Thứ Năm, 7 tháng 1, 2016

Chuyện ông già từ quê lên phố: Bài X Phần 1: Đi thăm nhà các "công chúa) và bạn cũ

Chuyện ông già từ quê lên phố
Bài 10: Đi Thăm Nhà
Các “Công Chúa” và Bạn Bè Xưa

(Hoàng Đằng viết tặng người thân, bằng hữu và môn đệ cũ)      

Phần I

Hình như thời bây giờ, người ta muốn thăm nhau thì đa số thích hẹn nhau ra một quán nước hay một quán nhậu chứ ít người thích tới tận nhà. Việc mưu sinh bận rộn chiếm nhiều thời gian; đi rề rà từ nhà này qua nhà nhà khác phiền hà cho cả khách thăm lẫn chủ tiếp; vậy mà lão lại ngược đời, muốn thăm ai đến nhà người ấy, xem cuộc sống như thế nào để đồng cảm.
Lão đã gàn, lại còn có một ông già bà con còn gàn hơn lão; tiệc cưới mà mời ra nhà hàng, ông ấy không bao giờ đi; viện dẫn  lý do:
- Ta muốn xem chú bây cưới vợ gả chồng cho cháu, lễ nghi như thế nào, hai gia đình thông nghị giao ngôn như thế nào, chứ ở nhà hàng, ồn ào, đông đúc, ta không biết gì hết thì đi làm gì! Còn ăn với uống chỗ mô nỏ được! Ăn ở nhà càng tiện hơn!
Ông già bà con lão chướng thiệt! Bây giờ, nhà cửa chật hẹp, sân vườn không có, tiệc cưới mần răng mà khỏi mượn nhà hàng được!

Sáng 23/12, lão lên kế hoạch tới thăm chỉ một vài người chí thân; lão định nhờ một anh xe ôm nào đó đưa lão đi. Bích Hà không chịu, sợ lão, sau hai ngày đi miền Tây đang mệt nhọc, giờ dầm mưa dãi nắng, có thể đổ bệnh. Bích Hà thuê taxi, cùng đi dẫn đường cho lão. Lộ trình thế nào thuận tiện do Bích Hà sắp xếp.
Nhà đầu tiên đến là nhà của “công chúa” Lê thị Mai. Đi nhà ai, lão dặn Bích Hà đừng báo trước lâu, chỉ báo khi taxi đã gần tới nơi.
Nghe bấm chuông, Lê thị Mai ra mở cửa; Lê thị Mai cùng với cậu con trai ở trong một nhà lầu rộng lớn, kín cổng, cao tường. Cậu con trai to, cao, khỏe, tốt nghiệp đại học, hiện có công việc tốt ở Sài Gòn. Trên bàn tiếp khách, trái cây và bánh trái dọn sẵn. Lê thị Mai khoe trên sân thượng có vườn cây cảnh. Lão xin phép được tham quan, Mai sợ lão leo cầu thang không nổi, chần chừ; lão cười: ”Thầy còn khỏe, không can chi mô!”.



Vườn đã đẹp thế này mà, theo lời Mai, trước đây còn đẹp hơn! Cả sáu tháng qua, Mai bỏ vườn không săn sóc. Mai qua bên Mỹ thăm con gái, con rể và cháu ngoại, mới về chưa lâu. Nhìn vườn, lão mừng cô học trò cũ có tâm hồn nghệ sĩ, yêu thiên nhiên.

Thăm xong nhà Mai, thầy trò lão hướng tới nhà “công chúa” Châu thị Ngân Hà.
Con đường dẫn đến nhà Ngân Hà đang sửa chữa, thầy trò lão xuống xe đi bộ. Không mũ nón, mỗi người mỗi cái xách, bước đi giữa nắng, trông rất “bụi”! Có lẽ chẳng ai biết đoàn người này đang đi về đâu và đang làm gì.
          Nhà Ngân Hà cũng nhà lầu, tọa lạc ở góc đường, hai mặt thoáng. Ngân Hà đang đứng bán hàng. Thấy khách đến thăm, dừng tay, vội vàng vào phòng khách tiếp.
Trên bàn, cũng đã dọn trái cây và bánh kẹo. Ngân Hà mời:
- Trái này ngon nì! Thầy ăn đi! Em lựa trái cây đàng hoàng, không phải loại có tẩm hóa chất bảo dưỡng như truyền thông nói mô!
Lão ăn, nhưng không dám ăn nhiều. Mỗi nhà mỗi ít cái bụng sẽ no; cái bụng no lên rồi dễ trở chứng. Y văn khuyên người già không nên ăn nhiều – ăn nhiều không tốt cho sức khỏe.
Ngân Hà đang làm chủ một quầy hàng thực phẩm dọn ở nhà – “siêu thị” của cô cung cấp đủ những thứ cần dùng cho người quanh xóm.


“Siêu thị” của “công chúa” Ngân Hà (Ngân Hà là cô thứ 3 kể từ trái qua phải)

Phu quân cô là anh Đào Công Nghĩa – một người có năng khiếu và ham mê thơ văn; lão đã đọc nhiều bài anh viết trên mạng; anh không có nhà, đi dự kỵ giỗ ở tỉnh xa; lão từng “văn kỳ thanh, bất kiến kỳ hình” (nghe tiếng mà chưa biết mặt). Không gặp vào dịp hiếm hoi này. Tiếc thật!
Giao “siêu thị” lại cho hai con - một trai, một gái - đang có mặt, điều hành; con trai và con gái Ngân Hà trông mạnh khỏe, thái độ thân thiện. Ngân Hà xách xắc nhập bọn.

Đoàn lên đường tới nhà “công chúa” Dư thị Lan Phương”. Lan Phương cũng ở nhà lầu. Lão nhắc đến “nhà lầu” nhiều lần vì lão muốn nói đến sự thành công của các chủ nhân trong công ăn việc làm. Sài Gòn là nơi tụ hội người từ khắp nước, chưa kể người nước ngoài; nhịp sống xô bồ đòi hỏi sự cạnh tranh sinh tồn cao; ai đứng chân được ở đây, kiếm được một chỗ ở đã khó, huống gì có được nhà cao cửa mát! 
Lão nghe nói, trong “ngũ long công chúa”, Lan Phương còn bận rộn công việc. Khi lão bước vào, trên bàn tiếp khách, cũng đã sẵn nước uống, trái cây, bánh kẹo; một số công nhân – hình như con cháu của Lan Phương – đang ai mô việc nấy. Lan Phương đang làm chủ - giám đốc – một xưởng may.

Kho hàng của Lan Phương (Lan Phương là cô tận cùng bên phải)

Lan Phương giao quyền “xử lý thường vụ” xưởng may cho đàn em, khăn gói lên đường nhập bọn.
Còn nhà “công chúa” Ngô thị Bình nữa ở ngoài TP. Bà Rịa, nhưng xa và không còn thời gian, thôi xin hẹn dịp khác, Ngô thị Bình nghen!

Đoàn tới thăm cô bạn Nguyễn thị Lê của lão. Cô Lê học chung lớp với lão ở Đông Hà từ tiểu học đến hết trung học đệ I cấp.
Cô từng làm giáo sư toán bậc trung học 2 năm: 1964 – 1965 và 1965 – 1966.
Cô nghỉ dạy theo gia đình và chọn đất lành, cô định cư ở Sài Gòn từ thập kỷ 1980, buôn bán khá thành công, nuôi dạy đàn con cô thành đạt trong cuộc sống.
Nghe Bích Hà điện thoại đoàn đang trên đường đến thăm, trong đoàn có lão; tin đến quá đột ngột, cô “cheng veng” nói trong máy:
- Chừ chuẩn bị cái chi ăn một “méng” hè!
Bích Hà trả lời:
- Chị đừng lo, thầy và các em không ăn chi mô!
Nhà cô Lê ở trong hẻm; đoàn đi bộ vào, cô ra đón, niềm nở ơi là niềm nở! Nhà cô ở cũng nhà lầu, cô mời đoàn lên phòng khách để tiếp.


Lão thăm cô bạn Nguyễn thị Lê

Đối diện ở bên kia hẻm là xưởng may của cô, hình như bây giờ cô giao lại cho con quản lý.
Cô dành thời gian vui chơi với bạn bè, sáng chiều khiêu vũ, nhờ thế, dù tuổi đã cao, cô vẫn còn trẻ đẹp, được gán cho biệt hiệu “người đẹp xuyên thế kỷ”.

Trời đã trưa. Bích Hà dẫn lão và mấy “công chúa” đi theo về thăm nhà con gái của Bích Hà và dùng cơm trưa tại đó.
Ngày mai, lão xin kể tiếp phần II của bài 10.

Hoàng Đằng
03/01/2016 (24/11/Ất Mùi)





Không có nhận xét nào: