TĂNG QUẢNG HIỀN VĂN 10
寧 可 正 而 不 足 , 不 可 邪 而 有 餘 。
Ninh khả chánh nhi bất túc, Bất khả tà nhi nữu dư.
Chú Thích :
NINH KHẢ : Thà là, Thà đành, Thà cam.
BẤT KHẢ : Không thể, Không được, Không nên.
Nghĩa Câu :
Thà cam chánh trực mà không đủ, chớ không nên tà ác để có dư. Thà là ngay thẳng mà thiếu thốn, còn hơn gian ác để làm giàu. Câu nói nầy hiện đang đi ngược lại với xã hội VN trước mắt. Thà là mánh mung để làm giàu, chớ không chịu ngay thẳng đàng hoàng để chết đói.
Câu nói phải được sửa lại một cách mỉa mai như sau:
"Bất khả chánh nhi bất túc, Ninh khả tà nhi hữu dư"!
(Không nên chính trực để thiếu thốn, Thà đành tà ác để có dư!)
寧 可 信 其 有 , 不 可 信 其 無 。
Ninh khả tín kỳ hữu, Bất khả tín kỳ vô.
Chú Thích :
KỲ : là Phiếm Chỉ Đại từ, có nghĩa: Cái, Cái Mà.
Nghĩa Câu :
Thà là tin cái có, chớ không nên tin cái không có. Cái có, ý chỉ nghe thấy và có chứng cứ đàng hoàng. Cái Không có, là Cái mà chỉ nghe nói hoặc chỉ là tin đồn. Chuyện gì cũng phải tỉnh táo, không nên nghe theo những lời đồn thất thiệt.
竹 籬 茅 舍 風 光 好 , 道 院 僧 房 總 不 如 。
Trúc ly mao xá phong quang hảo, Đạo viện tăng phòng tổng bất như.
Chú Thích :
TRÚC LY : là Hàng rào bằng tre.
MAO XÁ : là Nhà lá.
ĐẠO VIỆN : là Nơi Đạo sĩ tu hành. (tu Tiên).
TĂNG PHÒNG : là Nơi Hòa Thượng tu hành. (tu Phật).
TỔNG : là Tất cả. Ở đây có nghĩa là Đều.
Nghĩa Câu :
Thà ở nhà lá rào tre mà phong cảnh đẹp đẻ nhàn nhã, Chùa chiền Đạo viện tất cả đều không bằng hết! Giữ cuộc sống cho thanh bần giản dị, yên thân với sự nhàn nhã thảnh thơi, còn hơn là đi tu phật tu tiên gì đều không bằng được cả!
命 裡 有 時 終 須 有 , 命 裡 無 時 莫 強 求 。
Mệnh lý hữu thời chung tu hữu, Mệnh lý vô thời mạc cưởng cầu.
Chú Thích:
CHUNG TU : là Rốt cuộc phải..., Cuối cùng cũng....
CƯỞNG : Danh từ đọc là CƯỜNG : Mạnh, chỉ SứcMạnh.
Cưởng là Động Từ : Dùng sức mạnh để chiếm hữu cái gì đó. Vd : Cưởng Đoạt là Giựt ngang.
CƯỞNG CẦU : là Ráng cầu cho có... cái gì đó.
Nghĩa Câu :
Trong số mệnh của mình sẽ có được cái gì đó, thì rốt cuộc cũng có mà thôi. Còn số mệnh đã không có rồi thì đừng có ráng mà cầu cho có.
Hãy yên phận với cái gì mà mình có trước mắt, đừng đòi hỏi, đèo bồng những thứ mà mình khó thể có được. Ví dụ, thấy người ta trúng số, rồi cũng bắt chước mua số, ráng mua nhiều cho trúng, cuối cùng tiền mất tật mang, ghiền mua vé số đến tán gia bại sản cũng không trúng được Độc Đắc. Cho nên, ta phải luôn luôn nhớ là... "Mệnh lý vô thời mạc cưởng cầu"! là thế." Chấp nhận hiện tại là Hạnh Phúc"!
道 院 迎 仙 客 , 書 堂 隱 相 儒 .
Đạo viện nghinh tiên khách, Thơ đường ẩn tướng nho.
Chú Thích :
ĐẠO VIỆN : Còn gọi là Đạo Quan, nơi các đạo sĩ, đạo cô tu tiên.
THƠ ĐƯỜNG : Còn gọi là Thơ Phòng (Thư Phòng) nơi các Nho sinh học tập để thi đỗ làm quan.
TƯỚNG : là Tướng bên Văn. Học văn mà làm đến Tướng thì lớn hơn Tướng bên Võ. Ví dụ như: Thừa Tướng, Tể Tướng... Cũng chữ nầy, khi đọc là TƯƠNG, thì có nghĩa: Với nhau. Như: Tương thân tương ái, Tương phùng, Tương Tư...
Nghĩa Câu :
Đạo viện thì đón khách tiên, (vì toàn là những người tu để thành tiên cả, có vẻ rầm rộ bên ngoài!) Thơ phòng còn ẩn các danh Nho Thừa tướng. (Có vẻ yên tịnh vắng vẻ, nhưng thành đạt thì cũng hiển hách vô cùng).
庭 栽 棲 鳳 竹 , 池 養 化 龍 魚 。
Đình tài thê phụng trúc, Trì dưỡng hóa long ngư.
Chú Thích :
THÊ : là Đậu, là Nương Náo. Thê Phụng: Chim phụng đậu.
Nghĩa Câu :
Trong sân trồng tre để cho chim phụng đậu. Trong ao thì nuôi cá để hóa rồng (chỉ cá Chép).
Cũng như câu trên, chỉ những chỗ tầm thường nhưng có thể ẩn chứa những nhân vật sự vật không tầm thường chút nào! Trồng tre cho vua các loài chim đậu, ao thì nuôi cá hóa rồng, thư phòng thì có Thừa tướng tương lai, đạo viện thì có khách tiên lui tới!
結 交 須 勝 己 , 似 我 不 如 無 。
Kết giao tu thắng kỷ, Tự ngã bất như vô.
Chú Thích :
Kết Giao : Kết bạn và Giao tình, tức là chọn bạn để chơi.
Tu : là Phải, Cần phải.
Tự : Ở đây nghĩa là Tương Tự : là Giống như.
Nghĩa Câu :
Chọn bạn mà chơi, phải tìm người nào hơn mình kìa, còn nếu cũng giống như mình thì cũng bằng không. Chọn người hơn mình để học cái hay, cái tốt, cái giỏi của người ta, còn bạn mà dở hơn mình hoặc bằng mình thì không có gì cho mình học được cả! Khuyên thì nói thế, chớ ai cũng tìm người giỏi hơn mình mới kết bạn, thì còn ai chơi với mình nữa!?
但 看 三 五 日 , 相 見 不 如 初 。
Đản khan tam ngũ nhật, Tương kiến bất như sơ.
Chú Thích :
Đản Khan : là Chỉ thấy, là Hãy nhìn xem, là Cứ nhìn xem.
Nghĩa Câu :
Chỉ thấy trong vòng năm ba bửa, gặp lại nhau thì đã khác lúc ban đầu rồi! Chỉ sự thay đổi và tiến bộ một cách nhanh chóng, làm người ta phải nể phục. Ta có câu thành ngữ "Sĩ biệt tam nhật, quát mục tương khan 士 別 三 日,刮 目 相 看" là: Kẻ sĩ chỉ cách nhau 3 ngày thôi, thì phải nhìn nhau bằng cặp mắt khác rồi! Lấy tích ở Tam Quốc...
Lữ Mông là tướng giỏi của Đông Ngô, nhưng vì xuất thân bần hàn thất học, chỉ giỏi võ mà không giỏi văn, được sự khuyến khích của chủ tướng Tôn Quyền, nên cố gắng chăm học, chỉ một thời gian rất ngắn đã giỏi cả binh thư đồ trận, kinh luân thao lược, đến nỗi Lỗ Túc khi làm Đô Đốc bàn chuyện binh với Lữ Mông cũng phải vỗ vai khen ngợi, và Lữ Mông đã rất tự hào mà nói lên câu nói bất hủ nêu trên. Và... cũng nhờ vậy mà sau nầy Lữ Mông mới trở thành Đô Đốc của Đông Ngô.
Ý câu nói khuyên ta không nên xem thường ai cả, có lắm người chỉ trong một thời gian ngắn, với sự phấn đấu vượt bực, đã trở nên rất xuất sắc và giỏi cả mọi mặt.
人 情 似 水 分 高 下 , 世 事 如 雲 任 卷 舒.
Nhân tình tự thủy phân cao hạ, Thế sự như vân nhậm quyện thư.
Chú Thích :
Quyện : là Cuốn lại. là Quấn lấy.
Thư : là Thư giản, là buông thả, là thả lỏng.
Nghĩa Câu :
Tình người cũng phân chia cao thấp như nước vậy, còn chuyện đời thì như mây trên trời khi quyện lại một nơi, khi thì tản mạn khắp nơi. Đây cũng là lẽ tự nhiên ở đời. Nước trên cao là khe là suối là thác, nước dưới thấp là sông hồ, ao biển, còn tình người thì phân biệt đối xử với những kẻ giàu nghèo, sang hèn, quý tiện...
會 說 說 都 是 , 不 會 說 無 禮 。
Hội thuyết thuyết đô thị, Bất hội thuyết vô lễ.
Nghĩa Câu :
Biết nói thì nói đủ thứ chuyện, nói gì nghe cũng phải cũng đúng cả. Còn không biết nói thì dễ nói những điều mích lòng, thất lễ với người khác. Không biết nói, nín thinh, lắm lúc cũng là một thái độ vô lễ đối với người đối diện.
(Còn tiếp)
Đỗ Chiêu Đức
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét