Thứ Ba, 31 tháng 8, 2021

TĂNG QUẢNG HIỀN VĂN 31 & 32 (Đỗ Chiêu Đức sưu tầm và diễn dịch)

  

           TĂNG QUẢNG HIỀN VĂN  31

 

 

                        
              Kiến thiện như bất cập, kiến ác như thám thang.


 Chú Thích :
        Thiện : là Hiền (Lương thiện), Giỏi (Thiện nghệ).
        Bất cập : Không kịp, Không bằng, Không đạt.
        Thám Thang : Thọt tay vào trong canh, Nhúng tay vào trong nước sôi.


   Nghĩa câu :
           Thấy người hiền người giỏi, thì có cảm tưởng như mình không bằng. Thấy người ác người dữ, thì có cảm giác như thọt tay vào trong nước sôi.

          Đây là câu nói của Khổng Tử trong Luận Ngữ, nguyên văn như sau :
    孔 子 曰:見 善 如 不 及,見 不 善 如 探 湯。吾 見 其 人 矣,吾 聞 其 語 矣。隱 居 以 求 其 志,行 義 以 達 其 道。吾 聞 其 語 矣,未 見 其 人 也。(《論 語‧ 季 氏》)
        Khổng Tử viết: "Kiến thiện như bất cập, kiến bất thiện như thám thang. Ngô kiến kỳ nhân hĩ, ngô văn kỳ ngữ hĩ. Ẩn cư dĩ cầu kỳ chí, hành nghĩa dĩ đạt kỳ đạo. Ngô văn kỳ ngữ hĩ, vị kiến ký nhân dã. " ( Luận Ngữ. Quý Thị ).


Dịch nghĩa:

         Khổng Tử nói: "Thấy người thiện như không bằng ( cố gắng học theo ), thấy người không thiện thì như cho tay vào nước nóng ( nên tránh xa ). Ta đã thấy người như thế, ta đã nghe những lời như thế. Ẩn cư để cầu cái chí của họ, làm việc nghĩa để đạt cái đạo của họ. Ta nghe những lời nói đó nhưng chưa thấy những người như thế đó bao giờ. ".

         Bài đầu tiên của sách Minh Tâm Bửu Giám, trong chương Khuyến Thiện, mà tôi được học hồi trẻ, thì như sau :
       見善如不及,見不善如探湯 。見賢思齊焉,見不賢而內自省也 。(《論語‧裏仁》)
    Kiến thiện như bất cập, kiến bất thiện như thám thang. Kiến hiền tư tề yên, kiến bất hiền nhi nội tự tỉnh dã.( Luận ngữ. Lý nhân ).
        Thấy người thiện như không bằng, thấy người không thiện như đưa tay vào nước sôi. Thấy người hiền, thì nghĩ cách sao cho bằng được người ta, thấy người không hiền thì trong lòng ta phải tự biết tỉnh ngộ lấy.

 

 

 

                            
                    Nhân bần chí đoản, Mã xú mao trường.
  Nghĩa Câu :
             Người nghèo thì chí ngắn, Ngựa ốm thì lông dài.
         Chỉ là ví dụ thế thôi, người nghèo thì hay chán nản, vì thiếu khả năng tài chánh để tính toán làm ăn nầy nọ, mà đâm ra nhục chí, nên bảo là CHÍ ĐOẢN , chí khí ngắn. Còn ngựa mà thiếu ăn, ốm đói, thì lại thấy lông như có vẻ mọc dài ra, lông dài chỉ là hiện tượng trái ngược nhìn thấy ở bên ngoài mà thôi.

 

 

 

                         
                   Tự gia tâm lý cấp, tha nhân vị tri mang.
  Chú Thích :
         Tự Gia : là Từ Nhà... Nhưng ở đây có nghĩa là : Tự Mình.
          Mang : là Bận rộn, Gấp rút.
  Nghĩa Câu :
          Tự ở trong lòng mình thấy gấp ( về chuyện gì đó ), chớ người khác đâu có biết là mình đang gấp rút .
          Chuyện của mình thì mình thấy nóng lòng, chớ người khác có biết gì đâu mà bảo họ phải nóng lòng theo, nên không thể trách được sự lơ là của họ trước cái nóng ruột của mình !

 

 

 

                     
     Bần vô đạt sĩ tương kim tang, Bệnh hữu cao nhân thuyết dược phương.
  Chú Thích :
         Đạt Sĩ : Kẻ sĩ thành đạt, người thành đạt.
         Tương : là Đem. Nếu là Danh từ thì đọc à Tướng (Tướng Quân ).
         Dược Phương : là Toa Thuốc.
  Nghĩa Câu :
             Nghèo thì không có người thành đạt giàu có nào đem vàng để cho cả ! Nhưng bệnh thì sẽ có những thầy thuốc giỏi cho những phương thuốc hay.

            Thầy Thuốc thường hay cứu con bệnh hơn là người giàu giúp người nghèo. Tại sao ? Vì người giàu không có Bổn Phận phải giúp người nghèo, nhưng Thầy Thuốc thì luôn luôn muốn giúp người bệnh, Lương y như Từ mẫu mà ! Vừa do thói quen nghề nghiệp, vừa do lòng nhân đạo của nghề nghiệp, và biết đâu sau khi cứu người bệnh ngặt, thoát khỏi tay Tử Thần, Thầy lại được nổi tiếng và sẽ kiếm được rất nhiều tiền thì sao !?.

 

 

                          
                Xúc lai mạc dữ thuyết, Sự quá tâm thanh lương.
  Nghĩa Câu :
           Khi có cảm xúc thì đừng nói với ai điều gì hết, chuyện qua rồi thì trong lòng sẽ cảm thấy thoải mái hơn.
           Khi có CẢM XÚC, tức là khi đang Buồn, Đau, Hờn, Giận... thì đừng nói với ai điều gì cả, vì khi đó, cử chỉ và thái độ của ta sẽ bất bình thường, dễ làm mất lòng người đối diện, nên tốt nhất là cứ lặng thinh... để cho chuyện lắng đọng qua rồi, thì sẽ thấy lòng thanh thản thoải mái hơn, chừng ấy muốn nói gì hãy nói !.

 

 

                   滿
       Thu chí mãn sơn đa tú sắc, Xuân lai vô xứ bất hoa hương.
  Nghĩa Câu :
             Mùa thu đến thì núi rừng đầy cả màu sắc đẹp đẽ, rực rỡ. Mùa xuân đến thì chẳng nơi nào là chẳng có mùi thơm của các loại hoa.
             Thời vụ cảnh sắc thiên nhiên đẹp đẽ của đất trời không ưu đãi riêng ai, mà cho tất cả mọi người. Sao ta lại có thể làm ngơ trước cảnh trí tự nhiên rực rỡ nầy chứ ?! Hãy hòa mình vào cái đẹp của thiên nhiên mà sống vui sống khỏe trong mọi mùa !

 

 

                   
      Phàm nhơn bất khả mạo tướng, Hải thủy bất khả đẩu lượng.
  Chú Thích :
          Phàm : là Phàm tục, là Bình thường. Ở đây dùng để mở đầu câu nói ( Hô Khởi Ngữ ) nên có nghĩa : Thông Thường Thì....
          Đẩu : là cái Đấu, người miền Nam gọi là cái Táo.
  Nghĩa Câu :
          Thường thì... Con người ta không thể nhìn diện mạo bên ngoài mà biết là người tốt, xấu, giỏi, dỡ.... được ! Cũng như... Nước biển thì không thể lường bằng táo được !  
           Ta thường nói " Xem mặt mà bắt hình dong ", là chỉ nói những người có tướng mạo bình thường, còn đối với những người có Dị Tướng  ( Tướng lạ ) khác với mọi người, như OBAMA chẳng hạn, thì chịu thua. Trước khi đắc cử Tổng Thống Mỹ một năm thôi, có ai ngờ rằng Tổng Thống Mỹ tương lai sẽ là một ông da đen trẻ măng như OBAMA không ?!.

 

 

 

                             
                     Thanh thanh chi thủy, Vị thổ sở phòng.
                             
                       Tế   tế  chi  sĩ,  Vị  tửu  sở  thương.
  Nghĩa Câu :
           Nước trong leo lẻo thế kia, nhưng vẫn phải lấy đất đắp bờ để đề phòng khi nó tác oai tác quái, làm tràn ngập chết người.
           Kẻ sĩ an bang tế thế thế kia, nhưng vẫn bị rượu làm cho tổn thương, nát rượu không làm nên trò trống gì cả !
           Khi giảng tới câu nầy, Ba tôi có kể cho tôi biết là... Ngày trước, thời thực dân Pháp còn cai trị Miền Nam, có cho mở một tiệm Hút Á Phiện và Nhà chứa Điếm ở Thị Trấn Cái Răng, chỗ Tiệm nước Trương Ký hiện nay. Lúc bấy giờ, có một nhân sĩ người Việt gốc Hoa thường được gọi là Xín Xáng Pó ( Âm Quảng Đông là Tiên Sinh... Ba hay gì đó ! ) làm một đôi câu đối rất hay như sau :
                    分,蓋
        Nha phiến tam phân, cái thế anh hùng qui tuyệt lộ.
                    項,
        Phiếu đổ nhị hạng, phong lưu tử đệ nhập cùng đồ.
  Có nghĩa :
           Chỉ 3 phân Á phiện thôi, cũng đủ làm cho anh hùng cái thế phải đi vào tuyệt lộ.( hết phương cứu chữa ! ).
           Hai thứ phiếu  ( chơi bời ), đổ ( cờ bạc ), thì làm cho những con em thích phong lưu đi vào con đường bần cùng nghèo khổ !.
           Rượu cũng thế, uống xỉn rồi thì việc gì cũng dám nói , điều gì cũng dám làm, không còn phân biệt thị phi phải trái gì nữa cả ! Nên mới nói là : " Tế tế chi sĩ, vị tửu sở thương "!. Kẻ sĩ có tài tế thế, có thể vì rượu làm cho tổn thương mà không làm nên trò trống gì cả !

 

 

                     
             Cảo thảo chi hạ, Hoặc hữu lan hương.
                      
             Mao thứ chi ốc,  Hoặc hữu hầu vương.
  Nghĩa Câu :
          Ở dưới cỏ dưới rơm, lắm khi cũng có mùi thơm của hoa lan. Ở dưới căn nhà rơm nhà lá, nhiều khi cũng có những bậc vương hầu xuất thân từ nơi đó.
          Đọc câu đầu làm ta nhớ tới 2 câu thơ trong Cung Oán của Ôn như Hầu :
                        Lan mấy đóa lạc loài sơn dã,
                        Uổng mùi hương vương giả lắm thay !
           Mùi hương vương giả vẫn... lạc loài sơn dã như thường ! Nên " Bạch ốc " vẫn xuất " Công Khanh ".... như thường !
           Câu sau còn có một dị bản là :
                    
           Mao thứ chi ốc, hoặc hữu lương tướng.


           Dưới căn nhà lá, cũng có thể có được tướng giỏi !

 

                

 

 

             TĂNG QUẢNG HIỀN VĂN  32 

 

                

                     
       Vô hạn chu môn sanh ngã biểu, KỶ đa bạch ốc xuất công khanh.

  GHI CHÚ :
     VÔ HẠN : là Không có giới hạn, là RẤT NHIỀU.
     CHU MÔN : Cửa nhà sơn màu đỏ chu sa, chỉ Nhà Giàu Có.
     NGÃ BIỂU : Xác người bị chết vì đói. Chết đói.
     KỶ ĐA : là Bao nhiêu. Ở đây là : Biết bao nhiêu ! .Có nghĩa là RẤT NHIỀU !
     BẠCH ỐC : là Nhà trắng, chỉ nhà trống trơn nghèo khó, chớ không phải là tòa NHÀ TRẮNG Quốc Hội của MỸ đâu !
     CÔNG KHANH : là Công Hầu Khanh Tướng, chỉ những người Giàu Sang Phú QuÝ.
   NGHĨA CÂU :
       Biết bao nhiêu nhà giàu sang phú quÝ, vẫn có người bị chết đói. Rất nhiều nhà khó khăn nghèo khổ vẫn có người làm đến bậc Công khanh.
       Không phải lúc nào " Con Vua vẫn được làm Vua", và không phải lúc nào cũng " Con Sãi ở chùa lại quét lá đa " đâu !!! Nếu cố gắng phấn đấu thì " con sãi ở chùa " như Chu Nguyên Chương vẫn được làm Vua như thường.( Đại Minh Hồng Võ, ông Vua lập nên triều đại nhà Minh ). Còn chỉ lo ăn chơi cờ bạc thì dù cho nhà có giầu như Lưu Bình, thì cũng có ngày làm ăn mày đến xin ăn ở nhà Dương Lễ mà thôi !

 

 

 

                           
             Túy hậu càn khôn đại, Hồ trung nhật nguyệt trường.

 

  NGHĨA CÂU :
      Sau khi say mới thấy trời đất là to lớn, và ( suốt ngày ) chìm trong hủ rượu mới thấy ngày tháng dài hơn ra.
      Lý luận của những người say, những người thất chí, suốt ngày chìm đắm trong hủ rượu để quên đi ngày tháng, quên đi những cái bất đắc chí của mình ! 

 

 

                            
                  Vạn sự giai dĩ định, Phù sanh không tự mang.

    CHÚ THÍCH :
     PHÙ SINH : Phù là Nổi ( trên mặt nước ), Sinh là cuộc sống. PHÙ SINH : là từ của Phật giáo, chỉ cuộc sống của con người như nổi trôi trên bể khổ, và ngắn ngủi như bọt bèo trôi trên mặt nước.
     KHÔNG TỰ MANG : là tự mình bận rộn một cách vô ích.
   NGHĨA CÂU :
      Muôn việc đều đã được( Trời ) định sẵn cả rồi, trong cuộc sống phù sinh nầy, con người ta chỉ khéo bận rộn, bương chải một cách vô ích mà thôi !

 

      Ôn Như Hầu Nguyễn Gia Thiều đã viết trong Cung Oán Ngâm Khúc như sau :
                       Cái quay búng sẵn trên trời,
                  Mờ mờ nhân ảnh như người đi đêm.

      Câu nầy khuyên ta nên an phận thủ thường, bôn ba cũng không qua được thời vận. Bon chen cho lắm, rồi khi nhắm mắt xuôi tay cũng bỏ lại tất cả !

 

 

                           
                Thiên lí tống hào mao, Lễ khinh tình nghĩa trọng.

    CHÚ THÍCH :
      HÀO MAO : là sợi lông mao, rất mảnh, rất nhỏ, rất nhẹ ! Không có giá trị quí báu.
      LỄ KHINH : Lễ vật nhẹ, không quí giá.
   NGHĨA CÂU :
         Ngàn dặm chỉ đưa tặng cho sợi lông hồng, lễ vật tuy nhẹ, không có giá trị, nhưng tình nghĩa thì nặng nề nồng thắm biết bao nhiêu !
         Tiếng Việt ta có câu " Của cho không bằng cách cho ". Chỉ một việc vượt qua ngàn dặm để mang quà đến tặng thì đã quí giá lắm rồi, nên dù của tặng có nhẹ tợ lông hồng, thì tình nghĩa cũng đã nặng biết bao nhiêu rồi !

 

 

                          
                 Nhất nhân truyền hư, Bách nhân truyền thực.

 

 NGHĨA CÂU :
         Một người đồn thì còn nghi ngờ là không có chi, chớ hằng trăm người đồn thì đã là chuyện thực rồi.
         Đây là một điểm tâm lý rất hệ trọng mà chiến thuật tâm lý chiến xưa nay hay sử dụng. Cứ cho người đồn toán lên một việc gì đó, lúc đầu mọi người còn nghi ngờ, nhưng hằng trăm hằng ngàn người đồn thét rồi thì mọi người lại tin là chuyện có thật. Ta còn nhớ chuyện " Mẹ của thầy Tăng Sâm " ngày xưa không ?. Ta hãy đọc lại nhé !...

       Chuyện  kể rằng một hôm mẹ Tăng Sâm đang ngồi quay tơ, thì bỗng nhiên một kẻ hớt hải chạy vào bảo:

          - Tăng Sâm giết người!

 Mẹ Tăng Sâm chỉ liếc qua kẻ báo tin rồi tiếp tục làm việc, vì bà biết rằng Tăng Sâm là đứa con hiền hòa, chưa bao giờ biết cãi lộn, đánh nhau, làm gì có chuyện giết người.

Một lúc sau, một kẻ khác lại chạy đến, báo:

  - Tăng Sâm giết người!

 Bà mẹ hơi giật mình. Tự nhiên bà hơi lo lo, nhưng vẫn tiếp tục làm việc.

 Khoảng một tuần trà sau đó, lại có kẻ hớt hải chạy vào, bảo:

  - Tăng Sâm giết người!

 Bà mẹ bỗng bật dậy và hốt hoảng chạy ra khỏi nhà.

 

 ...... Chỉ có 3 người thôi, không cần đến 100 người đâu nhé !...

 

 

                       
               Thế sự minh như kính, Tiền trình ám tự tất.

    CHÚ THÍCH :
     KÍNH : là Gương soi, người Nam gọi là Kiếng.
     TẤT : là Sơn. Ta có từ TẤT GIAO là Keo Sơn, 2 chất dính khắng vào nhau. Khi Kim Kiều thề ước, Nguyễn Du đã viết : " Một lời gắn bó tất giao ". Nhưng ở đây, TẤT chỉ nghĩa : Chất cản quang, Cản ánh sáng. Tối hù tối mịt.

  Ám tự Tất là Tối như sơn. Ta nói là Tối như mực.
   NGHĨA CÂU :
       Chuyện đời trước mắt thì rõ ràng như đứng trước gương soi, còn tiền trình là tương lai thì mờ mịt như là bị phủ lên một lớp sơn vậy, không biết đâu mà mò mà đoán ! 

      Chuyện trước mắt thì rõ ràng rồi, còn chuyện ngày sau thì : Biết ra sao ngày sau ? ( Que sera sera ?! ) .

 

 

                      
         Quang âm hoàng kim nan mãi, Nhất thế như câu quá kích.

  CHÚ THÍCH :
      QUANG ÂM : Quang là Sáng, Âm là Tối. Quang Âm là Sáng Tối. Sáng rồi lại tối, tối rồi lại sáng. Chỉ Thời gian.
      CÂU : là Ngựa giỏi, Ngưa chạy nhanh.
      KÍCH : là Khe cửa.
   NGHĨA CÂU :
       Vàng ròng khó mua được thời gian, một đời người thoáng nhanh như bóng câu qua khe cửa. Ta nói là : Bóng Câu qua cửa sổ.

 

 

                             
                 Lương điền vạn khoảnh, Nhật thực nhất thăng. 
                             
                        Đại hạ thiên gian, Dạ miên bát xích.

  NGHĨA CÂU :
      Có cả muôn thửa ruộng tốt, nhưng mỗi ngày cũng chỉ ăn có một thăng thôi. ( Tương đương như ta nói : Một lon gạo ).
      Có cả ngàn gian nhà lớn, nhưng mỗi đêm cũng chỉ nằm ngủ có 8 thước mà thôi ( một thước Tàu khoảng hơn 2 tấc Tây ).

          Rán nai lưng ra làm cho cố, cho thỏa chí bình sinh, cho thỏa lòng ham muốn, nhưng cái cần thiết để hưởng thụ thì đâu có được bao nhiêu !

 

 

                         
                 Thiên kinh vạn điển, Hiếu nghĩa vi tiên.
  NGHĨA CÂU :
      Muôn kinh ngàn điển, Ý chỉ rất nhiều sách vở, nhưng sách hiếu nghĩa vẫn là sách hàng đầu.
      Đây là truyền thống cố hữu của Trung Hoa và Việt Nam do ảnh hưởng của Nho giáo mà ra. Tiêu chuẩn đạo đức căn bản nhất là chữ HIẾU và chữ NGHĨA :
             " Nhân sanh bách hạnh HIẾU vi tiên "
...và ...

            " Kiến NGHĨA bất vi vô dũng giả " mà !

 


Không có nhận xét nào: