Thứ Ba, 24 tháng 8, 2021

TĂNG QUẢNG HIỀN VĂN 24 (Đỗ Chiêu Đức sưu tầm và diễn dịch)

             TĂNG QUẢNG HIỀN VĂN  24   

          

                      

            Thiên thời bất như địa lợi, Địa lợi bất như nhân hòa.  

  Nghĩa Câu :   

           Thiên thời không bằng địa lợi, Địa lợi không bằng nhân hòa.   

          Mọi việc làm ở trên đời muốn cho thuận lợi thành công thì phải theo: Thiên Thời, Địa lợi, và Nhân Hòa. Nhưng như câu trên đã nói Thiên thời không bằng địa lợi, cái thuận lợi về Thiên cơ thời tiết... không bằng được cái thuận lợi về đất đai địa lý nơi ta cư ngụ, và Cái thuận lợi về đia lý không bằng được cái thuận lợi về nhân hòa, về tình người, về lòng người... Con người luôn luôn đóng vai trò chủ đạo trong cuộc sống của con người! 

         Làm chánh trị cũng thế. Được lòng người, được lòng dân là có tất cả, ngay từ xưa Mạnh Tử cũng đã nói: DÂN VI QUÝ mà!

 

 

                          

                   Hoàng kim vị vi quý,   An lạc trị tiền đa.

 

Chú Thích :    

        Vị Vi : Chưa chắc đã là.    

        Trị :  Đáng giá.

 

Nghĩa Câu :     

          Vàng ròng chưa chắc đã là quý giá, sự an lạc yên ổn vui vẻ mới đáng giá đồng tiền bát gạo (đáng giá thật nhiều tiền).  

          Tiền Vàng không thể mang đến niềm vui, hạnh phúc cho con người, nhưng nếu không có tiền, không có... cái để mà sống, thì cũng khó mà có được niềm vui và hạnh phúc.

 

 

              

        Thế thượng vạn ban giai hạ phẩm, Tư lường duy hữu độc thư cao.   

 

Chú Thích :  

        Vạn Ban : là Mọi Điều, Mọi Thứ, Mọi ngành nghề.   

        Độc Thư : là Đọc sách, ở đây chỉ sự Học Hành.    

 

Nghĩa Câu :  

          Ở trên đời nầy, mọi thứ mọi ngành đều là hạ phẩm, là hạng thấp, là ở cấp thấp cả. Suy nghĩ cho cặn kẽ (tư lường), thì chỉ có sự học hành để mở mang kiến thức là ở cấp cao, là cao cả nhất mà thôi.  

         Từ xưa đến nay đều thế cả, người có học thức, có kiến thức vẫn hơn những người không chịu học hành. Xã hội càng phát triển, khoa học kỹ thuật càng tiến bộ, thì lại càng cần phải Học Hành để theo kịp đà tiến hóa của nhân loại.

 

 

                        

       Thế gian hảo ngữ thư thuyết tận, Thiên hạ danh sơn tăng chiếm đa.  

 

Nghĩa Câu :    

          Trên đời nầy, những điều tốt, những lời nói tốt, thì sách vở đã nói và ghi chép cả rồi. Và... trên thế gian nầy, phần lớn những núi non nổi tiếng đều đã bị các nhà sư chiếm cả rồi.  

         Ta thấy, hễ nơi nào có thắng cảnh núi non đẹp đẽ, là nơi đó có chùa chiền miếu mạo mọc lên ngay. Đây gần như là điều hiễn nhiên đến nỗi hình thành một Thành ngữ mà ta thường nói tới: Danh Lam Thắng Cảnh!  

 

Chú Thích :   

         LAM : là Già Lam 迦 籃, Tiếng Phạn được Hán hóa, để chỉ Ngôi Chùa. Đọc trong Kiều, ta cũng thấy có câu :  

                   Gió quang mây tạnh thảnh thơi,   

                 Có người đàn việt lên chơi cửa GIÀ.    

  .... Cửa Già, là cửa Già Lam, là Cửa Chùa đó. Hễ nơi nào có "Thắng cảnh" thì nơi đó sẽ có "Danh Lam" ngay, và Danh Lam thì phải có SƯ trụ trì!

 

 

                           

                   Vi thiện tối lạc , Vi ác nan đào.   

  Nghĩa Câu :     

           Làm việc thiện là điều vui nhất, cảm thấy trong lòng vui nhất. Làm việc ác thì khó trốn, khó trốn khỏi phải gánh lấy hậu quả bị báo ứng.

 

 

               

      Dương hữu qụy nhũ chi ân, Nha hữu phản bộ chi nghĩa,   

                             ?     

                        Nễ cập tha vị cập ?  

  Chú Thích :     

        Quỵ Nhũ : Quỵ là Quỳ, Nhũ là Vú. Quỵ Nhũ là Quỳ xuống để bú.    

        Bộ : là Mớm mồi cho ăn. Bộ nhũ : cũng có nghĩa là cho bú.    

         Phản Bộ : là Mớm ngược lại cho ăn.    

         Cập : là Bằng. Vị Cập là Chưa Bằng. Bất Cập là Không Bằng.  

 

Nghĩa Câu :  

           Con dê vì biết ơn của mẹ nên Quỳ xuống mà bú. Con quạ có cái nghĩa là khi mẹ già thì nó đi kiếm mồi Mớm ngược lại cho mẹ ăn.    

           Bạn có bằng được chúng chưa hay là không bằng?!

           Quả là một bài học luân lý và là một câu hỏi hóc búa khó trả lời! Mong rằng những ai còn Cha còn Mẹ hãy ráng mà trân trọng!

 

 

                           

                 Nễ cấp tha vị cấp, Nhân nhàn tâm bất nhàn. 

 

Chú Thích :   

         Nễ : Ngôi thứ hai số it. Ngoài chữ NỄ nầy ra, ta còn 3 chữ thường gặp nữa là: Nhĩ , Nhữ 汝, và Quân , cũng cùng nghĩa trên.   

        Nhàn : Ta từng biết câu "Nguyệt lai môn hạ nhàn" , ánh trăng xiên xiên trước cửa, gợi cho ta cảm giác nhàn hạ lúc đêm về. Ở đây ta có chữ "Mộc tại môn tiền dã thị Nhàn" , có một cái cây trước cửa cho bóng mát và đón gió muôn phương, cũng gợi cho ta một cảm giác nhàn hạ lúc ban ngày. Vậy là ta có được hai chữ NHÀN cho cả Ngày và Đêm, đều được ghép theo cách Hội Ý và đều có Nghĩa như nhau. 

 

Nghĩa Câu :   

           Bạn gấp chứ họ đâu có gấp (Mầy gấp chứ Nó đâu có gấp). Người nhàn nhưng tâm lại không nhàn.    

          Có nhiều việc chỉ gấp đối với mình nên mình nóng ruột, còn người khác thì họ tỉnh bơ, vì có phải là chuyện của họ đâu! Cũng như có nhiều người trông bề ngoài thì rất nhàn nhã, nhưng trong bụng thì lại rối beng. Nếu nhìn bề ngoài không  thì có ai mà biết được. 

 

 

                                    

                   Ẩn ác dương thiện, Chấp kỳ lưỡng đoan.

  

  Đây là câu nói của Đức Khổng Phu Tử trong "Trung Dung Chi Đạo" nguyên văn như sau:    

        子 曰:「舜 其 大 知 也 與!舜 好 問 而 好 察 邇 言,隱 惡 而 揚 善,執 其 兩 端,用 其 中 於 民,其 斯 以 為 舜 乎!」  

        Tử viết: [ Thuấn kỳ đại tri dã dữ! Thuấn hiếu vấn nhi hiếu sát nhĩ ngôn, ẩn ác nhi dương thiện, chấp kỳ lưỡng đoan, dụng kỳ trung ư dân, kỳ tư dĩ vi Thuấn hồ! ]

         Khổng Tử nói: " Thuấn quả là người có trí tuệ lớn, thích đặt câu hỏi khi gặp vấn đề, lại giỏi phân tích hàm ý gần xa trong câu nói của người khác. Bỏ qua (che dấu ) những cái xấu của người khác và biết tuyên dương cái tốt của người ta. Nắm được cái chưa tới và cái quá đáng của hai phía, dung hòa lại để áp dụng cho dân chúng. Đó chính là điều vua Thuấn hơn người vậy!
       Trong đời sống thường ngày cũng vậy, ta phải biết xí xóa và đừng nhắc đến những nhược điểm của người khác, cũng như biết  khuyến khích và tuyên dương những ưu điểm, cái tốt của người đối diện, nhưng phải biết nắm vững cái NÊN và KHÔNG NÊN nói hoặc làm, thì chắc chắn mọi người chung quanh, nếu không có cảm tình thì cũng có thiện cảm với ta hơn!

 

 

                            

                Thê hiền phu họa thiểu, Tử hiếu phụ tâm khoan.  

  Nghĩa Câu :   

           Vợ mà hiền thục thì chồng sẽ ít tai họa. Con mà có hiếu thì lòng cha mới thấy thoải mái nhẹ nhàng. (KHOAN: có nghĩa là Rộng trái với Hẹp. Nghĩa bóng là Rộng Rãi, Độ Lượng, như Khoan Hồng, Khoan Dung... TÂM KHOAN: là Lòng rộng rãi dễ chịu. Khoan Khoái).

 

 

                           

                     Ký trụy phủ tang, Phản cố vô ích.  

 Chú Thích :   

        Ký : là Đã, Đã... rồi.   

        Trụy : là Rơi, Rớt. Như TRỤY LẠC chẳng hạn.    

        Phủ Tằng : Phủ là cái Nồi, Tằng là cái Nồi Hấp .    

        Phủ Tằng nói chung là chỉ dung cụ dùng để nấu.    

        Phản Cố : Cố là Chiếu Cố, là Nhìn đến. PHẢN CỐ: là Quay nhìn trở lại. Ta từng biết câu "Nhất cố khuynh thành, Tái cố khuynh quốc" (Nhìn một cái nghiêng thành, nhìn thêm một cái nữa là đổ nước) chính là chữ CỐ nầy đây. 

 

Nghĩa Câu :  

           Đã rớt vào nồi rồi, có nhìn lại cũng vô ích mà thôi!  

 Tương đương với tiếng Việt mà ta thường nói là:  

   "Cá đã nằm trên thớt rồi, có hối (phải biết đừng cắn câu) cũng vô ích mà thôi!" Câu nầy dùng để chỉ:    

          Việc gì đó đã tới nước không còn cứu vãn được nữa, thì có hối tiếc cũng vô dụng mà thôi!

 

 

                              
                   Phiên phúc chi thủy, Thu chi thực nan.
    Chú Thích :
           Phiên Phúc : Phiên là Lật, Phúc là Úp. Phiên Phúc là Lật úp.
    Nghĩa Câu :
             Nước đã lật úp rồi, (đổ sạch sẽ rồi!), muốn lấy lại thật là khó khăn thay!
             Tiếng Việt ta cũng có câu: Nước đã đổ rồi, làm sao hốt lại cho được!
            Câu trên tương ứng với thành ngữ "Phúc thủy nan thu" 覆 水 難 收. (Nước đổ khó hốt) với tích của Chu Mãi Thần như sau:
            Tương truyền, Chu Mãi Thần ( ?- 115 trước Công Nguyên), tự là Ông Chi, nhân vật chính trị đời Tây Hán, người đất Cối Kê, thuộc Ngô Huyện của Tô Châu hiện nay. Lúc còn hàn vi, chuyên nghề đốn củi để mưu sinh, vợ chê nghèo khổ mà bỏ đi. Sau được Hán Vũ Đế trọng dụng phong làm Trung Đại Phu, giàu sang phú quý, mới đem vàng bạc tặng cho vợ cũ. Bà vợ vừa hổ thẹn vừa hối hận nên tự vẫn mà chết. Người đời sau mới thêm thắc nhiều truyền thuyết chung quanh câu chuyện của ông, trong đó có truyện kể rằng...
            Khi phú quý vinh quy về làng, bà vợ cũ ra đón trước đầu ngựa xin lỗi và xin tái hợp. Chu Mãi Thần mới cầm chén nước đổ xuống đất mà bảo rằng, nếu hốt lại được nước đã đổ thì sẽ cho tái hợp. Bà vợ xấu hổ mà tự sát. Tích nầy còn cho thêm một thành ngữ nữa là "Mã Tiền Phất Thủy" 馬 前 潑 水, (Nước đổ trước đầu ngựa), để chỉ làm việc gì đó một cách quá đáng, tuyệt tình!

 

             Ta còn nhớ trong bài "Hàn Nho Phong Vị Phú" của Nguyễn Công Trứ có câu:
               ..."Khó ai bằng Mãi Thần, Mông Chính, cũng có khi ngưa cởi dù che."


              Mãi Thần chính là CHU MÃI THẦN đó vậy!


(Còn tiếp)


Đỗ Chiêu Đức





 


Không có nhận xét nào: