Thứ Bảy, 14 tháng 8, 2021

TĂNG QUẢNG HIỀN VĂN 14 (Đỗ Chiêu Đức sưu tầm và diễn dịch)


             TĂNG QUẢNG HIỀN VĂN 14 

 

             

     Nhi tôn tự hữu nhi tôn phước, Mạc vị nhi tôn tác mã ngưu. 

  

 Nghĩa Câu :   

           Con cháu tự có cái phước phần của con cháu, đừng vì con cháu mà phải làm thân trâu ngựa. Ý muốn nói...   

          Con cháu tự nó biết phải làm ăn sinh sống như thế nào, cha mẹ ông bà không nên chen vào đời sống riêng tư của con cháu, mặc dù với danh nghĩa là trông nom giúp đỡ, làm mọi không công cho con cháu... cũng không nên. Có mặt những "Người lớn" khác thế hệ, khác tư duy, khác cả về cách thức làm ăn sinh sống... lắm khi lại rách việc hơn, đôi lúc lại là... kỳ đà cản mũi... phát triển của con cháu. Tốt nhất là hãy mặc cho con cháu tự phát triển lấy... Luôn luôn nên tâm niệm là "Nhi tôn tự hữu nhi tôn PHƯỚC"! Cứ lo dưỡng già cho... chắc ăn! 

 

                   

滿

  Nhân sanh bất mãn bách, Thường hoài thiên tuế ưu.  

             

 Kim triêu hữu tữu kim triêu túy, Minh nhựt sầu lai minh nhựt ưu. 

 

  Chú Thích :  

         Hoài : Thuộc bộ Tâm, nên cũng có nghĩa là Lòng, Trong Lòng, Mang trong Lòng, như : Hoài Bão là Ôm ấp, Ấp Ủ trong lòng. 


   Nghĩa Câu :
            Đời sống của con người không đầy 100 tuổi, nhưng lại thường hay lo toan những việc của cả ngàn năm sau. Thôi thì, hôm nay có rượu uống, hãy uống cho say đi, ngày mai sầu muộn có đến thì ngày mai hãy lo rầu. Hơi sức đâu mà lo xa cho mệt!

            Hai câu sau nầy lấy trong bài "Tự Khiển" Của La Ẩn, một thi nhân đời Đường, như sau :

           自 遣                           TỰ KHIỂN
                     羅 隱                                    La Ẩn.

   得 即 高 歌 失 即 休,Đắc tức cao ca thất tức hưu ,  

   多 愁 多 恨 亦 悠 悠。Đa sầu đa hận diệc du du .   

   今 朝 有 酒 今 朝 醉,Kim triêu hữu tửu kim triêu túy,  

   明 日 愁 來 明 日 憂。Minh nhật sầu lai minh nhật ưu.

 

   Tạm diễn nôm như sau :  

                  Được vui, thất bại lại buồn so,  

                  Sầu nhiều hận lắm ốm thân cò.   

                  Hôm nay có rượu, hôm nay "xỉn",   

                  Sầu đến ngày mai, đến hãy lo !

 

 

         

    Lộ phùng hiểm xứ nan hồi tỵ, Sự đáo đầu lai bất tự do.  


 Chú Thích :   

         Hồi Tỵ : là Né Tránh, là Trốn lánh. 

 

  Nghĩa Câu :  

            Trên đường đi và cả trên đường đời nữa, lắm lúc ta phải gặp hoặc phải đương đầu với những chốn hiểm nguy, những điều hung hiễm mà ta không thể nào né tránh được. Sự việc khi đã gặp phải rồi, thì phải đương đầu mà giải quyết, chứ không còn được tự do lựa chọn nữa!  

           Câu nầy nêu lên trường hợp chẳng đặng đừng mà ta phải đương đầu giải quyết, đòi hỏi ta phải có tâm lý chuẩn bị trước, cũng như phải có bản lãnh để đương đầu với khó khăn nguy hiễm.

 

 

                     

             Dược năng y giả bệnh, Tửu bất giải chơn sầu. 

 

  Nghĩa Câu :     

         Thuốc có thể trị được bệnh giả, nhưng rượu thì không giải được nỗi sầu thật sự.   

           Giả bệnh, làm bộ bệnh, nhưng thầy thuốc cho thuốc uống thì phải hết thôi, không lẽ làm bộ mãi được! Nhưng, nếu có việc buồn thật sự thì không thể uống rượu để tiêu sầu được. "Uống rượu giải sầu" chỉ là cái cớ để uống rượu cho có lý do mà thôi! Vì tục ngữ cũng có câu: "Tửu nhập sầu trường sầu cánh sầu 酒 入 愁 腸 愁 更 愁 ! " có nghĩa: Rượu vào trong cái ruột buồn, thì nỗi buồn lại càng thấm thía và càng cảm thấy buồn hơn nữa!" Đã nói: Tửu bất giải chơn sầu mà!

 

 

                      

                Nhân bần bất ngữ, Thủy bình bất lưu.   


 Nghĩa Câu :    

         Người nghèo không nói, Nước bằng không chảy.   

          Lý đương nhiên thôi! Nước khi đã giữ được mặt bằng thì đứng yên không chảy nữa, còn... Nghèo, nói chẳng ai thèm nghe, nghèo, lo buồn trong bụng, không muốn nói nhiều, nên chi... nghèo, lại đâm ra trầm tư ít nói. "Lòng buồn chẳng thiết nói năng chi" mà!

 

 

               
   Nhất gia hữu nữ bách gia cầu, Nhất mã bất hành bách mã ưu.


   Nghĩa Câu :   

           Một nhà có con gái thì trăm nhà đến cầu cạnh xin cưới. Một con ngựa không đi nỗi thì cả trăm con ngựa đều buồn rầu.   

           Vế đầu còn có một dị bản là "Nhất gia DƯỠNG nữ bách gia cầu" nghĩa cũng giống như nhau.   

           Vế thứ hai thì giống như câu nói của tiếng Việt ta là: "Một con ngựa đau cả tàu không ăn cỏ!" Loài cầm thú còn xót xa thương cảm nhau thế kia, huống chi là con người!...

 

 

                       

              Hữu hoa phương chước tửu, Vô nguyệt bất đăng lâu.     Chú Thích :   

         Chước : vừa có nghĩa là Rót, lại vừa có nghĩa là Uống.  

          Châm Chước: Là Rót rồi bưng uống, vì Châm cũng có nghĩa là Rót, nên có Thành Ngữ: "Tự Châm Tự Chước" là Một mình rót rượu rồi uống rượu cũng một mình. Vì là tự mình rót tự mình uống nên phải biết rót cở nào cho vừa thích. Vì vậy mà từ Châm Chước còn có nghĩa là CÂN NHẮC. Ví dụ: Đối với công việc mới, nên Châm Chước rồi mới làm, có nghĩa là Cân Nhắc trước khi làm.    

        Đăng : là Lên, là Leo lên. Đăng Lâu là Lên lầu. Đăng Sơn là Lên Núi. 

   

Nghĩa Câu :  

           Có hoa (để ngắm nghía) thì mới (có hứng) để uống rượu. Không có trăng để ngắm thì không thèm lên lầu.    

         Bất cứ việc gì, nếu không có lợi lộc thì cũng phải hợp với sở thích nào đó, thì người ta mới làm.

 

 

                       

               Tam bôi thông đại đạo, Nhất túy giải thiên sầu.  


  Nghĩa Câu :     

        Ba ly vào bụng thì thông được đạo lớn, Say một cái là giải được ngàn mối sầu.   

          "Ba ly" ở đây là "nhiều ly", chớ không phải chỉ có Ba Ly, như ta thường nói "Ăn Ba Hột Cơm rồi mới đi làm", Ba Hột Cơm... làm sao no được?! Còn "Đạo Lớn" ở đây là "Đạo lý ở đời", là Đạo Làm Người! Đây là giọng điệu của những tay bợm nhậu, cũng như câu "Nhất túy giải thiên sầu" vậy. Nếu sầu thiệt thì làm sao mà giải cho nỗi! Bài trước ta đã gặp câu "Tửu bất giải chơn sầu" mà!      

       Câu trên đây có một hổn hợp xuất xứ rất lớn, này nhé...   

          Vế đầu: "Tam bôi thông đại đạo" là câu thơ trích trong bài "Nguyệt Hạ Độc Chước" của Lý Bạch với 3 câu cuối như sau:  

    

      .... Tam bôi thông đại đạo,        

           Nhất đấu hợp tự nhiên.       

           Đản đắc tửu trung thú,         

          Vật vi tỉnh giả truyền       

  Có Nghĩa :    

                    Ba ly thông đạo lớn,     

                    Một đấu hợp tự nhiên  

                    Chỉ muốn vui trong rượu     

                    Mặc kẻ tỉnh huyên thuyên .

            Vế thứ hai "Nhất Túy Giải Thiên Sầu" xuất xứ từ bài Từ Mộc Lan Hoa Mạn của Ngô Trừng đời nhà Tống, với các câu cuối như sau:  

       一 醉 解 千 愁。       Nhất túy giải thiên sầu.   

      自 有 壶 中 胜 赏,   Tự hữu hồ trung thắng thưởng,    

      酿 来 玉 液 新 篘。   Nhưỡng lai ngọc dịch tân sưu.  

  Có nghĩa :   

                   Hễ say thì ngàn sầu đều dứt,  

                   Trong bình rượu tự có nguồn vui riêng,  

                   Với những dung dịch trong như ngọc (ngọc dịch) vừa được lọc (sưu) và cất, ủ (nhưỡng) mà thành.

 

                 

         

     Thâm sơn tất cánh tàng mãnh hổ, Đại hải chung tu nạp tế lưu.  


 Chú Thích :  

          Tất Cánh : là Chắc có, Thế nào cũng...  

          Tàng : là Cất, Giấu, Ẩn mình, Chứa.    

          Chung Tu : là Rốt cuộc rồi..., Đều phải...      

          Nạp : là Nhận, là Đóng, là Tiếp nhận.   

         Tế Lưu : là Những dòng chảy nhỏ.  


  Nghĩa Câu :

             Trong núi sâu thế nào cũng có cọp dữ ẩn mình, và biển lớn là do tiếp nhận những dòng chảy nhỏ kết hợp lại mà thành. 


(Còn tiếp)


Đỗ Chiêu Đức







                  
 

              

Không có nhận xét nào: