Giai Thoại Văn Chương :
NHỮNG CÂU ĐỐI THÚ VỊ (5)
CÂU ĐỐI ĐIỆP NGỮ và CHIẾT TỰ
Thầy giáo dạy Quốc văn đang giảng về câu đối, đưa ra một ví dụ về câu đối điệp tự thú vị như sau:
Nam thông châu, Bắc thông châu, Nam Bắc thông châu thông nam bắc;
南 通 州, 北 通 州, 南 北 通 州 通 南 北;
Có nghĩa :
* THÔNG CHÂU 通 州 là đường nối giữa châu nầy và châu khác, như đường Liên Tỉnh của ta vậy. Xin được tạm dịch là LIÊN TỈNH như sau...
- Liên tỉnh nam, Liên tỉnh bắc, Liên tỉnh bắc nam thông nam bắc;
Đoạn, Thầy đưa ra một vế đối mẫu như sau :
Đông đáng phố, tây đáng phố, Đông tây đáng phố đáng đông tây.
東 當 鋪, 西 當 鋪, 東 西 當 鋪 當 東 西.
Có nghĩa :
* Đáng Phố 當 鋪 : là Tiệm cầm đồ.
* Đông Tây 東 西 : là Hướng đông và hướng tây; nhưng Danh từ kép ĐÔNG TÂY 東 西 còn có nghĩa là Đồ Đạc, nên vế đối có nghĩa ...
- Cầm đồ đông, Cầm đồ tây, Cầm đồ đông tây cầm Đồ Đạc!
Một học sinh nổi tiếng là thông minh, lanh lợi, rắn mắt giơ tay lên xin đối. Sau khi được Thầy cho phép bèn đọc rằng:
Nam học sinh, Nữ học sinh, Nam nữ học sinh sinh nam nữ!
男 學 生, 女 學 生, 男 女 學 生 生 男 女 !
Có nghĩa :
- Học sinh trai, học sinh gái, Học sinh trai gái sinh ra con trai con gái !
Cả lớp vổ tay reo hò tán thưởng !
Lại một câu đối thời hiện đại, khi diễn tả các cấp đại biểu toàn quốc về tham dự hội nghị cấp cao ở trung ương, quốc hội... với vế ra như sau:
Đại đại biểu, Tiểu đại biểu; Đại đại biểu đại biểu Tiểu đại biểu;
大 代 表, 小 代 表, 大 代 表 代 表 小 代 表;
Có nghĩa :
- Đại biểu lớn, Đại biểu nhỏ, Đại biểu lớn đại biểu cho Đại biểu nhỏ;
Có Đại biểu thì phải có người phục vụ chiêu đãi, nên vế đối lại là:
Nam chiêu đãi, Nữ chiêu đãi, Nam chiêu đãi chiêu đãi Nữ chiêu đãi !
男 招 待, 女 招 待, 男 招 待 招 待 女 招 待!
Có nghĩa :
- Chiêu đãi nam, Chiêu đãi nữ, Chiêu đãi nam chiêu đãi Chiêu đãi nữ !
Qủa là đến nghề chiêu đãi cũng "ga-lăng" hết cở !
Lại nói, ngày xưa có một Tú Tài đi lạc trong rừng núi, gặp được một tiều phu đang đốn củi, mừng quá, bèn đến hỏi thăm đường về. Tiều phu thấy một thư sinh ăn mặc theo lối Tú Tài bèn nói rằng: "Ta có một vế đối, nếu đối được thì ta sẽ dẫn đường cho mà về". Tú tài ưng chịu, tiều phu bèn đọc rằng:
Thử mộc vi sài sơn sơn xuất;
此 木 爲 柴 山 山 出;
Có nghĩa :
- Cây nầy dùng làm củi, núi núi đều sản xuất ra nó;
Cái khó của câu đối là chữ THỬ 此 chồng lên trên chữ MỘC 木 thành chữ SÀI 柴 là Củi; chữ SƠN 山 chồng lên trên chữ SƠN 山 thành chữ XUẤT 出 là Sản xuất ra! Trong một lúc Tú Tài bí quá không biết phải đối ra sao, bỗng nghe vẳng vẳng có tiếng suối reo róc rách, chợt tỉnh ngộ, mới cất tiếng đối rằng :
Bạch thủy thành tuyền, tịch tịch đa !
白 水 成 泉 夕 夕 多 !
Có nghĩa :
- Nước trắng chảy thành suối, đêm đêm lại nhiều thêm ra!
Vế đối rất hay và rất chuẩn, vì chữ BẠCH 白 chồng lên trên chữ THỦY 水 thành chữ TUYỀN 泉 là con suối; và chữ TỊCH 夕 nầy chồng lên trên chữ TỊCH 夕 kia sẽ thành chữ ĐA 多.
Tiều phu khen hay, bèn đưa Tú Tài ra khỏi bìa rừng cũng vừa lúc xóm nhà xa xa trước mắt đang nấu cơm chiều, một làn khói lam chiều ỏng ẹo vươn lên từ các mái nhà mỗi lúc một nhiều. Tú Tài bèn buộc miệng đọc lại vế đối của mình thành :
Nhân hỏa thành yên tịch tịch đa !
因 火 成 烟 夕 夕 多 !
Có nghĩa :
- Vì lửa mà thành khói, chiều chiều lại nhiều thêm ra! (khi người ta nấu cơm chiều).
Vế đối nầy sát với thực tế và hay hơn. Chữ NHÂN 因 ghép vào bên phải của chữ HỎA 火 thì thành chữ YÊN 烟 là Khói. Chữ TỊCH 夕 là buổi chiều chồng lên nhau thành chữ ĐA 多 là nhiều.
Nói thêm :
Chữ TỊCH 夕 vừa có nghĩa là Buổi Chiều, như TỊCH DƯƠNG 夕 陽 là Nắng Chiều, lại vừa có nghĩa là ĐÊM, như TRỪ TỊCH 除 夕 là Đêm Giao Thừa.
Đời nhà Minh ở Ngô Huyện của tỉnh Giang Tô xuất hiện một thần đồng họ Thi 施 tên Bàn 盤, nhà nghèo không có tiền đi học. Mỗi ngày phải đi cắt cỏ, đốn củi ở trên núi trong rừng, lúc rảnh rỗi thì tìm đến một ông Tú Tài già ở trong làng để học lóm vài chữ. Do bản chất rất thông minh nên dần dà cũng biết đọc sách, ngâm thơ, làm câu đối...
Năm lên 9 tuổi, một hôm vào thành bán củi, đi ngang qua một tư thục nghe tiếng học trò đọc sách vang vang, bèn lần mò đến bên song cửa để nhìn trôm, cũng vừa đúng lúc ông chủ tư thục là Trương Đô Hiến đang đi kiệu về đến, nhìn thấy bèn kêu đến hỏi làm gì mà thập thò ở bên cửa sổ của trường học vây. Thi Bàn bèn ngỏ ý của mình là muốn xin được vào học. Một điều phải nói rõ là ngày xưa chỉ có các bậc phú hào, địa chủ mới có đủ tiền cất trường (còn gọi là Thư Trai), mời thầy giỏi về dạy cho các con em trong họ tộc của mình mà thôi. Thấy Thi Bàn mặt mũi sáng láng, lại nói đã biết làm thơ làm đối, Trương Đô Hiến bèn bảo rằng: "Thôi được, ta sẽ ra cho cháu một câu đối, nếu đối được thì sẽ cho vào học chung với lũ trẻ của nhà ta". Đoạn đọc câu đối như sau:
Tân nguyệt như cung, tàn nguyệt như cung, thượng huyền cung, hạ huyền cung.
新 月 如 弓, 殘 月 如 弓, 上 弦 弓, 下 弦 弓;
Có nghĩa :
Trăng non tợ cung, trăng tàn tợ cung, cung thượng huyền, cung hạ huyền.
Câu ra khó ở chỗ sử dụng 2 từ NGUYỆT, 2 từ HUYỀN và 4 từ CUNG. Nhưng Thi Bàn lại mừng thầm, tự nhủ: Học phí thì ta không có nhưng câu đối thì có thể cố gắng mà có được. Suy nghĩ một lúc, bèn đối rằng :
Triêu hà tự cẩm, mộ hà tự cẩm, Đông Xuyên cẩm, Tây Xuyên cẩm.
朝 霞 似 錦, 暮 霞 似 錦, 東 川 錦, 西 川 錦.
Có nghĩa :
Ráng sớm như gấm, ráng chiều như gấm, gấm Đông Xuyên, gấm Tây Xuyên.
Vế đối của Thi Bàn cũng sử dụng 2 từ HÀ, 2 từ XUYÊN và 4 từ CẨM. Vế đối quá hay, nhờ thế mà Trương Đô Hiến mới cho vào thư trai để học tập, và cũng nhờ thế mà ông mới thi đỗ đầu Tiến Sĩ, tức Trạng Nguyên của năm Kỷ Mùi (1439) khi mới vừa 23 tuổi.
Một môn sinh của Tô Đông Pha đời Tống, trong tiết Xuân Hàn lạnh lẽo ngồi trong thư phòng nhìn trời mưa xuân lất phất bên song cửa, xúc cảnh sinh tình đọc nên một vế đối:
Đống vũ sái song, đông lưỡng điểm tây tam điểm;
凍 雨 洒 窗, 東 兩 點 西 三 點;
Có nghĩa :
- Mưa lạnh hắt song, đông hai giọt tây ba giọt;
Chỉ tả cảnh mưa xuân bình thường, nhưng cái lắt léo ở chỗ chữ ĐỐNG 凍 là lạnh cóng do chữ ĐÔNG 東 và hai chấm 冫(lưỡng điểm) của bộ BĂNG 冫ghép lại mà thành. Còn chữ SÁI 洒 là Tưới, là hắt thì do chữ TÂY 西 và ba chấm 氵(tam điểm) của bộ THỦY 氵ghép lại mà thành.
Vế ra đã có rồi, nhưng tìm mãi vẫn không sao tìm được vế đối lại cho hay. Mãi đến mấy tháng sau, vẫn chưa tìm được vế đối lại. Mùa hè năm đó bèn đi tìm Tô Đông Pha để nhờ thầy đối lại dùm. Gặp lúc Tô đang định xẻ dưa tiếp khách, sau khi nghe xong vế ra của người môn sinh, Tô bèn cười mà trỏ vào quả dưa và cây dao đang cầm trong tay, đoạn bổ dưa ra đãi khách và thầy trò cùng ăn dưa giải khát buổi trưa hè. Thấy Tô Đông Pha cứ mãi ăn dưa mà không đá động gì đến vế đối cả, người môn sinh nóng ruột nhắc nhở. Tô bèn mỉm cười đáp rằng: "Chẳng phải là ta đã đối rồi đó sao?" Người môn sinh ngạc nhiên ngơ ngác: "Con có thấy câu đối nào đâu?!" Đến nước nầy Tô Đông Pha mới chỉ vào quả dưa mà đọc rằng:
Thiết qua phân khách, hoành thất đao thụ bát đao.
切 瓜 分 客, 橫 七 刀 豎 八 刀。
Có nghĩa :
- Xắt dưa chia khách, ngang bảy dao dọc tám dao.
Chàng môn sinh ngẩn ngơ bây giờ mới vỡ lẽ ra : Chữ THIẾT 切 là Xắt là Xẻ, gồm có chữ THẤT 七 là Bảy bên trái và chữ ĐAO 刀 là Dao bên phải ghép lại mà thành. Còn chữ PHÂN 分 là Chia thì gồm có chữ BÁT 八 là Tám ở trên và chữ ĐAO 刀 là Dao ở dưới. Vế ra và vế đối cùng có cách chiết tự giống nhau và đối nhau chan chát. Từ đó về sau chàng môn sinh càng kính phục sát đất ông thầy tài hoa Tô Đông Pha hơn nữa!
Chuyện nầy nhắc ta nhớ lại điển tích của câu đối chiết tự "Bát đao phân mễ phấn 八 刀 分 米 粉" trong bài viết "KIM là VÀNG" như sau đây:
Cuối đời nhà Minh, có một thư sinh họ Cổ 古 tên Tấn 進, tự là Phần Cử 芬 舉. Người đảo Hải Nam lai kinh ứng thí. Khi đi đến Quế Lâm, nơi nổi tiếng với bún gạo thật ngon, vì là thư sinh nghèo phải ở trọ trong chùa, nên chỉ ăn ké được có bửa ngọ trai. Buổi chiều dạo ngang qua hàng bún gạo Quế Lâm thơm phức nhưng chỉ dám đứng nhìn mà thôi. Bất ngờ ông lão chủ quán thấy điệu bộ thèm thuồng của anh ta, bèn cất tiếng hỏi: "Này anh thư sinh, lão có một vế đối tả lại công việc hàng ngày của lão, nếu anh đối được, lão sẽ mời anh một tô bún khỏi trả tiền!" Cổ Sinh khẩn khoản xin vế đối, Ông lão chủ quán bèn đọc là:
Bát đao phân mễ phấn, 八 刀 分 米 粉,
Có nghĩa :
- Xắt tám dao để chia bún gạo nhỏ ra.
Mễ Phấn 米 粉 là Bún Gạo, mà cũng có nghĩa là Bột Gạo, nên vế đối trên có nghĩa: Xắt tám dao để chia bún gạo ra thành từng sợi. Câu đối mới nghe tưởng dễ, chừng nhẫm đọc lại anh chàng thư sinh mới tá hỏa, vì chữ Bát 八 chồng lên chữ Đao 刀 thành chữ Phân 分, mà chữ Phân 分 ghép với chữ Mễ 米 thì thành chữ Phấn 粉 là Bột. Vế ra qúa hay và qúa hóc búa. Còn đang ngồi thừ ra đó để suy nghĩ, thì ông lão chủ quán đã nấu xong tô bún gạo thơm phức mang tới và cười bảo: "Ăn trước cho no bụng đi, rồi thủng thẳng hãy đối cũng chưa muộn, không sao đâu!" Vừa thẹn vừa ngỡ ngàng nhưng bụng đói qúa, anh chàng thư sinh đành cắm đầu ăn hết tô bún, nói lời cám ơn rồi đi riết về chùa. Nằm bên mái hiên chùa trằn trọc mãi không sao ngủ được. Trăn trở đến nửa đêm bỗng nghe trên chánh điện vang lên một tiếng "Bo.o.ong" thật lớn, chạy lên xem, thì ra một chú mèo ăn đêm làm rơi một miếng ngói rớt trúng qủa chuông vàng trên chánh điện. Cổ Sinh như chợt tỉnh ngộ ra, mình từ ngàn dặm đi thi mới đến được đây để nghe tiếng chuông vàng nầy, bèn ứng khẩu đọc ra vế đối: Thiên lý trọng kim chung 千 里 重 金 鍾, có nghĩa: "Ngàn dặm đến đây để trân trọng tiếng chuông vàng nầy". Hôm sau, vừa sáng sớm, Cổ Sinh bèn tươi cười ra gặp ông lão chủ quán mà đọc rằng:
Bát đao phân mễ phấn, 八 刀 分 米 粉,
Thiên lý trọng kim chung. 千 里 重 金 鍾.
Ông lão nghe xong vế đối, bèn nấu bưng ra một tô bún gạo Quế Lâm thơm phức để đãi chàng thư sinh tài hoa, vì vế đối qúa hay: Chữ Thiên 千 chồng lên trên chữ Lý 里 thành chữ Trọng 重, chữ Trọng 重 ghép với chữ Kim 金 thành chữ Chung 鍾 là Cái Chuông.
Vì tích trên đây mà ta mới có được hai câu thơ tuyệt vời của cụ Nguyễn Du để cho cô Kiều than thở nuối tiếc khi phải thất thân với Mã Giám Sinh :
Biết thân đến bước lạc loài,
Nhụy đào thà bẻ cho người tình CHUNG.
Tại sao phải là "...người tình CHUNG" Sao cô không nói:
Nhụy đào thà bẻ cho người tình LANG.
Hay...
Nhụy đào thà bẻ cho người tình XA ...v.v. và...v.v. mà phải là "người tình CHUNG"? À, thì ra cụ Nguyễn Du nhà ta đang chơi chữ một cách rất tài tình, vì "người tình CHUNG 鍾" là "người tình tên KIM TRỌNG 金 重 ! Chữ CHUNG 鍾 là do hai chữ KIM 金 và Trọng 重, ghép lại mà thành như câu đối chiết tự ở trên kia.
Để cho có hậu, kính mời đọc tiếp phần cuối của câu truyện trên ...
... Sau khi ăn xong tô bún thưởng, ông chủ quán còn cho tiền lộ phí để Cổ Tấn lai kinh ứng thí. Khoa đó chàng đậu ngay Tiến Sĩ cập đệ, khi vinh quy bái tổ trở về ngang Quế Lâm, chàng ghé lại thăm và tạ ơn ông chủ quán, mới biết ông cụ họ Trịnh, mấy đời đều sinh nhai bằng nghề làm và nấu bún gạo bán. Thấy hoàn cảnh ông cụ cũng neo đơn, Cổ Tiến bèn nhận ông làm nghĩa phụ và phụng dưỡng ông cụ suốt đời.
Hẹn bài viết tới :
NHỮNG CÂU ĐỐI THÚ VỊ (6)
杜 紹 德
Đỗ Chiêu Đức
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét