Thứ Sáu, 27 tháng 8, 2021

TĂNG QUẢNG HIỀN VĂN 27 (Đỗ Chiêu Đức sưu tầm và diễn dịch)

            TĂNG QUẢNG HIỀN VĂN  27

 

 

               
           Vô tiền phương đoạn tửu, Lâm lão thủy khan kinh.
  

Nghĩa Câu :
             Khi hết tiền rồi mới cai rượu, đến lúc già rồi mới chịu xem kinh Phật (mới chịu tu hành).
             Ý muốn nói...
             Chuyện gì đó, đến lúc cấp bách, hết nước, chẳng đặng đừng, mới chịu... làm. Còn tiền còn nhậu, hết tiền, cực chẳng đã mới chịu cai!  Còn trẻ, còn hăng máu, làm việc gì cũng theo ý mình, bất chấp phải quấy, đạo đức... đến lúc già, từng trải nhiều cam go, thất bại, mới chịu tu tâm dưỡng tánh!
            Âu cũng là thường tình của con người!

 

 

                          
              
Điểm tháp thất tằng, Bất như ám xứ nhất đăng.

   

Nghĩa Câu :
              Đèn đốt trong 7 tầng tháp (sáng rực), cũng không bằng được nơi tối tăm mà có được một ngọn đèn.
              Ngày thường có làm được nhiều việc thiện, việc tốt, cũng không bằng trong lúc cấp bách mà tiếp giúp được người nào đó đang trong lúc nguy nàn.
             Câu này làm ta nhớ lại câu đã gặp ở những bài trước đó:
                      Khát thời nhất trích như cam lộ,
                      Túy hậu thiêm bôi bất như vô.

 

 

 

                
     Vạn sự khuyến nhân hưu mạn muội, Cử đầu tam xích hữu thần minh.
 

Chú Thích :
          Mạn Muội : MẠN là lừa, dối. MUỘI : là Che lắp, dấu diếm.
          Mạn Muội là Mờ ám, dối trá.
   

Nghĩa Câu :
              Muôn việc đều khuyên người ta không nên làm những điều mờ ám dối trá, vì cất đầu lên 3 thước thì đã có thần minh soi xét ở trên rồi!
      Thần linh thì không biết có thiệt hay không, chớ "lương tâm" thì luôn luôn hiện hữu ở mọi người. Khi làm việc gì mờ ám, dối trá, ta chỉ lừa được người khác chớ không lừa được lương tâm của chính mình, "nó" sẽ theo ám ảnh ta suốt đời!

 

 

                        
             Đản tồn phương thốn thổ, Lưu dữ tử tôn canh.
  

Nghĩa Câu :
             Hãy chừa một tất vuông đất lại, để cho con cháu cày bừa.
             Câu nầy khuyên ta...
             Làm việc gì đó phải biết chừa hậu, đừng quá tuyệt tình hoặc cạn tàu ráo máng, phải chừa lại chút... gì đó cho con cháu, mà ông bà ta nói là: Để Đức lại cho con!
             Nói theo chữ Nho ngày xưa là: Để chút PHÚC ĐIỀN (ruộng phước đức) lại cho con cháu canh tác để hưởng phước đức của ông bà cha mẹ để lại.
             Nói theo ngày nay là đừng quá phí phạm thiên nhiên, phá hoại môi trường, phung phí màu xanh, mà phải biết tiết chế vừa phải, để chừa lại chút không khí trong lành và màu xanh thiên nhiên lại cho con cháu đời sau.

 

 

 

                           
              Diệt khước tâm đầu hỏa, Thích khởi Phật tiền đăng.
 

Chú Thích :
         Thích : Còn đọc là TÍCH : Có nghĩa Róc, Gọt, Cắt, Xén.
         Trong câu trên có nghĩa là KHÊU cho ngọn nến sáng lên.
  

Nghĩa Câu :
            Hãy làm cho tắt đi ngọn lửa ở trong lòng, và hãy khêu dậy ngọn đèn trước bàn thờ Phật.
            Đây là câu ngạn ngữ của Phật môn, phát xuất từ bài "Điểm Đăng Kệ" như sau:

 

            滅 除 心 頭 火,  Diệt trừ tâm đầu hỏa,
            提 起 佛 前 燈,  Đề khởi Phật tiền đăng,
            願 以 大 智 慧,  Nguyện dĩ đại trí tuệ,
            照 破 眾 無 明。  Chiếu phá chúng vô minh.

 

           Diệt đi ngọn lửa lòng, tức là diệt đi cái Tham Sân Si đang âm ỉ cháy trong lòng, để khơi dậy ngọn đèn Trí Tuệ Từ Bi của Phật pháp.
           Câu nầy làm ta nhớ đến 4 câu thơ của Jean Leiba:

                      Phù thế còn nhiều duyên nghiệp quá,
                      Lệ lòng mong cạn chốn am không,
                      Cửa thiền một đóng duyên trần dứt,
                      Quên hết người quen chốn bụi hồng !

 

          Trong Kiều Nguyễn Du cũng đã viết:
                        Sự đời đã tắt Lửa Lòng,
                        Còn chen vào chốn bụi hồng mà chi?!

 

 

 

                        
            Tinh tinh thường bất túc, Mông mông tác công khanh.
 

Chú Thích :
           Tinh Tinh : Tỉnh táo, Thông minh.
           Mông Mông : Ù ù Cạc cạc, Ù lì.
  

Nghĩa Câu :
             Có những người thông minh tỉnh táo, nhưng thường khi cuộc sống lại thiếu thốn không đầy đủ. Còn có những người lơ lơ mơ mơ, ù ù cạc cạc, mà lại làm nên danh phận vẻ vang (công khanh).
             Sự đời thường có những việc tréo ngoe như thế!

 

 

 

                         
             Chúng tinh lãng lãng, bất như cô nguyệt độc minh.
 

  Nghĩa Câu :
             Ngàn sao lấp lánh cũng không bằng được ánh sáng của một vầng trăng cô độc.
             Một đàn thằng thi hỏng, không bằng được một thằng thi đậu.
             Một bầy thằng hai mắt, không bằng được một thằng chột... làm quan.

 

 

                           

                     Huynh đệ tương hại, Bất như tự sanh.

 

Nghĩa Câu :  

          Anh em mà làm hại lẫn nhau, thôi chi bằng mạnh ai nấy sống (cho yên chuyện).  

 

           Ở đời rất nhiều người như thế. Rất lịch sự, nhã nhặn và rộng rãi với mọi người, nhưng với anh chị em ruột trong nhà thì... ke re cắt rắc từng chút một.

 

 

 

                            
                       Hợp lý khả tác, Tiểu lợi mạc tranh.
 

Nghĩa Câu :
             Chuyện nào hợp tình hợp lý, hợp với đạo nghĩa ở đời, thì có thể làm. Đừng vì cái lợi nhỏ mà đâm ra tranh giành nhau (để mất cái nghĩa lớn!)
              Hợp lý thì nên làm, Tiểu lợi thì đừng tranh!

 

 

 

                 
       Mẫu đơn hoa hảo không nhập mục, Táo hoa tuy tiểu kết thực thành.
  

Nghĩa Câu :
              Hoa Mẫu Đơn dù cho có đẹp cách mấy đi nữa, thì cũng chỉ để ngắm chơi khơi khơi mà thôi (không nhập mục). Hoa Táo mặc dù nhỏ, trông không đẹp, nhưng lại kết thành trái Táo rất ngon, rất thực tế.
              Nếu kể về giá trị tinh thần, nghệ thuật, thì hoa Mẫu Đơn là hoa đẹp dùng để thưởng ngoạn nhìn ngắm trong một lúc mà thôi. Nếu nói về giá trị thực tiễn lâu dài, thì tuy hoa Táo không đẹp, nhưng lại cho kết quả thực dụng là trái Táo, vừa kinh tế, vừa thực tế.
             Nhưng, cuộc đời khi vầy khi khác, tùy theo hoàn cảnh thích ứng với thứ nào. Chưa chắc mèo nào cắn mĩu nào, chưa chắc ai đã hơn ai!!!


(Còn tiếp)


Đỗ Chiêu Đức





 


Không có nhận xét nào: