Thứ Tư, 25 tháng 8, 2021

TĂNG QUẢNG HIỀN VĂN 25 (Đỗ Chiêu Đức sưu tầm và diễn dịch)


             TĂNG QUẢNG HIỀN VĂN  25

 

 

                    

         Nhân sinh tri túc hà thời túc, Nhân lão thâu nhàn thả thị nhàn.


 Nghĩa Câu :   

        Người đời mà muốn cho đủ, thì biết đến bao giờ mới đủ được. Còn người già mà muốn nhàn hạ thì mới thật là thanh nhàn đó.         

        Lòng tham của con người thì không có đáy, nên không bao giờ biết đủ, luôn luôn được voi thì đòi tiên, bất tri túc là thế. 

        Đến lúc tuổi già muốn an nhàn để hưởng tuổi già thì mới thật sự hưởng nhàn, chớ tuổi trẻ mà muốn hưởng nhàn sớm thì chưa chắc đã được an nhàn để hưởng, vì còn phải chạy theo ham muốn của bản thân, hoặc phải lo toan cho cuộc sống.

 

 

                
          Đản hữu lục dương kham hệ mã, Xứ xứ hữu lộ thấu Trường An.

  

Nghĩa Câu :
              Chỉ cần có những cây dương liễu xanh xanh trên đường đi để khi nghỉ ngơi có chỗ để mà buộc ngựa, thì nơi nào cũng có đường để có thể đi đến Trường An được cả.

         

  Ý nghĩa của câu là...
               Chỉ cần ta có quyết tâm muốn làm việc gì đó thì không có gì có thể cản trở ta được, nhất định ta sẽ đến được... Tràng An mà thôi!

         Tây phương cũng có câu tương tự như thế: Chỉ cần có quyết tâm muốn về La Mã, thì... "Con đường nào cũng đưa ta về La Mã" cả!

 

 

                              

                            Kiến giả dị , Học giả nan.   

 Chú Thích :

           Giả : là Người, nhưng ở đây là Phiếm chỉ Đại từ, nên có nghĩa là: Cái Mà..., hoặc Người Mà...  

 

Nghĩa Câu :            

           Cái mà ta thấy thì dễ, Cái mà ta muốn học mới khó.             

           Rất thực tế, luôn luôn cái mà ta thấy người khác làm, người khác học... thì có vẻ dễ dàng lắm, nhưng đến khi chính mình bắt tay vào làm hoặc học, thì mới thấy được sự khó khăn khi học khi làm!           

            Đừng tưởng bở, thấy thì dễ nhưng học lại rất khó!

 

 

                          便

             Mạc tương dung dị đắc, Tiện tác đẵng nhàn khan.  

 

Chú Thích :  

         Mạc Tương : là Đừng có lấy (việc gì đó...)... hoặc    

                            Đừng có đem (xem) việc gì đó

         Đắc : là Được, là Đắc Thủ, là Thành Công.  

         Tiện Tác: Bèn lấy làm..., Bèn Cho Rằng... 

         Đẳng Nhàn : là Rổi Rảnh, là Không Nhằm Gì, là Coi rẻ.

         Đẳng Nhàn Khan : là Xem Thường, xem khinh.

   

Nghĩa Câu : 

             Đừng có thấy dễ dàng đắc thủ, dễ dàng thành công, mà xem thường xem khinh những sự việc khác. 

             Có lắm người vừa ra đời đã thành công, làm việc gì cũng đắc thủ một cách dễ dàng, bèn dễ ngươi, cứ tưởng là mình giỏi lắm, nên đâm ra ngạo mạn, xem thường xem khinh tất cả những sự việc khác... Đến khi vấp phải trở ngại, thất bại, thì lại rất chua cay, cay cú hơn người khác và muốn buông xuôi tất cả! 

            Câu nầy khuyên ta luôn luôn phải khiêm nhường, đừng thấy dễ dàng thành công mà sinh ra ngạo mạn.

 

 

                 退

      Dụng tâm kế giảo ban ban thác, Thoái bộ tư lường sự sự nan


Chú Thích :   

        Kế Giảo : là Tính Toán Từng Chút Một, Ke Re Cắc Rắc.        

        Ban Ban : chỉ Mọi Ngành Nghề, Mọi Sự Việc. 

        Tư Lường : là Suy Nghĩ Thiệt Hơn, Chần Chừ Do Dự.  


Nghĩa Câu : 

            Nếu để tâm tính toán ke re cắc rắc từng chút một, thì chuyện gì cũng lệch lạc, sai lầm. Còn cứ chùn bước suy nghĩ thiệt hơn mãi thì chuyện gì cũng thấy khó khăn cả! 

            Quả là lời khuyên quý báu! Ke re cắc rắc từng chút một thì "chơi" với ai?! Còn làm việc gì đó mà không cả quyết thì làm sao mà làm cho được!

 

 

                         

                  Đạo lộ các biệt , Dưỡng gia nhất ban.  

  Nghĩa Câu :   

           Đường lối tuy mỗi người mỗi khác, nhưng đều cùng chung một mục đích là để nuôi sống gia đình.  

            Mỗi người một ngành nghề, mỗi người một cách thức, mỗi người một kiểu kiếm tiền khác nhau (chính đáng hay không chính đáng, đàng hoàng hay mánh mung...) nhưng tựu trung đều cùng chung một mục đích là để nuôi sống gia đình mà thôi.

 

 

                          

                Tòng kiệm nhập xa dị, Tòng xa nhập kiệm nan.   

Nghĩa Câu :   

          Từ cuộc sống tiết kiệm mà đi vào cuộc sống xa hoa thì dễ. Từ đời sống xa hoa mà trở về với đời sống tiết kiệm thì khó.

          Quen ăn không quen nhịn, chí lý lắm thay! Con người ai cũng mang cái bản chất hưởng thụ sẵn trong người, nên rất dễ dàng đi vào cuộc sống xa hoa, đã sống xa hoa rồi mà muốn trở lại cuộc sống tiết kiệm thì khó còn hơn "lên trời"!

 

                     


            Tri âm thuyết dữ tri âm thính, Bất thị tri âm mạc dữ đàn.
 

Nghĩa Câu :
             Tri âm với nhau thì cùng nói cho nhau nghe, không là tri âm thì sẽ không đàn cho nghe bao giờ!
             Tri Kỷ là người bạn hiểu được mình, còn Tri Âm là người bạn hiểu được tiếng đàn của mình. Nói chung Tri kỷ Tri Âm đều chỉ người bạn thân thiết, thông cảm được mình, hiểu được mình.
             Từ "Tri Âm" là do tích của "Du Bá Nha và Chung Tử Kỳ" mà ra, ta thường gọi tắt là "Bá Nha Tử Kỳ", truyện tóm tắt như sau :
            Bá Nha và Tử Kỳ là hai người bạn tri âm thời Xuân Thu Chiến Quốc. Bá Nha, họ Du tên Thụy, là người nước Sở, nhưng làm quan Thượng Ðại Phu nước Tấn. Bá Nha nổi tiếng là một khách phong lưu văn nhã, lại có ngón đàn tuyệt diệu nhất đời và không bao giờ rời cây Dao cầm yêu quý của mình.
           Tử Kỳ, họ Chung tên Huy, là một danh sĩ ẩn dật làm nghề đốn củi để báo hiếu cha mẹ tuổi già nua, nhà tại Tập Hiền Thôn, gần núi Mã Yên, ở cửa sông Hán Dương.
            Năm đó, Bá Nha phụng chỉ vua Tấn đi sứ qua nước Sở. Trên đường về, khi thuyền đến cửa sông Hán Dương, nhằm đêm Trung Thu sáng trăng, phong cảnh hữu tình, Bá Nha cho lịnh cắm thuyền dưới chân núi Mã Yên để thưởng ngoạn. Cảm thấy hứng thú, muốn dạo chơi một vài khúc đàn, nhưng chưa dứt bài, đàn bỗng đứt dây.
           Bá Nha giựt mình tự nghĩ, dây đàn bỗng đứt thế nầy ắt có người nghe lén, vì thế mà gặp được Tử Kỳ đang khi đi đốn củi về, nhưng Bá Nha không tin là một anh tiều phu trong núi lại có thể nghe hiểu tiếng đàn của mình, mới mời lên thuyền đàm đạo và mời nghe mình đàn.
             Tử Kỳ tinh thông nhạc lý, tinh tường Dao cầm, thấu rõ lòng Bá Nha qua tiếng đàn, lúc cao vòi vọi chí tự non cao, lúc thì trời nước bao la, ý tại lưu thủy. Sau nầy ta thường nói "Tiếng đàn réo rắc như cao sơn lưu thủy" là cũng do tích nầy mà ra. Bá Nha vô cùng bái phục và xin kết nghĩa anh em. Trước khi chia tay, hai người hẹn gặp lại năm sau cũng tại chốn nầy.
           Mùa thu năm sau, khi Bá Nha trở lại Mã Yên thì Tử Kỳ đã bệnh chết, mộ còn chưa xanh cỏ. Chung lão, thân phụ của Tử Kỳ đưa Bá Nha đến mộ. Sau khi lạy bạn xong, Bá Nha gọi đem Dao cầm tới, đặt lên phiến đá trước mộ, ngồi xếp bằng trên mặt đất một cách nghiêm trang, so dây tấu khúc “Thiên thu trường hận”, tiễn người tri âm tài hoa yểu mạng. Khi vừa dứt khúc đàn, Bá Nha vái cây Dao cầm một vái, tay nâng lên cao, đập mạnh xuống tảng đá. Dao cầm vỡ tan  từng mãnh, trụ ngọc, phím vàng rơi lả tả....
           Người đời sau có thơ cảm khái rằng:


 摔 碎 瑤 琴 鳳 尾 寒, Suất toái dao cầm phượng vĩ hàn,
 子 期 不 在 對 誰 彈! Tử Kỳ bất tại đối thùy đàn.
 春 風 滿 面 皆 朋 友, Xuân phong mãn diện giai bằng hữu,
 欲 覓 知 音 難 上 難.   Dục mịch tri âm nan thượng nan.


       Tạm dịch :
                             Đập nát dao cầm phượng lạnh lòng,
                             Tử Kỳ đà mất đàn như không.
                             Gió xuân khắp chốn bao bè bạn,
                             Kiếm được tri âm khó dám mong.

            Lục bát :

                             Dao cầm đập bể phượng hàn,

                             Tử Kỳ đà mất còn đàn ai nghe?

                             Gió xuân khắp chốn bạn bè,

                             Tri âm tri kỷ chỉnh e khó tìm!!!



(Còn tiếp)


Đỗ Chiêu Đức







 

          


Không có nhận xét nào: