Thứ Sáu, 20 tháng 8, 2021

TĂNG QUẢNG HIỀN VĂN 20 (Đỗ Chiêu Đức sưu tầm và diễn dịch)

            TĂNG QUẢNG HIỀN VĂN 20

 

                         

                 Mạc ẩm mão thời tửu, Hôn hôn túy đáo dậu.                  

                          

                 Mạc mạ dậu thời thê, Nhất dạ thụ cô thê.


    Chú Thích :   

        THÊ : ta có 4 chữ Thê thường gặp sau đây:   

             1. Thê nầy có bộ Nữ bên dưới, nên có nghĩa là VỢ.   

             2. Thê nầy có bộ Mộc bên trái, nên có nghĩa là ĐẬU: Trong Tăng Quảng Hiền Văn 10, ta có câu: " Đình tài thê phụng trúc" (Trong sân trồng tre để cho chim phụng đậu). Nghĩa bóng là Nương Tựa, như Thê Thân, Thê Cư: là Ở trọ đở, nương thân.  

             3. Thê nầy có bộ Thảo trên đầu, nên có nghĩa là Um Tùm, Xanh Om. Ta đã biết câu "Phương thảo THÊ THÊ Anh Vũ châu" trong bài Hoàng Hạc Lâu của Thôi Hiệu rồi.

             4. Thê nầy có bộ Băng bên trái, nên có nghĩa Rét Buốt, Lạnh Lẽo. Nghĩa trong câu: CÔ THÊ: là Cô đơn lạnh lẽo.  

           chữ Thê nầy còn được viết bằng bộ Thủy (3 chấm là Thủy) cũng có cùng nghĩa như bộ Băng. 

 

  Nghĩa Câu :  

           Đừng uống rượu vào giờ Mão (Sáng từ 5 - 7 giờ), vì sẽ say gật gà gật gưỡng (hôn hôn) cho đến giờ Dậu (Chiều từ 5- 7 giờ). Vậy là suốt ngày khỏi làm ăn gì hết!  

           Đừng mắng vợ vào giờ Dậu, vì nếu vợ chồng cải lộn vào giờ nầy, thì suốt đêm sẽ phải nằm chèo queo lạnh lẽo, cũng khỏi "làm ăn" gì hết! Ca dao miệt Cần Thơ Cái Răng có câu:     

                              Mù u đêm tối mù u,    

                       Vợ chồng cải lộn,... nhịn thèm!

 

 

 

                          

                 Chủng ma đắc ma, Chủng đậu đắc đậu.    

                               

                  Thiên võng khôi khôi, Sơ nhi bất lậu. 

  

Chú Thích :   

         Ma : là Cây Đay, cây Gai. Miền Nam gọi là Cây Bố.  

         Võng : là Lưới , Chài. Ngư Võng là Lưới cá, là Cái Chài để Chài cá. Thiên Võng là Lưới Trời.  

         Khôi Khôi : là Mênh mông, Bao la.  

         Sơ : là Thưa thớt. là Lợt lạt.   

         Lậu : là nhểu, Chảy, Lọt, Dột.  Ốc lậu: Nhà dột. Lậu Võng: Lọt Lưới. Lậu Bình: là cái Bình chảy. Khắc Lậu Canh Tàn: Giờ khắc nhễu theo những giọt nước trong cái hồ bằng đồng (đồng hồ) ngày xưa. Bệnh Lậu: là bệnh không đi tiểu mà vẫn nhễu nước ra.  

 

Nghĩa Câu :   

          Trồng đay thì được đay, trồng đậu thì được đậu.  

           Lưới trời lồng lộng, thưa mà không lọt.  

           Gieo nhân nào thì gặt quả nấy! Làm ác sẽ gặp ác, ông bà ta nói: "Ác lai thì Ác báo" và:   

      Thiện ác đáo đầu chung hữu báo,   善 惡 到 頭 終 有 報    

      Cao phi viễn tẩu dã nan đào !         高 飛 遠 走 也 難 逃

 

Có nghĩa :   

             Thiện hay ác gì thì rốt cuộc vẫn có báo ứng. Dẫu cho bay có cao, chạy có xa thì cũng khó mà thoát khỏi! 

   Có bản viết là :   

     Cao phi viễn tẩu dã nan TÀNG.   高 飛 遠 走 也 難 藏.    

Có nghĩa :    

             Cao chạy xa bay cũng khó TRỐN  (thoát).

 

 

 

                      

             Kiến quan mạc hướng tiền, Tố khách mạc tại hậu.  

 Nghĩa Câu :   

         Thấy quan thì đừng tiến lên phía trước, còn làm khách thì đừng tụt lại phía sau.  

          Ngày xưa, thấy quan mà còn xớn xớn đến phía trước, thì coi chừng... ăn đòn! Còn bây giờ, tuy không đến nổi ăn đòn, cũng bị bảo vệ, hoặc Security xô đẩy nạt nộ.  Còn làm khách ở nhà người ta, thì luôn luôn phải đi ngang hàng với chủ nhà hoặc đi trước một bước, chớ không nên đi thụt lùi ở phía sau làm nhà chủ phải ngoái lại để nói chuyện hoặc trông chừng xem... nó có "chôm" món đồ nào bỏ túi không!?

 

 

 

                           

               Ninh thiêm nhất đấu, Mạc thiêm nhất khẩu.  

 

Nghĩa Câu :    

          Thà là thêm một đấu (một Táo: khoảng 20 lít) , chớ không chịu thêm một nhân khẩu.   

           Một táo chỉ ăn vài ngày là hết, nhưng... chắc ăn, bảo đãm không có chuyện gì xảy ra! Còn thêm một nhân khẩu, có thể làm ra thật nhiều TÁO, nhưng cũng sẽ phát sinh thật nhiều chuyện rắc rối chung quanh cái Nhân Khẩu nầy!

 

               Câu nầy còn được nói lại như sau :

                        一斗
              Ninh thiêm nhất khẩu, Mạc tranh nhất đấu.

   Có nghĩa :
          Thà là thêm một miệng ăn (để làm ra thêm thực phẩm nhiều hơn), chớ đừng tranh giành chi có một táo.

             Câu nói có hai mặt Phải, Trái, ai muốn dùng theo nghĩa nào thì cứ tự do chọn lựa mà xài !

 

 

                         

               Đường lang bổ thiền, Khởi tri hoàng tước tại hậu. 

  

Chú Thích :  

          Đường Lang : là con Bọ Trời, Miền Nam gọi là Con Bù Cào Trời.   

         Thiền : là con Ve Sầu.  

         Hoàng Tước : là con Chim se sẻ màu vàng.  

 

Nghĩa Câu :     

         Con bọ Ngựa muốn chụp con ve sầu để ăn thịt, nó đâu có biết rằng phía sau lưng nó đang có con chim se sẻ cũng đang định mổ nó để ăn.   

       Đây là một Ngụ ngôn Thành ngữ Điển tích, theo tích sau đây:   

            Thời Chiến Quốc, Vua nước Ngô muốn đánh nước Sở, các đại thần đều đến can ngăn. Vua giận nói: "Ai còn phản đối ta sẽ xử trảm!" Mọi người đều rất lo lắng. Có một Thị Vệ, sáng sớm cứ giương ná ngắm nghía trên cây trước cung vua. Vua Ngô trông thấy bèn hỏi: "Nhà người đang làm gì thế?" Thị Vệ thưa rằng: Trên cây có một con Ve sầu đang vừa ngâm vừa uống sương rất vui vẻ, nó đâu có biết rằng có con Bọ Ngựa ở phía sau đang định chụp nó để ăn thịt, và con Bọ ngựa kia cũng đâu có biết rằng, phía sau nó lại có một con chim se sẻ màu vàng cũng đang định mổ nó để ăn, và con chim se sẻ kia cũng đâu có ngờ rằng, ở phía sau nó còn có hạ thần đang giương ná ra để bắn nó đây! Thưa Đại Vương, các con vật kia chỉ thấy có cái lợi trước mắt mà không biết đến cái hại đang rình rập ở sau lưng!" Ngô Vương nghe xong chợt tỉnh ngộ, ta dốc toàn lực đánh nước Sở, nhỡ có nước nào khác thừa cơ đánh úp ta thì sao?! Bèn thôi, không đánh Sở nữa.  

 

          Người đời cũng thế, thường người ta chỉ thấy và hám cái lợi trước mắt, mà quên khuấy đi cái hại nhiều khi rất lớn, đang rình rập ở sau lưng mình!

             

 

               

       Bất cầu kim ngọc trọng trọng quý, Đản nguyện nhi tôn cá cá hiền.  


Chú Thích :    

       Trọng : là Nặng. Chữ nầy còn được đọc là Trùng: có nghĩa là Lặp lại. Vd : " Phước bất TRÙNG lai" (Phước không có đến hai lần). Trong câu dùng luôn hai chữ liên tiếp Trọng Trọng: là nặng nặng, có nghĩa là Nhiều Nhiều.   

 

Nghĩa Câu :  

            Không cầu có được thật nhiều vàng ngọc quý báu. Chỉ mong rằng (đản nguyện) con cháu đứa nào đứa nấy đều hiền lành ngoan ngoản.

 

 


                         

                  Nhất nhật phu thê, Bách thế nhân duyên.   

                    

    Bách thế tu lai đồng thuyền độ, Thiên thế tu lai cộng chẩm miên.  

 

 Chú Thích :   

         Thế : là Đời, Kiếp. Bách Thế là Trăm đời, Trăm kiếp. Vạn Thế là Muôn đời. Khổng Tử được xưng tụng là "Vạn Thế Sư Biểu": là Người Thầy tiêu biểu của Muôn đời.

         Độ : có 3 chấm thủy, nên có nghĩa là: Đi ngang qua Sông Hồ Ao Biển. Đồng Thuyền Độ: là  Cùng đi chung một thuyền.  

         Chẩm : là Cái Gối để nằm. Cộng Chẩm Miên: là Cùng nằm chung Gối để ngủ.

   

Nghĩa Câu :    

         Chỉ một ngày làm vợ chồng với nhau thôi, cũng là do cái nhân duyên của cả trăm đời trước mới thành được.  

         Cùng tu với nhau một trăm kiếp, mới có cái duyên được đi chung thuyền với nhau (đồng hội đồng thuyền). Cùng tu với nhau một ngàn kiếp mới ngủ chung gối với nhau được!    

         Dù nói cách nào, cũng cho thấy là phải khó khăn vất vả lắm mới thành vợ thành chồng với nhau được, và quan hệ vợ chồng là cái gì đó thiêng liêng cao cả lắm, được gởi gắm vào hai chữ Nhân Duyên do nơi tiền định, thiên định, chớ không phải sức người mà làm nên được. Nên ta phải biết trân trọng tình nghĩa vợ chồng , không thể động chút là ly thân, ly dị... mà phải biết gắn bó nhau để xây dựng hạnh phúc gia đình. Quan hệ vợ chồng là một trong ba cái giềng mối của xã hội phong kiến ngày xưa: Quân Thần, Phụ Tử, Phu Phụ nên không thể xem thường được. Trong xã hội ngày nay, đơn vị Gia Đình vẫn là nền tảng chủ yếu của bất cứ xã hội hay quốc gia nào, mà  trong Gia Đình thì không thể vắng bóng cặp đôi nồng cốt là Vợ Chồng cho được.

             

(Còn tiếp)

Đỗ Chiêu Đức


    

 


Không có nhận xét nào: