Thứ Bảy, 21 tháng 8, 2021

TĂNG QUẢNG HIỀN VĂN 21 (Đỗ Chiêu Đức sưu tầm và diễn dịch)


          TĂNG QUẢNG HIỀN VĂN 21

 

 

                       
                 Sát nhân nhất vạn, Tự tổn tam thiên.
  

Nghĩa Câu :
             Giết của người ta một vạn (mười ngàn) người, thì mình cũng phải tổn thất 3 ngàn (chớ đâu có ít hơn nữa!)
             Nhớ hồi xưa, khi nghe tin chiến sự, các bạn bè thường nhại lại để cười với nhau như sau: "....Bên địch chết 3, bên ta hoàn hoàn vô sự!" Có anh bạn lại tếu là: "... Bên địch chết 3, Bên ta chết hết!"
             Cái giá phải trả... thường bị ém nhẹm đi, vì một lý do nào đó... Một ông  Tướng thắng trận lên lon, có biết đâu rằng đã phải hy sinh biết bao xương máu của những Chiến sĩ Huynh Đệ Chi Binh! Từ xưa đã có câu: 
         Nhất tướng công thành vạn cốt khô. 

一 將 功 成 萬 骨 枯 .
    Có nghĩa :
               Một ông tướng công thành danh toại (nổi tiếng) đã phải đánh đổi cái quá trình đó bằng hàng vạn bộ xương khô của binh sĩ cả ta lẫn địch. Không có những trận đánh lớn, không giết được nhiều người, không thắng trận.... thì làm sao lên Tướng và nổi tiếng được!

 

 

                            
                    Thương nhân nhất ngữ, Lợi như đao cắt.
   Nghĩa Câu :
             Một lời nói làm thương tổn đến người khác thôi, lắm lúc lại làm cho người ta cảm thấy còn đau đớn hơn là bị dao bén cắt vào thịt nữa!
             Ông bà ta nói :
                           Lời nói không mất tiền mua,
                      Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau !

 

 

 

                
   Khô mộc phùng xuân do tái phát, Nhân vô lưỡng độ tái thiếu niên.
 

Nghĩa Câu :
            Cây khô gặp mùa xuân còn có thể phát trở lại, chớ người thì không có hai lần trở lại tuổi thiếu niên.
             Thời gian đã qua rồi thì không thể trở lại được nữa! Tục ngữ Trung Hoa có câu:
          Nhất thốn quang âm nhất thốn kim,   一寸光陰一寸金,
          Thốn kim nan mãi thốn quang âm.     寸金難買寸光陰.

    Có nghĩa :
             Một tất thời gian quý như một tất vàng, nhưng tất vàng không thể mua được tất thời gian!  

 



                         宿
                 Vị vãn tiên đầu túc, Kê minh tảo khán thiên.
  

Chú Thích :
          Đầu Túc : Tìm chỗ ở trọ nhà ai đó, chỗ nào đó... để qua đêm.
  

Nghĩa Câu :
             Trời chưa sụp tối, phải tìm chỗ ở trọ qua đêm trước. Gà vừa gáy sáng là phải thức dậy để xem trời (như thế nào, để còn lên đường!)
             Đây là cách sống cẩn thận, có kế hoạch chu đáo của thời trước. Không phải ở đâu cũng có nhà trọ khách sạn, và phương tiện giao thông khó khăn, nên có việc đi ra ngoài, gặp khi trời sắp tối thì phải biết tính toán mà tìm chỗ trọ qua đêm trước khi trời sụp tối, và sáng sớm phải biết dậy sớm xem thời tiết để còn lên đường đừng trễ nãi... Còn bây giờ thì khoa học kỹ thuật tiến bộ, xã hội phát triển, giao thông thuận tiện... nên con người sống cũng tùy tiện hơn, không phải mỗi chút mỗi lo như hồi trước nữa!

 

 

                     

 Tướng tướng hung tiền kham tẩu mã, Công hầu đổ lý hảo sanh thuyền.  


  Chú Thích :

       Tướng Tướng : Ta có hai chữ Tướng rất hay như sau:  

       Tướng : Tướng nầy là Tướng Quân cầm binh, con nhà võ. Cao nhất là Đại Tướng, là Nguyên Soái.  

         Tướng : Tướng nầy là Tướng Văn, là Thừa Tướng, là Tể Tướng. Quan văn mà làm tới Tướng thì lớn hơn quan Tướng của quan Võ nhiều.

           Trong câu Tướng Tướng là chỉ: Những người Thành đạt, những kẻ cả, những người có chức vụ lớn.

           Hung: là Cái Ngực. Hung Tiền: chỉ trước Ngực, là cái lồng ngực, ở đây là chỉ Bụng Dạ của kẻ cả.

           Kham : là Có thể, là Được.  

         Đổ: là Cái Bụng. Đổ Lý: là Trong Bụng, ở đây cũng chỉ Lòng dạ.  

         Sanh : là Chèo Chống.

    

Nghĩa Câu :  

            Trong lồng ngực cuả những Tướng quân, Thừa tướng có thể cởi ngựa được, Trong bụng của các Công Hầu có thể chống thuyền được.

            Ý của câu nói là muốn nhắn nhủ với những người thành đạt, những ông quan lớn, những kẻ hiển đạt... phải có lòng dạ khoan dung rộng rãi của... kẻ cả, chớ không nhỏ nhoi, chấp nê hẹp hòi như kẻ tiểu nhân. 

           Thường thì những người hiển đạt có cuộc sống sung túc giàu sang, nên lòng dạ cũng khoan dung rộng rãi hơn những người thường, nhưng rộng đến nỗi "cưởi ngựa và chống thuyền" trong bụng được thì quả là quý hóa quá đi thôi!

 

 

                    

             Phú nhân tư lai niên, Bần nhân tư nhỡn tiền.   


 Nghĩa Câu :  

            Người giàu thì lo cho năm tới, Người nghèo thì lo ngay trước mắt. 

              Nghèo, chạy gạo từng bữa, không lo ngay trước mắt sao được!?

 

 

               

     Thế gian nhược yếu nhân tình hảo, Xa khứ vật kiện mạc thủ tiền.  


 Chú Thích :   

        Nhược : là Nếu. Nhược Yếu: là Nếu Muốn.  

         Xa : là Nợ, là Thiếu chịu.  

 

Nghĩa Câu :  

           Trên đời nầy, nếu muốn cho nhân tình được tốt, thì cho người khác nợ đi những đồ đạc gì đó mà không cần lấy lại tiền.            

          Không lấy tiền, tức là Cho Không rồi còn gì!? Như thế mà nhân tình không tốt mới là lạ!

 

 

                              

                       Tử sanh hữu mệnh, Phú quý tại thiên.

    Nghĩa Câu :  

            Chết sống đều có mạng, Phú quý là do Trời.  

        Chết hay sống đều có số mạng cả, không phải mình muốn mà được. Cũng như việc giàu nghèo là do Trời đã sắp đặt sẵn, không phải tự dưng muốn giàu mà được đâu. Đó là cái triết lý sống của người xưa, tất cả đều tin vào Thiên mệnh, ta đã từng biết câu: "Mệnh lý vô thời mạc cưởng cầu" mà!

 

 

                      

              Kích thạch nguyên hữu hỏa, Bất kích nãi vô yên.  

 

Chú Thích :  

         Kích : là Đánh. Truy Kích : là Đuổi đánh.   

         Kích Thạch : là Đánh hai viên đá vào nhau.  

 

Nghĩa Câu :    

         Đánh đá vốn có lửa, không đánh đá thì không có khói.  

         Phép lấy lửa ngày xưa là cà mạnh 2 viên đá vào nhau cho nẹt lửa, rồi dùng bổi làm mồi cho lửa cháy, cho nên đánh đá để có lửa là chuyện thường tình, mà có lửa thì sẽ có khói. Không đánh đá, không có lửa, làm sao có khói được!? "Bất kích nãi vô yên" mà!

 

 

                        

                Nhân học thủy tri đạo, Bất học diệc đồ nhiên.

   

Nghĩa Câu :   

           Người mà có học mới biết đạo lý (ở đời, làm người), không học thì sẽ không biết gì cả! (uổng phí, vô dụng).  

            Vế đầu còn có một dị bản là "Vi học thủy tri đạo". Vi là Làm, là tích cực trong việc học hỏi, thì sẽ biết đạo lý ở đời. 

 

                   (Còn tiếp)


                                                   Đỗ Chiêu Đức





Không có nhận xét nào: