Thứ Tư, 18 tháng 8, 2021

TĂNG QUẢNG HIỀN VĂN 18 (Đỗ Chiêu Đức sưu tầm và diễn dịch)

              TĂNG QUẢNG HIỀN VĂN 18

 

             

   Tửu trái tầm thường hành xứ hữu, Nhân sanh thất thập cổ lai hi.  

  Nghĩa Câu :   

          Đây là hai câu thơ trích trong bài KHÚC GIANG 2 của Thi Thánh Đỗ Phủ đời Đường, có xuất xứ như sau:   

         Khúc Giang còn gọi là Khúc Giang Trì, nằm ở phía đông cầu Chu Tước phía nam của thành Trường An, là khu danh thắng nổi tiếng của thành Trường An đời Đường, được xây dựng từ thời Hán Vũ Đế và được trùng tu lại vào năm Khai Nguyên của vua Đường Huyền Tông. Nước hồ trong vắt, hoa cỏ uốn quanh, phía nam có Tử Vân Lâu, Phù Dung uyển, phía tây có Hạnh Viên và Từ Ân Tự, là nơi du ngọan nổi tiếng đương thời. Thắng cảnh Khúc Giang cùng thạnh suy với giang san nhà Đường. Bài thơ Khúc Giang của Đỗ Phủ được làm vào cuối xuân năm Càn Nguyên nguyên niên (758). Ông đã đem toàn bộ tâm tư của mình ký thác vào cảnh vật nầy để viết lên những ưu tư về đổi thay của thời cuộc.  

        Theo tài liệu thống kê, thì vào đời Đường, tuổi thọ trung bình của con người lúc bấy giờ chỉ vào khoảng 40- 45, cho nên Đỗ Phủ mới hạ câu "Nhân sanh thất thập cổ lai hy" bất hủ, để đời cho đến hiện nay, hễ nhắc đến tuổi "Cổ lai hy", "Cổ lai", hay "Cổ hy" là người ta biết ngay là thọ được 70 tuổi rồi!

          Nguyên tác bài thơ như sau:

 

   朝回日日典春衣    Triều hồi nhật nhật điển xuân y,  

   每 日 江 頭 盡 醉 歸    Mỗi nhật giang đầu tận túy quy. 

   酒 債 尋 常 行 處 有,Tửu trái tầm thường hành xứ hữu,   

  人 生 七 十 古 來 稀     Nhân sanh thất thập cổ lai hy. 

   穿 花 蛺 蝶 深 深 見    Xuyên hoa giáp điệp thâm thâm kiến,  

   點 水 蜻 蜓 款 款 飛    Điểm thủy thanh đình khoản khoản phi. 

   傳 語 風 光 共 流 轉 Truyền ngữ phongquang cộng lưu chuyển  

   暫 時 相 賞 莫 相 違    Tạm thời tương thưởng mạc tương vi.   

                     杜 甫                                         Đỗ Phủ.   

    

 Tạm diễn nôm:  

                     Tan chầu cầm quách áo xuân hồng,  

                     Say khướt trở về với bến sông.  

                     Nợ rượu khắp nơi đều có được,  

                     Người đời bảy chục hiếm xưa không.  

                     Kìa đàn bướm nhỏ vờn hoa dại,  

                     Nọ lũ chuồn chuồn bởn nước trong.  

                     Cảnh đẹp khuyên ai cùng tận hưởng,  

                     Hoa tàn cảnh tạ khỏi hoài công !

 

 

 

                             

                      Dưỡng nhi đãi lão, Tích cốc phòng cơ.  

  Nghĩa Câu :   

           Nuôi con đợi già (để nhờ cậy). Vựa lúa để phòng khi đói (để có gạo mà ăn).


 

                          

                      Kê đồn cẩu trệ chi súc, Vô thất kỳ thời.

                            

                          Sổ khẩu chi gia, khả dĩ vô cơ hỉ !.  

  Ý Nghĩa :  

          Đây là câu Mạnh Tử nói với Lương Huệ Vương được viết cô đọng lại. nguyên văn như sau:  

          五 畝 之 宅,樹 之 以 桑,五 十 者 可 以 衣 帛 矣;雞 豚 狗 彘 之 畜,無 失 其 時,七 十 者 可 以 食 肉 矣;百 畝 之 田,勿 奪 其 時,數 口 之 家 可 以 無 饑 矣.  

          Ngũ mẫu chi trạch, thọ chi dĩ tang, ngũ thập giả khả dĩ y bạch hỉ, Kê đồn cẩu trệ chi xúc, vô thất kỳ thời, thất thập giả khả dĩ thực nhục hỉ, bách mẫu chi điền, vật đoạt kỳ thời, sổ khẩu chi gia khả dĩ vô cơ hỉ!


Có nghĩa :

            Nhà có đất trước sau 5 mẫu, trồng dâu tằm ăn, thì người già 50 tuổi có thể mặc áo vải. Gà heo chó lợn, nuôi cho đúng lứa để chúng sinh sản, thì người già 70 có thịt mà ăn. Ruộng được trăm mẫu, không bị chiếm đoạt lúc thời vụ, thì mấy miệng ăn ở nhà sẽ không bị đói!  

          Đây là lời của Mạnh Tử giải thích cho Lương Huệ Vương biết là phải làm thế nào cho dân chúng được sống an cư lạc nghiệp, để dân kéo về sống ở nước mình. Còn ý trong Tăng Quảng Hiền Văn là muốn khuyên ta sống cho có kế hoạch, biết tính toán thì sẽ không bị đói rách lang thang.

 

 

 

                 

   Thường tương hữu nhật tư vô nhật, Mạc bả vô thời đương hữu thời.   


 Nghĩa Câu :   

          Những ngày giầu có nên thường nghĩ đến những ngày  không có (nghèo khổ). Chớ đừng nên sống những ngày nghèo khổ như những ngày giàu có.  

          Khi giàu có nên luôn nghĩ đến những lúc nghèo khổ, để đừng sống xa hoa, tiêu xài lãng phí quá độ. Còn những lúc nghèo khó thì đừng tiêu xài quá độ quen thói giàu có ngày trước mà mang nợ đầy đầu. Rất nhiều người "quen ăn không quen nhịn" phải nhớ câu nầy.

 

 

 

                 

 Thời lai phong tống Đằng Vương Các, Vận khứ lôi oanh Tấn Phúc bi. 

 

 Nghĩa Câu :  

         Thời đến thì gió đưa đến gác Đằng Vương. Vận hết rồi thì sấm sét đánh bể bia Tấn Phúc.


        1. Vế đầu với tích Vương Bột và Đằng Vương Các như sau:

        Đường Thái Tôn Lý Thế Dân phong cho em mình là Đằng Vương Lý Nguyên Anh trấn nhậm đất Hồng Châu. Đằng Vương cho xây một ngôi lầu thật đẹp bên dòng sông Cán (thuộc tỉnh Giang Tây ngày nay) gọi là Đằng Vương Các. Hôm khánh thành, Đằng Vương cho thiết tiệc lớn, mời hết Quan viên và Văn nhân Thi sĩ trong miền đến dự, đồng thời đánh tiếng mời mọi người cùng làm bài Tự cho Đằng Vương Các để ghi lại sự kiện trọng đại này.  

         Con trai của Huyện Lệnh Huyện Nam Xương là Vương Bột, vừa đến thăm cha, có ý muốn đến dự tiệc ở gác Đằng Vương, mặc dù Nam Xương cũng thuộc đất Hồng Châu, nhưng cách xa đến khoảng 800 dặm, mà thời gian chỉ còn có một ngày, không cách chi đến kịp. Lúc bấy giờ, có một ông lão chuyên đưa đò lại biết xem thiên tượng, bảo Bột cứ chuẩn bị đồ đạc rồi lên thuyền để ông ta đưa đi. Thời may đêm ấy trời nổi cơn gió to, thuyền lướt như tên trên sóng gió, Khi trời vừa rạng sáng thì thuyền cũng vừa kịp cặp bến Đằng Vương.  

    Đằng Vương vốn xem trọng và có yêu cầu rất cao về văn học. Trước đó đã cho chàng rễ soạn sẵn một bài tự rất hay rồi, định hôm nay công bố để khoe tài của chàng rễ, nên đã chuẩn bị đầy đủ giấy mực để phát cho văn nhân đến dự. Khi thấy Bột chỉ là một cậu bé 16 tuổi, Đằng Vương có ý xem thường, nhưng vì phép lịch sự, nên cũng miễn cưởng phát giấy mực, nhưng lại cắt người đứng bên theo dõi, xem thằng nhỏ nầy viết như thế nào. Hễ Bột viết được câu nào thì phải chép ngay lại trình cho ông ta. 

        Nhưng... lại nhưng, càng đọc các câu về sau lại càng hay hơn các câu trước đó, kịp đến lúc đọc được 2 câu :

           Lạc hà dữ cô vụ tề phi,   落 霞 與 孤 鶩 齊 飛,

Thu thủy cộng trường thiên nhất sắc! 秋 水 共 長 天 一 色.

    .... thì ông ta đành phải vổ đùi đánh đét một cái và khen là tuyệt bút, tuyệt diệu! và... dấu nhẹm luôn bài của chàng rễ đã làm sẵn, không dám đem ra , vì ông ta biết rằng không sao hay hơn được bài Tự của Vương Bột.

             Bài TỰ Đằng Vương Các của Vương Bột được truyền tụng khắp nơi ngay sau buổi tiệc, và tiếng tăm của Bột nổi như cồn từ đó. Thành tựu văn thơ của Bột được xếp hàng đầu trong Sơ Đường Tứ Kiệt. Chỉ nhờ có một trận gió mà làm nên tên tuổi vang dội của Vương Bột, nên người đời sau mới nói là:
                   Thời lai phong tống Đằng Vương Các!

 

            Bài Đằng Vương Các Tự có ảnh hưởng rất lớn tới văn học Hoa Việt, rất nhiều câu đã trở thành Thành Ngữ như: Quan sơn nan việt 關 山 難 越 (Núi non cách trở), Bình Thủy tương phùng 萍 水 相 逢 (Bèo nước gặp nhau), Lão đương ích tráng 老 當 益 壯 (già mà còn khỏe mạnh)... cả hai câu đối để dán trước bàn thờ Thổ Địa Thần Tài trong nhà cũng phát xuất từ bài Tự nầy:  

              Vật hoa thiên bảo nhật,        物 華 天 寶 日  

              Nhân kiệt địa linh thời.        人 傑 地 靈 時.    

         Trong Truyện Kiều, Nguyễn Du đã mượn ý của câu nầy để tả tình duyên của Hoan Thư như sau:  

                      Duyên Đằng thuận nẽo gió đưa,   

                 Cùng chàng kết tóc se tơ những ngày.

 

  2. Vế thứ 2 theo tích sau đây : 
          Đại văn hào đời Tống Phạm Trọng Yêm khi làm Quận Thú ở Quận Bá Dương, một hôm có một thư sinh lạc phách giang hồ đến xin giúp đỡ. Phạm thương vì người tài hoa mà chửa gặp thời, định giúp đỡ, nhưng Phạm là một ông quan thanh liêm, không lấy đâu ra tiền để giúp. Cuối cùng ông bèn đến nhờ trụ trì chùa Tấn Phúc, xin cho thư sinh kia được in một số bản văn ở thạch bia phía sau chùa để bán mà độ nhật về quê. Đây là bản văn khắc trên đá với bút pháp của Thư Thánh (ông Thánh về thư pháp) Vương Hy Chi rất được mọi người ưa chuộng.   

          Nhà sư Trụ trì vì nể mặt Phạm Trong Yêm mà chấp thuận, còn hướng dẫn cho cách để in ấn. Phạm lại phải giúp thư sinh mua sắm giấy mực, bàn chải... định sáng ngày sẽ khởi công. Nào ngờ đêm hôm đó trời mưa to gió lớn, sấm sét đánh bể tan bia đá kia luôn. Thế là khỏi in ấn gì hết cả!   

         Số của chàng thư sinh nầy đã xui rồi, lại càng thúi củ hủ hơn nữa, cho nên mới nói là:

                 "Vận khứ lôi oanh Tấn Phúc bi" 

         Khi đã hết thời rồi, thì sấm sét cũng đánh bể bia cuả chùa Tấn Phúc là vì thế!

 

 

 

                    便

    Nhập môn hưu vấn vinh khô sự, Quan khán dung nhan tiện đắc tri.

  

 Chú Thích :   

        Hưu Vấn : là Đừng hỏi, chớ hỏi, khỏi cần phải hỏi.  

        Vinh Khô : Vinh là Tươi, Khô là héo. Vinh là tươi sáng, rực rỡ. Khô là Héo úa, tàn tạ. Vinh là Vinh hoa phú quý, Khô là Khô héo úa tàn nghèo nàn.

  

 Nghĩa Câu :   

         Bước vào cửa không cần phải hỏi tốt xấu giàu nghèo gì cả, chỉ cần quan sát xem xét nét mặt của nhà chủ là sẽ biết ngay.  

         Không cần phải là thầy bói, nhìn nét mặt của nhà chủ xanh xao vàng vọt thiếu ăn, thì biết ngay là nhà nghèo, còn nếu mặt mày tươi rói, vui cười hỉ hả, thì dù không giàu cũng thuộc hạng khá giả, dễ thở, chớ không đến nỗi nào.


(Còn tiếp)


Đỗ Chiêu Đức






 

                 


Không có nhận xét nào: