Chuyện ông già từ quê lên phố
Bài VIII. Qua Cần Thơ
Bài VIII. Qua Cần Thơ
(Hoàng Đằng viết tặng người thân, bằng
hữu và môn đệ cũ)
Rời nhà hàng Xẻo Mây, sau bữa cơm trưa, xe rời tỉnh
Tiền Giang lên đường qua Cần Thơ.
“… Ai qua Tiền Giang, xuống phà Mỹ
Thuận.
Ai đi Hậu Giang, đến bắc Cần Thơ …
(Lời trích từ bài hát “Về miền Tây”)
(Lời trích từ bài hát “Về miền Tây”)
Đó là chuyện quá khứ. Bây giờ, qua sông Tiền, đã có
“cầu dây văng” (một dạng cầu treo) Mỹ Thuận; qua sông Hậu đã có “cầu dây văng”
Cần Thơ.
Cầu Mỹ Thuận dài 1.535,2 mét, rộng 24 mét, nối tỉnh
Tiền Giang với tỉnh Vĩnh Long, khởi công xây dựng 06/7/1997 và khánh thành
21/5/2000 với sự trợ giúp một phần về tài chánh và kỹ thuật, chuyên gia của Úc.
Cầu Mỹ Thuận (Hình
mượn trên Internet)
Cầu Cần Thơ dài 2.750 mét, rộng 23,1 mét nối tỉnh Vĩnh
Long và thành phố Cần Thơ, khởi công xây dựng 25/9/2004, dự kiến hoàn thành
14/12/2008; rủi là trong thời gian thi công, xẩy ra tai nạn: một phần cầu bên
phía Vĩnh Long bị sập ngày 26/9/2007; 55 người chết và khoảng 80 người bị
thương; ngày hoàn thành chậm lại, mãi đến 24/4/2010, cầu mới được khánh thành;
cầu Cần Thơ được xây dựng với vốn ODA (Official Development Assistance – nguồn
trợ giúp phát triển từ chính phủ) và sự
đóng góp chuyên gia, kỹ thuật của Nhật. Hiện nay, từ Vĩnh Long trước khi qua
cầu, bên phải, người ta có lập một miếu thờ các nạn nhân của vụ sập cầu – những
kỹ sư, công nhân tử nạn được xem như hy sinh cho công cuộc xây dựng đất nước.
Cầu Cần Thơ (Hình
mượn trên Internet)
Hai chiếc cầu trên là công trình hiện đại của ngành
giao thông vận tải Việt Nam ,
là thắng cảnh thu hút khách du lịch và góp phần làm đẹp diện mạo đất nước Việt Nam .
Đến Cần Thơ đã quá nửa buổi chiều, trời không nắng.
“Ban điều hành chuyến đi” đã sắp xếp cho ở lại đêm 21/12 tại khách sạn Huy
Hoàng trên phố Ngô Đức Kế. Xe đổ người cách khách sạn hơn 100 mét; lão tưởng
phố Ngô Đức Kế hẹp, té ra không phải. Phố khá rộng; lão thắc mắc với bạn đi bên
cạnh; bạn cho biết rằng chính quyền Cần Thơ quy định rất nghiêm: Có nhiều phố
cấm không cho xe khổ lớn và trọng tải nặng vào. Rứa thì khó khăn hơn quê lão
nhiều! Ở quê lão, đường bê-tông rộng 3 mét, xe chở 10 tấn vào được cứ vào,
chẳng ai có ý kiến.
Ai có vợ hoặc chồng được ưu tiên xếp phòng riêng, gối
mềm hơn, chăn ấm hơn, giường có độ nhún nhiều hơn (!!!). Số còn lại cứ 3 người
một phòng, không xếp lộn xộn mà 3 nữ ngủ với nhau, 3 nam ngủ với nhau. Lão ngủ
chung phòng với bạn Trần Khánh Tiếu và bạn Bùi Quang Xuân ở lầu 1.
Lão đi gặp từng cặp vợ chồng, năn nỉ:
- Chúng ta còn ngồi xe di chuyển, các bạn, dù
nằm chung với vợ hoặc chồng, đêm nay nên nhịn nín, vợ chồng cả đời, gắng nhịn
một đêm nghen! Không thì ngày mai mang “phong long” lên xe, rủi lắm!
Dặn thì có dặn, không biết các bạn ấy có nghe lời
không. Mừng là chuyến xe an toàn từ đầu đến cuối.
Lão cùng Trần Khánh Tiếu, Bùi Quang Xuân, Nguyễn Đăng
Vận rủ nhau ra bến Ninh Kiều chỉ cách đó khoảng 05 phút đi bộ.
Bến Ninh Kiều nằm ở hữu ngạn sông Hậu, nay là công
viên, trang trí khá đẹp, có diện tích khoảng 7.000 m2, phố Hai Bà Trưng bên
cạnh được quy hoach thành Phố Đi Bộ buổi tối. Truyền thuyết kể rằng ngài Nguyễn
Phúc Ánh, khi chưa giành được cả nước để lên ngôi, lấy niên hiệu Gia Long, có
lần đưa đoàn thuyền theo sông Hậu, vào thủ phủ Trấn Giang (tên hồi ấy của Cần
Thơ); đoàn thuyền ghé bến sông này, đêm, ngài nghe vọng tiếng ngâm thơ, đàn, hát;
và ngài liền đặt tên cho đoạn sông có bến là Cầm Thi Giang (Cầm: đàn; thi:
thơ).
Bến ngày ấy, chắc chỉ là lối mòn của dân quanh vùng
lên xuống bờ sông, có thuyền bè không nhiều ghé để bốc dở hàng hóa và đưa đón
hành khách.
Khi chiếm xong Nam kỳ lục tỉnh (1867), thực dân
Pháp, từ năm 1876, cho xây gạch kè bến; bến trở thành một giang cảng nhộn nhịp.
Dọc bờ sông, sát bến, có một hàng dương, vì vậy, bến
còn được gọi là bến Hàng Dương; sau
này, một thời, con phố chạy dọc đoạn sông có bến mang tên Lê Lợi, một số người
gọi bến là bến Lê Lợi.
Từ năm 1958, bến được đổi tên là bến Ninh Kiều, nghe quá thơ mộng! Vị quan đầu tỉnh thời ấy chắc ham
mê nghiên cứu lịch sử đã đề nghị lên cấp trên xin đổi thành tên ấy.
Ninh kiều là cầu bắc qua sông Ninh (sông Đáy) ngoài Bắc; Lê Lợi
khởi nghĩa năm 1418 từ Lam Sơn – Thanh Hóa, đánh đuổi giặc Minh đang đô hộ nước
ta; thế và lực của quân khởi nghĩa càng ngày càng mạnh. Từ ngày 05 đến ngày
07/10/1426, quân khởi nghĩa đã tập kích quân xâm lược nhà Minh, thắng một trận lớn
trên sông Ninh; cụ thể là khi quân Minh dùng cầu qua sông Ninh, quân khởi nghĩa
chặt đứt cầu, quân Minh rớt xuống sông, chết đuối, xác nghẽn cả một khúc sông.
Lão và 3 bạn ngồi ghế đá, ngắm cảnh, một chủ đò du
lịch chào mời, ra giá:
- Các ông du lịch trên sông một giờ chỉ trả
150.000 đồng.
Giá rẻ, có thể chơi được; tiếc là trời sắp tối, phải
về nhập đàn đi ăn tối.
Trong xe đi xuống Cần Thơ, bạn Trần Văn Dật ngồi ghế
cạnh lão, phàn nàn cái bụng hay táo bón, lão cũng cảm thấy vậy. Trên đường về
khách sạn, lão có mua một trái đu đủ, ăn thông ruột. Ở sảnh lễ tân, lão đến gặp
cậu thanh niên mượn con dao, cậu ấy trả lời, không chút tình cảm:
- Tối, các phòng khóa cửa rồi, không có dao.
Lão đi ngang một phòng trống, thấy trên bàn kê sát
cửa, có cây dao nhỏ, lão tự tiện lấy. Mới đem trái đu đủ ra xẻ, cậu lễ tân ra
đứng trước mặt lão, căn nhằn:
- Tôi đã bảo không có dao, ông còn đi kiếm dao
đâu dzậy?
Lão lặng lẽ, đem dao tới trả chỗ cũ; nhân viên lễ tân khách sạn đáng ra phải niềm
nở - lễ mà! Ai đời khách sạn này sử dụng nhân viên lễ tân “bặm trợn”, không gây
được chút thiện cảm!
Bữa ăn tối nay do ông bà Nguyễn Bá Yên và ông bà Trần
Văn Dật đãi. Bạn Nguyễn Bá Yên dẫn xe về ấp Nhơn Lộc 1, thị trấn Phong Điền,
huyện Phong Điền, cách Cần Thơ khoảng 15 km.
Nhà hàng có tên là Hạ Châu, rất rộng và rất thoáng,
tiếc là chỉ thấy bên trong nhà hàng, còn
chung quanh không thấy gì cả vì trời tối.
Bàn ăn xếp dọc dài. Mở đầu bữa ăn là mục: nhóm Huế, nhóm Sài Gòn trao quà cho các
bạn trong “ban tổ chức và điều hành chuyến đi”. Thức ăn dọn ra, trong các món
ăn, có món cháo rắn, lão chưa hề ăn, rùng mình vì sợ.
Bạn Nguyễn thị Ngọc Sương cùng chồng là anh Đắc có
tặng bữa ăn này một chai rượu ngoại khá lớn.
Bạn Lý Văn Nghiên rót rượu vào ly, mọi người nâng cốc,
chúc tụng nhau, rồi bạn Nghiên bắt nhịp hát bài “Nối vòng tay lớn”: “Rừng núi
dang tay nối lại biển xa …” tiếng hát đồng ca thêm tiếng vỗ tay bắt nhịp
rầm rập.
Bà chủ quán khoảng trên 40, nghe giọng hát trầm ấm của
bạn Nghiên, tới ngồi bên cạnh, thỏ thẻ:
- Em xin cùng thầy hát đồng ca một vài
bài.
Bạn Nghiên mời bà chủ quán một ly rượu, giàn máy
karaoke mở nhạc ra, bạn Nghiên và bà chủ quán ngân nga:”Đã đôi lần đến với Huế mộng mơ …”, thấy tình tứ lắm!
Chương trình văn nghệ sôi động hẳn lên; ngoài cặp song
ca bạn Nghiên + bà chủ quán biểu diễn đến mấy bài, anh Phan Thuận An – nhà
nghiên cứu sử mà cũng là nhà soạn nhạc - có đem theo CD thu một vài ca khúc do
anh sáng tác, lên lắp CD vào máy và nhạc anh thánh thót tuôn ra, âm điệu xa xăm,
gợi nhớ những giai điệu của một số nhạc sĩ tiền chiến. Rồi Nguyễn thị Minh
Hoàng, Nguyễn thị Ngọc Điệp, Nguyễn Bá Yên cùng phu nhân là BS. Mai Lê thay
nhau giúp vui, khi thì song ca, khi thì đồng ca, khi thì đơn ca.
Lão không ngờ cặp đôi Bá Yên + Mai Lê biểu diễn ca hát
“có lửa” đến thế! “Em ơi (Anh ơi)! Sáu
mươi năm cuộc đời …” Theo nhịp hát, một số anh chị em lên nhảy, điệu nghệ
ghê! Cặp Ngọc Điệp + phu quân, thêm Nguyễn thị Ngọc Hương nữa! Lão nhớ hồi học
Hán Học, chương trình không có môn khiêu vũ, vậy mà không biết ra đời các bạn
ấy học khi mô mà tài nhỉ!
Ăn xong, trên đường trở lại khách sạn, lão cứ thèm
được như bạn Nghiên; trời phú cho bạn ấy cái tài ca hát, đi mô không những bạn
bè nể mà phụ nữ cũng nhiều người mê!
01/01/2016 (22/11/Ất Mùi)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét