Chủ Nhật, 15 tháng 8, 2021

Một Ngày Trong Đời Của Ông John (Đào Văn Bình)

          Một Ngày Trong Đời Của Ông John

(Truyện xã hội giả tưởng)

Năm 2050

Lúc bấy giờ là 8:30 sáng. Sau khi đưa con cái đi học về, cho xe vào nhà xe, Ô. John vội vã ném hai giỏ quần áo vào chiếc máy giặt, đổ chút xà-phòng, cho máy chạy rồi nặng nề bước vào nhà bếp. Ông đưa tay lấy tờ giấy gắn trên chiếc tủ lạnh là nơi mà bà vợ trước khi đi làm muốn dặn dò ông điều gì thì ghi vào rồi để lên đó cho ông khỏi quên. Ông pha một ly cà-phê, làm một đĩa trứng chiên, lấy một chút bơ, vài thỏi xúc-xích và bánh mì sandwich rồi cầm mảnh giấy đi về phía bàn ăn. Đây là lúc ông cảm thấy thanh thản nhất để thưởng thức bữa ăn sáng – dĩ nhiên một mình và trong yên lặng để nghiền ngẫm những gì vợ ông dặn phải làm trong ngày... có khi cả tuần không biết chừng. Tờ giấy viết: “Ăn sáng và giặt quần áo xong anh nhớ hút bụi mấy tấm thảm (hơn ba tháng rồi nhà mình chưa giặt thảm). Giặt thảm xong anh coi lại mấy món đồ ăn trong tủ lạnh, thứ nào “quá đát” thì bỏ đi và chùi sơ sơ tủ lạnh cho khỏi hôi. Sao garage nhà mình lúc này đồ đạc nhiều quá! Thứ nào không cần thiết anh để qua một bên rồi gọi cho Goodwill. Sau đó nếu trời nắng ấm nhớ tắm cho mấy con chó, cắt cỏ và tỉa bớt mấy bụi hoa mọc um tùm (anh ráng chút xíu nhé, weekend này em đưa anh và các con đi ăn nhà hàng).  Làm xong mấy việc này em nghĩ cũng đã hơn mười giờ rồi. À, lúc này em thấy anh lên cân và yếu đi nhiều. Nhớ tập thể dục cho đều đặn. Bộ đồ tập thể dục mua mấy ngàn đồng mà để nằm đó thì uổng phí lắm. Ăn trưa xong, nghỉ ngơi chút xíu rồi chuẩn bị đón các con đi học về. Nhớ đừng cho tụi nó coi TV nhiều quá. Anh chiều tụi nó, chúng nó hư (Con hư tại bố, cháu hư tại ông nội) cho mà coi! Nhớ kiểm soát xem chúng nó có làm homework đàng hoàng không (semester vừa rồi con Jenny không còn straight A nữa đó!). À, tí nữa em quên, anh coi lại xem đã tới lúc gia đình mình phải check up sức khỏe định kỳ chưa? Nếu tới kỳ thì anh làm hẹn dùm em. Nhớ lấy thư, bill và giấy tờ quan trọng để qua một bên, quảng cáo và thứ gì không quan trọng để qua một bên (lúc này trong hãng của em bận rộn nhiều lắm). Còn về bữa cơm chiều, không hiểu sao tự nhiên em thèm món thịt bò xào broccolli, cá chim chiên dòn, và súp hành tây. Anh nhớ nêm  ít muối thôi.  Ăn mặn quá coi chừng bị high blood pressure đó. Have a nice day !!!”

Đọc xong tờ “mệnh lệnh” dài lê thê, ông John không nén được tiếng thở dài. Đã hơn bảy năm qua, theo lời khuyên của vợ, báo chí, truyền hình và nhất là bạn bè, ông không đi làm nữa mà ở nhà lo công việc “tề gia nội trợ”. Đàn ông lúc này xin việc rất khó khăn bởi lý do không sao cạnh tranh nổi với các bà. Mướn đàn ông làm việc, các hãng xưởng, công ty phải đối đầu với vấn đề kỳ thị nam-nữ, vấn đề “sexual harrasment” và nhất là hằng trăm các hội bảo vệ phụ nữ, các hội nhân quyền xía vào khiến công ty nào cũng điên đầu. Thôi thì thời thế đã thay đổi, mướn các bà an toàn hơn là mướn các ông. Trong công sở, nơi làm việc mà toàn các bà thì còn gì có chuyện kỳ thị nam nữ và nhất là chuyện “sách nhiễu tình dục”? Vai trò lịch sử của đàn ông kéo dài hơn năm ngàn năm đã qua rồi. Các nhà nghiên cứu xã hội cho rằng từ đây cho đến ngày tận thế, vai trò quản trị đất nước, xã hội, sản xuất thuộc về đàn bà. Các bà cai trị thì mọi thứ đều êm ru, đâu vào đó. Còn các ông bây giờ xin lui về chức phận của phụ nữ cách đây vài trăm năm – tức là phòng the, kim chỉ vá may, nuôi dạy con cái, lo việc tề gia nội trợ và tập luyện thân hình cho khỏe đẹp để trang điểm cuộc đời cho các bà. Đàn ông ra ngoài đường bây giờ “rụt rè như gà phải cáo”, không còn dáng vẻ tự tin như nửa thế kỷ trước nữa. Để thông cảm và khuyến khích việc  “tề gia nội trợ và nuôi dạy con cái” chính phủ cũng đã ban hành qui chế trợ cấp cho đấng phu quân nào tình nguyện ở nhà để làm thiên chức cao quí đó. Đó cũng là điều Ô. John cứ ray rứt suy nghĩ mãi, nhất là vào những bữa ăn sáng một mình vắng lặng như thế này.

Sau khi ăn sáng xong. Trong khi chờ đợi quần áo khô,  Ô. John có thói quen mở truyền hình coi tin tức năm mười phút để rồi sau đó bắt đầu công việc mà vợ giao trong ngày. Đài truyền hình thể thao vừa bật lên, hai nữ võ sĩ đang quần thảo nhau trong trận vô địch thế giới Kick Boxing thật gay cấn. Ở hiệp thứ hai, cô thì hai mắt sưng vù, cô thì lỗ mũi ăn trầu. Cuối cùng ở hiệp thứ ba, cô gầy hơn một chút đá cô mập một cú song phi trúng cằm, té ngay xuống sàn. Khi trọng tài đếm đến bảy, cô lảo đảo đứng dậy thì bị đối thủ xông tới đấm tới tấp vào mặt và té quay lơ. Huấn luyện viên, chuyên viên đấm bóp và ủng hộ viên nhào lên võ đài công kênh nhà nữ vô địch lên vai trước sự reo hò cuồng nộ của khán giả trong khi cô bị hạ đo ván còn nằm tênh hênh trên sàn. Tiền thưởng dành cho trận đấu thật kỷ lục. Võ sĩ thắng cuộc được 7 triệu, võ sĩ thua cuộc 3 triệu. Các nhà bình luận Kick Boxing cho rằng đây là trận đấu lịch sử của hậu bán Thế Kỷ 21 vì số khán giả cũng như tài nghệ của hai võ sĩ. Nhìn cô võ sĩ bị hạ đo ván, Ô. John ngớ ngẩn than vãn, “Ngồi trong phòng the, được người ta cưng chiều như bà hoàng không muốn, lại muốn lên đây đấm đá, nằm chỏng trơ trên sàn, mặt mày như cái mền rách.”  

Trước ý nghĩ chua chát và hình ảnh quá violent đó, Ô. John chuyển qua xem chương trình sinh hoạt cộng đồng cho đỡ buồn. Một nữ ứng cử viên trong cuộc bầu cử cấp tiểu bang đang hùng dũng tuyên bố nếu như đắc cử, bà ta sẽ tập trung vào việc bảo vệ quyền  lợi của phụ nữ và sẽ đệ trình một đạo luật trừng trị tối đa các ông chồng “harassment vợ” nói khác đi - tội “mè nheo” vợ. Để hỗ trợ cho đề nghị của mình, nữ ứng viên đã cho trình chiếu một đoạn băng ghi lại một phiên tòa trong đó một bà vợ đã lôi chồng ra tòa vì lý do bà đã mệt mỏi mà ông chồng cứ mè nheo đòi “chiều anh tí!” làm bà bực mình. Sau khi nghe lời biện hộ và cáo buộc của đôi bên, bà chánh án ra lệnh cảnh cáo ông chồng, nếu còn tái phạm, bà sẽ cho ông chồng ngoan cố này đi “gỡ lịch” về tội “sexual harassment”. Nghe đến đây Ô. John choáng váng cả mặt mày, tự hỏi “Bảo vệ tối đa như vậy rồi còn bảo vệ gì nữa? Mè nheo vợ? Có con ma nào ở thời đại này dám mè nheo vợ đâu? Bả cho cái gì thì hưởng cái đó. Mừng hết lớn! Có đâu mà mè nheo? Ra đạo luật đó để hù dọa, khủng bố ai đây?”  

Vừa buồn vừa thất vọng, Ô. John chuyển qua xem chương trình tôn giáo cho bớt căng thẳng. Trước bục giảng, một nữ tu sĩ  đang thao thao bất tuyệt “Thưa các bạn. Các bạn thử nghĩ xem đàn ông có đẻ được hay không? Dê đực, voi đực, bò đực, gà trống, chim trống, cá trống có đẻ con, đẻ trứng được không? Chỉ có con mái là sinh con đẻ cái mà thôi. Như vậy thì đàn ông do đàn bà sinh ra chứ không phải đàn bà do đàn ông sinh ra. Vậy thì lý thuyết cho rằng đàn bà là do cái xương sườn của đàn ông sinh ra là không đúng. Từ thuở trời đất hỗn mang,  đàn bà do tạo hóa sinh ra trước. Rồi do thụ bẩm khí thiêng của trời đất mà đàn ông từ nách người đàn bà chui ra. Vậy thì đàn ông là sản phẩm của đàn bà. Đàn ông có tuân theo mệnh lệnh của đàn bà, có phục tùng phụ nữ, thế giới có đề cao phụ nữ thì cũng là chuyện “lá rụng về cội” thôi, có gì lạ đâu các bạn?" Bà vừa nói hết câu thì cả hội trường vỗ tay vang dội để tán thưởng một ý nghĩ rất thông minh, sáng tạo và ngộ nghĩnh từ trước đến giờ mới có. Riêng Ô. John thì choáng váng cả mặt mày. Nhưng ông không dám có ý kiến chi về vụ này vì nó quá quan trọng. Nó liên hệ đến lý luận triết học về giá trị thời đại. Nhìn lên tường, bức ảnh bán thân của vợ ông lúc nào cũng nở một nụ cười hiền hậu. Nhưng riêng ông, ông hiểu rất rõ đằng sau nụ cười dễ thương, khuôn mặt khả ái đó là cả chiếc núi lửa đang ngủ yên nhưng sẵn sàng nổ tung bất cứ lúc nào. Và cái môi xinh xắn đó cũng hàm xúc cả lời căn dặn “Này, anh liệu cái thần hồn đấy nhé. Lộn xộn là tôi cho anh ra homeless đó!” Cho nên Ô. John vội vã chuyển qua coi một chương trình tin tức thời sự  để cho biết chuyện đời, chuyện xã hội với người ta. 

Hôm nay đúng vào ngày trình diện tân nội các của vị nữ tổng thống mới đắc cử. Bao quanh bà tổng thống là mười bà bộ trưởng. Chỉ có một đấng “tu mi nam tử” duy nhất là ông phó tổng thống đang đứng co ro, khúm núm bên cạnh các bậc nữ lưu. Sở dĩ bà tổng thống chọn một ngài đực rựa để đứng phó - cốt để lấy phiếu của đàn ông và cũng để chứng tỏ mình không kỳ thị nam giới. Bảnh nhất trong nội các phải kể bà bộ trưởng quốc phòng. Bà này trông hùng dũng như một nữ tướng. Khoảng gần năm mươi năm nay, quân đội tuyển toàn nữ quân nhân. Sở dĩ người ta giao nhiệm vụ chinh chiến, đánh đông dẹp bắc cho các bà, các cô là vì các ông mà làm tướng, cầm súng thì bị gán cho tội hiếu chiến. Còn các bà mà cầm súng đánh giặc thì cuộc chiến tranh hoàn toàn chính nghĩa. Giặc đến nhà đàn bà phải đánh mà? Điều này hoàn toàn đúng vì kể từ ngày đó, dù đã có bao cuộc chiến tranh mà chẳng có phong trào phản chiến nào cả. Quân đội Liên Hiệp Quốc, quân đội gìn giữ hoà bình của NATO mà toàn nữ quân nhân không thôi thì không ai dám chống lại. Thế giới sống yên ổn là nhờ các bà. Trong diễn văn nhậm chức, bà tổng thống cam kết sẽ làm đúng những gì bà hứa trong thời gian tranh cử như phát triển tài năng của phụ nữ, gia tăng sự đóng góp của phụ nữ trên mọi lãnh vực xã hội, văn hoá, giáo dục, ngoại giao, kinh tế, và quốc phòng. Cuối cùng để an ủi quý ông, bà hứa sẽ đệ trình quốc hội một đạo luật gia tăng “trợ cấp nội trợ” cho quý ông đang sống yên ổn trong nhà, lo việc tề gia để quý bà lo toan việc xã hội, việc làng, việc nước. Nghe bà tổng thống tuyên bố thế, Ông John lại chép miệng thở dài. Ông thẫn thờ đưa tay tắt chiếc máy truyền hình. Khi ông vừa đứng dậy thì tiếng điện thoại reo vang. Nhấc chiếc điện thoại cầm tay lên, ông uể oải hỏi:

-John đây, xin lỗi ai đầu dây đó?

            Từ đầu kia có tiếng trả lời:

-Michael đây. Anh khoẻ không? Có gì lạ không?

-Không có gì lạ cả.

            Rồi không biết do một nguồn hứng khởi nào, Ông John bật lên lời ngâm nga:

 “Đời lạnh lùng trôi theo dòng nước...”

            Thế nhưng ông kềm chế lại được và hỏi:

 -Thế anh có khỏe không? Hội mình có gì lạ không?

            Từ đầu kia có tiếng trả lời:

-Ông hội trưởng mấy hôm nay than phiền nhiều quá. Đã mấy tháng rồi mà không sao triệu tập được phiên họp. Ông phó hội trưởng nại cớ bận việc không đi. Anh là tổng thư ký cũng không tới. Thế này thì Hội Bảo Vệ Quyền Lợi Nam Giới của chúng mình phải giải tán thôi!

             Nghe nói thế Ông John rầu rĩ đáp:

-Thì anh đại diện cho anh em cũng đủ rồi.

-Đại diện sao được? Tôi là Thủ Quỹ. Chỉ có Thủ Quỹ họp với ông Hội Trưởng sao gọi là phiên họp của ban chấp hành? Hiện nay ông Chủ Tịch có ý định phát động một chiến dịch lấy chữ ký để yêu cầu chính phủ quan tâm hơn nữa tới quyền lợi của nam giới. Mình đã vào hội thì phải có trách nhiệm với hội chứ?

-Đồng ý là có trách nhiệm, nhưng tôi sợ đi họp nhiều sẽ rắc rối với bà ấy.

-Rắc rối sao được? Mình là nam nhi phải có sĩ khí chứ?

-Ông Hội Trưởng vợ chết rồi cho nên mới dám đảm nhậm chức vụ quan trọng này. Anh còn độc thân cho nên chưa hiểu rõ uy quyền của các bà. Chuyện của hội mình nó tế nhị lắm. Nó đụng chạm đến các bà, đến xu thế của thời đại.

-Tôi đồng ý là như thế nhưng mình phải ráng chứ. Tuần này anh cố đi họp nghe? Cố nghe!

            Nghe tới đây thì Ông John, tuy trong lòng rối bời, nhưng không thể nói khác hơn được:

- Ừ, tôi cố, tôi cố gắng tới xem sao!

            Đặt chiếc điện thoại lên bàn, Ông John ngồi thẫn thờ trong giây lát. Rồi mắt ông nhìn vào “tờ mệnh lệnh” vợ dặn như nhìn vào cõi hư vô, cõi mà ngày xưa đàn ông của ông có một quá khứ oai hùng lắm. Thế nhưng quá khứ đó nay không còn nữa, rồi miệng ông lẩm bẩm:

-Thà yên phận còn hơn! Càng quậy lại càng bết. Càng quậy lại càng chết! Có lẽ mình cũng nên nạp đơn xin ra khỏi hội cho rồi!

Nói rồi ông lặng lẽ tiến tới chiếc máy giặt đem quần áo đã sấy khô ra. Ông cẩn thận gấp từng cái, xếp theo thứ tự ngăn nắp. Và ông làm công việc đó, không phải ngày hôm nay, mà đã từ lâu lắm rồi, với tinh thần nhẫn nại, âm thầm, khiên tốn và chịu đựng giống như các cô cung nữ trong các cung điện của nhà vua ngày xưa. 

Đào Văn  Bình

(Trích tuyển tập Mê Cung do Ananda Viet Foundation xb năm 2019 phát hành trên Amazon)




Không có nhận xét nào: