Chủ Nhật, 8 tháng 8, 2021

 TĂNG QUẢNG HIỀN VĂN 8 (Đỗ Chiêu Đức sưu tầm và diễn dịch)


          TĂNG QUẢNG HIỀN VĂN  8

 

  

                        
                Xuất gia như sơ, Thành phật hữu dư.

 

               XUẤT GIA : là Ra khỏi nhà, là Đi Tu.
               SƠ : là Lúc ban đầu, là Ban Sơ. Sơ Sinh là Mới đẻ, Mồng, Mùng : Sơ tam Sơ Tứ là Mùng 3 mùng bốn.
              DƯ : là Thừa, Hữu dư là Có thừa.


   NGHĨA CÂU :
               Đi tu mà được như lúc ban đầu mới sơ sinh, (Nhân chi sơ, tánh bổn thiện ), thì thành Phật có thừa, là dư sức để thành Phật. Con người ta lớn lên trong gia đình và xã hội bị nhiễm đủ thứ tham sân si... Nếu giữ cho lòng được thánh thiện như lúc mới sinh ra, thì thành Phật là cái chắc! Nhưng tờ giấy trắng đã

nhuốm đủ thứ màu sắc rồi, muốn trắng lại thật khó lắm thay!!! 

 

 

                            
              Tích kim thiên lượng, bất như minh giải kinh thư.


             TÍCH : là Để dành. Tích Kim là để dành Vàng.
             MINH GIẢI : là Minh bạch lý Giải, là Hiểu một cách rõ 

                                    ràng, tường tận.

            KINH THƯ : là Sách Vở. Ở đây chỉ sách vở của các học
                               trò ngày xưa là Tứ Thư Ngũ Kinh.


    NGHĨA CÂU :

              Để dành được một ngàn lượng vàng, không bằng hiểu thấu nghĩa lý của sách vở, của Tứ Thư Ngũ Kinh. Ý câu nầy là khi hiểu thấu ý nghĩa của Kinh Thư, đi thi đậu làm quan, thì số tiền kiếm được còn hơn một ngàn lượng vàng nữa, và một lý giải cao hơn nữa là, khi thấu hiểu nghĩa lý của kinh thư, biết phải làm sao làm người cho tốt, có ích cho nhân quần xã hội... thì cái Giá Trị con người đó còn quý hơn là có được một ngàn lượng vàng mà... chỉ để trong kho cho... dán ngắm mà thôi !

 

 

              
     Dưỡng tử bất giáo như dưỡng la, Dưỡng nữ bất giáo như dưỡng trư.


             DƯỠNG : là Nuôi, ta có từ kép vừa Hán vừa Việt là
                             Nuôi Dưỡng.
             LA : là Con Lừa.
            
       NGHĨA CÂU :
              Nuôi con trai mà không biết dạy thì như nuôi con Lừa. Còn nuôi con gái mà không biết dạy thì như nuôi con Heo. 

             Lừa là con vật chỉ biết kéo xe hoặc để cỡi lòng vòng ở địa phương, chứ không có chí lớn để vượt ngàn trùng như Kỳ Ký, hay Thiên lý Mã. Còn Heo thì chỉ có nước vổ béo để tìm nơi gả bán mà thôi! Nghĩa đã rõ, ai muốn hiểu thêm thế nào cũng đựợc!

 

 

               
           Hữu điền bất canh thương lẫm hư, Hữu thư bất độc tử tôn ngu.
              
           Thương lẫm hư hề tuế nguyệt phạp, Tử tôn ngu hề lễ nghĩa sơ.

 

Chú thích :
               THƯƠNG LẪM : Thương là KHO, Lẫm là VỰA , Thương lẫm là Nhà Kho. Ở đây chỉ Cái Bồ Lúa trong nhà ngày xưa.
               HƯ : là Trống không, là Vơi đi. Doanh Hư : là Đầy Vơi.
               ĐỘC : Xin nhắc lại, ngoài nghĩa Đọc, ĐỘC còn có nghĩa là HỌC. Độc Thư : là Học tập, Học hành.
               PHẠP : là Thiếu, là Mẻ. Khuyết Phạp : là Thiếu thốn.
              SƠ : là Thưa thớt, là Hời hợt.


Nghĩa câu :
              Có ruộng mà không chịu cày, thì bồ lúa sẽ trống không, Có sách vở mà không biết học, thì con cháu sẽ ngu dốt. Bồ lúa trống không thì ngày tháng tới sẽ thiếu ăn, Con cháu ngu dốt thì sẽ không biết gì là lễ nghĩa.

 

 

                      
            Đồng quân nhất dạ thoại, Thắng độc thập niên thư.


Chú Thích :
         THOẠI : là Lời nói. Động từ là Nói Chuyện: Đàm Thoại.
         THẮNG : là Được (trái với Thua). Ở đây có nghĩa là HƠN.


 Nghĩa Câu :
            Nói chuyện với anh một đêm còn hơn là đọc sách mười năm. Đây là cách Nói Nhấn dùng để chỉ người có kiến thức uyên bác, học nhiều hiểu rộng, nói chuyện với những người nầy một đêm, sự thu hoạch còn hơn cả mười năm đèn sách.

 

 

                     
            Nhân bất thông kim cổ, Mã ngưu nhi khâm cừ.


Chú Thích :
            KHÂM CỪ : Khâm là hai vạt áo đối xứng hai bên, nên KHÂM HUYNH ĐỆ là Anh em Cột Chèo. Cừ là hai vạt áo lớn trước và sau của loại áo dài xưa, nên KHÂM CỪ : là Phiếm chỉ Quần áo của con người mặc.


Nghĩa Câu :
            Người mà không thông chuyện kim cổ, (Chuyện xưa không biết, chuyện nay cũng không thông, ý chỉ không chịu học hành, không hiểu biết gì cả!), thì như ngựa trâu mà mặc quần áo vậy. (ý chỉ không biết gì là lễ nghĩa ở đời.)
            Đây là hai câu thơ trong bài thơ "Phù Độc Thư Thành Nam" của Hàn Dũ (Một trong Đường Tống Bát Đại Gia) đời Đường. Ông chỉ muốn nói là nếu không chịu học thì không hiểu gì về cách xử thế ở đời mà thôi, nhưng về sau khi hình thành Thành Ngữ "KHÂM CỪ MÃ NGƯU 裾 馬 " (Ngựa trâu mặc quần áo) thì nghe nặng nề như đang "xài xể" ai vậy! Trong khi đó thì TAM TỰ KINH lại nói một cách rất nhẹ nhàng là: "Ngọc bất trác, bất thành khí. Nhân bất học, bất tri lý" mà thôi!

 

 
             
     Mang mang tứ hải nhân vô số, Nả cá nam nhi thị trượng phu.


Chú Thích :
          MANG MANG : là Mênh mông , bao la.
          NẢ CÁ : là Cái Nào, Người Nào.
          TRƯỢNG PHU : là Đàn Ông, là Đại Trượng Phu, là CHỒNG. Xin được chiết tự chữ Trượng Phu như sau: Trượng là 10 thước, Phu là Người Đàn ông mạnh khỏe. Trượng Phu: Người đàn ông cao lớn và mạnh mẽ,  nghĩa bóng là Người đàn ông có chí lớn, đáng mặt đàn ông, và... Bất cứ người phụ nữ nào cũng muốn có được một người phối ngẫu như thế, nên... nghĩa phát sinh và lại rất thông dụng của từ Trượng Phu là: CHỒNG.


Nghĩa Câu :
             Mênh mông bốn biển đầy rẫy cả người là người, không biết ai mới là bậc đại trượng phu đây (...người đàn ông nào mới đáng mặt đàn ông đây?) và cũng có nghĩa: Người đàn ông nào mới (đáng mặt) là chồng của mình đây?!
             Xin được giải thích thêm về từ BỐN BIỂN, là 4 biển nào? Ta thường nghe câu "Tứ Hải giai Huynh đệ 四 海 皆 兄 弟" (Bốn biển đều là anh em ), hoặc "Đại trượng phu Tứ Hải vi gia 大 丈 夫 四 海 為 家 " (Người Đại trượng phu thì 4 biển đều là nhà cả!) Theo quan niệm xưa của Trung Hoa, thì "Thiện Hạ" tức "Thế giới" chỉ có nước Trung Hoa mà thôi, và vì Môn học Địa lý chưa phát triển, nên họ nghĩ xung quanh nước Trung Hoa đều là biển. Bốn Biển tức là chỉ Cả Nước đó. Một giải thích khác thì căn cứ vào Bản đồ Địa lý hiện nay, có 4 biển dọc theo bờ biển của nước Trung Hoa tính từ Bắc đến Nam như sau: Bột Hải, Hoàng Hải, Đông Hải, và Nam Hải. Bốn Bể bây giờ còn dùng để chỉ khắp Thế Giới trong từ: "Bốn bể Năm châu". Tại ta xài quen chữ "Bốn Bể" chớ Địa Lý Thế giới tới "Ngũ Đại Dương" lận!

 

 

               
         Bạch tửu nhưỡng thành diên hảo khách, Hoàng kim tán tận vị thâu thơ.


Chú Thích :
          NHƯỠNG : là Ủ , là Cất. Nhưỡng Tữu là Ủ rượu, Cất rượu.
          DIÊN : là Đãi. Diên Yến là Đãi tiệc.


Nghĩa Câu :
          Rượu trắng nguyên chất cất thành là để đãi khách quý , Còn Vàng ròng tiêu xài hết là để thu gom sách vở mà thôi.  Ý chỉ: Làm những việc xứng đáng phải làm. Bỏ công cất rượu ngon chỉ vì muốn đãi khách quý, tiêu hết gia tài là chỉ để thu mua hết sách quý trong thiên hạ mà thôi. Sách vở còn tượng trưng cho Kiến Thức quý giá của con người nữa. Giá trị sách vở ngày xưa quý là thế, nhưng bây giờ lại bị Internet giết chết queo! Muốn tìm tài liệu gì thì  cứ "Google" một cái là xong ngay, khỏi lật sách làm chi cho lâu lắt, mất công, nhiều khi lại toàn là kiến thức cũ chưa được cập nhật hóa nữa!


(Còn tiếp)


Đỗ Chiêu Đức





Không có nhận xét nào: