Thứ Tư, 4 tháng 8, 2021

TĂNG QUẢNG HIỀN VĂN 4 (Đỗ Chiêu Đức sưu tầm và diễn dịch)

  

               TĂNG QUẢNG HIỀN VĂN 4


 

                
    Tại gia bất hội nghinh tân khách, Xuất ngoại phương tri thiểu chủ nhân.


                 TẠI GIA : là Ở nhà.
                 BẤT HỘI : là Không biết, Không hiểu.
                 NGHINH TÂN KHÁCH : là Đón khách khứa.
                 XUẤT NGOẠI : là Đi ra ngoài, Đi xa nhà.
                 PHƯƠNG TRI : là Mới biết rằng, Mới thấy là.
                 THIỂU : là Thiếu , là ít. Khi đọc là THIẾU thì có nghĩa là Trẻ.


 NGHĨA CỦA CÂU :
         Khi ở nhà không biết cách tiếp đãi khách khứa, đến khi đi ra ngoài làm khách của người ta mới thấy là xưa nay mình đã thiếu bổn phận làm chủ của mình!  

         Câu nói nầy rất thực tế trong đời sống bình thường, đi làm khách, ai cũng bở ngở ngại ngùng, nhưng nếu người chủ biết cách tiếp đãi cho đàng hoàng chu đáo, thì khách sẽ cảm thấy dễ chịu và tự nhiên hơn. Thường có đi ra ngoài làm khách của người ta rồi, thì về nhà mới biết cách tiếp khách cho chu đáo.

 

 

                           
                      Hoàng kim vô giả, A ngụy vô chơn.


               A NGỤY : là Một vị thuốc Bắc, dạng khối, giống như A Dao, Đường phèn, mùi vị hắc như tỏi và màu sắc vô định, có thể là màu vàng dợt, vàng đậm, cánh kiến, màu đỏ, huyết dụ, chocolat, màu nâu...


    NGHĨA CỦA CÂU :
             Màu của vàng ròng ( 24 ) thì không thể giả được, chớ A ngụy thì không có màu thật của nó. Vàng 4 số 9 thứ thiệt thì làm sao mà giả cho được, ông bà mình đã nói là: "Vàng thật không sợ lửa" mà! Lửa đốt như thế nào cũng không làm cho màu vàng phai đi đượ! Còn chất A NGỤY thì lại không có màu thật của mình, màu nào cũng nói là A Ngụy được. Ở đời có nhiều thứ không bao giờ giả được, như màu vàng (golden) của vàng. (Vì ngày xưa chưa có kỹ thuật MẠ vàng, chớ bây giờ thì Mạ một cái là ra màu của vàng như chơi!) Lại có những thứ không làm sao phân biệt được thật giả như A Ngụy, thật như giả, giả mà thật!

 

 

                       
              Khách lai chủ bất cố, Ưng khủng thị si nhân.


                 CỐ : là Dòm ngó đến, là Chiếu cố, là Săn sóc đến.
                 ƯNG KHỦNG : là Chỉnh e rằng, Sợ là.
                 SI NHÂN : là Người Ngu, Ngốc, Chẳng ra gì. Người không biết điều, Người Cà chớn, giống như từ SI HÁN ở những bài trước.


 NGHĨA CẢ CÂU :
          Khách tới nhà mà chủ không ngó ngàng đến, thì  e rằng (người ta) sẽ cho mình là người ngốc nghếch không biết điều. Tiếp khách đến nhà là điều cơ bản nhất trong giao tế thường nhật, điều nầy còn không biết, còn làm không xong, thì quả là người chẳng ra chi, dễ bị người đời khinh miệt.

 

 

              
     Bần cư náo thị vô nhân vấn, Phú tại thâm sơn hữu viễn thân.


              NÁO THỊ : là Chợ búa ồn ào, nơi có đông người qua lại.
              THÂM SƠN : là Núi sâu, chỉ ở vùng sâu vùng xa.
              VIỄN THÂN : là Bà con ở xa. 


  NGHĨA CỦA CÂU :
            Nghèo mà ở nơi chợ búa ồn ào đông đảo, cũng không có ai thèm hỏi tới. Còn giàu mà ở trong núi sâu (hiểm trở khó đi) cũng có bà con ở xa tìm đến thăm. Đây là một mặt của nhân tình thế thái rất bình thường trong cuộc sống. Nghe như bi quan, nhưng thực tế vô cùng. Câu nói nầy rất thông dụng trong dân gian VN ta, và còn một dị bản như sau:
      Bần cư tại thị vô nhân thức,           貧 居 在 市 無 人 識,
      Phú tại thâm sơn hữu khách tầm.  富 在 深 山 有 客 尋.
      Nghèo mà ở chợ cũng không có người biết đến mình, còn giàu mà ở trong núi sâu cũng có khách tìm đến để thăm.

 

 

               
 Thùy nhân bối hậu vô nhân thuyết, Nả cá nhân tiền bất thuyết nhân.
             THÙY : là Ai, là Người Nào.
             BỐI HẬU : là Sau lưng.
             NẢ CÁ : là Người nào? Nả là Nghi vấn tự: Nào?


 NGHĨA CỦA CÂU :
             Ai là người mà sau lưng không bị người khác nói nầy nói nọ, Người nào mà trước mặt người nầy lại không nói chuyện người nọ người kia. Câu nói nầy đúng với đàn ông 60%, nhưng lại đúng với đàn bà 99% lận (xin lỗi các bà!) Thường thì người ta trước mặt người nầy hay nói chuyện người khác lắm!

 

 

                    
           Hữu tiền đạo chơn ngữ, Vô tiền ngữ bất chơn.
              
  Bất tín đản khan diên trung tửu, Bôi bôi tiên khuyến hữu tiền nhân.


              ĐẠO : Danh từ : có nghĩa là Con Đường, là Đạo mà người ta tu theo như Đạo Phật, Đạo Hồi, Đạo Thiên Chúa....
                        Động từ : có nghĩa là NÓI, Nói Rằng.
              NGỮ : là Lời nói. Chơn Ngữ : là Lời nói thật.
              TÍN : là Tin. Bất Tín là Không tin.
              DIÊN : là Tiệc. Diên Yến là Tiệc Tùng.
              KHUYẾN : là Khuyên, là Mời. Khuyến Tửu: là Mời rượu.


 NGHĨA 4 CÂU TRÊN:
            Có tiền thì nói gì người ta cũng cho là thật, tin là thiệt. Còn không có tiền thì lời nói sẽ không thật, chẳng ai tin, không ai thèm nghe. Không tin, thì bạn hãy cứ nhìn vào trong tiệc rượu mà xem, ly nào ly nấy người ta cũng mời những người có tiền uống trước mà thôi! Bi quan và mĩa mai quá! Nhưng cuộc đời quả đúng như thế, người ta chỉ tôn trọng và lắng nghe những người có tiền nói chuyện mà thôi, không có tiền thì đứng qua một bên! Xã hội nào cũng thế, ca dao tục ngữ của VN ta cũng có câu:
                          Tay ôm túi bạc kè kè,
                 Nói quấy nói quá chúng nghe rần rần! 

 

 

                        
                     Náo lý hữu tiền, Tịnh xứ an thân.


               NÁO LÝ : là Ở trong chốn náo nhiệt ồn ào, chỉ nơi Chợ búa, Thị thành.
               TỊNH XỨ : Tịnh là Thanh Tịnh, vắng vẻ yên lặng.
                                Xứ là Chỗ, Nơi, Nơi Chốn.


 NGHĨA CẢ CÂU :
            Ở trong chốn náo nhiệt ồn ào như chợ búa thị thành thì dễ kiếm được tiền, còn ở nơi vắng vẻ thanh tịnh thì được yên thân, không có ngựa xe phiền toái. Được cái nầy thì mất cái kia, muốn kiếm tiền thì phải chịu ồn ào phiền toái, còn muốn thanh tịnh nhàn nhã yên thân thì sẽ không kiếm được tiền!

 

 

                         
                     Lai như phong vũ, Khứ tự vi trần.


          PHONG VŨ : là Mưa Gió. Mưa gió thì ầm ầm ào ào.
          TỰ : là Tợ, Tợ như. NHƯ là thanh BẰNG. TỰ là thanh TRẮC, hai chữ nầy nghĩa như nhau, nên thường được dùng để Đối Nhau trong câu đối.
           VI TRẦN : Vi là Nhỏ, Nhẹ. Trần là Bụi bặm. VI TRẦN là làn bụi nhẹ, làn bụi mỏng.


  NGHĨA CẢ CÂU :
             Đến thì rần rần rồ rộ như mưa như gió, còn đi thì yên lặng nhẹ nhàng như làn bụi mỏng. Quả là đầu voi đuôi chuột, hổ đầu xà vĩ. Có nhiều người khi đắc thế thì phô trương rầm rộ ồn ào, đến khi hết thời rồi thì cụp đuôi cuốn gói chuồn êm!

 

 

                  
 Trường giang hậu lãng thôi tiền lãng, Thế thượng tân nhân toán cựu nhân.


               TRƯỜNG GIANG : là Con sông dài. Từ nầy lại trùng với tên một con sông dài quan trọng của miền Nam Trung Hoa là Sông Trường Giang, nên ta hiểu theo ý nào cũng được.
               LÃNG : là Sóng. Hậu lãng là Sóng sau, Tiền Lãng là Sóng trước.
               THÔI : là Xô, đẩy.
               TOÁN : là Chạy mau cho kịp. Ý trong câu là Chạy qua mặt luôn.


NGHĨA CẢ CÂU :
             Trên con sông dài thì các đợt sóng sau xô các đợt sóng trước, còn ở trên đời thì người mới sẽ lấn lướt và qua mặt người cũ. Điều nầy cũng hợp với lẽ tự nhiên thôi, ở đời hễ tre tàn thì măng mọc, tốp sau thay thế cho tốp trước, người mới thay cho người cũ là chuyện thường tình trên đời!


Còn tiếp

Đỗ Chiêu Đức







 

                 


Không có nhận xét nào: