Thứ Hai, 23 tháng 8, 2021

TĂNG QUẢNG HIỀN VĂN 23 (Đỗ Chiêu Đức sưu tầm và diễn dịch)

                 TĂNG QUẢNG HIỀN VĂN 23


 

                    如 草

                                                                  

   Học giả như hòa như đạo, Bất học giả như cảo như thảo.

 

 Chú Thích

            Hòa : là Cây lúa.  Đạo : là Hạt lúa.          

            Cảo : là Rơm.  Thảo : là Cỏ


Nghĩa Câu : 

          Người có học thì như cây lúa, như hạt lúa. Còn người không có học thì như rơm, như cỏ. Rất thực dụng, cây lúa và hạt lúa đem lại lợi ích thực tế và to lớn hơn là rơm và cỏ thường hay bị xem nhẹ xem khinh. Bài học Thuộc Lòng của lớp Đồng Ấu ngày xưa cũng đã nhắc nhở....

                      Học thời như gấm thêu hoa,

                    Có văn có chất mới ra con người  

 

 

               .    

      Ngộ ẩm tửu thời tu ẩm tửu, Đắc cao ca xứ thả cao ca.    

 

Nghĩa Câu : 

         Gặp lúc uống rượu thì cứ uống rượu, khi nào cất cao giọng hát được thì cứ cất cao giọng hát.    

         Ý muốn nói, khi nào vui chơi hưởng thụ được thì cứ vui chơi hưởng thụ đi, đã vui chơi hưởng thụ thì đừng lo nghĩ đến chuyện khác nữa.

 

 

                                 

             Nhân phong xuy hoả, Dụng lực bất đa                                                                            

 Nghĩa Câu :

         Nhân có gió mà thổi thêm lửa, thì dùng sức không nhiều.  

         Câu nầy tương đương với...           

        "Thừa gió bẻ măng", dùng sức không nhiều và không ai hay "Thừa nước đục thả câu", chắc chắn được cá mà không phải đợi.

        Bỏ ra công sức ít, mà gặt hái được thành quả nhiều.

                                                                                                                                                                                                                                                                 

           Bất nhân ngư phủ dẫn, Chẩm đắc kiến ba đào?   

 

Nghĩa Câu :

          Không được sự hướng dẫn của ngư phủ, thì làm sao thấy được sóng gió (ba đào).  Người am tường về biển, biết nương sóng gió mà đi như những người đánh cá, thì mới có thể đưa bạn đi để ngắm cảnh ba đào biển động được.

                                                                                                                                                                                   

                     

      Vô cầu đáo xứ nhân tình hảo, Bất ẩm tòng tha tửu giá cao.   


Chú Thích :

       Đáo Xứ : là Khắp mọi nơi . 

       Tòng Tha : là Theo Nó (Nó: ở đây là Phiếm chỉ Đại từ), nên có nghĩa là: Chìu theo họ. Một nghĩa phát sinh nữa là: Mặc họ.   

 

Nghĩa Câu :

         Không cầu mong là khắp mọi nơi nhân tình đều được tốt cả, cũng như không uống những rượu mà họ muốn lên giá cao bao nhiêu cũng được. (Ghiền quá rồi, họ lên giá cao bao nhiêu cũng ráng mà uống).             

       Ta cũng có thể hiểu theo nghĩa sau đây:  Vô cầu,  đáo xứ nhân tình hảo,  Bất ẩm,  tòng tha tửu giá cao. Có nghĩa: Không có đòi hỏi gì cả, nên khắp nơi, đến đâu nhân tình cũng tốt cả! Không nhậu, nên mặc cho họ muốn đẩy giá rượu lên cao bao nhiêu cũng được! (Mình có nhậu đâu mà lo!)

                                                                                                                 

                      

  Tri sự thiểu thời phiền não thiểu, Thức nhân đa xứ thị phi đa.   

 

Chú Thích : 

       Nhắc lại chữ là chữ Giả Tá, nên có 2 âm đọc và 2 nghĩa khác nhau:          

      a ). Đọc là THIẾU : Có nghĩa là TRẺ, từ phản nghĩa là LÃO.           

      b ). Đọc là THIỂU : Có nghĩa là ÍT, từ phản nghĩa là ĐA.          

     THỊ PHI : là Chuyện đúng sai, phải trái, tốt xấu ở đời.   

 

Nghĩa Câu :

         Hiểu chuyện đời ít thì sự phiền não cũng ít đi. Quen biết nhiều người ở nhiều nơi, thì chuyện thị phi cũng nhiều thêm ra.   

 

          

              

  Nhập sơn bất phạ thương nhân hổ, Chỉ phạ nhân tình lưỡng diện đao.     

   

 Nghĩa Câu :    

              Vào núi không sợ cọp có thể làm cho người bị thương (thậm chí tử thương), mà chỉ sợ tình người ở đời như con dao hai lưỡi (bề nào, phía nào cũng có thể làm cho ta thọ thương được!)  Chỉ ví von mà thôi, cho thấy là tình người ở đời nham hiểm và nguy hiểm vô cùng, có thể hại ta trong mọi tình huống, còn dữ dằn và đáng sợ hơn là cọp nữa!  Lòng người hiểm ác khó lường! 

 

              

                    

   Cường trung cánh hữu cường trung thủ, Ác nhân tu dụng ác nhân ma.      

 

Chú Thích :

        MA : Có bộ Thạch là Đá bên dưới. Danh từ là Cái Cối xay bôt. Động từ là Xay, là Cọ xát, là Mài dũa. nghĩa bóng là Bị va chạm, dằn vật, ta có thành ngữ Thiên Ma Bách Chiết: là Ngàn lần mài trăm lần gãy, chỉ sự va chạm te tua của cuộc đời, mà trong Cung Oán Ngâm Khúc Ôn Như Hầu đã viết:

                    Đòi những kẻ Thiên Ma Bách Chiết,   

                    Hình thì còn bụng chết đòi nao.      


Nghĩa Câu :  

        Người mạnh còn có kẻ mạnh bạo hơn, người ác thì phải dùng người ác để trị nhau. Đừng có ỷ mạnh mà lấn lướt người khác, sẽ có những kẻ mạnh bạo hơn ăn hiếp lại cho coi. Còn những kẻ ác ôn côn đồ thì không thể lấy lý mà nói hoặc tử tế với họ được, mà phải dùng những kẻ ác ôn côn đồ hơn để trị lại họ.

 

             

               使       

     Hội sử bất tại gia hào phú, Phong lưu bất dụng chước y đa.   

 

Chú Thích : 

       Sử 使 : là Sử dụng, là Tiêu, Xài.            

       Hội Sử : là Biết Xài tiền, Biết cách Tiêu tiền.           

       Bất Dụng : Ngoài nghĩa Không Dùng ra, còn có nghĩa là Không Cần Phải.           

       Chước Y : là Mặc áo.     


Nghĩa Câu :   

           Biết cách xài tiền không phải ở chỗ nhà giàu sang, Phong lưu không cần phải mặc áo nhiều. Ý muốn nói...   

          Không cần phải là nhà giàu, nếu biết cách xài tiền cho đúng nơi đúng lúc, thì đồng tiền được xài ra sẽ mang đến kết quả thật tốt, có ích lợi thấy rõ. Cũng như người biết cách ăn mặc cho đúng điệu, hợp thời hợp cảnh, thì không cần phải mặc nhiều quần áo đẹp mới ra vẻ phong lưu. 

                             

 

                                                   

                  Quang âm tự tiễn, Nhật nguyệt như thoa.   

Chú Thích : 

      Quang Âm : Quang là Sáng, Âm là Tối. Sáng rồi tối, tối rồi lại sáng, Sáng là Ban ngày, Tối là Ban đêm, nên QUANG ÂM chỉ Ngày này qua ngày kia, tức chỉ THỜI GIAN qua đi.            

      Nhật Nguyệt : Cũng giống như Quang Âm. Nhật là Mặt trời chỉ Ban ngày, Nguyệt là mặt trăng chỉ Ban đêm, mà trăng thì mỗi tháng chỉ TRÒN có một lần, nên NHẬT NGUYỆT cũng chỉ Ngày Tháng. 

      THOA : là Con Thoi trên khung cưởi dệt vải, chạy qua chạy lại rất nhanh. 

 

Nghĩa Câu :             

          Thời gian qua nhanh như tên bắn, Ngày tháng qua nhanh như thoi đưa . Hai vế trên đều hàm ý chỉ Thời gian xem như chậm mà lại qua rất nhanh, nên ta phải biết trân trọng và sử dụng thời gian cho thỏa đáng, đừng để thời gian mất đi một cách oan uổng.  

        Còn một câu chỉ thời gian qua nhanh mà ta thường gặp nữa, đó là câu: "Thời gian qua nhanh như Bóng Câu qua Cửa Sổ". Khung cửa sổ đã hẹp rồi, bóng Câu (một loại ngựa chạy nhanh) thoáng qua một cái là mất liền. Nhưng, câu nói trên lấy ý từ câu nói của Trang Tử còn nhanh hơn nữa...    

 <莊 子· 知 北 游> “人 生 天 地 之 間,若 白 駒 之 過 隙,忽 然 而 已.”     < Trang Tử. Tri Bắc Du > "Nhân sinh thiên địa chi gian, nhược bạch câu chi quá khích, hốt nhiên nhi dĩ ".      

< Trang Tử. Thiên Tri Bắc Du > "Người đời sống trong trời đất, giống như là con ngựa trắng lướt ngang khe cửa, chỉ thoáng chốc mà thôi".          

         Ta nói "Thoáng qua cửa sổ" đã hẹp rồi, Trang Tử nói còn hẹp hơn nữa, chỉ "Thoáng qua khe cửa mà thôi"! 


(Còn tiếp)


Đỗ Chiêu Đức





 


Không có nhận xét nào: