vọng chúng sẽ thấy thế nào là tình bạn, thế nào là tình bà con, thế nào là tình thầy trò.
Lão xin nói lời cảm ơn đến tất cả những người đã góp phần để lão có chuyến đi vui vẻ này.
Lúc ăn trưa 22/12 tại nhà bạn Lê Hoàng Nhi, trong không khí ồn ào và “khẩn trương” quá vì phải “tranh thủ” lên xe trở lại gấp Sài Gòn cho kịp chuyến bay về Trung của một số bạn, lão muốn nói lời cảm ơn và tạm biệt đến bằng hữu mà phải tới từng bàn. Ở một bàn, chỉ có các bạn nữ, lão nghe một cô bạn tình cảm nói: “Bọn này có dịp sẽ kéo anh Hoàng Đằng Nam du nhiều lần nữa”. Cảm ơn cô! Lão chỉ mong thế! “Hãy yêu ngày tới dù quá mệt kiếp người. Còn cuộc đời thì ta cứ vui. Dù vắng bóng ai…” (Lời nhạc của Trịnh Công Sơn)
Lão cũng xin cảm ơn các bạn đọc đã theo dõi hết 12 bài dù toàn bộ nội dung hoặc một phần không liên quan gì đến tất cả các bạn.
Dù sao, lão vẫn tin tập viết này cũng mua vui cho các bạn một số phút giây nào đó./.

Hoàng Đằng
06/01/2016 (27/11/Ất Mùi)







Không có nhận xét nào: