Chuyện ông già từ quê lên phố
Bài XI: Cà Phê Tạm Biệt Sài Gòn
(Hoàng Đằng tâm tình với người thân, bằng hữu và môn đệ cũ)
Ở Sài Gòn, người thân, quen của lão khá đông. Do không
có đủ thời gian, do không biết địa chỉ, do thiếu điều kiện, lão không thể thực
hành “phương án 1” là đến thăm tất cả tại nhà. Lão có ý định bổ sung sự thiếu
sót được chừng nào hay chừng ấy bằng “phương án 2” - mời ra quán cà phê để nói
lời chào.
Nào ngờ khi nghe tin lão vào, “công chúa” Bích Hà đã
có ý ấy. Bích Hà “buộc” lão phải gởi “lịch làm việc” ở đất Phương Nam để
cô ấy lên kế hoạch. Bích Hà chọn thời điểm - sáng 24/12/2015 và địa điểm – một
trong những quán cà phê sau lưng dinh Thống Nhất – còn gọi là hội trường Thống
Nhất; cái tên “thống nhất” được dùng vì khi chiếm xong miền Nam, chính
quyền Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa và chính quyền Cộng Hòa Miền Nam Việt Nam ( Mặt
Trận Giải Phóng Miền Nam) - đã dùng nơi này hội họp để thống
nhất đất nước.
Dinh Thống Nhất
Trước năm 1975, dinh có tên là dinh Độc Lập – nơi ăn ở
và làm việc của Tổng Thống Việt Nam Cộng Hòa, một cung điện như Đại Nội ở Huế
của triều Nguyễn.
Dinh được xây từ thời Pháp thuộc, khởi công 1868 và hoàn thành 1871;
dinh là nơi làm việc của quan Thống Đốc Nam Kỳ - vị quan đứng đầu Nam Kỳ thuộc
Pháp. Dinh có tên là Dinh Norodom (tên vị vua Campuchia thời ấy).
Giai đoạn sau, quan Thống Đốc Nam Kỳ chuyển qua làm
việc ở dinh mới – dinh mà sau này, vua Bảo
Đại đặt tên là Dinh Gia Long và nay là viện bảo tàng TP. Hồ Chí Minh; Dinh
Norodom trở thành nơi làm việc của các quan toàn quyền Pháp cai trị Đông Dương.
Nhật đảo chính Pháp ngày 09/3/1945; dinh là nơi làm
việc của bộ máy cầm quyền Nhật ở Việt Nam . Đến tháng 9/1945, sau khi Nhật
đầu hàng Đồng Minh ở thế chiến II, dinh trở lại là nơi làm việc của Chính Quyền
Pháp xâm lược, tái chiếm Việt Nam .
Tháng 9/1954, dinh được Pháp bàn giao cho chính phủ
Quốc Gia Việt Nam
lúc ấy do cụ Ngô Đình Diệm giữ chức Thủ Tướng.
Khi cụ Diệm lên làm Tổng Thống lập ra Việt Nam Cộng
Hòa, dinh được đổi tên thành Dinh Độc Lập. Dinh làm nơi ăn ở và làm việc của Tổng Thống và gia đình.
Sau vụ ném bom của hai phi công Việt Nam Cộng Hòa tạo
phản - Nguyễn Văn Cử và Phạm Phú Quốc - năm 1962, dinh hư hỏng nặng, Tổng Thống
Diệm cho san bằng và xây dựng dinh mới theo thiết kế của kiến trúc sư Ngô Viết
Thụ.
Công trình bắt đầu từ 01/7/1962 đến 31/10/1966 mới
khánh thành. Tổng Thống Diệm không còn, đã bị lật đổ và bị giết ngày
02/11/1963; người chủ trì lễ khánh thành là Chủ Tịch Ủy Ban Lãnh Đạo Quốc Gia
Nguyễn Văn Thiệu.
Hội trường Thống Nhất hiện nay là địa điểm du lịch có
bán vé, không khác chi Đại Nội Huế. Mặt sau dinh, chính quyền cho thuê địa điểm
mở quán bán cà phê và ăn uống.
7 giờ sáng 24/12, lão và các “công chúa” lên taxi, đến
đây khoảng gần 8 giờ.
Khách mời do Bích Hà lo, chưa có bóng ai. Thầy trò
đành dạo chơi trên một số con đường trong khu vực dinh. Các “công chúa” tíu tít
hỏi:
- Thầy vô xem trong dinh lần nào chưa?
Lão chưa hề vào dinh, nhưng chắc chắn nội thất không
còn nguyên trạng như lúc Tổng Thống ở mà đã có sắp đặt lại rồi.
Rồi vợ chồng Trần Thị Kim Anh đến, lão mừng, bắt tay,
chào hỏi.
Cô Kim Anh hớn hở nói:
- Ông nhà cháu ít thích đi ra ngoài lắm, hôm
nay cũng đòi đi cho được; cậu biết răng không? Ông nghe tiếng cậu, ông ngưỡng
mộ và hôm nay đi để gặp mặt.
Nghe Kim Anh nói, lão mừng, nở mũi; lão ngửa mặt lên
trời hít một hơi dài, không khí trong lành ùa vào buồng phổi. Sướng ghê! Cô Kim
Anh gọi lão bằng “cậu” vì ông bà ngoại và các cậu dì của cô là dân Đông Hà, mà
Đông Hà xưa chỉ có mấy con phố, nhỏ như một làng, cư dân quen biết nhau, thân
tình nhau như trong gia đình.
Anh Trần Chi Hiếu – người Sài Gòn – thuở trai trẻ, do
công việc, ra tận Đông Hà, thấy bé Kim Anh xinh gái, mê mệt, lẽo đẽo theo rồi
duyên trời xui khiến thành chồng thành vợ và nay cả gia đình định cư ở Sài Gòn.
Anh Trần Chi Hiếu trông trẻ lắm; lão bạo dạn hỏi tuổi;
anh cho biết đã 75 tuổi – tuổi Tân Tỵ sinh năm 1941; lão ngạc nhiên hỏi:
- Có bí quyết chi mà giữ được trẻ mãi không
già rứa?
Anh cười, chậm rãi trả lời:
- Kim Anh tuyệt vời lắm! Không phải bác sĩ mà
cũng như bác sĩ; mỗi bữa ăn, bà chọn thức ăn kỹ, pha chế, nấu nướng cẩn thận,
bà lại còn quy định nghiêm nhặt giờ nghỉ, ngủ, làm việc hợp lý nữa, nhờ vợ mà
được khỏe, trẻ, chứ chẳng có bí quyết gì!
Các bạn thấy chưa? Gái Đông Hà giỏi giang thế; hèn chi
cô nào mới 18, đôi mươi là trai các nơi tới lặt sạch! Thời lão, trai Đông Hà mà
lấy được gái Đông Hà, nếu không lanh tay lẹ mắt thì khó lắm!
Ngoài “ngũ long công chúa” và cô chú Kim Anh + Chi
Hiếu, khách mời lần lượt đến tiếp: cô Phan thị Quý, cô Nguyễn thị Hảo, cô
Nguyễn thị Mỹ Hà, bạn Thái Tăng Ánh. Lão nghe Bich Hà nói có mời cô chú Nguyễn
thị Kim Thoa + Trần Minh Châu nữa, tiếc là sáng nay, ngủ dậy, Kim Thoa cảm thấy
chóng mặt, nhức đầu, cáo từ.
Mọi người vào bàn, người nào tự gọi thức uống và thức
ăn theo sở thích. Lão cứ ngồi, trông, mắt mơ màng, xa xăm. Ai cũng hỏi lão:
- Răng thầy không uống, không ăn cho rồi!
Lão chưa uống, chưa ăn vì lão còn một người bạn hôm
qua đã hứa tới nhưng phải 9:30 sáng; nếu lão uống và ăn xong thì bạn ấy chắc
không uống, không ăn gì. Bạn ấy là cô Nguyễn thị Lê.
Cô Nguyễn thị Lê, nghe nói, đã có hẹn khiêu vũ với một
partner, lỗi hẹn không được, phải tới nhảy nhiều ít với người ta.
Đúng như đã hứa, non 9:30 sáng, cô Lê đến, cô gọi “mì
xào”, lão cũng gọi “mì xào” để tỏ ra là bạn “tri âm” của cô.
Trong chuyện trò, lão cảm ơn mọi người đã đến để lão
có cơ hội nói lời chào. Lão vừa cảm động vừa hạnh phúc khi được gặp anh chị em.
Cà phê chia tay Sài
Gòn
Mấy hôm nay, ngoài một ít tiền đem theo từ nhà, lão
được đồng môn – từng cá nhân hoặc từng nhóm, người thân quen, học trò cũ dúi
vào túi áo rất nhiều tiền. Một nhón đã thành một xấp, lão đứng dậy xin được
thanh toán bữa điểm tâm sáng nay. Mọi người nhao nhao phản đối.
Hồi sáng lên taxi cùng các “công chúa”, lão đã nói
nhỏ:
- Kể từ giờ phút này, các cô để thầy chi trả
tiền xe, tiền bữa sáng nghen!
Một trong các “công chúa” chậm rãi lên tiếng:
- Mấy ngày nay, tụi em xin trả một vài khoản
mà Bích Hà không cho, huống gì thầy!
Thật sự, lão đang có nhiều tiền – nhiều đến nỗi túi quần sau không đủ chỗ chứa,
lão phải bỏ ở túi quần bên, cái túi quần phồng lên như “quả núi”, may là lão
mặc cái “áo lá nông dân” rộng thùng thình, nếu không thì lão trông “kỳ” lắm! Lão đưa bàn tay vỗ vào “quả núi”,
có ý khoe khoang. Cô Nguyễn thị Lê đến bên lão, xẳng xái nói:
- Để ta coi có mấy trong mà mần trạng rứa!
Vừa nói, cô đưa bàn tay định đút vào túi quần lão. May
mà lão hất tay cô kịp, chứ không…; lão không phải sợ cô lấy tiền mà sợ… Thôi,
sợ chi lão không nói nữa! Cô Lê lớn tuổi rồi mà còn ngây thơ lắm. Cô cùng tuổi
với lão, chỉ sinh trước mấy tháng, vậy mà cô cứ đòi lão gọi cô bằng chị - chị ở
quê lão gọi là ả, mà “làm ả ngả mặt lên!” Ối, giời ôi! Trách nhiệm nặng nề thế,
sướng sung chi mà ưng làm ả dữ rứa!
Tuy nhiên, chính cái ngây thơ, giả bộ như khờ dại ấy
mà bạn bè, dù ở đâu, dù lâu ngày không thấy mặt cô, vẫn nhớ cô và mỗi lần nhớ
là cười thầm. Cười thầm cái tinh nghịch của cô nữa; hồi đi học trung học, cô
giỏi toán; thầy cho học sinh làm “toán chạy” – thầy ra toán, trò nào làm xong
lên nộp trước được chấm nhiều điểm. Cô là nữ sinh, ngồi đầu bàn trước, “chạng
hảng” đưa chân gác lên bàn phía bên để cản đường; cô sợ ở những bàn sau có
người giải toán nhanh hơn, chạy lên nộp cho thầy trước; “quá quắt” đi
thôi! (Chuyện này bạn Nguyễn Khắc Chuân đã kể trên đặc san Hương Quê Nhà của
trường Nguyễn Hoàng).
Gần 11 giờ rồi, lão bùi ngùi chia tay những người
thân, quen, về chuẩn bị hành lý lên sân bay 1:30 trưa nay. Đến nhà Bích Hà,
các “công chúa” Lan Phương, Ngân Hà, Lê thị Mai, Ngô thị Bình cũng tạm biệt
lão, bịn rịn nói:
- Các em đáng lẽ ở lại, đưa thầy ra sân bay;
nhưng hôm nay 14/11 Âm Lịch, mấy đứa em là gia chủ, phải về mua sắm hoa quả…
cúng trên bàn thờ. Thôi xin tạm biệt thầy, chúc thầy thượng lộ bình an!
Các em học trò cũ ơi! Các em đã kính mến thầy, thầy
chỉ xin được nói lời cảm ơn. Hy vọng thầy trò còn gặp lại!
Mời các bạn đọc tiếp bài 12 cũng là bài cuối cùng: “Trên đường trở lại quê nhà.”
Hoàng Đằng
05/01/2016 (26/11/Ất Mùi)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét