Chủ Nhật, 3 tháng 1, 2016

Chuyện ông già từ quê lên phố: Bài VII. Về Mỹ Tho (Hoàng Đằng)

Chuyện ông già từ quê lên phố
Bài 7: Về Mỹ Tho

(Hoàng Đằng viết tặng người thân, bằng hữu và môn đệ cũ)

Sáng 21/12/2015, lão lên đường đi gặp bạn ở miền Tây Nam Bộ.
“Công chúa” Bích Hà sửa soạn cho lão bữa điểm tâm: bánh mì ăn với fromage “La vache qui rit”, trái cây đóng hộp mua từ bên Mỹ, một bình nước trà nóng …
Cháu Bi – con trai Bích Hà – tình nguyện chở lão bằng xe máy ra công viên 23/9 – điểm hẹn để xe tới bốc các bạn từ Sài Gòn, từ Bình Dương, từ Vũng Tàu, từ Đà Nẵng, từ Huế - hiện đã có mặt ở Sài Gòn.
Công viên này ở trung tâm Sài Gòn; khu đất này nguyên là ga xe lửa do thực dân Pháp lập từ những năm đầu thập kỷ 1880 khi xây dựng đoạn đường sắt đầu tiên trên lãnh thổ Việt Nam – đoạn Sài Gòn - Mỹ Tho khởi công 1881 và hoàn thành đưa vào sử dụng 1885.
Điểm hẹn nằm phía đường Lê Lai – con đường mà khách sạn New World – một khách sạn lớn – trông mặt ra.
Cháu Bi chở lão tới nơi. Chưa gặp ai là bạn lão. Lão cảm ơn và bảo cháu về lo việc nhà. Cháu không chịu về. Hai ông cháu đứng chờ.
Giữa công viên, trong các “thừa lương đình”, một số người đang khiêu vũ theo nhạc; nữ giới nhiều hơn nam giới. Họ nhún nhẩy, tiến lùi, lộn, xoay … lão thấy cũng sướng mắt!
Khiêu vũ là một môn vừa giải trí vừa thể dục rất tốt miễn là đừng lợi dụng, lạm dụng vào những mục đích khác. Khiêu vũ giữ cho cơ thể cân đối, nhẹ nhàng, nhanh nhạy, mềm mại, kéo lùi tuổi già. Lão có lời khuyên: ai có điều kiện nên đi khiêu vũ!
Một chốc sau, anh Ngô Khôn Liêu, cựu môn sinh khóa I, và phu nhân đến. Anh em mừng, bắt tay, chào hỏi. Lão quay qua cháu Bi, nói:
- Bây giờ, ông đã gặp bạn rồi, không sợ lạc nữa mô! Cháu có thể về.
Cháu Bi vẫn chưa vâng lời; rồi một cô bạn cựu môn sinh khóa II của lão – cô Phan thị Ngân - đến; lão mừng, bắt tay như anh chị em một nhà xa nhau lâu ngày, gặp lại. Xin mở ngoặc chút xíu! Chuyện bạn Phan thị Ngân hồi đó từ miền Nam ra Huế học Hán học, lão thấy hơi lạ vì bạn đọc tiếng Pháp với giọng “đầm”, nghĩa là bạn đã học trung học trường Tây với những thầy, cô Tây chính gốc - bà “đầm mà thành bà “đồ”.
Thấy lão đã gặp nhiều bạn, đáng tin cậy, cháu Bi mới chào từ giã lão, và cháu cũng không quên chào những người bạn của lão. Các bạn thấy chưa? “Công chúa” Bích Hà đã dặn con cẩn thận thế nào khi chở lão ra đây và Bích Hà đã giáo dục con ứng xử như thế nào ở chỗ đông người!
Bạn lão đến càng lúc càng đông. Một chiếc xe ca lớn đến, trên xe, đã có một số người ngồi sẵn.
Người dưới đất lên xe. Từ Sài Gòn đi, trên dưới khoảng 30 cựu môn sinh Hán Học đầy đủ các khóa – khóa I, khóa II, khóa III, khóa IV, khóa V và khóa I quy chế mới – khóa tuyển vào những thí sinh tối thiểu có bằng Tú Tài II; 5 khóa trước tuyển những thí sinh chỉ tối thiểu có bằng Trung Học Đệ I Cấp. Một điều đáng mừng là ngoài người của Hán Học, có vài ba anh chị em là thân hữu của Hán Học. Vui ghê!
Bạn Nguyễn thị Ngọc Sương – cựu môn sinh Hán Học khóa II, định cư ở Bình Dương – làm “chủ tịch ban điều hành” chuyến xe. Nhiệm vụ của bạn càng nặng nề thêm khi phải dìu dắt ông chồng cùng đi. Anh Đắc – phu quân của bạn – lớn tuổi, sức khỏe không tốt, đi đứng phải có người trợ giúp. Nhìn bạn phục vụ chồng, mới thấy con gái xuất thân Hán Học giỏi giang và đảm đang đến chừng nào! Bạn Sương và anh Đắc như cặp chim bồ câu liền cánh, đi đâu cũng có nhau, dù xa xôi như ra tận Huế năm 2009 dự kỷ niệm 50 năm thành lập Viện Hán Học Huế.
Ngoài cặp Sương+Đắc,trên xe, cũng có thêm một số anh chị em “có ông có mụ”; xin kể: anh chị Ngô Khôn Liêu, đôi bạn Lâm Khương Nhàn, đôi bạn Nguyễn thị Diệu Hồng+Đoàn Tại và đôi bạn Ngọc Điệp – thân hữu của Hán Học. Nhờ thế, lần gặp mặt Hán học này, lão có thể khoe là có cả dâu, rể, và bạn bè.
Bạn Lý Văn Nghiên trịnh trọng tuyên bố:
- Lần nay, chúng ta không hội không họp ở hội trường mà trên đường đi, trong xe hay tiếp đây trong các bữa ăn, anh chị em có gì tâm tình mời lên: nói chuyện cũng được, ca hát cũng được; nhưng khiêu vũ thì đừng vì không gian không đủ, uốn éo cấn cái và xe lắc lư, không chừng bị té, thương tích không ai chịu trách nhiệm. Micro đây! Xin mời!
Cái micro hoạt động không tốt, nói thì nghe không rõ, hát thì âm thanh không tốt. Lão định hát bài “Về miền Tây” (Miền Cần Thơ gạo trắng nước trong. Vui niềm vui ấm no cuộc sống …), nhưng thôi, giọng đã dở, vô cái micro ấy, không chừng nghe không chịu nổi, các bạn đòi xuống xe.
Dù sao, ngoài bạn Nghiên là một danh ca, khỏi nói! Lão cũng khám ra ra những ca sĩ không chuyên như Minh Hoàng, Ngọc Điệp … có giọng ca ngang tầm các diva ở miền Nam trước năm 1975.
Có Nghiên hoạt náo, đường xa biến thành gần, chứ không, chắc chắn lắm người ngủ gà, ngủ gật trên xe.

Xe về tới Mỹ Tho, ghé nhà bạn Ngô Văn Tiên. Ở đây, bạn Lê Hoàng Nhi, bạn Nguyễn Bá Yên từ Cần Thơ, bạn Trần Văn Dật từ Vĩnh Long, bạn Nguyễn Văn Đức từ Long An đã có mặt cùng với hai bạn Ngô Văn Tiên và Phạm Văn Minh – thổ địa - đón chào anh chị em trên chuyến xe từ Sài Gòn về.
Đặc biệt, tuổi gần 75, bạn Bùi Quang Xuân từ Sài Gòn không dùng xe ca mà cỡi xe máy, cũng về kịp, nhập đàn. Bạn cho biết sau ngày mai (22/12), khi anh chị em trở lại Sài Gòn, bạn còn dùng xe máy đi Cà Mâu thăm người thân quen nữa. Lão mừng cho bạn còn sức khỏe tốt, nhưng lo cho bạn có thể gặp tai biến trên đường. Tuổi già khác tuổi trẻ; vô thường; hơn nữa, lão nhìn, từ sau lưng, cái dáng đi không bình thường của bạn và nhìn trước mặt cái miệng bạn đã méo về một bên, lão có lời khuyên: bạn đừng liều mình lái xe đi trên những đoạn đường xa như thế!
Lại nói về bạn Ngô Văn Tiên; trước khi vào Hán Học, bạn đã học trường dành cho con em người Hoa ở Việt Nam; vì vậy, ngoài vốn Hán tự khá, bạn còn nói tiếng quan thoại – tiếng phổ thông của người Trung Hoa – rành; nay có dịp gặp anh Ngô Khôn Liêu, hai người trổ tài, cuộc hội ngộ thêm nhiều màu sắc về ngôn ngữ: tiếng miền Trung có, tiếng miền Bắc có, tiếng miền Nam có, tiếng Hoa có; đúng là: “Bốn phương trời ta về đây chung vui. Không phân chia giọng nói tiếng cười …”
Ghé nhà bạn Tiên, lòng lão dậy lên nỗi mừng. Phu nhân của bạn bị tai biến tim mạch đã nhiều năm nay, việc di chuyển khó khăn. So với lần gặp cuối năm 2010, lần này, lão thấy chị khỏe hơn, thần sắc tốt hơn.
Ba bạn Ngô Văn Tiên, Nguyễn Văn Đức, và Phạm Văn Minh khoản đãi bữa cơm trưa 21/12/2015, hướng dẫn xe đến một nhà hàng bên bờ sông Tiền ở thị trấn Cái Bè cách Mỹ Tho khoảng 40 km về hướng Tây.

Trong bữa cơm trưa, lão gặp thêm bạn Trần Văn Hùng; bạn ở cách đây không xa, vì lý do sức khỏe, bạn không đi cùng được, chỉ cố gắng đến đây, chào bạn bè rồi về.
Nhà hàng có tên Xẻo Mây; lão thắc mắc vì sao có cái tên lạ thế; bạn Phạm Văn Minh giải thích giùm: Địa điểm nhà hàng hiện nay trước đây là một giồng đất (xẻo) trồng mây, vậy thôi!


(10 bạn khóa 2 + 1 bạn khóa 4 trên sân nhà hàng Xẻo Mây
Từ trái qua phải:
Ngô Văn Tiên, Nguyễn Văn Đức, Trần Văn Hùng, Phạm Văn Minh,
Lâm Khương Nhàn (khóa 4), Nguyễn Văn Sự, Hoàng Đằng, Phan Quật,
Lý Văn Nghiên, Nguyễn thị Ngọc Sương, Phan thị Ngân)

          Đặc sản nhà hàng là các loại cá ở đồng bằng Nam Bộ. Cơm nóng, đồ ăn nóng, đường xa, quá bữa. Một bữa cơm ngon!


 (Ăn trưa ở nhà hàng Xẻo Mây ở Cái Bè – Tiền Giang)

Đây là một nhà hàng nổi tiếng, ngoài các món ăn tươi ngon, còn có vườn rộng rợp bóng các loại cây ăn quả, hướng mặt ra sông Tiền, mát mẻ và nên thơ. Có thể gợi hứng cho các tâm hồn thi sĩ.
Lão ra bờ sông ngắm cảnh, thấy mấy cây đu đủ kỳ lạ sát bờ sông – lá, thân và trái có màu vàng rực; loại đu đủ này chưa thấy ở quê lão.

Kể đến đây, bài cũng vừa dài; mời độc giả xem tiếp bài 8: “Về Cần Thơ”. Xin cảm ơn hai bạn Ngô Văn Tiên và Phạm Văn Minh đã đãi một bữa cơm ngon.

Hoàng Đằng
31/12/2015 (21/11/Ất Mùi) 




Không có nhận xét nào: