Thứ Sáu, 8 tháng 1, 2016

Chuyện ông già từ quê lên phố - Bài X Phần 2. Đi Thăm Nhà các "Công Chúa" và Bạn Cũ

Chuyện ông già từ quê lên phố
Bài X: Đi Thăm Nhà
Các “Công Chúa” và Bạn Bè Xưa

(Hoàng Đằng viết tặng người thân, bằng hữu và môn đệ cũ)    

Phần 2

Nhà con gái của “công chúa” Bích Hà là một ngôi nhà lầu lớn sáng sủa, hiện đại, có một khoảng không gian bên cạnh được thiết kế thành vườn đẹp, nào là trúc xanh, nào là bonsai, nào là ao cá, nào là non bộ, nào là lối đi có lướt đá. Cái cổng vào rợp lá hoa - cảnh trí của một “nhà vườn” hiếm hoi giữa Sài Gòn với mật độ dân số chen chúc. Bích Hà kể: phải mua đến hai lô đất liền kề để lập cơ ngơi này.

(Cổng nhà )

                                    (Hòn non bộ)
                                     
Lúc còn ngồi trong xe trên đường tới nhà, con gái Bích Hà đã hối thúc:
- Cơm đã dọn xong, mẹ mời ông và mấy dì về ăn, kẻo nguội!
Con cua gạch luộc to bằng hai bàn tay ghép lại đã xẻ ra nhiều miếng nằm “chành ành” trong một cái khay bên cạnh nhiều thức ăn ngon khác; mỗi miếng phô phần trứng đỏ thẩm, chiếm một nửa. Chưa ăn, mới nhìn, lão đã chảy nước miếng! Nghe cháu – con gái Bích Hà – cho biết cua này mua từ Cà Mâu lên lận đó!



Cơm trưa 23/12/2015
Từ trái qua phải:
Con rể, con gái của Bích Hà, “công chúa” Ngân Hà, lão - tác giả bài, “công chúa” Lan Phương, “công chúa” Lê thị Mai + Bích Hà đang bận lấy ảnh.

Cơm trưa vừa xong thì “công chúa” Ngô thị Bình từ TP. Bà Rịa vào. Ngô thị Bình, sau khi đã lên Sài Gòn nhập đàn đón lão trưa 19/12, qua ngày 20/12 phải về lại Bà Rịa để lo việc nhà, nay lên lại.
Cả 5 “công chúa” ra vườn chụp ảnh. Bức ảnh bên hàng trúc gợi nhớ bài thơ “Đây thôn Vỹ Dạ” của thi sĩ Hàn Mạc Tử. Các cô tạo dáng e thẹn, mường tượng lại thuở mới yêu của mình – cách đây trên dưới cũng đã 40 năm. Đứng dưới bóng tre, hẹn hò, trông ngóng, chờ đợi trong hồi hộp người yêu đến.



Lá trúc che ngang mặt chữ điền

Sau khi thăm tận nhà một vài học trò cũ, lão thấy con cái của các cô đều xinh xắn, mạnh khỏe, lịch sự, lễ phép, lo học hành, lo làm ăn; dù còn ít tuổi, các cháu đã có những thành đạt đáng nể. Nỗi mừng của lão lại nhân lên gấp bội. Nhạc sĩ Trần Long Ẩn sáng tác bản nhạc: “Một đời người một rừng cây” với câu mở đầu: “Khi nghĩ về một đời người, tôi thường nghĩ về rừng cây …” Lão đơn giản hơn, muốn đổi lại: “Một đời người như một cây” và khi nghĩ về một đời người, lão thường ví cùng đời cây. Cây tốt mà hoa trái không ra gì thì cũng xem như chưa tốt; con cái là hoa trái của đời người đó, các cô ạ!

Tiếp tục hành trình, lão tới thăm bạn Thái Tăng Ánh – đồng nghiệp cũ của lão ở trường Công Lập Đông Hà 1970 – 1972.
Thời dạy Công Lập Đông Hà, bạn còn được bên Phật Giáo mời và giao cho điều hành trường Bồ Đề Đông Hà trong vai trò của hiệu trưởng. Nhờ thế, lão được mời qua dạy Bồ Đề trong năm học 1971 – 1972.
Bạn Ánh xin nghỉ dạy khoảng đầu thập niên 1980, cùng gia đình đến Sài Gòn sinh sống. Bạn có tình, mỗi lần về quê Cam Lộ, bạn đều tìm mọi cách đến thăm lão cho được, lâu lâu, bạn gọi điện thoại ra, hỏi thăm sức khỏe.
Sài Gòn là đất lành, nhưng việc mưu sinh đòi hỏi nhiều yếu tố nơi mỗi cư dân; gia đình bạn làm ăn rất thành công. Hiện tại, cái biệt thự ở khu Him Lam đồ sộ lắm, có tầng hầm cho xe đậu, ở các tầng trên, phòng ốc thiết kế rộng rãi, sáng sủa.


Trước biệt thự bạn Ánh

Nhà bạn, bây giờ các cháu đã có gia thất riêng, trông yên tĩnh, vắng vẻ.
Bạn tiếp lão trong phòng riêng dành cho bạn, khép kín, trang bị đầy đủ tiện nghi. Bạn đãi khách một vài thứ mứt – bạn khoe tự bạn làm lấy để dùng quanh năm; có một loại mứt mà lão chưa hề thưởng thức ấy là mứt vỏ quýt, vỏ cam; ăn the the; vài miếng rồi thèm đến ghiền!
Bạn cho biết ngày 01/01/2016, bạn tròn 70 tuổi; vợ con sẽ tổ chức lễ mừng thọ cho bạn; khách mời khoảng từ 70 đến 100 người gồm đại diện đồng môn, đại diện thân hữu, đại diện bà con nội ngoại, đại diện môn đệ cũ… Tiếc là ngày đó, lão đã về quê, không còn có mặt ở Sài Gòn, không được hưởng dịp: “trước thì mừng bạn, sau cạn mấy ly”; thôi, xin chúc buổi lễ thành công, ý nghĩa, bạn sống đến trăm tuổi để hưởng lâu dài hạnh phúc bên vợ, con!

Trời xế chiều, lão chưa được “phép” về nghỉ, các cô học trò cũ sắp đặt với nhau, nói:
- Thầy vào được Sài Gòn là dịp hiếm; thầy phải đi quanh Sài Gòn một vòng cho biết. Chúng em biết ngày xưa thầy cũng đã đến đây nhiều dịp; nhưng Sài Gòn bây giờ khác xưa hoàn toàn, rộng hơn, lâu dài nguy nga hơn, nhiều công trình hiện đại hơn.
Thế rồi trên taxi, lão dạo phố Sài Gòn, ngắm các khu đô thị mới, lầu đài nguy nga, ánh đèn lung linh, rực rỡ, luồn hầm cầu Thủ Thiêm đục ngầm qua sông Sài Gòn để biết khoa học kỹ thuật của nhân loại đã tiến bộ đến mức nào! Những đầm lầy, những ruộng đồng, những làng quê thuộc các tỉnh quanh Sài Gòn xưa, nay đã thành phố xá.
“Công chúa” Dư thị Lan Phương vốn ham tìm hiểu về lịch sử;  xe qua vùng hoạt động của bộ đội Bình Xuyên trước đây, Lan Phương giới thiệu với lão:
- Em nghe người ta nói lại vùng này xưa kia là căn cứ Bình Xuyên đây thầy! Cây cối rậm rạp, hoang vắng, giờ thì phố xá rồi, đẹp không thầy?
          Bình Xuyên là lực lượng tập hợp, đa số, những tay giang hồ hảo hán ở vùng quanh Sài Gòn – Chợ Lớn tự phát nổi dậy chống Pháp trở lại tái chiếm Sài Gòn năm 1945 do Dương Văn Dương (1900 – 1946) làm thủ lĩnh, ít lâu sau, phiên chế vào bộ đội của Việt Minh. Bình Xuyên là tên mượn của ấp Bình Xuyên, làng Chánh Hưng, huyện Nhà Bè, Sài Gòn. Có người còn giải thích: “bình” là dẹp yên, “xuyên” là vùng chi chít kênh rạch. Năm 1946, Dương Văn Dương tử trận, Dương Văn Hà – em cùng cha khác mẹ với Dương Văn Dương – lên thay. Qua năm 1948, một bộ phận Bình Xuyên do Lê Văn Viễn (1904 – 1971) ly khai về cộng tác với Pháp và chính quyền Quốc Gia Việt Nam của cựu hoàng Bảo Đại. Nhóm Bình Xuyên này được quân xâm lược Pháp cho hưởng nhiều đặc quyền, đặc lợi: chủ nhiều sòng bạc, nhiều nhà thổ, nhiều nhà buôn, nắm quyền như lực lượng công an cảnh sát vùng Sài Gòn, Chợ Lớn. Khi cụ Ngô Đình Diệm về chấp chánh, nhóm Bình Xuyên không phục tùng và bị dẹp tan tháng 9 năm 1955, thủ lĩnh Lê Văn Viễn đào tẩu qua Pháp sống lưu vong đến lúc mất, còn một bộ phận do Võ Văn Môn rút về lập căn cứ ở miền Đông Nam Bộ; đến năm 1960, gia nhập lực lượng của Mặt Trận Dân Tộc Giải Phóng Miền Nam Việt Nam.

Trời tối lâu rồi. Taxi chạy “đã”, trở lại khu trung tâm Sài Gòn, để lão xem thêm Parkson Hùng Vương Plaza. Hàng hóa ở đây, trông qua, cũng tương tự như ở Diamond Plaza mà lão đã được hướng dẫn xem tối 19/12.
Lão và các “công chúa” ghé một quầy ăn tối trong Plaza.


Phần ăn tối 23/12/2015 của lão ở Parkson Hùng Vương Plaza

Thức ăn ngon, mỗi người mỗi dĩa. No rồi. Về nhà nghỉ.
Đêm nay (23/12/2015), nhà Bích Hà còn chứa chấp lão và thêm 03 “công chúa”; Ngô thị Bình đang có chồng đi cùng lên Sài Gòn, phải về, lệnh chồng!

Mời các bạn đón đọc ngày mai bài 11: “Cà phê chia tay Sài Gòn”.

Hoàng Đằng
04/01/2015 (25/11/Ất Mùi)






Không có nhận xét nào: