Thứ Bảy, 14 tháng 8, 2021

Chữ Nghĩa Làng Văn 40 - Ngộ Không Phí Ngọc Hùng

          Chữ Nghĩa Làng Văn 40

Ngộ Không Phí Ngọc Hùng

“Chữ nghĩa làng văn” đôi khi chỉ là một chữ, cụm từ, đoạn văn cô đọng, diễn nghĩa, diễn giải một áng thơ văn hoặc một thể tài nào đó. Những trích dẫn được góp nhặt qua sách vở, trên mạng lưới của nhiều tác giả thành danh hay khuyết danh, không ngoài góc nhìn tận tín thư bất như vô thư. Ấy là chưa kể nhiều từ ngữ, đề mục trong bộ sưu tập đang còn trong vòng nghi vấn, cần phải thẩm định lại nếu có thể được với những bậc thức giả văn kiến súc tích. Những phụ chú, dẫn chứng hay giai thoại do người viết kể lại, với chủ quan, khách quan chỉ cách nhau một sợi tóc. Vì vậy người sưu tầm không đặt ra “sai” hay “đúng”, vì cái sai hiện tại có thể là cái đúng ở một thời điểm nào khác. Xin chân thành cảm tạ và cáo lỗi những tác giả đã đóng góp bài vở trong sưu tập này, nhưng vì phương tiện eo hẹp nên người sưu tầm không thể thỉnh ý tác giả trước khi đăng tải – Ngộ Không Phi Ngọc Hùng.


***

 

Trăm

Trăm : nhiều

(trăm sự, trăm họ)


(Tự điển tiếng Việt cổ - Nguyễn Ngọc San, Đinh Văn Thiện)

 


Chữ là nghĩa

Hủ tíu giống như bánh phở của ta. Triều Châu đọc là “quẻ tíu”. Hán Việt là “qua điêu”.

là bột lúa mì pha trứng, mầu vàng, sợi nhỏ. Đúng ra là “mìn”, ta đọc trại đi là… mì.

Tiệm xấmtiệm ăn sáng. Hán Việt là điểm tâm.

 


Chữ Việt cổ

Do điều kiện về thời gian những từ cổ đã bị đẩy khỏi vị trí vốn có của chúng nhưng vẫn còn để lại dấu vết của mình, trở thành thành tố cấu tạo trong một vài từ nào đó


Nói vấy: nói bậy bạ, quay quá

(Đại Nam quốc âm tự vị - Huỳnh Tịnh Paulus Của)

 


Chữ là nghĩa

Sầu riêng – Do chữ Mã lai Dou-rion.


“rion đọc ra là…“riêng”.



Chưa… hỏi đã… ngã
Dấu hỏi ngã không cần thiết vì toàn bộ sẽ bổ túc cho nhau. Như câu “chẳng lẽ anh ta chơi chẵn lẻ” dẫu cho có đổi thành “chẵn lẻ anh ta chơi chẳng lẽ” thì tin chắc là ai cũng hiểu được. 

Nhưng viết sai âm thì khác. Nói “en không en tét đèn ngầu chừa thượng đứa” thì không ai hiểu gì cả. Cứ thử tưởng tượng chữ Quảng Ngãi, dùng để ghi phát âm của dân miền này, được công nhận là chính thức thì việc gì sẽ xảy ra? Ai viết “ăn không ăn tắt đèn ngồi chờ thượng đế” sẽ bị không điểm vì sai chính tả.

Chúng ta không phủ nhận là hỏi ngã nâng cao tính phân biệt từ đơn và một dấu đứng đơn lẽ, nhưng tính phân biệt này không thật cần thiết, đồng thời chính nó làm cho rất nhiều người, không-Bắc, viết sai tùm lum. Đó là lý do tại sao hỏi ngã khó nhớ hơn âm tiết.

(Đoàn Văn Phi Long – Hỏi ngã)

 


152 Chữ nghĩa làng văn xóm chữ

Trong những "lời bình" ở bìa sau Tuyển Tập Tạp Ghi, tức cuốn thứ nhì sau Bè Bạn Gần Xa, có Võ Phiến, Nguyễn Cao Đàm... những bằng hữu này đều không phải khách hàng thường trực của Quán Chùa hồi "đó đó". Giở trang trong thấy có thêm Du Tử Lê, Nguyễn Đình Toàn, Viên Linh. 


Tuy là khách Quán Chùa, nhưng ít khi ngồi cùng bàn với người khách năm thì mười họa mới ghé, là ký giả Lô Răng, và khi xuất hiện, thường ngồi cùng Mai Thảo, Thanh Tâm Tuyền, hoặc một tay "ngang", là người viết bài này (Văn Quang). Nên nhớ Lô Răng Phan Lạc Phúc là một "chức sắc" trong giới quan võ, và những nhân vật chẳng có túi nào thường "ngại" gặp "bang chủ". Tôi đã từng chứng kiến cảnh một thi sĩ binh nhì gặp một thi sĩ sĩ quan, trong giờ hành chính, và tôi tin rằng, thật khó, hai người có thể khề khà, bên ly rượu, hoặc bên tách cà phê, nói chuyện bù khú, tao tao mày mày, hoặc lịch sự hơn, anh anh tôi tôi.


Như vậy là trong những bạn bè gần xa được Lô Răng kể tới trong Tạp Ghi, ngoại trừ những người đã ra đi, không có ông nào viết về tác giả tạp ghi cả. Tôi không nghĩ họ vô tình. Thanh Tâm Tuyền, trong Thơ Ở Đâu Xa, có những dòng riêng cho bạn ông:

(Văn Quang)



Thơ thuốc lào ở k5 – tl


Nhớ bạn như đang nhớ thuốc lào
Đường gần nhưng cách trở biết bao
Mấy năm không gặp nhau rồi nhỉ?
Râu tóc long đong hẳn bạc phau
"Đằng ấy" còn chăng nét "tiếu ngạo"
"Tớ đây" vẫn giữ vẻ "tiêu dao"
Mong ngày hội ngộ nằm chung chiếu
Tán gẫu qua đêm như độ nào.


(Tản mạn Tạp Ghi của ký giả Lô Răng)



Đã có một thời…

Nhà thơ Tô Kiều Ngân từ đời lính đến Tao Đàn

Thật ra Tô Kiều Ngân hoạt động trong nhiều lãnh vực, làm báo, viết văn (tác phẩm đầu tay của anh là tập truyện ngắn Người đi qua lô cốt), làm thơ, ngâm thơ, bài sáo anh thổi ở Tao Đàn do chính anh sáng tác và đã xuất bản. 


Nhưng nổi tiếng nhất vẫn là tiếng sáo Tao Đàn. Bây giờ người ta nhớ đến tài năng tuyệt vời của anh vì tiếng sáo đó và giọng ngâm thơ mang âm điệu Huế hơn tất cả những thứ khác. Nếu so sánh với tiếng sáo của Nguyễn Đình Nghĩa, theo nhận xét của tôi, mỗi người có một cái hay riêng. Tiếng sáo của Tô Kiều Ngân cất lên theo cảm xúc từ bài thơ của tác giả và phong cách của người ngâm thơ nên bay bổng và dễ làm rung động lòng người hơn. Tiếng sáo của Nguyễn Đình Nghĩa hay về bài bản. Nếu anh thổi một bài như Thiên Thai, rất điêu luyện. Nhưng nhiều thính giả vẫn nhớ họ Tô hơn.

(Văn Quang)



Chữ nghĩa làng… nhậu 

Lật đật thì đất cũng đè
Những người thong thả, rượu chè quanh năm



Đã có một thời…

Thái Thủy

Thái Thuỷ thì rất điều độ, rượu nào cũng uống được, làm một ly với bạn bè thôi. Anh cả nể, nên cái gì cũng biết một tí, để chiều bạn chứ không phải chiều mình. Con người nhỏ thó, nhưng nói năng cứ như ông già. Anh còn một người bạn thân nữa là ông Ninh, tục gọi là Ninh con, cũng không “to” hơn anh là bao. Theo tôi biết sở dĩ gọi là ông “Ninh con” để phân biệt với ông “Ninh lớn” tức cụ Hà Thượng Nhân bây giờ.


Hồi đó ông nghệ sĩ nào có máy đánh chữ đã là hay lắm rồi, chúng tôi toàn viết tay. Thái Thuỷ thường phải phụ trách phần biên tập bài vở cho chương trình này. Nói cho rõ hơn anh ngồi soạn bài vở, thu thập tài liệu, phân công ai nói phần nào, ai ngâm bài nào như một nhà đạo diễn làm. Bảng phân cảnh kỹ thuật kiêm luôn quay phim, tức là chính anh cũng nhận “xướng ngôn” những gì. Hồi đó, chương trình Tao Đàn thu thanh trực tiếp, tức là thu và lên sóng cho khán giả thưởng thức ngay, nên không thể có sự lầm lẫn nào. Một tiếng động cũng sẽ được phát đi trên sóng. 

Ở bất cứ đài phát thanh nào, người làm tin trực tiếp phải là những chuyên viên nhiều kinh nghiệm. Ban Tao Đàn cũng gồm những vị như thế. Vậy mà có lần Thái Thuỷ nói với tôi một chuyện khá vui: Mấy ông Ngọc Bích, Phạm Đình Chương… vẫn chơi xúc xắc sau “tấm màn nhung” của phòng thu thanh trong khi chờ đợi tới lượt mình. Cái cảnh chơi lén lút ấy có vẻ như thú vị và trẻ trung lắm.

 

(Một chút kỷ niệm xưa – Văn Quang)

 


Chữ là nghĩa

 

Đối với người ốm, còn sống là còn hy vọng.

Hy vọng bảo chúng ta rằng: "hãy tiếp tục, 

hãy tiếp tục" và rồi chúng ta đến nấm mồ.

 


Đuờng văn ngõ chữ

Nguyễn Tuân khó tính


Con gái nhà văn Nguyễn Tuân hẹn người yêu đến nhà để bố gặp mặt. Lần đầu tiên ra mắt bố vợ tương lai, Anh chàng chỉ sợ muộn giờ nên nhảy 3 bước một làm chiếc cầu thang gỗ cũ kỹ rung lên bần bật. Đến cửa, anh vừa thở, vừa gõ cửa. Người ra mở cửa chính là nhà văn Nguyễn Tuân, ông liếc nhìn anh chàng từ đầu đến chân, rồi lẳng lặng đi vào, vừa đi vừa thủng thẳng: 

“Đi với đứng, cứ rầm rầm như thằng ăn cướp!”

 

Lần sau đến nhà, anh rút kinh nghiệm đi thật sớm, bước lên cầu thang nhẹ nhàng, hầu như không gây ra tiếng động. Anh sẽ sàng gõ cửa. Người mở cửa lại là Nguyễn Tuân. Ông lại liếc xéo anh từ đầu đến chân rồi lẳng lặng đi vào, vừa đi vừa lẩm bẩm: 

“Đi với đứng, cứ rón ra rón rén như thằng ăn trộm!” 

 

Nghe nói sau lần ấy, anh chàng sợ không dám đến nữa.



Rượu có từ hồi nào

Có người cho rằng rượu có từ thời đá mài (neolithic). Người ta còn phát hiện cả tỉ tỉ rượu trong đám mây ở dải Ngân Hà, có điều thiên tửu vô biên này cách trái đất chừng 30.000 năm ánh sáng.


Có người dựa vào Kinh Thánh để nói rằng, đó là ông Noah thoát nạn trên một con tàu trong trận Đại hồng thủy, đã tình cờ chế được rượu nho và uống say bí tỉ.

(Loạn bút về tửu sắc – Nguyên Lạc)



Đuờng văn ngõ chữ

Nhà văn Nguyễn Tuân mừng hụt


Láng giềng của nhà văn Nguyễn Tuân một bên là ông thợ gò, bên kia là ông thợ rèn. Hai ông suốt ngày gõ đập chí chát đến đinh tai nhức óc, khiến nhà văn Nguyễn Tuân không viết lách gì được, nhiều hôm phải đợi đến đêm khuya ông mới có thể ngồi vào bàn làm việc. Một hôm sáng sớm đã thấy ông thợ rèn sang nhà ông

”Hôm nay em xin phép bác cho em được chuyển nhà!”

 

Nhà văn Nguyễn Tuân mừng lắm, bởi bớt được tiếng động ầm ĩ một bên nhà, nhưng mặt vẫn tỏ ra rầu rầu tiếc nuối người bạn láng giềng lâu năm.

Vừa lúc ấy, ông thợ gò cũng sang xin phép được chuyển nhà. Đồ đạc của hai nhà hàng xóm đã được khuân ra để đầy sân. Nguyễn Tuân không giấu được nỗi vui mừng: Thế là từ nay tha hồ yên tĩnh, tha hồ mà làm việc. Và ông đã lánh đi cả ngày hôm ấy vì sợ để lộ ra nỗi vui mừng mà đáng ra phải bịn khi chia tay. Buổi chiều về đến nhà, Nguyễn Tuân thấy đồ đạc ngoài sân đã được thu dọn hết. Nhưng ông bỗng choáng váng vì mình đã mừng hụt: 

 

Thì ra ông thợ gò đã chuyển sang nhà… ông thợ rèn, còn ông thợ rèn lại tiếp quản nhà… ông thợ gò.



Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ


Mới đây, lại có thêm một cuốn từ điển với cách giải nghĩa từ ngữ… giật mình, đó là cuốn “Từ điển tiếng Việt” có những định nghĩa gây choáng váng, chẳng hạn như: 

 

“Bia” là “rượu giải khát”



Chữ nghĩa làng văn

Tú Xương Trần Tế Xương (1870-1907) để lại toàn thơ nôm, khoảng non trăm rưởi bài. Đó là một điều độc đáo và có ý nghĩa như cao điểm của nhà nho làm thơ tiếng Việt.

Phong trào nói trên bắt đầu mạnh mẽ với việc diễn nôm Chinh phụ ngâm khúc vào khoảng giữa thế kỷ 18, nhưng trong suốt hàng thế kỷ tiếp theo các nho sĩ ta vẫn vừa làm thơ tiếng Việt vừa làm thơ tiếng Tàu.


Phải đợi đến Tú Xương, ta mới lần đầu tiên thấy một nhà Nho tránh hẳn việc sáng tác bằng tiếng Tàu.

(Tú Xương – Thu Tứ)

 


Chữ nghĩa làng văn xóm chữ 

Ngô gia văn phái 

Ngô gia văn phái (phái văn nhà họ Ngô) là một nhóm nhà văn thuộc dòng họ Ngô Thì ở làng Tả Thanh Oai thuộc huyện Thanh Oai, huyện Thanh TrìHà Nội.


Bộ sách do Ngô Thì Trí đề xướng và khởi công biên soạn tập đầu tiên. Ngô Thì Điển (con Ngô Thì Nhậm và là cháu Ngô Thì Trí) chủ biên. Trong sách có hai bài tựa, một là của Phan Huy Ích, hai là của Ngô Thì Trí. Lúc đầu, chỉ gồm các tác giả từ Ngô Thì Ức đến Ngô Thì Điển, về sau được bổ sung thêm cho đến tác giả cuối cùng là Ngô Thì Giai, tổng cộng là 15 người, trong đó có nhiều tác giả nổi bật như Ngô Thì SĩNgô Thì Nhậm… 

Các trước tác đều bằng chữ Hán, bao gồm đủ các thể loại, nhiều nhất là thơ, rồi tới phú, truyện , tự, bạt, khải, biểu, tấu, sớ...

 


Chữ nghĩa làng văn xóm chữ 

Phan Huy Ích 


Phan Huy Ích sinh năm 1750, người Hà Tĩnh, vợ ông là con gái Ngô Thì Sĩ. (Ngô Thì Nhậm là con Ngô Thì Sĩ). Ông đỗ thi Hương trường Nghệ An năm 22 tuổi, đỗ thi Hội năm 26 tuổi, vào thi Đình đỗ tiến sĩ. Bắc Bình Vương dẫn quân ra bắc lần thứ nhất rồi về Nam. Trước khi lên đường, Vương chọn năm sáu viên văn thần là Phan Huy Ích, Nguyễn Thế Lịch (1)... phong cho quan tước. 


Ông là dịch gỉa bản Chinh phụ ngâm của Đặng Trần Côn. Ông mất năm 1822.

 

(1) Gia Long 1803 cho bắt ba vị tiến sĩ đồng khoa thi năm Ất Mùi 1775 là Phan Huy Ích, Nguyễn Thế Lịch, và Ngô Thì Nhậm ra Văn Miếu nhận đòn "đả trượng" (sic) vì tội đã là sĩ phu, là triều sĩ đại khoa mà lại đi theo "Ngụy Tây".

 


Giai thọai xóm chữ làng văn

Câu đối Đặng Trần Thường và Ngô Thì Nhậm 


Tạp chí Nghiên cứu lịch sử số 9 (trang 340) đăng bài của Đặng Đức Kiên có tiêu đề: Vài đính chính về quan hệ giữa Đặng Trần Thường và Ngô Thời Nhiệm, tác giả cho thấy:

Trước năm 1802 họ Đặng và họ Ngô không hề gặp nhau (tư liệu ghi lại trong gia phả của hai họ Đặng và Ngô) như sau:

Đặng Trần Thường người Đại An Tràng, Sơn Tây, Ngô Thì Nhậm người Tả Thanh Oai, huyện Thanh Trì, Hà Nội. Hai nơi cách nhau trên 20 cây số nên không thể nói là cùng quê được?

 

Năm 1775, Ngô Thì Nhậm đỗ tiến sĩ làm quan Đốc Đồng ở Kinh Bắc thì Đặng Trần Thường chuẩn bị lên đường dự thi Tứ Trường không may bố mất nên bỏ thi. Tháng 5 năm 1786, kinh sư thất thủ phải về ở Xứ Đông. Đến năm 1790-1793 về Xứ Đoài rồi lên Thái Nguyên liên kết với các người đồng chí hướng chống Tây Sơn, hưng phục triều Lê. Năm 1794, Đặng Trần Thường xuống vùng Hưng Yên hoạt động rồi vào nam phò Nguyễn Ánh.

 

Còn Ngô Thì Nhậm thì năm 1782, cha là Ngô Thì Sĩ mất nên phải cáo quan về nhà chịu tang. Năm 1788 ra phò Tây Sơn sống ở Thăng Long rồi đi lại kinh đô Phú Xuân làm công việc bang giao với nhà Thanh. Tháng 8 năm 1802, nhà Tây Sơn bị tiêu diệt, họ Ngô ra đầu hàng nhà Nguyễn ở Thăng Long rồi được đưa về Phú Xuân. Tháng 3 năm 1803, bị giải ra Văn Miếu để trị tội.

So sánh thời gian, tuổi tác, nơi sinh, nơi cư trú và sự hoạt động của hai ông đều khác nhau, nên trước năm Quý Hợi giữa Đặng Trần Thường và Ngô Thì Nhậm không có mối quan hệ nào. Có chăng chỉ gặp nhau khi Ngô Thì Nhậm bị giải ra Thăng Long.

 

Trên đây là những tư liệu có căn cứ xác thực và qua một số nhận xét của các vị học giả nghiên cứu lịch sử một cách nghiêm túc, không vì một cái gì đó mà câu chuyện lịch sử không có thật giữa Đặng Trần Thường và Ngô Thì Nhậm thành giai thoại cứ bị mụ nhận mãi mãi. Lại rất đáng tiếc sự mụ nhận đó lại được một số nhà biên khảo thành danh vẫn tiếp tục nhắc lại mà không hề có sự cân nhắc thực hư. 


(Vài đính chính về quan hệ giữa Đặng Trần Thường 

và Ngô Thời Nhiệm - Đặng Đức Kiên)



Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ

Những sai lầm trong Từ điển từ và ngữ Việt Nam của Nguyễn Lân


lâu la 嘍 囉 

Soạn giả nêu định nghĩa: lâu la là bọn tay sai của những kẻ tướng cướp trong chế độ phong kiến (cũ). Thực ra, chỉ cần nói rằng, lâu la là bọn tay sai của tên tướng cướp, thế là đầy đủ và chính xác hơn. Nhưng điều đáng nói ở đây là, ông đã tự ý bịa ra rằng, lâu nghĩa là cướp bóc, và la nghĩa là ăn cướp


Trong tiếng Hán, nếu chữ lâu 嘍 và chữ la 囉 tách rời nhau thì chẳng chữ nào có nghĩa riêng cả. Chữ lâu 嘍 không hề có nghĩa là cướp bóc, và cũng chẳng có nghĩa gì khác. Chữ la 囉 cũng vậy. Khi chúng ghép với nhau thành từ lâu la thì mới có nghĩa là tay sai của tên tướng cướp. 

(Lê Mạnh Chiến & H.H.Phúc)



Loạn chữ với “lang thang” và “chu cha”
Thực ra đây là từ láy có gốc rễ ở một sự kiện trong lịch sử Tàu:
Nhà Thương là triều đại dời đô nhiều nhất trong lịch sử Tàu, trong khoảng 300-400 năm đã 5 lần thay đổi kinh đô, ta biết mỗi lần dời đô như thế hao tốn không biết bao nhiêu tiền bạc và sức lực, biết bao cơ cực cho kẻ làm dân. Chính vì thế sự việc này mới hằn sâu trong tâm trí mọi người để trở thành một điển cố lịch sử không thể quên cứ thế truyền mãi cho đến tận ngày nay để trong ngôn ngữ ‘bình dân’ Việt Nam có từ láy... “lang Thang’”.


Lang là thủ lãnh là vương là vua, Thang chỉ nhà Thương vua sáng lập là thành Thang, lang Thang nghĩa là vua nhà Thương, chính vì 5 lần dời đô mà trở thành từ láy mang ý nghĩa như ngày nay .
Sự giải thích này xem ra có lý nhưng kẹt một điều là vua nhà Thương là vua cổ của Tàu thì có liên quan gì đến dân chúng Việt mà sự cố ‘lang thang’ được khắc ghi trong tâm trí truyền lưu hơn 3000 năm đến tận ngày nay? Các bạn đọc sử thấy những điều trái khoáy thực ra không trái khoáy chút nào, những chuyện tưởng như kỳ quái mà thực ra lại rất chính xác...
(Vô danh thị)

 


Thành ngữ xuất xứ từ thơ cổ và điển cố 

Một đi không trở lại 

 

Một đi không trở lại (一 去 不 復 返)  [nhất khứ bất phục phản] là thành ngữ nói lên sự mất mát vĩnh viễn, không thể tìm thấy lại được và nó có xuất xứ từ bài Hoàng Hạc lâu (黃 鶴 樓) bất hủ của nhà thơ Thôi Hiệu đời Đường. 

Nguyên tác:

Tích nhân dĩ thừa hoàng hạc khứ 
Thử địa không dư Hoàng hạc lâu 
Hoàng hạc nhất khứ bất phục phản 
Bạch vân thiên tải không du du 


Tình xuyên lịch lịch Hán Dương thụ 
Phương thảo thê thê Anh Vũ châu 
Nhật mộ hương quan hà xứ thị 
Yên ba giang thượng sử nhân sầu.

 

Dịch thơ:

Người xưa cưỡi hạc đã lên mây, 
Lầu hạc còn suông với chốn này. 
Một vắng hạc vàng xa lánh hẳn 
Ngàn năm mây bạc vẩn vơ bay. 


Vàng gieo bên Hán, ngàn cây hửng 
Xanh ngắt châu Anh, lớp cỏ dày. 
Trời tối quê nhà đâu tá nhỉ ? 
Đầy sông khói sóng gợi niềm tây!

(Bản dịch: Ngô Tất Tố)

 

Nếu ta hiểu được bài thơ trên thì ta thấy thành ngữ “Một đi không trở lại” không đơn thuần chỉ nói lên sự mất mát vĩnh viễn, không thể tìm thấy lại được mà nó còn nói lên tâm trạng cảm hoài trước quy luật của tạo vật là không có gì tồn tại vĩnh cửu.

(Nguyễn Ngọc Kiên)

 


Cà phê Hà Nội xưa và nay

Cà phê Nhĩ


Cà phê Nhĩ nằm lọt thỏm ở giữa phố Hàng Cá giáp ngay ngã tư Hàng Lược, Hàng Cá và Ngõ Gạch. Không bảng hiệu, cơ ngơi cũng vô cùng hạn chế nhưng quán cà phê từng được mệnh danh là đệ nhất cà phê Hà Nội không lúc nào ngớt khách. Cà phê được để trong ấm tích bằng sứ, đong bằng các chén hạt mít con con, thêm đường hoặc sữa rồi đánh tung bọt lên bằng cây đánh trứng trước khi thả dăm viên đá vào. 

 

Xưa kia là quán vỉa hè, không bảng hiệu để nhận biết, may ra có chăng tấm bạt che cũ mèm không còn nhìn nổi màu sắc với mấy chữ như từ những năm 80 về trước. Quán nhỏ, thấp bé, chật hẹp như những con phố, con đường 36 phố phường xưa.

(xem tiếp cà phê kỳ tới)



Thói "ăn" nếp "ở" của người Việt 

Phong cách ăn uống, nói năng giữ một vị trí quan trọng trong truyền thống phong tục, lễ giáo của người Việt. Con cái, đặc biệt là con gái, bởi lẽ thời xưa không được tới trường, được mẹ dạy cho "học ăn, học nói, học gói, học mở", coi như những chuẩn mực để xử thế và giao tiếp trong gia đình, họ hàng và ngoài xã hội. Nghĩ rộng, thấy bốn món "công, dung, ngôn, hạnh" được gói ghém gần như trọn vẹn trong đó. 


Vậy, "ăn" khi đi chung với "nói" được hiểu là đối đãi, cư xử. Nhưng khi cặp kè với "nhậu", tuỳ theo cách nói, lại có nghĩa hoàn toàn khác: "Chuyện vợ chồng người ta không ăn nhậu gì tới mình, mình xía vô đâm ra mất lòng." Ở đây, không biết vì nỗi niềm trắc trở gì mà "ăn nhậu" đành đoạn chia tay, không còn luyến tiếc chút dư vị nào của "ăn uống, nhậu nhẹt" nữa, để cải trang, đổi lớp thành "dính líu, dính dáng". Lạ, nhưng không lớn!


Chuyện lớn chỉ thực sự xảy ra, khi "ăn" lỡ chung chạ với "nằm". Thử nghe mẹ quát con gái: "Hả, cái gì? Bộ đui hay sao mà mày ăn nằm với cái thằng trời đánh thánh đâm, lưu manh láu cá đó? Trời ơi là trời, con ơi là con!

Nhất định là phải có "ăn" vô đây thì "nằm" mới trọn nghĩa "tằng tịu" của nó, và được dùng để ám chỉ những trường hợp chung chạ xác thịt không chính thức. Vợ chồng với nhau, không ai, hoặc không nên, nói "ăn nằm", mà nói "ăn ở". Khi người vợ rưng rưng nước mắt trách cứ: "Vợ chồng mình ăn ở với nhau bảy mặt con, không còn tình cũng còn nghĩa, mình nỡ lòng nào ăn nằm với con ở. Bây giờ, nó chang bang một bụng, em biết ăn nói sao đây với con cái?". Nghe thương xót biết mấy! 

Và, "ăn nói" trong tình huống này, có thêm nghĩa "giải thích, làm sáng tỏ", ở đây là lý do tại sao cái bụng chị ở không dưng càng ngày càng phình lớn một cách vô cùng khó hiểu.


Chuyển qua "ăn vụng". Nghĩa đen ý nói "giải quyết cái đói một cách lén lút": "Nhà tôi có tật ăn vụng ban đêm, khuya nào cũng thức dậy, xuống bếp lục cơm nguội.". 

Chuyện nhỏ, không sao cả. Nhưng tới lúc nàng nghiến răng trèo trẹo cảnh cáo: "Tôi nói cho anh biết, anh mà lén tôi đi ăn vụng, tôi biết được, đừng có trách tôi ác". Và, tới khi bạn gái trề môi nhún mỏ rỉ tai nhau: "Ai kêu, ăn vụng không biết chùi mép, bị vợ đuổi ra khỏi nhà, đáng đời!". Hành động "ăn vụng" trở mặt, chỉ còn độc nhất một nghĩa bóng: "Đã có gia đình, còn lén lút ngoại tình."

(Ngô Nguyên Dũng)

 


Tranh dân gian

Làng tranh Đông Hồ

Làng tranh Đông Hồ trên dưới 500 năm. Khi Trịnh Tùng dẹp tan nhà Mạc ở Cao Bằng, họ Mạc chạy tứ tán khắp nơi, phải thay tên, cải họ để tránh cuộc truy lùng thành họ Phạm, Hoàng, Nguyễn với tên đệm bộ mộc. Riêng họ Nguyễn ở làng Thổ Khối chữ đệm là Đăng, từ tên đệm “Đăng” của Mạc Đăng Dung.

 

Lên đồng

Về thời lượng, các buổi hầu đồng  thường kéo dài khoảng 4 đến 12 giờ. Vì thời gian các buổi lên đồng ở hai trường hợp không giống nhau đã dẫn đến số lượng ông đồng bà đồng cũng khác nhau.

 

Thông thường ở người Việt (miền Bắc), một ông đồng bà đồng sẽ tiến hành nhảy múa cho đến khi kết thúc buổi lễ, trường hợp có từ hai người hầu trở lên, họ sẽ tuần tự hầu từng đợt (người này hầu xong người kia sẽ vào chứ không hầu xen kẽ), và “giá” khác nhau.

Giá là khoảng thời gian từ khi thánh nhập đến lúc thánh ra khỏi (thăng) thân xác ông đồng, bà đồng. Do đó, trong một buổi hầu đồng, có bao nhiêu vị thánh “về” thì có bấy nhiêu giá.

 

Trong hệ thống điện thần Tứ Phủ, số lượng các vị thánh vốn là các võ tướng trong triều đình hoặc những người có công đối với đất nước chiếm số lượng rất đông đảo, trường hợp các Ông Hoàng trong điện thần Tứ Phủ cũng vậy. Tương truyền Ông Hoàng Đệ Nhất là danh tướng của Lê Lợi, Ông Hoàng Bơ (Ba) thờ ở Đền Lảnh (Hà Nam) có công phò vua đánh giặc, Ông Hoàng Lục (tức Trần Lựu) người đã có công đánh giặc Minh.

 

(Lên đồng của người Việt – Bùi thị Thoa)

 


Tranh dân gian

Bản khắc gỗ tranh Đông Hồ

Tranh dân gian đất Bắc với giấy dùng để in tranh là giấy dó mịn, làm bằng vỏ cây dó. Giấy được phết nhựa thông, bồi bột điệp óng ánh nghiền từ vỏ hến, vỏ sò để làm nền. Giấy nhũ được quét bằng hồ pha bột vàng hoặc bạc gọi là giấy điệp. Màu lấy từ cây vườn nội cỏ, màu đen từ than lá tre khô, màu xanh lam từ lá chàm, màu nâu từ qủa bứa, màu vàng bằng hoa hòe hay quả giành giành, màu đỏ từ vỏ cây vang. Với ly Bordeaux đỏ như cây vang ắt hẳn thiên hạ sự gọi là… rượu vang chăng? 


Ván in tranh (bản khắc gỗ) từ gỗ thị, gỗ mít ở núi Thiên Thai cả trăm năm không mọt. Đến xeo giấy, quậy hồ đặc quá thì vênh như bánh đa quá lửa. Tới phơi tranh, gặp tiết hanh nồm, tranh bị bị vó. Tết đến, chợ tranh mở ra khách khắp nơi về mua tranh, để “vờn” tranh, “ăn” tranh, tức xem mua tranh. 


Trại tị nạn – ký ức những bước đầu tiên trên đất Mỹ

Trại Pendleton được chọn là một trong bốn địa điểm ở Hoa Kỳ để tổ chức các trại tị nạn cho những người tị nạn Việt. Tin tức đến đột ngột và quân đội thủy quân lục chiến Hoa Kỳ cấp tốc dựng  trại và các cơ sở khá cho những người tị nạn. Căn cứ Thủy quân lục chiến Camp Pendleton đóng ở quận San Diego nhanh chóng được chọn làm nơi đóng trại tạm thời cho những người tị nạn. Các sĩ quan Thủy Quân Lục Chiến từng chiến đấu và có người hy sinh ở Việt Nam, nhưng họ không biết rằng họ cũng có thể giúp giải quyết hậu quả chiến tranh, Faye Jonason – nhà sử học nghiên cứu về trại Pendleton – cho biết. “Đây là điều họ không hề trông đợi,”

 

Bên Thủy Quân Lục Chiến nhận chỉ được thông báo trước vài ngày về kế hoạch trại tị nạn. Họ nhanh chóng tìm cách xây dựng trại từ đầu, thậm chí sang tận Utah để lấy thêm lều, nhưng lại bị ngợp về số lượng người đến đây. Jonason cho biết, họ phải loan tin khẩn cấp trên đài phát thanh kêu gọi thiện nguyện viên đến giúp. 

 

Cao điểm nhất vào mùa hè năm 1975, chương trình đã cung cấp chỗ ở cho gần 20.000 người Việt trú tại 8 trại khác nhau chung quanh Camp Pendleton. 

 

(Hương Giang)



Văn hoa chửi 

Trước hết phải nói “chửi” vũ khí của kẻ yếu mất hết lòng tin vào công lý và xã hội. Xã, ấp nào phân xử chuyện mất một con gà, nên nạn nhân giành quyền phán xét bằng cách chửi đứa ăn trộm gà, dù mười mươi biết rằng có chửi, thì con gà cũng đã được vặt lông, cho vào nồi lâu rồi, không còn hy vọng tìm lại được. Nhưng vẫn phải chửi, trước là cho hả giận, sau là để nguyền rủa năm mười đời thằng ăn trộm gà cho nó xót gan bào ruột.

Chửi cũng phải có nghệ thuật. Không phải cứ thấy mất gà là đã đong đỏng lên mà chửi, ai nghe? Thường thì người mất gà phát giác ra con gà “một đi không trở lại” trong thời điểm trời nhá nhem tối, nghĩa là giờ “gà lên chuồng.” Nhưng chửi vào giờ ấy, trong khi mọi gia đình, người đi làm chưa về, bữa cơm chưa dọn, kẻ còn cho trâu vào chuồng, người còn cho lợn ăn, thì ai nghe? 

Vậy nghệ thuật chửi là phải chọn đúng thời điểm khi hàng xóm, làng giềng đã yên lặng, có thể bắt đầu lên giường…


(Nguồn: Huy Phương)



Tình dục trong làng văn xóm chữ

Rên xiết đòi dâm

Vì cơ thể phải trải qua quá nhiều biếnđộng, đa số đàn bà hưởng thụ khóai lạc chậm và trễ hơn đàn ông. Một người đàn bà ngoài ba mươi hay ngoài bốn mươi biết hưởng thụ khóai lạc thân xác thì có cơ may dễ xảy ra hơn là một người con gái hai mươi rên xiết đòi dâm .
"Em khóc sập trời anh vẫn cứ đi, gạt em về vạt vạt mây tơi tả
Em phút chốc là Nữ Oa, nâng khoảng trời bị trượt chân, bằng mi mắt khô trụi
Rồi hồn phiêu bồng lại nhập xác thân
Rồi lại nóng bừng hồi hộp hồi hộp”


Nữ Oa nào trong này, chỉ chạy theo cầu cạnh chút tình ái của những người đàn ông đã bỏ rơi mình. Một mô thức tiêu biểu của những nạn nhân trong những liên hệ tình ái bị lạm dụng. 

Ðọc thêm một bài dưới đây nữa:
"Khi đôi mắt anh nhìn thấy trong mắt em những đứa bé chưa được sinh ra. Không còn biết một chấn động nào hơn
Anh xoáy vào em
Cơn lốc."

Triết lý tình ái vớ vẩn. Thơ lúc khúc. Chả có gì đặc sắc.

("Sex Sells": đọc thơ Vi Thùy Linh – Lê Thị Huệ) 



Chửi mất gà

Chém cha đứa bắt gà nhà bà. Chiều hôm qua, bà cho nó ăn hãy còn, sáng hôm nay, con bà gọi nó hãy còn, mà bây giờ mày đã bắt mất. Mày muốn sống mà ở với chồng với con mày, thì mày buông tha thả bỏ nó ra, cho nó về nhà bà. Nhược bằng mày chấp chiếm, thì bà đào thằng tam đại tứ đại nhà mày lên, bà khai quật bật săng thằng ngũ đại lục đại nhà mày lên. Nó ở nhà bà, nó là con gà, nó về nhà mày, nó biến thành cú thành cáo, thành thần nanh đỏ mỏ, nó mổ chồng mổ con, mổ cái nhà mày cho mà xem. Ớ cái thằng chết đâm, cái con chết xỉa kia ! Mày mà giết gà nhà bà, thì một người ăn chết một, hai người ăn chết hai, ba người ăn chết ba, mày xuống âm phủ, mày bị quỷ sứ thần linh rút ruột ra, ớ cái thằng chết đâm, cái con chết xỉa kia ạ! (1) 

 

(1) Nguyễn Công Hoan, Bước đường cùng, 1938.



Chữ nghĩa lỗ mỗ ngu ngơ


Tiệc thì phải có thịt gà, đàn ông phải có đàn bà mới vui

Bánh mì phải có patê, đàn ông phải có máu dê trong người



Tình dục trong làng văn xóm chữ

Gọi sex sells là vì thế


Phát biểu nghệ thuật căn bản là những phát biểu cá nhân. Vi Thùy Linh có thể phát biểu cuộc đời theo ý của riêng của mình. Hoặc cô ta có thể cảm nhận dâm như đàn ông. Nhưng điều đáng nói là cách phát biểu bản ngã nam trong thơ Vi Thùy Linh đã không được nhà phê bình nam nào phát hiện ra ở đâu cả. Mà cái tính chất "dâm giai" của cô ta được cung nghinh lẹ làng lên thi đàn văn chương trong nước. Bằng những ồn ào của những người đàn ông muốn chứng tỏ bắp thịt đàn anh sẽ quyết định tên tuổi em gái trên văn đàn Việt Nam. Nguyễn Thanh Sơn thì gọi là "mẫn cảm phụ nữ tinh tế". Trần Mạnh Hảo thì cho là một "vọt trào vụt hiện bản năng". Nguyễn Trọng Tạo thì nhất định đóng mộc lên thơ cô này là "một hệ thống thẩm mỹ mới".
Nếu Vi Thùy Linh không viết những câu thơ như:


"Cái lưỡi mềm của anh nơi gan bàn chân em"


Tôi nghĩ là đã chẳng bao giờ có cái gọi là "hiện tượng Vi Thùy Linh" được những đàn anh văn nghệ trong và ngoài nước khởi xướng, tung hứng ầmĩ nào là hàm ngôn (?), nào là canh tân, nào là thơ trẻ, nào là mới mẻ.
Gọi sex sells là vì thế.
Viết đến đây tôi tự mỉm cười nghĩ ngợi, không biết các đàn anh văn nghệ này sẽ phát biểu như thế nào, nếu được vào vai đàn anh văn nghệ cho một cuốn phim mới từ Hollywood: phim Tadpole. Tadpole kể chuyện một người đàn bà trung niên 40 tuổi rủ rê con trai một người bạn, một thanh niên 15 tuổi làm chuyện "trái đất vẫn xoay quanh những chiếc giường".


("Sex Sells": đọc thơ Vi Thùy Linh – Lê Thị Huệ) 



Tình dục trong làng văn xóm chữ

Hoạn quan 

Hoạn quan là tầng lớp quan chức tôi đòi nằm trong cung đình Trung Quốc và các nước chung ảnh hưởng: Việt Nam, Triều Tiên. 

"Hoạn" nghĩa là thiến. Thiến là một hình phạt, trước khi có tình trạng vật bị thiến được đem ra sử dụng. Người có quyền lực thiến kẻ thất thế hơn để bảo vệ giống cái của mình, để trừng phạt kẻ kia sử dụng cái quyền của giống đực mà mình được hưởng.

 

Hình luật của xứ Assyrie (1450-1250 BC, khoảng vùng Irak ngày nay) cho phép người chồng bắt gặp vợ ngoại tình thì có quyền giết cả hai hoặc cắt mũi vợ và thiến tình địch. 


(Sex và triều đại - Tạ Chí Đại Trường)



Rạp hát xưa: Những thiên đường của Tết

Tụi con nít bắt đầu háo hức chờ đợi ngày có tiền hiên ngang đi xe buýt lên rạp Thủ Đô - một “thánh đường” cải lương trong Chợ Lớn - để xem các đoàn Thanh Minh - Thanh Nga, Dạ Lý Hương, Thống Nhất. Được vào rạp Thủ Đô là một sự chuyển vùng, nâng cấp, lấy số lấy má khi tụi tôi ngồi nói chuyện, khoe thành tích đi xem cải lương của mình.


Vào rạp Lê Ngọc xem phim cao bồi, rạp Cao Đồng Hưng để xem phim Ấn Độ, mấy ngày Tết tụi tôi chỉ loanh quanh các rạp hát vùng Chợ Lớn là đã hết tiền lì xì.


(Lê Văn Nghĩa)



(xem kỳ tới rạp Đại Nam với phim Alamo. Đạo diễn: John Wayne.
Diễn viên: John Wayne, Laurence Harvey, Richard Widmark)













Không có nhận xét nào: