Chuyện ông già từ quê lên phố
Bài 6: Dự Một Tiệc Cưới ở Sài Gòn
(Hoàng Đằng viết tặng người thân, bằng
hữu và môn đệ cũ)
Gia đình cô Nguyễn thị Mai (còn có tên Nguyễn thị Ba),
cựu học sinh khóa 7 trường Công Lập Đông Hà (vô lớp 6 niên khóa 1968 – 1969),
định cư ở Sài Gòn, tổ chức tiệc mừng con gái lấy chồng tại nhà hàng khách sạn
năm sao Sofitel.
Cái chỗ tổ chức tiệc ấy đủ nói lên sự thành công trong
làm ăn của gia gia đình Nguyễn thị Mai như thế nào rồi.
“Công chúa” Bích Hà là một trong khoảng 500 khách mời.
Hôm trước, Bích Hà nói với lão:
- Thầy đã vào đây, em sẽ nói với Mai mời
thầy đi luôn thể. Thầy đi để xem một tiệc cưới ở Sài Gòn có gì lạ, nhất là tiệc
cưới tổ chức ở nơi sang trọng; thêm vào đó, thầy sẽ gặp lại một số học trò cũ,
chắc chắn không những các trò mừng lắm mà thầy cũng mừng!
(Từ trái sang phải:
Hoàng Đằng, Trần
Minh Châu, chú rể, cô dâu, Nguyễn thị Kim Thoa, Nguyễn thị Bích Hà)
Lúc đầu, lão một nửa muốn đi, một nửa không. Vì sao
để lão xin giải thích: Các bạn lão mời
lão vào chỉ để đi chơi, thành thử, lão đem theo chỉ trang phục đi đường. Lão
nghĩ dự tiệc cưới Sài Gòn, người ta – nam giới cũng như nữ giới – trang điểm,
trau diện ghê lắm. Lão “lòi xòi”, lộn vào trong ấy, trông không giống ai. Tuy
nhiên, rốt cuộc, cái muốn đã lấn lướt cái không và lão quyết định đi để về kể
cho các bạn đây.
*
* *
Trước khi đi, lão xin “công chúa” Bích Hà cái phong bì
để đựng “quà” mừng tân lang tân nương; Bích Hà đưa cho lão cái phong bì đã sẵn
quà, “lệnh”:
- Thầy giữ cái này là riêng phần thầy,
tới nơi, thầy bỏ vào “thùng mừng hạnh phúc”, bên cạnh, có quyển sổ, thầy ký và
ghi tên thầy vào.” Chuyện ký vào sổ, hơi lạ đối với lão; ở quê,
không có chuyện này.
Bích Hà gọi taxi chở thầy trò đến nhà hàng. Một vài
học trò cũ và một ít người quen, thấy lão, tay bắt mặt mừng, chớp ảnh lia lịa,
xuýt xoa chào hỏi, tỏ vẻ ngạc nhiên lắm về sự hiện diện của lão ở đây, lúc này.
(Thầy trò dự tiệc
cưới)
Người dự bên nam giới ít hơn bên nữ giới và họ ăn mặc
bình thường thôi, thành ra, lão yên tâm.
Bên nữ giới, ngoài một số rất ít mặc áo dài truyền
thống, đa số diện theo thời trang: đầm ngắn, đầm dài, váy ngắn, váy dài, đủ ngũ
sắc. Nhiều kiểu thời trang chỉ có một tấm vải thiết kế để khoác lên cơ thể, hở
cả ngực cả lưng, rủ xuống tận gót chân, hai bên xẻ vạt, không may kín.
Trông vậy, lão nghĩ phụ nữ Việt Nam tiến bộ đáng nể. Ở miền Nam,
đầu thập kỷ 1960, bà Trần Lệ Xuân (1924 – 2011) - phu nhân của ông Ngô Đình Nhu
(1910 – 1963), cố vấn cho tổng thống Việt Nam Cộng Hòa Ngô Đình Diệm (1901 –
1963), cũng là đại biểu quốc hội – khuyến khích dùng cái áo dài, thay vì cổ
cao, khoét cổ tròn để hở một phần không đáng kể ngực và lưng mà bị dư luận “ném
đá” - cho là không nghiêm túc. Còn ở ngoài Bắc, mãi đến những năm đầu thập kỷ
1980, phụ nữ còn mặc cái áo sơ mi thiết kế rất đơn sơ và cái quần dài bó ống
chỉ che ngang cẳng chân.
Ngọt bùi nhớ lúc đắng cay,
Ra sông nhớ suối, có ngày nhớ đêm.
(Tố Hữu)
Nhớ lại, ôn lại để cùng mừng! Phụ nữ Việt Nam
bây giờ có thể “sánh vai cùng năm châu bốn bể” về thời trang.
Đến giờ vào tiệc, lão ngồi với mấy người thân quen ở
cái bàn gần cửa. Chọn thế để được thoáng.
Thủ tục khai tiệc, ở đây, đơn giản; MC (Master of
ceremony – người dẫn chương trình) giới thiệu tứ thân phụ mẫu, cô dâu chú rể
lên sân khấu, vị đại diện hai gia đình phát biểu, rồi thôi!
Tiệc bắt đầu, các món ăn dọn dần ra; dĩ nhiên, món nào
cũng cầu kỳ. Bàn tiệc rộng hơn bàn ở quê lão; giữa bàn, có gắn cái mâm bằng
thủy tinh xoay, thức ăn dọn ra, người này xúc hay gắp xong, xoay mâm để thức ăn
gần người kế tiếp. Ở quê lão, trước kia thì không, vài năm gần đây, một vài nhà
hàng cũng có trang bị mâm xoay.
Đội ngũ phục vụ đi lui đi tới; sau khi thực khách dùng
xong một món, họ thu hồi chén, dĩa, ly, muổng, nĩa, khăn tay… đã dùng, thay
vào bộ mới để dùng món ăn tiếp. Việc này ở quê lão hình như chưa có, thực khách
chỉ dùng một bộ dụng cụ để ăn suốt cả bữa.
(Bàn tiệc Sofitel)
Lúc đầu, lão nghĩ làm chi mà rườm rà, lãng phí công
lao động ri! Nghĩ kỹ mới ngộ ra rằng lão hiểu biết chưa thấu đáo. Thế này mới
phân biệt được tiệc nào là sang, tiệc nào là không sang và cũng để tạo thêm
công ăn việc làm cho xã hội.
Ở nước ta, điền thổ thu hẹp dần do phải dành đất mở
các khu đô thị mới, các khu dân sinh mới, các khu công nghiệp, các khu dịch vụ
giải trí, các khu thể thao thể dục, nông nghiệp đang cơ giới hóa, lao động sử
dụng ít; nhà máy, xí nghiệp, công ty … sử dụng công nhân chưa nhiều, việc sử
dụng lại không bền vững; cứ qua một lần kinh tế khủng hoảng, không ít nhà máy,
xí nghiệp, công ty … phải đóng cửa; thành thử, lượng người thất nghiệp đông;
vậy nên nhà hàng bày thêm nhiều việc không đáng bày này để thuê thêm người làm,
nhiều ít góp phần ổn định xã hội (!!!)
Suốt cuộc tiệc, không thấy ca hát, nhảy múa như ở quê
lão. Không khí trầm lắng ấy có thể nhiều người không thích, nhưng lão thì thích
- dự tiệc cưới cũng là cơ hội gặp người thân, quen, sự yên lặng giúp lão chuyện
trò dễ dàng hơn.
*
* *
Tiệc cưới xong, lão cùng Bích Hà, Kim Chi – em Bích Hà
- và Văn Kế Thế - một người thân quen - lên taxi về. Anh tài xế người Bắc – cựu
binh chiến trường Campuchia – chọn Sài Gòn định cư - nghe lão nói giọng Bắc
Trung Bộ, rối rít thông tin cho lão biết:
- Ông đi dự những chỗ như nhà hàng này, có khi
người ta đặt một mâm đến 2,000 USD nghĩa là gần 4,500,000 VND/khẩu phần, thấp
nhất cũng phải khoảng 800,000 VND/khẩu phần.
Lão rùng mình. Là nông dân, lão đem giá lúa ra tính,
một người ăn một bữa mà mất gần một tấn lúa – sản lượng trung bình của 5 sào
(500 m2/sào) ruộng một vụ nếu gặp mưa thuận gió hòa.
Lão thấm thía hơn mức chênh lệch giàu nghèo của người
Việt Nam
hiện giờ.
Thống kê GDP đầu người Việt Nam năm 2015 là 45,7 triệu VND (#
2,109 USD), nghĩa là gần 4,000,000 VND/tháng/người.
Lão nhìn những gia đình ở quê nhà quanh lão rồi thắc
mắc: Có mô mà cao như rứa! Giờ vào
đây, lão mới ngộ ra rằng người ta, khi tính GDP, lấy phần người thu nhập cao bù
qua phần người thu nhập thấp hoặc không có thu nhập, mà ở những thành phố lớn,
hình như số người thu nhập cao nhiều hơn số người thu nhập thấp hoặc không có
thu nhập, nên đổ đồng, GDP đầu người mới đạt mức ấy.
Mong các nhà lãnh đạo quốc gia có chính sách sao đó để lợi tức của mọi người Việt Nam đều giàu!
Lão rất mừng được trải nghiệm nhiều chuyện kỳ thú qua
dự tiệc cưới này ở khách sạn 5 sao.
Lão xin cảm ơn “công chúa” Bích Hà đã tạo cơ hội, xin
cảm ơn cô chú Nguyễn thị Mai đã đón tiếp, xin trân trọng tình cảm của những học
trò cũ và những người thân quen mà lão may mắn gặp trong dịp này!
Hoàng Đằng
Hoàng Đằng
30/12/2015 (20/11/Ất Mùi)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét